Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024- đợt 2 diễn ra vào tối 15-10 tại Trung tâm Hội nghị -Triển lãm tỉnh Bình Dương (TP Thủ Dầu Một) đã khép lại 15 ngày sôi nổi thể hiện tài năng, khát khao sáng tạo, cống hiến, ngọn lửa đam mê nghề nghiệp của gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 24 đoàn nghệ thuật trong cả nước.
Các đồng chí Lãnh đạo trao giải thưởng cho các thành phần Sáng tạo xuất sắc
Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2024- đợt 2 do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Bình Dương chủ trì, giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương tổ chức.
Tham dự Lễ bế mạc Liên hoan có: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông - Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan; Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc; Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSND Trần Ly Ly; Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh; Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương- Trưởng BTC Liên hoan; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương Bùi Hữu Toàn- Phó trưởng BTC Liên hoan... nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật cùng đông đảo khán giả.
NSND Nguyễn Quang Vinh- Chủ tịch HĐNT đánh giá tổng kết
Thay mặt Hội đồng Nghệ thuật, NSND Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra những đánh giá, nhận xét về Liên hoan. Ông cho biết, đã có trên 200 tiết mục biểu diễn nghệ thuật ở các thể loại Ca, Múa, Nhạc, Thanh xướng kịch, Nhạc kịch, Nhạc vũ kịch... dự thi tại Liên hoan. Trong đó, có những chương trình mang đậm bản sắc của địa phương thông qua những tiết mục cũng hết sức chân phương, mộc mạc, thậm chí là giữ nguyên hình thức, giữ nguyên những cổ bản, những làn điệu truyền thống đã có từ xa xưa.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình được đầu tư xây dựng có trí tuệ. Từ kịch bản xuyên suốt, bám sát chủ đề của chương trình, có bố cục chặt chẽ với đủ các thể loại, biết kết hợp tương tác từ trang trí mỹ thuật, đạo cụ, hình ảnh, công nghệ, khai thác kết hợp phát triển giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữa các hình thái sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng với lối trình diễn của sân khấu đương đại, tạo điều kiện để các nghệ sĩ có cơ hội thăng hoa tỏa sáng ở từng vai diễn.
“Chúng ta ghi nhận những sự sáng tạo, với những thành quả đã đạt được của các đơn vị, đặc biệt ghi nhận sự cố gắng nỗ lực cao của các đơn vị đã mạnh dạn xây dựng chương trình ở thể loại Thanh xướng kịch, Nhạc kịch, Nhạc vũ kịch... Vì đây là những thể loại cần được đầu tư một cách đồng bộ từ tất cả các khâu sáng tạo đến năng lực nguồn nhân sự của đơn vị”- Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ghi nhận.
Bên cạnh những thành công, Hội đồng Nghệ thuật cũng nhận xét rằng, dù rất cố gắng để tạo ra sản phẩm có sự thay đổi khác nhau về bản sắc, một số tiết mục vẫn khó có thể tránh khỏi việc trùng lặp khi sử dụng các thủ pháp trong lối nghệ thuật sắp đặt, bài trí hoặc khai thác các nền tảng công nghệ âm nhạc giống nhau...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu bế mạc Liên hoan
Phát biểu bế mạc Liên hoan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông thống nhất với đánh giá, tổng kết về chuyên môn của Hội đồng Nghệ thuật. Thứ trưởng cho biết, Liên hoan là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp với tinh thần kế thừa và phát huy cũng như tôn vinh, quảng bá, các giá trị đặc sắc, độc đáo của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam và tinh hoa nghệ thuật biểu diễn của thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tại Liên hoan lần này, các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc đã thể hiện được hết tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, đồng thời được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp.
“Trải qua 15 ngày đêm biểu diễn tranh tài, các nghệ sĩ, diễn viên đã đem đến cho khán giả yêu âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm. Các tiết mục ca, múa, nhạc đem đến Liên hoan, không chỉ thể hiện tinh hoa của âm nhạc và nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cũng như của thế giới, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam”- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Trên vai trò quản lý nhà nước, Thứ trưởng đề nghị tại các liên hoan ca múa nhạc trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách, các đơn vị nghệ thuật cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các phần thi; có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này.
Các đồng chí Lãnh đạo trao Huy chương Vàng cho Chương trình xuất sắc
Ban tổ chức trao Huy chương Vàng cho tiết mục xuất sắc
Tại Lễ bế mạc, căn cứ quy chế của Liên hoan, kết quả chấm thi của Hội đồng Nghệ thuật và quyết định trao giải thưởng của Bộ VHTTDL, BTC đã trao Huy chương Vàng cho 3 chương trình dự thi xuất sắc nhất, gồm: Mệnh lệnh từ trái tim của Nhà hát Ca Múa Nhạc Công an Nhân dân, Miền đá gọi - Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, Tiếng gọi mạch nguồn - Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương; Huy chương Bạc được trao cho 6 chương trình: Dòng sông kể chuyện của Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), Gió cực Đông- Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển (Phú Yên), Khát vọng bừng sáng- Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc tỉnh Ninh Thuận; Đi lên cùng nắng gió- Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị, Khát vọng xứ trầm- Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa), Sóc Trăng âm vang ngày hội- Đoàn Nghệ thuật Khmer (Sóc Trăng).
Cảnh trong chương trình "Tiếng gọi mạch nguồn" đạt HCV của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương
Ban Tổ chức cũng đã trao 32 HCV và 66 HCB cho các tiết mục đơn ca, song ca, múa, độc tấu...; 5 giải thưởng cho các thành phần sáng tạo: Sáng tạo xuất sắc, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Biên đạo múa xuất sắc, Nhạc sĩ xuất sắc và Họa sĩ thiết kế sân khấu xuất sắc.
Ngoài ra, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng tặng giấy khen cho Nhạc sĩ sáng tác- phối khí xuất sắc, Dàn nhạc xuất sắc, Chỉ huy dàn nhạc xuất sắc, Nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tặng giấy khen cho các Tập thể nghệ sĩ múa xuất sắc.
XUÂN HƯỚNG - Ảnh: NHẬT NAM