Ảnh minh họa
Tháng Chạp về, nhịp sống dường như trở nên tất bật hơn, nhất là ở các khu chợ. Chợ quê những ngày cuối năm nhộn nhịp, đông vui là thế nhưng vẫn giữ được nét bình dị xưa nay. Giáp Tết, rảo bước dọc phiên chợ quê, tôi như đang tìm lại từng mảnh ký ức đã xa, ký ức của tình người, tình quê, mộc mạc và chân thành.
Như chỉ mới đây thôi, góc chợ quê còn nép mình bên dòng sông chỉ lơ thơ vài túp lều được dựng tạm bợ thì hôm nay khu chợ cũ kỹ ngày nào đã được chuyển sang mảnh đất mới khang trang, rộng rãi hơn.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần được theo mẹ đi chợ Tết, tôi lại nắm chặt bàn tay chai sần của mẹ, chỉ vì sợ lạc mất mẹ trong lúc mê mải ngắm nhìn những bộ quần áo lấp lánh sắc màu. Tết về, trong nhà có nhiều thứ cần sắm sửa nên khi nào mẹ cũng cân nhắc kỹ càng, nhưng mẹ vẫn dành dụm để mua cho các con những bộ quần áo mới. Mẹ dẫn tôi đến sạp hàng, dịu dàng bảo tôi chọn bộ đồ mà tôi thích nhất rồi mặc thử cho mẹ xem. Lòng tôi mừng rơn vì được khoác lên mình bộ quần áo đẹp. Trở về nhà, cảm giác hạnh phúc vẫn còn vương vấn trong mùi vải mới, mà tôi đâu để ý chiếc áo mẹ mặc cũng đã cũ sờn. Sau này, đời sống dần khấm khá, tôi vẫn thích được tự tay lựa những sấp vải có màu sắc, hoa văn hợp với mẹ để biếu mẹ những khi về nhà. Ấy vậy mà mẹ vẫn dành dụm chắt chiu, chỉ mặc vào những dịp đặc biệt. Mỗi lần như thế, tôi lại nghẹn ngào, bồi hồi nghĩ về những lặng thầm hi sinh của mẹ thuở nhọc nhằn.
Ngang qua gánh hàng hoa, tôi nhớ những tháng Chạp ấu thơ, tôi theo mẹ ra chợ phụ bán hoa Tết. Đó là những buổi sớm mai đằm đẫm sương giăng và gió bấc thổi về hun hút se lạnh. Mẹ xếp lần lượt từng đóa hoa tươi, màu phơn phớt hồng trên tấm bạt mỏng. Mẹ đã dậy khi trời còn chưa tỏ mặt người để cắt những khóm hoa xuân tỏa hương ngan ngát. Ngồi bên mẹ bán hoa, lòng tôi lâng lâng bao cảm xúc khó tả, vừa vui mừng khi có nhiều người đến mua hoa của mẹ, vừa háo hức, nôn nao mong Tết đến thật nhanh. Và cả nao nao thương dáng mẹ ngồi tần tảo bán từng cành hoa trong rét mướt. Giờ đây, tuy mẹ không còn trồng hoa để bán nữa nhưng những buổi chợ quê tháng Chạp năm nào vẫn luôn là hình ảnh thật đẹp trong tâm trí tôi.
Ngang qua gian hàng bán đèn dầu của hai ông bà cụ, chúng gợi nhớ trong tôi về một thời thiếu thốn khi điện chưa về nơi miền quê nhỏ. Dẫu cuộc sống ngày càng tiện nghi, chiếc đèn dầu vẫn được đặt lên bàn thờ ông bà, thắp lên quầng sáng ấm áp thanh lành trong những ngày Tết. Ngọn đèn dầu gợi về hình bóng cội nguồn, đánh thức giữa lòng cháu con niềm tưởng nhớ những người đã đi xa giữa rưng rưng hương khói. Hai ông bà cụ đã mang cả hồn cốt quê nhà bày ra ở một góc chợ khiêm nhường. Thả ánh nhìn vào những chiếc đèn dầu đậm nét cổ xưa, tôi bước thật chậm và lắng lại cùng bao thương nhớ trong trẻo vô ngần…
Những ngày tháng Chạp, đi chợ quê để cảm nhận hết sự gần gũi, mộc mạc của xóm làng, nhắc nhớ người ta hướng về cội nguồn và gìn giữ bao nét đẹp truyền thống. Bước giữa những gian hàng cuối năm, những dáng người quê chân phương đội nón lá mòn bạc, thấy lòng mình bình yên trôi cùng bao thảo thơm thân tình, trong vô vàn mùi hương đằm dịu của hoa xuân vừa chớm nở, bánh trái quê nhà và khói ấm chao bay. Tất cả đã hợp thành nỗi nhớ nao lòng trong những giấc mơ nơi xứ người xa ngái. Có bao mảng màu hài hòa pha trộn trong chợ quê tháng Chạp, mỗi hình ảnh lại gắn với miền kỷ niệm vời vợi yêu thương, để tôi biết trân quý những thứ đã bền bỉ gắn bó qua những ngày gian khó và thương mẹ cả một đời gánh gồng gió sương.
Tản văn của TRẦN THỊ THẮM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025