Tóm tắt: Người Tày ở huyện Na Hang sinh sống tập trung tại các thung lũng, ven suối, các khu trung tâm xã, thị trấn tạo nên những không gian văn hóa mang dấu ấn đặc trưng riêng. Đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng. Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của người Tày nói chung và nhà sàn nói riêng để phát triển du lịch có vai trò rất quan trọng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế của địa phương.
Từ khóa: du lịch cộng đồng, nhà sàn, người Tày, văn hóa người Tày, du lịch Na Hang.
Abstract: The Tay people in Na Hang district predominantly reside in valleys and along streams, as well as in commune and town centers. This settlement pattern has fostered distinct cultural spaces with unique characteristics. This rich cultural heritage, stemming from their concentrated settlements, presents a favorable human tourism resource for developing various types of tourism, notably community tourism. Leveraging the traditional cultural values of the Tay people, particularly their stilt houses, is crucial for both preserving and promoting their cultural heritage and fostering the local economy through tourism.
Keywords: community tourism, stilt houses, Tay people, Tay culture, Na Hang tourism.
Nét độc đáo trong kiến trúc nhà sàn người Tày Na Hang - Ảnh: tuyenquang.dcs.vn
1. Khái quát chung về tiềm năng du lịch và người Tày ở huyện Na Hang
Na Hang là huyện vùng cao ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, sở hữu hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn đặc sắc, thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau. Hệ sinh thái tự nhiên phải kể đến là vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, nơi được ví như “Hạ Long trên cạn”, được bao bọc bởi cánh rừng nguyên sinh với nhiều thác nước lớn, hang động, núi đá vôi... tạo nên bức tranh thiên nhiên “hoang sơ, kỳ vĩ, thơ mộng”. Cùng với đó là địa danh gắn với các sự tích, huyền thoại và các di tích có giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh như đền Pác Tạ, đền Pác Váng, hang Phia Muồn... Bên cạnh đó, Na Hang còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của 12 dân tộc anh em. Nằm ở vị trí tiếp giáp nhiều địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Nhờ vậy, Na Hang thuận lợi cho việc phát triển du lịch liên vùng, liên tỉnh cả về đường bộ và đường thủy, ví dụ như tuyến Chiêm Hóa - Na Hang - Lâm Bình; tuyến đường thủy Na Hang - khu danh thắng quốc gia đặc biệt Ba Bể, Bắc Kạn; và tuyến Na Hang - huyện Bắc Mê, Hà Giang.
Hiện nay, huyện Na Hang đã khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, từ du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái đến du lịch mạo hiểm với các hoạt động phổ biến như khám phá các hang động, thác nước kỳ vĩ, chèo thuyền kayak, du thuyền trên vùng lòng hồ, cắm trại và các hoạt động leo núi, dù lượn, rừng nguyên sinh... Na Hang cũng chú trọng khai thác, phát triển du lịch cộng đồng mang lại những trải nghiệm về các hoạt động văn hóa (hát then, Páo Dung, giã bánh dày, dệt thổ cẩm, in sáp ong, thêu hoa văn, tham gia lễ hội, trò chơi dân gian...) và trải nghiệm cuộc sống giản dị của người dân các dân tộc Tày, Mông, Dao... đã có lịch sử sinh sống lâu đời trên địa bàn huyện.
Người Tày là dân tộc có số dân đông nhất ở huyện Na Hang sinh sống hầu hết các xã trong huyện. Người Tày mỗi địa phương lại có những dấu ấn văn hóa mang bản sắc, đặc trưng riêng của vùng. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong kiến trúc làng bản, nhà sàn, trang phục, tập quán sản xuất, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghi lễ, lễ hội... Các giá trị văn hóa của dân tộc Tày đã và đang được huyện Na Hang khai thác đưa vào phục vụ cho phát triển du lịch như khai thác kiến trúc nhà sàn làm homestay, khuyến khích bà con mặc trang phục, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, khôi phục lễ hội Lồng tồng, ẩm thực, các sản phẩm thủ công... Tuy nhiên, so với kho tàng các giá trị văn hóa truyền thống mà người Tày nơi đây đang lưu giữ thì Na Hang còn nhiều tiềm năng, cần tiếp tục khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển cho du lịch, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa ở địa phương.
