Bàn thảo về bản quyền truyện tranh qua ba thập kỷ

Sáng ngày 22-9-2024, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) đã diễn ra buổi thảo luận bàn tròn có tựa đề “Bản quyền truyện tranh ở Việt Nam qua ba thập kỷ”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển lãm "Từ Đôrêmon tới Doraemon, 30 năm hành trình mèo máy ở Việt Nam" do Lân Tinh Foundation, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Nxb Kim Đồng tổ chức.

Tham dự có: PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; TS Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và Nghệ thuật đương đại; cùng các diễn giả: TS Alisa Freedman - Giáo sư Văn hóa đại chúng và Văn học Nhật Bản tại Trường Đại học Oregon, Hoa Kỳ; Nhà nghiên cứu truyện tranh Chu Kim (Nguyễn Anh Tuấn); Biên tập viên (BTV) Lê Phương Liên – người biên tập bộ Đôrêmon phiên bản đời đầu và BTV Đặng Cao Cường - Trưởng Ban biên tập truyện tranh, Nxb Kim Đồng.

Buổi Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về công nghiệp văn hóa, đại diện các đơn vị xuất bản ở Việt Nam, đại diện các không gian sáng tạo, người thực hành văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam cùng đông đảo khán giả yêu thích bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu hỗ trợ tối đa cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo Việt Nam. Từ năm 2010 tới nay, Viện cũng là một đơn vị nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược của Việt Nam đối với các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó, ngành Xuất bản là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đã được xác định trong phạm vi của “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong suốt quá trình hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách của Viện về văn hóa – nghệ thuật nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, chúng tôi luôn cố gắng tham gia vào các chương trình, hoạt động gắn với thực tiễn phát triển của ngành để có được những đánh giá sát với thực tiễn, từ đó các đề xuất chính sách có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn. Buổi Tọa đàm này là một hoạt động ý nghĩa trong nỗ lực chung đó của VICAS, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và chia sẻ kiến thức về bảo vệ và khai thác sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản”.

Các diễn giả tham dự đã cùng chia sẻ và trao đổi về kết quả nghiên cứu quá trình hiện diện và phát triển của truyện tranh Nhật Bản ở Việt Nam, đặc biệt là trường hợp bộ truyện Doraemon, sau khi được du nhập và xuất bản từ thập kỷ 1990 đến nay. Đồng thời, các diễn giả cũng đặt ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển chính sách nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa xuất bản, đặc biệt là truyện tranh, tại Việt Nam; bảo vệ và khai thác sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan; cũng như nâng cao năng lực sáng tác và nghiên cứu về truyện tranh trong nước.

Trong phần đầu, nhà nghiên cứu Chu Kim chia sẻ tổng quan về quá trình xuất hiện của Đôrêmon cũng như những câu chuyện thú vị đằng sau quá trình đó. Ông cho rằng hành trình này đã phản ánh sự thay đổi của một giai đoạn rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển của truyện tranh trong ngành Xuất bản Việt Nam. Bên cạnh đó còn là sự thay đổi quan trọng trong lĩnh vực bản quyền.

BTV Lê Phương Liên giới thiệu một trong những ấn bản đầu tiên của Đôrêmon

Ở phần 2, các diễn giả cung cấp những câu chuyện bên lề liên quan đến công tác biên tập, bản quyền, những phản hồi của xã hội. Là người đầu tiên được giao biên tập truyện tranh Đôrêmon, biên tập viên Lê Phương Liên chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ về những “cú sốc” đầu tiên khi tiếp cận một bộ truyện tranh thật sinh động và mới mẻ, những nỗ lực để Việt hóa sao cho tác phẩm thêm gần gũi với độc giả Việt Nam qua quá trình biên tập lời, hình ảnh và cả việc viết thêm lời dẫn truyện ở những tập đầu tiên.

