"Chiếc lá thu vàng đã rụng..."

Vào một ngày đông cuối năm trong “gió mùa đông bắc se lòng”, nhạc sĩ Phú Quang - người nghệ sĩ tài hoa mà những ca khúc của ông như đã trở thành một phần máu thịt của tình yêu Hà Nội đã lặng lẽ rời cành như một “chiếc lá thu vàng đã rụng, chiều nay cũng bỏ ta đi…”. Ông ra đi, về “một nơi kia xa lắm”, mang theo biết bao nỗi nhớ của những người đã từng yêu những tình khúc say đắm một thuở. Nếu hội họa của Bùi Xuân Phái với những bức tranh tạc được hồn cốt của phố cổ Hà Nội tạo thành một dòng tranh được mệnh danh “Phố Phái” thì Phú Quang cũng đã thổi hồn “Hà Nội phố” vào âm nhạc, tạo nên một không gian riêng đậm chất lãng mạn bay bổng. Đó là “một Hà Nội ngây ngất nắng” khiến những người đang sống ở Hà Nội thêm yêu và gắn bó với mảnh đất này, “một Hà Nội run run heo may” để những người con đi xa có một nơi neo đậu nỗi nhớ thương vời vợi.

Nhạc sỹ Phú Quang một chiều Đông Hà Nội

“Một Hà Nội run run heo may"

Phú Quang được mệnh danh là nhạc sĩ của Hà Nội bởi những tình khúc lãng mạn mang đậm dấu ấn, phong vị Hà thành. Âm nhạc của Phú Quang chủ yếu là tình ca với những ca khúc giàu chất tự sự, đậm chất trữ tình, sâu thẳm mà da diết. Không chỉ là những rung động, những xúc cảm và khát vọng về tình yêu, âm nhạc Phú Quang còn là những giai điệu về một tình yêu lớn hơn: tình yêu với Hà Nội. Một Hà Nội xa xưa quá vãng, một Hà Nội êm đềm trong tâm tưởng của những người con đi xa luôn da diết cháy bỏng nỗi nhớ. Sự cuốn hút kỳ lạ trong giai điệu, ca từ khiến những câu ca không bao giờ cũ, đưa từng góc “phố cổ mặc trầm” với những “cây bàng lá đỏ”, với “rêu xanh bên những gốc si già”, trong gió heo may của tiết cuối thu chớm sang đông cùng “con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ. Ai đó chờ ai tóc xoã vai mềm”... làm nên trường hình ảnh về một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn, nên thơ. 

Sinh thời nhạc sĩ từng bộc bạch: “Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”. Hà Nội trong ca khúc Phú Quang thấm đẫm trong từng nốt nhạc, luôn bảng lảng trong không gian âm nhạc mà ông tạo ra. Sau những lời ca, Hà Nội hiện lên với một hồn cốt riêng, rất Hà Nội nhưng cũng “rất Phú Quang”, tạo nên một Hà Nội vừa cổ kính rêu phong của kinh kỳ thuở trước, vừa trầm lắng và bí ẩn, phảng phất nỗi buồn nhưng cũng thật lịch lãm và lãng mạn. Tất cả tạo nên một “không gian dạ hương sâu thẳm” khiến “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” trong “sương giăng phố vắng, hàng cây lặng im, phố cổ mặc trầm” (Lãng đãng chiều đông Hà Nội). Hà Nội của Phú Quang tình như một giấc mộng trần mà mỗi bước chân đặt lên phố đều là những bước chân trở về…

Âm nhạc Phú Quang có lúc như là tự sự của một thành phố qua những lời ca. Đó là một Hà Nội trong chiến tranh, kiêu hãnh mà bi tráng trong bom đạn nhưng vẫn lãng mạn, bay bổng với “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” vào một ngày “mùa đông năm ấy” (Em ơi Hà Nội phố). Bài thơ của Phan Vũ về Hà Nội bi tráng sau những đợt bom B52 Hà Nội năm 1972, năm 1986, khi gặp được bài thơ này, Phú Quang chỉ cần chọn vài khổ thơ rất tinh và thổi hồn vào đó thành một ca khúc mang đậm tâm hồn Thăng Long Hà Nội. Bài hát Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang - lời thơ Phan Vũ không chỉ mang đậm hồn cốt của người Hà Nội trong “những ánh chớp số phận” mà còn là một tuyên ngôn nghệ thuật của Phú Quang. Bài hát đã trở thành ca khúc về Hà Nội được các ca sĩ thu âm nhiều nhất trong lịch sử tân nhạc. Ca khúc gắn liền với tên tuổi của NSND Lê Dung, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tuấn Ngọc, Cẩm Vân, Bằng Kiều, Đức Tuấn...