2. Nhà sàn truyền thống của người Tày ở huyện Na Hang
Người Tày thường cư trú ở thung lũng, gần sông, suối, gần rừng để tiện nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, tiện chăm sóc cây trồng, khai thác nguồn lâm sản. Tên gọi của bản thường theo đồng ruộng, khúc sông, suối, ngọn núi như Nà Noong, Nà Khá, Nà Va...
Vị trí dựng các ngôi nhà sàn thường là ven cánh đồng, ven suối, mặt thoáng nhìn ra cánh đồng, nằm trong khuôn viên được bao bọc bởi hàng rào phên nứa hay cọc gỗ hoặc hàng rào cây xanh. Xung quanh ngôi nhà sàn thường có ao thả cá, mảnh vườn trồng nhiều loại cây ăn quả, rau xanh như đào, lê, táo, bầu bí, cây gia vị, nhiều cây thuốc, cây mía... Khu vườn trồng rau được rào bằng phên nứa tránh gia súc, gia cầm phá hoại. Nhiều nhà sàn còn được bao bọc bởi hàng cau vừa tạo cảnh quan, vừa cung cấp quả cau, lá trầu cho tục ăn trầu của người Tày. Gầm nhà sàn mở ra không gian xung quanh, là chứa các vật dụng sinh hoạt, lao động sản xuất và chuồng gia súc, gia cầm.
Loại hình nhà sàn người Tày thuộc kiểu nhà sàn có bốn gian 2 chái hoặc 4 mái, có nơi lập 5 gian hoặc 3 gian 4 mái (xã Thượng Nông)... Hai mái chính có độ dốc vừa phải, mái trước và mái sau lập bằng nhau, hai mái phụ lập thấp hơn mái chính ở hai phía đầu hồi. Nhà sàn thường có hai cầu thang lên xuống, cầu thang chính đặt đầu hồi phía trước ngôi nhà, cầu thang phụ đặt phía sau ngôi nhà, gồm 9 bậc hoặc 7 bậc và không có tay vịn. Người Tày nơi đây quan niệm mỗi bậc cầu thang tượng trưng cho vía của con người, số lẻ là chưa viên mãn đầy đủ nên bậc thang làm theo số lẻ thì gia chủ sẽ gặp được nhiều thuận lợi, may mắn, làm ăn tiến tới, con cháu phát triển. Dưới chân cầu thang thường bố trí máng nước bằng gỗ hoặc thân vầu hay bằng đá, khách đến nhà có thể rửa tay, chân trước khi bước lên nhà.
Mặt bằng sinh hoạt trong nhà sàn chia thành nhiều gian khác nhau và mỗi gian đều có chức năng riêng. Gian thứ nhất là gian khách, có bếp phụ và giường ngủ dành cho khách. Gian thứ hai là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ở chủ nhà hoặc người lớn tuổi. Gian thứ ba là nơi ở dành cho chủ hoặc các thành viên khác, gian này cũng là gian bếp của gia đình, chạn bát và khu bảo quản các loại thực phẩm, đồ dùng. Gian thứ tư là nơi dành cho các con, cũng có gia đình sử dụng làm nơi để lương thực, chạn bát, nơi rửa bát... Đầu hồi phía sau có sàn rửa, tắm giặt, vệ sinh, cầu thang phụ dùng xuống chuồng gia súc, gia cầm... Các mặt xung quanh ngôi nhà được che bằng phên đan từ nứa, vầu hoặc ván gỗ, có nhiều cửa sổ, cánh cửa có nhiều hoa văn trang trí, được chống lên vào mùa hè, đóng lại khi trời mưa, trời lạnh. Do vậy, nhà sàn người Tày thường thoáng, mát, sáng sủa quanh năm.
Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi hộ gia đình, nguyên vật liệu sử dụng để lập nhà thường khác nhau, chủ yếu là các loại nguyên liệu có sẵn ở địa phương như các loại gỗ quý đinh, lim, trò, nghiến... dùng làm khung nhà, ván sàn, ván bưng. Nhiều gia đình sử dụng vầu, tre, nứa làm phên, vách và mặt sàn... và lá cọ hoặc ván gỗ để lập mái có độ bền cao. Kỹ thuật dựng nhà sàn của người Tày chủ yếu bằng kỹ thuật đẽo, bào, đục mộng, chốt, buộc, néo... bởi các công cụ thô sơ như rìu, cưa, dao... Vì vậy, để làm được nhà sàn lớn, bằng các nguyên vật liệu gỗ quý... phải mất 2-3 năm thậm chí hàng thập kỷ. Quá trình làm nhà, họ thường được giúp đỡ, đóng góp của bà con trong bản. “Nhà này được làm từ cây gỗ nghiến 1.000 năm tuổi, đốn cây bằng lửa, xẻ bằng cưa, mất 15 năm chuẩn bị. Thân cây gỗ xẻ làm 6 cột chính, ván lát mặt sàn, và nhiều tấm ván bưng khác. Do vậy, nhà đã tồn tại gần 50 năm tuổi mà vẫn vững chãi, chắc chắn như hiện thời” (phỏng vấn ông Ma Văn Ất, 80 tuổi, xã Năng Khả).
