Cây đũa thần "công nghệ"

Văn học và phim ảnh từng có nhiều câu chuyện xoay quanh ước mơ cải lão hoàn đồng. Niềm mơ ước ấy giờ đã được công nghệ thực hiện trên phim ảnh.

Một ví dụ rõ nét nhất của việc cải lão hoàn đồng nhờ công nghệ là trường hợp của nam diễn viên Johnny Depp khi anh xuất hiện trong phần 5 của bộ phim Pirates of the Caribbean (Cướp biển vùng Caribbean). Trong phim có một cảnh hồi tưởng của tài tử Johnny Depp trong vai thuyền trưởng Jack Sparrow. Trông anh chỉ khoảng 26 tuổi dù thực tế lúc đóng Pirates of the Caribbean phần 5 anh đã 53 tuổi.

Có được sự chênh lệc về tuổi tác đó là nhờ công nghệ kỹ thuật số facelifts - một dạng kỹ xảo hình ảnh được chú ý từ khi Brad Pitt hoán đổi tuổi tác thành công trong phim The Curious Case of Benjamin Button (trường hợp của Benjamin Button) được sản xuất vào năm 2008.

Sự thành công của kỹ thuật số facelifts - một dạng kỹ xảo hình ảnh đã giúp nhiều bộ phim, nhiều ngôi sao Hollywood thành công trong việc hồi tưởng lại các chặng đường của nhân vật với các mốc thời gian khác nhau mà không cần đến sự thế vai như trước đây. Trường hợp của Johnny Depp với khoảng cách trẻ lại bằng nửa tuổi thực trong Pirates of the Caribbean là minh chứng cho kỹ thuật này. Trước đó, nam diễn viên Robert Downey Jr. trong Captain America: Civil War (Nội chiến siêu anh hùng), Michael Douglas trong Ant-Man (Người kiến), Kurt Russell trong Guardian of Galaxy Vol.2 (Vệ binh giải ngân hà)... cũng từng được công nghệ kỹ thuật số facelifts (phẫu thuật thẩm mỹ) điều trị lão hóa để trẻ hơn rất nhiều trên màn ảnh.

Cate Blanchett khi về già trong phim Trường hợp của Benjamin

Khoảng hai chục năm trước, khi một bộ phim cần khắc họa nhân vật ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, người ta thường phải tìm một người khác trông khá giống để hóa trang và quay thế. Ví dụ trường hợp của Jack Sparrow hoặc Tony Stark (phim Captain America: Civil War) thời trẻ sẽ phải rất vất vả tìm một người tương đồng về khuôn mặt, chiều cao, vóc dáng… Đôi khi, việc khó tìm được người tương đồng khiến các cảnh phim phải chọn cách quay xa, quay không đặc tả nhằm hạn chế sự khác biệt. Nhưng gần đây, nhờ kỹ thuật mới này, các ngôi sao có thể xuất hiện với 2 phiên bản già và trẻ nhờ kỹ thuật “phẫu thuật thẩm mỹ” bằng hình ảnh kỹ thuật số do các công ty kỹ xảo của Hollywood cung cấp.

Khi mới xuất hiện, facelifts được sử dụng để chỉnh sửa các lỗi khi có yêu cầu, như trong phim The Jacket (Ngăn cản thần chết - 2005), nữ diễn viên Keira Knightley gặp vấn đề về da nên cần đến phần mềm này để làm mịn làn da. Theo thời gian, kỹ thuật này ngày càng được hoàn thiện và nâng cấp và giờ kỹ thuật này được áp dụng phổ biến trong các phim bom tấn của Hollywood để “phẫu thuật thẩm mỹ” cho các diễn viên trên màn ảnh như chỉnh răng, làm đầy môi, nâng cấp các vòng, chữa đầu hói, căng da mặt...

 Với tính năng làm đẹp, làm hoàn thiện những phần khuyết thiếu, phim ảnh giờ không cần đến bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hay chuyên gia trang điểm, hoặc cảnh quay lưu trữ để đưa các diễn viên trở lại trẻ trung như 20, 30 năm trước đó.

Trong Pirates of the Caribbean phần 5, Lola Visual Effects (Lola VFX) là công ty chịu trách nhiệm “trẻ hóa” cho Johnny Depp. Trent Claus - người giám sát hiệu ứng hình ảnh của Lola VFX cho biết: “Chúng tôi có thể làm cho một thanh niên già đi và ngược lại, có thể làm mập lên hay gầy đi không khó”.

