Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Nguồn lực phát triển đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà. chính là gần 100 triệu người đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm xây dựng Tổ quốc (1). Thông điệp của Thủ tướng đã cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của nguồn lực con người đối với sự phát triển thịnh vượng, ổn định của đất nước. Đó không chỉ là nguồn lực chính để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, mà còn là ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của cả dân tộc không những ở thời điểm hiện tại mà còn mãi về sau. Theo đó, việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng với yêu cầu của hội nhập quốc tế không chỉ là nhiệm vụ mang tính cấp bách trước mắt mà còn là vấn đề mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng minh: ở giai đoạn nào, thời kỳ nào, nguồn lực con người cũng đóng vai trò là nhân tố trung tâm, cơ bản của mọi sự phát triển. Chính nguồn lực con người với khả năng thông minh, sáng tạo của mình đã chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược lớn nhỏ khác nhau, dù chúng có trong tay binh khí tối tân hiện đại. Không chỉ có vậy, nguồn lực con người còn nhận biết và chế ngự được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giảm thiểu những thiệt hại về người và của. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” (2). Do đó, Người chủ trương quan tâm đến việc bồi dưỡng “sức dân”, “sức người”. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, để hoàn thành những nhiệm vụ lớn, có tính chất chuyên môn hóa cao thì cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, có thể hiểu nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước, bảm đảm được tiêu chuẩn, quy định của sự phát triển, nhất là về trình độ tay nghề, sức khoẻ, được thị trường chấp nhận. Ở nước ta, thuật ngữ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được sử dụng nhiều trong những năm gần đây, muốn nhấn mạnh tới người lao động làm việc trực tiếp ở các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ yếu đối với lao động chuyên môn kỹ thuật và những người gián tiếp làm việc ở trung tâm nghiên cứu, người làm việc trong ngành Văn hóa, Y tế, Giáo dục. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế hiện nay thì đội ngũ những người lao động, công nhân, viên chức đó phải thực sự là người có trình độ chuyên môn, tay nghề bậc cao, linh hoạt, sáng tạo trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không những cho phép khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh của đất nước mà còn tạo ra sức bật, khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực ở trong và ngoài nước. Đó là sự thu hút các nhà đầu tư tìm đến thị trường nhân lực Việt Nam. Đồng thời, tạo ra lợi thế so sánh giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới về nguồn nhân lực chất lượng cao, là cơ hội, điều kiện để chúng ta đẩy mạnh hợp tác, phát triển các lĩnh vực, ngành nghề. Mặt khác, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là động lực để mỗi người phấn đấu vươn lên tự học, tự nghiên cứu, trang bị cho mình vốn sống, kinh nghiệm, sự hiểu biết để hoàn thiện và phát triển. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng như: Đại hội VIII, Đảng ta đã khẳng định: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa” (3); Đại hội XI, Đảng ta đã nhấn mạnh “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước” (4); Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu” (5)…

Nhờ vậy, nguồn lực chất lượng cao hoạt động ở các ngành nghề, lĩnh vực đã được quan tâm, tạo điều kiện phát triển toàn diện về mọi mặt và có những đóng góp nhất định vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải khẳng định rằng: Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm một cách thường xuyên, liên tục ở các thời điểm, giai đoạn khác nhau, vẫn còn xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”, nguồn lực chất lượng cao hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề chưa tương đồng với nhau. Có ngành rất nhiều nguồn lực chất lượng cao, ví dụ ngành toán học, vật lý, chế tạo máy… có ngành còn ít, như: khoa học xã hội nhân văn, văn hóa, nghệ thuật… Mặt khác, có một bộ phận nguồn nhân lực chất lượng cao có biểu hiện kiêu ngạo, tự mãn, cho rằng bản thân có tài năng, đưa ra những đòi hỏi, yêu sách phải bảo đảm các điều kiện thì họ mới làm việc được, hoặc có biểu hiện xem thường người khác.

Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế ở Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

 Ảnh: Thu Trang

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là hội nhập quốc tế ngày càng cao, nếu không quan tâm, chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì chúng ta sẽ phải đối diện với nguy cơ, thách thức tụt hậu về kinh tế, đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế hiện nay cần thực hiện một số nội dung, biện pháp sau.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đây là nội dung quan trọng có ý nghĩa hàng đầu bảo đảm cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Các tổ chức, lực lượng và bản thân người được đào tạo nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc phát triển này là để phục đất nước. Theo đó, người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải khách quan, công tâm trong việc lựa chọn người để đào tạo, bồi dưỡng, đưa ra những quy định, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho người được đi đào tạo, trong đó, sau khi học phải về phục vụ cho nơi được cử đi đào tạo; phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo để nắm bắt kịp thời chất lượng học tập, rèn luyện của người được đi đào tạo để có những động viên, chia sẻ và nhắc nhở kịp thời với những biểu hiện về diễn biến tâm lý, nhất là về phẩm chất đạo đức, lối sống. Thực tiễn hiện nay cho thấy, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, còn giản đơn, phiến diện một chiều theo cảm tính, cá nhân chủ quan. Vì vậy, chưa tạo được động lực mạnh mẽ, sự quyết tâm, say mê trong công tác của người lao động. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, lực lượng và cá nhân từng người về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần có sự thống nhất về tư tưởng và hành động, có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, phát huy dân chủ, bảo đảm ổn định, phát triển cho cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hai là, có cơ chế, chính sách sử dụng hợp lý, phù hợp với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đó là sự ghi nhận, đánh giá của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, lực lượng có liên quan đối với những đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao cho cơ quan, đơn vị và địa phương. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách đó là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào từng lĩnh vực, ngành nghề ở các vùng, miền và sự đóng góp đó cho sự phát triển ở mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương không phải là sự mặc định, có sẵn theo một khung nhất định. Trên cơ sở những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chính sách tiền lương, trọng dụng nhân tài, mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể của mình để hỗ trợ phần nào điều kiện về vật chất, hoặc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường công tác cho nguồn nhân lực chất lượng cao được phát huy thế mạnh, sở trường. Vấn đề đặt ra ở đây, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong việc phối kết hợp để xây dựng, ban hành quy chế sử dụng, làm việc đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các phòng, ban, Sở Nội vụ ở các cơ quan, đơn vị và địa phương; xây dựng môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh giữa người đứng đầu với cấp dưới; duy trì và thực hiện nghiêm túc các chế độ, quy định, nề nếp sinh hoạt ở mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương; quan tâm đến đời sống của cán bộ, công nhân viên thuộc quyền quản lý của mình.

Ba là, nắm vững và quán triệt nghiêm túc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng và sử dụng nhân tài.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc trọng dụng người tài vào làm việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra văn bản tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411. Văn bản nêu rõ “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức” (6). Nhờ có chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh những âm mưu, thủ đoạn chống phá điên cuồng của chủ nghĩa thực dân và các thế lực phản động đều bị đập tan. Đó là kết quả cụ thể minh chứng cho tài năng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng, kháng chiến, kiến quốc mà đến nay, chúng ta vẫn và sẽ phải tiếp tục học tập, noi theo. Tư tưởng tìm và trọng dụng người tài của Người cần tiếp tục được quán triệt và phát huy để đội ngũ nhân lực của chúng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay. Theo đó, cần có một môi trường trọng công bằng, đạo đức, lối sống, thượng tôn pháp luật; đề cao tính văn hóa trong các mối quan hệ, nhất là văn hóa giao tiếp, văn hóa lãnh đạo, chỉ huy…

Trong những văn kiện, nghị quyết của Đảng gần đây đã khẳng định: Phải lấy việc phát huy chất lượng nguồn nhân lực làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; là điều kiện để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. Nguồn nhân lực có chất lượng cao, với số lượng và cơ cấu hợp lý, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng, có lý tưởng cách mạng soi sáng, sẽ là động lực để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

_______________

1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, sáng ngày 17-11-2019, chinhphu.vn.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.604.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.114-115.

4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.41, 90.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.504.

Tác giả: Nguyễn Tài Công

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

;