Cũng như nhiều dân tộc thiểu số ở miền núi khác, trong quá trình dựng nhà người Tày cũng có nhiều nghi lễ quan trọng liên quan đến quá trình dựng nhà như Lễ chọn đất, lễ động thổ, lễ dựng cột nhà, lễ làm bếp lửa, lễ vào nhà mới, lễ tiến ông Táo, lễ cúng thức, lễ đưa đón.
Ngày nay, nhà sàn truyền thống của người Tày ở Na Hang đã và đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn. Các nhà sàn truyền thống được thay thế bằng nhà đất, nhà xây mái bằng, nhà tầng hoặc sự biến đổi về kiểu dáng, kiến trúc, bố trí mặt bằng sinh hoạt, nguyên vật liệu dựng nhà. Một phần là do sự khan hiếm, cạn kiệt các nguyên vật liệu, sự thay đổi về cảnh quan môi trường, sự phát triển đời sống kinh tế, xã hội... nhưng phần lớn tác động bởi tâm lý không thích ở nhà sàn, nhu cầu thay đổi không gian sống, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Một chủ hộ kinh doanh homestay cho biết: “Mặc dù, Na Hang còn lưu giữ nhiều làng bản truyền thống với hàng chục nhà sàn cổ nhưng một số nhà sàn khác không còn có người ở vì họ đã xây nhà bên cạnh nên nhà sàn được sử dụng làm chuồng trâu, thậm chí là tháo dỡ làm củi đốt” (phỏng vấn chị Nông Mi Sa, 41 tuổi, kinh doanh du lịch, xã Năng Khả). Do vậy, cần có những nhận diện về các giá trị của nhà sàn; bảo tồn, khai thác, phát huy nhà sàn truyền thống trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch cộng đồng của huyện Na Hang.
3. Các giá trị của nhà sàn truyền thống người Tày ở huyện Na Hang
Nhà sàn người Tày không chỉ là nơi sinh hoạt mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Tày, là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Nhà sàn Tày chứa đựng nhiều giá trị quan trọng về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật thẩm mỹ, giá trị di sản văn hóa, giá trị kinh tế.
Nhà sàn Tày mang giá trị lịch sử tộc người và của địa phương. Thông qua câu chuyện về các ngôi nhà sàn, về kiến trúc, kỹ thuật, nguyên vật liệu, chúng ta sẽ thấy được quá trình phát triển, trình độ sản xuất, giao lưu văn hóa giữa các tộc người như thay đổi nguyên vật liệu, công cụ kỹ thuật, nghệ thuật trang trí, bố trí mặt bằng...
Giá trị kiến trúc truyền thống là những sáng tạo, sự hài hòa với tự nhiên, xã hội truyền thống, mang nét riêng biệt của Na Hang so với người Tày ở nhiều địa phương khác.
Giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ thể hiện trong việc khắc họa các họa tiết hoa văn trên các cột, dầm, hoa văn đan phên vách, cửa sổ, trang trí và bố trí không gian sinh sống trong nhà. Ngôi nhà như tác phẩm nghệ thuật trạm trổ giữa không gian xanh của thiên nhiên bởi cây cối, cây cỏ, ao cá điểm lên các khóm hoa sen, hoa súng hay nổi bật giữa các cánh đồng vàng bát ngát.
Giá trị văn hóa của nhà sàn Tày không chỉ mang giá trị về văn hóa vật chất mà còn mang giá trị văn hóa tinh thần thể hiện sự sáng tạo, sự thích ứng với môi trường tự nhiên - kinh tế - xã hội, thế giới quan, nhân sinh quan và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa của người Tày.
Giá trị xã hội thể hiện trong cách bố trí sinh hoạt thể hiện vai trò và vị trí các thành viên, bếp lửa thể hiện sự gắn kết các thành viên gia đình, gia đình và cộng đồng; trong quá trình lập nhà phản ánh tương thân tương ái, tính cộng đồng, tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau của người Tày huyện Na Hang.