BTV Đặng Cao Cường cho biết, là thế hệ kế cận, anh và các đồng nghiệp đều cảm thấy áp lực trong giai đoạn sau của hành trình Doraemon ở Việt Nam, khi vừa kế thừa thành công của giai đoạn trước, lại vừa phải cập nhật những yếu tố mới phù hợp. Đặc biệt là công tác bản quyền, trong đó có việc phải đưa tác phẩm về đúng với nguyên bản. Anh đánh giá nếu những ấn bản cũ trước năm 1992 được biên soạn tài tình từ cách đặt tên các bảo bối đến lời dẫn kết nối câu chuyện, thì tác phẩm mới phải vừa kế thừa được sự gần gũi của ấn bản cũ mà vẫn đảm bảo tính nguyên bản của bản gốc. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Doraemon ngày nay đã trở thành một “hệ sinh thái”, không chỉ có truyện tranh mà còn có cả phim điện ảnh và các sản phẩm tiêu dùng.

TS Alisa Freedman - Giáo sư Văn hóa đại chúng và Văn học Nhật Bản, Đại học Oregon, Hoa Kỳ chia sẻ, ở Nhật và ở Mỹ, thái độ của cộng đồng thường rất quyết liệt trước những hiện tượng xuất bản không bản quyền. Chính phủ Nhật đã có những cơ chế chính sách chuyên biệt để phát triển văn hóa đại chúng trở thành những sản phẩm văn hóa và lan tỏa toàn cầu. Chính vì thế, Manga (truyện tranh) và Anime (phim hoạt hình được chuyển thể từ Manga) tại Nhật Bản có cơ hội phát triển và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, lan tỏa đến nhiều lĩnh vực văn hóa khác. Doraemon là một trong những bộ truyện tranh được yêu thích trên thế giới. Cũng nhờ đó mà văn hóa Nhật Bản được biết đến trên khắp thế giới, như một hình thức “quyền lực mềm” giúp   góp phần quáng bá cho hình ảnh đất nước Nhật Bản.

TS Alisa Freedman phát biểu tại buổi Tọa đàm

Xoay quanh vấn đề những ảnh hưởng của một bộ truyện tác động mạnh mẽ đến đời sống như thế nào, BTV Đặng Cao Cường đánh giá, kể từ Doraemon, quan điểm về truyện tranh ở Việt Nam trong giai đoạn đầu đến nay đã có nhiều khác biệt. Nếu trước kia, quan niệm truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi thì nay, truyện tranh đã dành cho cả người lớn. Nếu ở giai đoạn đầu, truyện Dôrêmon từng được giảm giá khi có số lượng bản in lớn thì ngày nay, đây vẫn là bộ truyện tranh có giá rẻ nhất trong số các bộ truyện tranh của Nxb Kim Đồng. Điều này không chỉ cho thấy sự tri ân của nhà xuất bản với các độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi mà còn phản ánh mong muốn để bạn đọc nhỏ nào cũng có thể mua được cuốn truyện tranh yêu thích của tuổi thơ.

Anh Đặng Cao Cường cũng nhấn mạnh, cần có biện pháp nâng cao nhận thức của độc giả, đặc biệt là về bản quyền. Năm 1992 là một dấu mốc quan trọng, tạo nên bước đột phá không chỉ trong lĩnh vực truyện tranh ở Việt Nam mà trong cả lĩnh lực bản quyền xuất bản, khi Nxb Kim Đồng mua bản quyền và đưa Doraemon về Việt Nam.

Những vấn đề đặt ra trong buổi Tọa đàm không chỉ hữu ích trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động về văn hóa - nghệ thuật mà còn đóng góp vào sự phát triển của truyện tranh cũng như ngành Xuất bản nói chung, với mục tiêu phát triển truyện tranh đa dạng và hội nhập, khuyến khích sự phát triển bền vững thông qua việc tôn trọng và bảo vệ bản quyền. Bên cạnh đó còn là mục tiêu có được những bộ truyện tranh “made in Việt Nam” mang đậm bản sắc văn hóa riêng, góp phần vào sự phát triển đa dạng của ngành công nghiệp văn hóa.

NGÔ HỒNG VÂN

;