 “Những rung cảm chân thành"

Sinh ra ở Cẩm Khê, Phú Thọ nhưng quê gốc Hà Nội, năm 37 tuổi Phú Quang rời Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Có lẽ chính những năm tháng rời xa Hà Nội này đã khiến ông nhận ra tình yêu của mình dành cho Hà Nội và gửi nỗi nhớ của mình vào những tình khúc lãng mạn mà ca từ có khi không hề nhắc đến Hà Nội nhưng vẫn gợi phảng phất bóng hình Hà Nội, thần thái và khí chất của người Hà Nội. Nỗi nhớ mùa đông, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Lãng đãng chiều đông Hà Nội… là những hoài niệm về miền ký ức phố êm đềm với nỗi buồn man mác, những tiếc nuối bâng khuâng… 

Có lẽ nỗi buồn xa Hà Nội của Phú Quang đã gặp được bài thơ đồng điệu của nữ sĩ Thảo Phương - cũng là một người con xứ Bắc xa quê - trong Nỗi nhớ mùa đông. Giai điệu trữ tình mà tha thiết, đượm buồn của một cảm giác cô đơn “Làm sao về được mùa đông” khi “Chiều thu cây cầu đã gãy” đã tạo nên một ca khúc chạm đến trái tim của những người con Hà Nội nói riêng và người con xứ Bắc nói chung một nỗi nhớ rét - hay là nỗi nhớ quê hương, xứ sở, nơi tuổi thơ và thời niên thiếu đã chìm rất xa trong mù sương ký ức. Cảm giác cô đơn và mong muốn tìm lại được mùa đông trong ký ức của những tâm hồn xa xứ đã thổi bùng ngọn lửa yêu thương trong tâm hồn mỗi người, để tìm một nơi neo đậu cho nỗi nhớ. 

Nhạc sỹ Phú Quang thường tự đệm đàn piano trong các đêm nhạc của mình

Trong tình khúc Phú Quang, Hà Nội đẹp nhất là dịp cuối thu đầu đông, khi mà những hiu hắt của mùa càng gợi nỗi cô đơn. Mỗi khi “Nóc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông” thì lời ca “vội vã trở về, vội vã ra đi” để tìm lại chút “gió mùa đông bắc se lòng”. 

Tình yêu, dù tuyệt vọng trong “24 miền hoài niệm” để rồi dùng dằng muốn “gửi lại em tất cả/ riêng đêm em xòa/ 24 quầng bóng xuống đời/ anh giữ lại cho anh” (Tình khúc 24) nhưng vẫn còn một “nơi xa lắm” để mơ. Kẻ xa quê thèm Hà Nội như thèm hơi ấm người thân: “Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ/ Tôi vội vã trở về lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen/ Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ” (Hà Nội ngày trở về)…

Hà Nội trong tình khúc Phú Quang hiện lên trong nỗi nhớ nên thường phảng phất nỗi buồn. Đó là ký ức về những mối tình đã qua nhưng không thể phai mờ. Giai điệu miên man khiến nỗi buồn như kéo dài vô tận. Trong cả nỗi buồn, Hà Nội của Phú Quang cũng đẹp, những thanh âm ru mềm ký ức…

Âm nhạc Phú Quang đẹp lãng mạn, êm dịu, ca từ sâu sắc bởi ông thường chọn phổ những bài thơ có giai điệu và hình ảnh đẹp. Những tình khúc dù day dứt nhưng là những nỗi buồn ngọt ngào, “chợt nhòa chợt hiện”. Điểm đặc biệt là tuy ông phổ nhạc của nhiều nhà thơ khác nhau nhưng âm nhạc Phú Quang vẫn có nét riêng đặc sắc. Đó là bởi âm nhạc đến từ trái tim chân thành và đa cảm, như lời tựa của ông trong cuốn hồi ký: “’Rồi một ngày nào đó, âm nhạc của tôi cũng có thể bị mọi người lãng quên, nhưng ít nhất với tôi đó là những rung cảm chân thành nhất được viết ra bằng những trăn trở mà tôi luôn muốn dâng hiến cho cuộc đời. Bởi thế, tôi luôn cảm ơn cuộc đời này với tất cả thăng trầm mà đời sống đã mang đến cho tôi... Đến bây giờ thì tôi đã viết như một thói quen. Viết mà chẳng hề có ảo tưởng về một “sứ mệnh” nào, cũng không có một ảo vọng nào về sự “vĩnh cửu” hay một tham vọng để lại di sản cho đời sau. Tôi viết vì những hạnh phúc, những khổ đau đầy bức bối cần được xả ra của chính mình”.

Saxophone Trần Mạnh Tuấn luôn song hành cùng những đêm nhạc Phú Quang

Ngoài hơn 600 ca khúc, Phú Quang còn là nhạc sĩ viết nhiều nhạc phim. Ông là người đa tài khi vừa sáng tác khí nhạc, giao hưởng, hòa tấu… vừa viết nhạc cho hàng trăm bộ phim, vở kịch, ballet. Ông từng viết nhạc phim từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước cho cả phim video và phim điện ảnh. Có thể kể đến những bộ phim như: Bao giờ cho đến tháng Mười, Tình khúc 68, Vị đắng tình yêu, Ai xuôi vạn lý, Hải Nguyệt, Có một tình yêu như thế, Băng qua bóng tối, Huyền thoại về người mẹ… hay phim truyền hình dài tập như Ông cố vấn, Dốc tình... 

Dường như bất cứ một ca từ nào của Phú Quang cũng có thể dùng để nhắc đến sự ra đi của ông, nhưng câu hát trong bài Lời rêu có lẽ khiến nhiều trái tim thổn thức nhất: “Ngày mai ta bỏ đi. Trần gian xin trả lại…”. 

Dẫu vẫn biết trần gian này chỉ là cõi tạm, “rồi một ngày người sẽ bỏ ta đi” nhưng “may mắn quá câu ca còn ở lại” (Có một vài điều anh muốn nói với em).

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

;