Giá trị kinh tế mà nhà sàn truyền thống người Tày mang lại là có giá trị cao, nhất là những ngôi nhà được làm từ các nguyên vật liệu gỗ quý. Hiện nay, những nhà sàn có giá thấp nhất là hơn 100 triệu đồng, có những nhà sàn cổ có giá trị lên tới hàng tỷ đồng tuỳ theo diện tích, độ bền của các nguyên liệu làm nhà. Không những vậy, việc khai thác nhà sàn thành dịch vụ lưu trú, tham quan trải nghiệm, tìm hiểu, chụp ảnh, checkin cho du khách cũng mang lại những giá trị kinh tế, giúp cho cộng đồng người Tày có lao động việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Nhà sàn truyền thống người Tày có giá trị và ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm du lịch huyện Na Hang. Đây là biểu trưng văn hóa, là hình ảnh nhận diện văn hóa của người Tày trong bức tranh văn hóa các dân tộc ở Việt Nam cũng như người Tày ở Na Hang so với các địa phương khác. Mặt khác, các giá trị văn hóa trong không gian nhà sàn truyền thống người Tày nơi đây cũng mang nét đặc trưng riêng biệt gắn với cảnh quan môi trường tự nhiên, cảnh quan xã hội mà chỉ Na Hang mới có như nhà làm bằng các cây gỗ quý (gỗ nghiến 1.000 năm tuổi, đinh, lim, trò...), gắn vùng hồ sinh thái, rừng nguyên sinh...
4. Thực trạng bảo tồn, khai thác, phát huy nhà sàn truyền thống của người Tày trong phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Na Hang
Trong những năm qua, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trong huyện Na Hang đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc phát triển du lịch. Chính quyền đã chủ động xây dựng và ban hành văn bản, đề án phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số (1); linh hoạt vận dụng cơ chế chính sách của Trung ương trong việc quy hoạch, đầu tư, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Năm 2024, huyện Na Hang đang trọng tâm khai thác khu du lịch sinh thái hồ Na Hang - Lâm Bình, phát triển 3 mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Nà Khá (xã Năng Khả), thôn Khâu Tràng (xã Hồng Thái), thôn Bản Bung (xã Thanh Tương), cùng với tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch như Lễ hội hương sắc Na Hang, giải đua xe đạp địa hình, hoạt động chợ đêm... Ước tính năm 2024, du lịch huyện Na Hang đã thu hút 450 nghìn lượt khách, đạt 128,6% kế hoạch, doanh thu đạt trên 400 tỷ đồng (2). Trong thời gian tới, huyện Na Hang phấn đấu xây dựng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình trở thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá an toàn, hấp dẫn, thân thiện, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Từ những định hướng phát triển đó, nhà sàn truyền thống đã và đang trở thành giá trị văn hóa được khai thác, phát huy phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.
Hiện nay, nhà sàn truyền thống của người Tày huyện Na Hang đang được khai thác tập trung 3 dịch vụ.
Thứ nhất, khai thác nhà sàn người Tày làm các homestay. Loại hình dịch vụ này có hai hướng khai thác chính. Một là dựa trên cơ sở nguyên vật liệu, khung nhà sàn truyền thống sẵn có cải tạo tân trang, lắp ghép, sơn sửa, bố trí lại mặt bằng, xây dựng các công trình phụ, sân vườn... thành homestay lưu trú cho khách du lịch với sức chứa khoảng 20 khách trở lên. Nguồn vốn đầu tư tự có hoặc được sự hỗ trợ một phần từ chính sách hỗ trợ phát triển du lịch ở địa phương. Tiêu biểu: ngôi nhà sàn của gia đình ông La Van San - hộ kinh doanh homestay ở xã Năng Khả, được UBND huyện chọn để phát triển du lịch cộng đồng vào năm 2016. Bên cạnh các mô hình phát triển homestay truyền thống, gia đình bà Ngô Thị Ngoan - chủ homestay Đèo Bụt với mô hình du lịch homestay dựa trên nhiều loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng, sức khoẻ, du thuyền, trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Tày. Với mô hình này, du khách sẽ được trải nghiệm 3 dịch vụ lưu trú độc đáo là: lưu trú cùng gia đình, lưu trú không gian riêng khép kín trên hai ngôi nhà sàn kết hợp truyền thống và hiện đại và lưu trú trên ngôi nhà sàn mộc truyền thống bằng phên, vách, gỗ thô sơ, mái lá. Mỗi loại hình sẽ mang đến những trải nghiệm khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu của du khách, chủ nhà sẽ bố trí không gian lưu trú phù hợp. Điều đáng lưu ý của những ngôi nhà sàn này đều được dựng lên từ ngôi nhà sàn truyền thống bị bỏ hoang, hư hỏng nên mỗi một căn nhà là tập hợp nguyên vật liệu từ nhiều ngôi nhà sàn khác được tháo dỡ, mài đẽo, cưa xẻ... lắp ghép lại theo kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày huyện Na Hang. Hai là khai thác mô hình, kiến trúc nhà sàn truyền thống thành các nhà sàn với các nguyên liệu, bố trí không gian mang tính hiện đại phục vụ lưu trú cho các du khách nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh nhà hàng và nhiều loại hình dịch vụ khác. Loại hình khai thác này phổ biến ở trung tâm thị trấn Na Hang - nơi phát triển nhiều loại hình lưu trú hiện đại đáp ứng nhu cầu lưu trú của các dòng khách khác nhau, đặc biệt là giới trẻ.
