Bộ VHTTDL tập huấn, phổ biến các văn bản, quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ngày 8-4-2022, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến các văn bản, các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân. Hội nghị nhằm trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; các công chức, viên chức làm công tác giải quyết đơn thư, tham mưu cho lãnh đạo xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tại Hội nghị, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL đã phổ biến các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo như: Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1-10-2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH 3 ngày 25-11-2013; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân; Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 1-10-2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân, Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11-11-2011...; các kỹ năng tiếp công dân, quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo thì trách nhiệm của cơ quan quản lý phải tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, các phản ánh, các khiếu nại, tố cáo của công dân, trách nhiệm này được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật. Đối với các cơ quan, đơn vị, việc xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của thủ trưởng, do đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có hoạt động liên quan trực tiếp  quyền và nghĩa vụ của công dân  phải ban hành các quy chế tổ chức tiếp công dân. Tại nơi tiếp công dân, phải tuân thủ các quy định về các điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho người thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của người đến phản ánh và thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải là người trực tiếp bố trí thời gian tiếp công dân định kỳ hằng tháng phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế và đặc thù của các cơ quan, đơn vị...

Đồng thời, ông Phạm Cao Thái cũng chia sẻ những kinh nghiệm về xử lý một số tình huống tiếp công dân; cách xử lý đối với các trường hợp vi phạm trong quá trình tiếp công dân; việc xử lý các loại đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh, đơn nhiều nội dung, xử lý đơn do các cơ quan cấp trên tiếp nhận và chuyển xuống đối với vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết; việc xử lý đối với các trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại đúng quy định của pháp luật, có hiệu lực nhưng người dân vẫn kiến nghị, khiếu kiện kéo dài...

Thông qua hội nghị tập huấn, lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có điều kiện nắm vững thêm các kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng để đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Qua đó, các cơ quan, đơn vị có thể kịp thời thụ lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định; hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp, kéo dài, đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, không để tồn đọng, kéo dài mà không có lý do chính đáng.

Tin, ảnh: THÙY LINH

;