Với sự trợ giúp của kỹ thuật, Cướp biển Caribbean phần 5 được xem như bộ phim mang tuổi trẻ của Johnny Depp trở lại

Trước đó, cũng công ty này với công nghệ của mình đã làm “trẻ hóa” và “già hóa” Brad Pitt và Cate Blanchett trong phim The Curious Case of Benjamin Button. Tài tử Chris Evans trong Captain America tập đầu tiên cũng bị “hóa phép” gầy thê thảm do “bàn tay phù thủy” của các chuyên gia ở Lola. Trong khi đó, Patrick Stewart và Ian McKellen trẻ hơn 20 tuổi trong X-Men: The Last Stand (Dị nhân: Phán quyết cuối cùng), Jeff Bridges đã 60 tuổi nhưng trong phim Tron: Legacy (Trò chơi ảo giác - 2010) trông vẫn trẻ trung như hồi đóng phần đầu của loạt phim này vào năm 1982...

Trong trường hợp của Johnny Depp và hầu hết các ca “phẫu thuật thẩm mỹ” của Lola VFX, quá trình facelifts bắt đầu với việc thu thập một loạt hành động, khẩu hình, biểu cảm từ người thật. Tuy không phải lúc nào công đoạn này cũng cần thiết, nhưng với Pirates of the Caribbean phần 5 thì không ai có thể thay thế Jack Sparrow, Gary Brozenich - chuyên gia VFX từng được đề cử giải Oscar, giám sát hiệu ứng hình ảnh của bộ phim cho biết.

Ông và các nhà làm phim Pirates of the Caribbean đã quyết định đưa Johnny Depp trong đoạn hồi tưởng của Jack Sparrow thời trẻ trở lại với ngoại hình của anh ở khoảng thời gian đóng phim 21 Jump Street (Cớm học đường) và Cry Baby (1990). Họ đã mất 6 tháng làm đi làm lại để có được hình ảnh Jack Sparrow đúng với tuổi 26. Đó là độ tuổi mà Johnny Depp đang nổi tiếng như cồn, sự trẻ hóa này xem như một điểm nhấn thú vị cho Johnny Depp - vai chính trong Pirates of the Caribbean.

Trent Claus cho biết: “Làm kỹ xảo trên gương mặt người là thách thức nhất. Và các ngôi sao đã trải nghiệm công nghệ này trong những năm qua hầu như không tránh được cảm giác ngỡ ngàng và thất kinh khi nhìn thấy một người kỹ thuật số gần giống với mình ngoài đời. Một trong những khó khăn chúng tôi gặp phải trong việc “trẻ hóa” là đáy cằm. Khi bạn già đi sẽ có nhiều vết nhăn và nọng mỡ phát triển bên dưới hàm. Để loại bỏ các nếp nhăn không đơn giản, bởi vì da sẽ không phản ứng giống như khi còn trẻ. Bước qua lứa tuổi ba mươi, làn da bắt đầu mất đi sự đàn hồi, cơ mặt bị chảy xệ, tạo ra cảm giác già nua và mệt mỏi”.

Nhờ công nghệ kỹ thuật số facelifts mà hình hài của Brad Pit mới thành công trong phim Trường hợp của Benjamin

Để khắc phục khó khăn này, các nhà làm kỹ xảo thường tham khảo sự chuyển động, thay đổi của làn da ở một người trẻ bằng nửa số tuổi, khi cho bắt chước các cử chỉ, điệu bộ và diễn xuất cơ mặt của diễn viên trung niên cần được “trẻ hóa” trên màn ảnh.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về “phẫu thuật thẩm mỹ” kỹ thuật số trên màn ảnh. David Edelstein - nhà phê bình của Tạp chí New York đã viết: “Những sự “tái tạo” đang gây nhiều phiền toái hơn là đem lại hiệu quả”. Còn với nhà phê bình Manohla Dargis của The New York Times thì khuôn mặt trẻ trung của Kurt Russell trong Guardian of Galaxy Vol.2 là “kỳ quái”. Nhưng Espen Sandberg - đồng giám đốc của Pirates of the Caribbean phần 5 bày tỏ: “Đối với tôi, đó chỉ là một công cụ kể chuyện khác và tôi nghĩ nó thật tuyệt”.

Đại diện các nghệ sĩ VFX, Gary Brozenich cho rằng, công nghệ này tiếp sức cho sự sáng tạo trên màn ảnh. Không chỉ “phẫu thuật thẩm mỹ” hay “trẻ hóa” ai đó trong phân đoạn ngắn mang tính hồi tưởng, công nghệ này có thể sáng tạo được hẳn một nhân vật kỹ thuật số cho vai diễn xuất hiện dài hơn. Xét cho cùng, chúng ta đã có các nhân vật kỹ thuật số như Rocket và Groot trong Guardians of Galaxy Vol.2, nhưng chúng không bao giờ có thể là một con người với đầy đủ biểu cảm chân thực và sống động để đóng vai chính trong suốt bộ phim. Nhưng với sự tiến bộ của công nghệ, của kỹ thuật số đã đến lúc điện ảnh làm được những điều tưởng như không thể.

TUYẾT NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 538, tháng 6-2023

 

;