Thứ hai, khai thác ngôi nhà sàn cổ thành điểm tham quan, tìm hiểu kiến trúc truyền thống và văn hóa lịch sử của nhà sàn và người Tày ở xã Năng Khả. Hình thức này mới được khai thác trong những năm gần đây. Qua đó, giúp cho du khách được tìm hiểu, tham quan về nhà sàn và văn hóa người Tày qua “các câu chuyện về quá trình dựng nhà, kỹ thuật, kiến trúc, ý nghĩa các vật dụng, bố trí mặt bằng... của ngôi nhà từ chính chủ nhà - vừa là xây dựng, lưu giữ ngôi nhà, vừa là thày cúng và có tuổi đời trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Tày qua bao thế hệ” (phỏng vấn chị Nông Mi Sa, 41 tuổi, kinh doanh du lịch, xã Năng Khả). Đây là hình thức khai thác hấp dẫn rất nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Vì vậy, ngôi nhà sàn cổ, kiến trúc làng bản yên bình, thơ mộng với nhiều nhà sàn truyền thống nơi đây sẽ trở thành điểm đến yêu thích của du khách, cần được nâng tầm, phát huy.
Thứ ba là khai thác các giá trị văn hóa gắn với không gian nhà sàn truyền thống của người Tày. Mỗi nhà sàn không phải là không gian để ở mà còn là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt đời sống của họ. Vì vậy, các hộ kinh doanh homestay họ đã khai thác nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Tày phục vụ cho du khách, từ trải nghiệm văn hóa ẩm thực (ăn, uống các món ăn, rượu ngô men lá truyền thống được du khách thu hái từ khu vườn trong khuôn viên, hay trên các bìa rừng, học cách nấu ăn và kết hợp các món ăn theo phương pháp nấu ăn truyền thống có lợi cho sức khoẻ...), trang phục (du khách trải nghiệm mặc trang phục, chụp ảnh) hay các hoạt động lao động sản xuất (bắt cá dưới ao, bắt vịt gà, cấy lúa, tưới rau, đan lát...) đến các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ (hát then, đàn tính, trò chơi dân gian...) cũng được người Tày tái hiện cho du khách trong khuôn viên ngôi nhà sàn truyền thống. Mang lại những trải nghiệm bổ ích, lý thú, hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế. “Mỗi tháng đón khoảng 2-4 đoàn khách quốc tế, họ rất thích khám phá các hang động, leo núi, trải nghiệm đi rừng hái rau, hái thuốc; tự tay chế biến món ăn, xem và tham gia biểu diễn văn nghệ” (phỏng vấn bà Ngô Thị Ngoan, 67 tuổi, kinh doanh homestay, xã Năng Khả).
Những dịch vụ khai thác nhà sàn truyền thống của người Tày đã tạo nên điểm nhấn cho du khách trong hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng ở huyện Na Hang. Nhưng so với kho tàng các giá trị văn hóa gắn với ngôi nhà sàn của người Tày và văn hóa các dân tộc nơi đây, chính quyền địa phương và cộng đồng cần tập trung khai thác thế mạnh điểm du lịch cộng đồng người Tày có quy hoạch, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều mô hình điển hình gắn với định hướng phát triển kinh tế xanh, du lịch xanh, phát triển bền vững của đất nước.
5. Thảo luận
Để bảo tồn, phát huy nhà sàn truyền thống của người Tày trong phát triển du lịch cộng đồng, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục tiến hành kiểm kê, xác định tình trạng các ngôi nhà sàn truyền thống trên địa bàn toàn huyện, kịp thời có chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ nhằm bảo tồn, lưu giữ những ngôi nhà cổ, có giá trị về mặt lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh mang tính đặc trưng của huyện. Tuyên truyền sâu rộng ở địa phương nhằm nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa về giá trị của ngôi nhà sàn, vai trò của nó trong phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Tổ chức và nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng, homestay, sáng kiến phát triển kinh tế gắn với cảnh quan môi trường tự nhiên và xã hội của người Tày. Thúc đẩy sự đa dạng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, nổi bật, có chất lượng thu hút du khách và đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển du lịch của huyện.
Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các địa phương còn lưu giữ kiến trúc làng bản, kiến trúc nhà sàn truyền thống; tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ lưu trú homestay, kinh doanh du lịch cộng đồng.
Phát triển các sản phẩm ngành nghề thủ công của người Tày như thiết kế nhà sàn thủ công mini thành hàng lưu niệm, khai thác hoa văn từ các họa tiết đan lát trên phên, vách truyền thống bằng các vật liệu tre, nứa; các vật dụng trong gia đình thành sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường.
Tăng cường tổ chức, liên kết các chương trình tham quan, trải nghiệm giữa các địa phương, doanh nghiệp nhằm liên kết xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên các lợi thế của địa phương. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp... theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, lòng hồ tự nhiên, môi trường sống của người Tày; giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, xã hội phát triển ổn định, an toàn; kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập ổn định cho người dân ở địa phương.
Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch ở huyện Na Hang như số hóa các giá trị văn hóa (tài liệu, hình ảnh...), mã QR, thực tế ảo AR/VR, phát triển mô hình du lịch trực tuyến, sản phẩm công nghiệp văn hóa dựa trên các giá trị văn hóa dân tộc gắn với điểm du lịch cộng đồng...
Ngoài ra, cần tăng cường quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng với du khách trong nước và quốc tế trên các kênh thông tin đại chúng (báo, đài, trang web, các trang mạng xã hội...), thông qua các tổ chức, các công ty du lịch lữ hành, các du khách đã đến với du lịch huyện Na Hang. Tổ chức các cuộc thi thiết kế các sản phẩm truyền thông du lịch phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng của huyện. Phương châm lấy mỗi người dân là một kênh truyền thông, huyện có chính sách thu hút và khuyến khích mỗi cá nhân tích cực phổ biến, tuyên truyền về du lịch Na Hang và các giá trị văn hóa của dân tộc thông qua mạng lưới quan hệ xã hội của các thành viên trong cộng đồng dân tộc huyện Na Hang.
___________________________
1. Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 31-12-2021 của Uỷ ban nhân dân huyện Na Hang về việc phê duyệt Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch huyện Na Hang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030).
2. Báo Tuyên Quang, Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, sovhttdl.tuyenquang.gov.vn, 25-1-2025.
Tài liệu tham khảo
1. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Văn hóa phi vật thể các dân tộc ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nxb Văn hóa - Thông tin, Công ty văn hóa Trí tuệ Việt, Hà Nội, 2006.
2. Nguyễn Đức Chiện, Nguyễn Thị Hà, Triệu Thị Kim Anh, Mai Thanh Hòa, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà ở truyền thống của người Tày trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương: Nhìn từ thực tế huyện Na Hang, Tuyên Quang, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 49, 2024, tr.12-19.
3. Lê Thị Thúy Hoàn, Nhà sàn truyền thống của người Tày ở Nà Hang (Tuyên Quang), Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2 (92), 11-2022, tr.11-22.
4. Trần Thị Ngân Giang, Nhà sàn của người Tày ở khu du lịch sinh thái Na Hang, tỉnh Tuyên Quang - Những giá trị văn hóa và phát triển du lịch, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 8, 7-2021, tr.115-120.
5. Phạm Thị Trầm, Phát triển bền vững du lịch huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7, 6-2022, tr.67-77.
Ngày Tòa soạn nhận bài:29-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 1-4-2025; Ngày duyệt đăng: 28-4-2025.
TS TRIỆU THỊ NHẤT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025