“Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”

Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội, sáng ngày 14-4 đã diễn ra Diễn đàn “Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.

Tham gia chương trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh - Trưởng Ban chỉ đạo Hội báo toàn quốc 2022; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn; Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm; Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Lê Xuân Trung; Phó Tổng Giám đốc VCCorp Nguyễn Đăng Ngọc; Giám đốc Quan hệ khách hàng tại khu vực Việt Nam, Tập đoàn Netcore Phùng Tấn Cương; Lãnh đạo các báo… cùng đông đảo nhà báo, phóng viên và công chúng…

Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Trong phát biểu tham luận “Chuyển đổi số báo chí”, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, chuyển đổi số là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả và hậu quả là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Chuyển đổi số với rất nhiều thay đổi về công nghệ làm báo, với rất nhiều thay đổi hành vi của độc giả, không còn cách nào khác ngoài tích cực đi theo con đường số hóa và chuyển đổi số.

Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tham luận "Chuyển đổi số báo chí"

Ông Lê Quốc Minh cũng nói thêm: “Hiện nay nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, nhiều cơ quan cho rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy. Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam còn đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số tại cơ quan báo chí như tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên làm việc theo cách thức mới. Đây được coi là hành động giúp tạo sự thay đổi trong tổ chức, tạo lập những thông lệ để vận hành theo những cách thức mới; tăng cường sử dụng các công cụ digital; thường xuyên trao đổi bằng các biện pháp truyền thống và digital.

Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ  Lê Xuân Trung phát biểu tại Diễn đàn

Trong tham luận “Tuổi trẻ chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc", Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Nhà báo Lê Xuân Trung nhận định: “Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”. Khi bạn đọc lên mạng, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19 vừa qua, bạn đọc sống toàn bộ trên mạng thì báo chí phải lên mạng. Vì vậy, báo chí muốn lên mạng thì cần phải chuyển đổi số. Trong quá trình chuyển đổi số, theo nhà báo Lê Xuân Trung, các cơ quan báo chí cần phải vượt qua 3 thách thức lớn, đối mặt để giải quyết là: công nghệ; chi phí đầu tư; con người. Ông Trung cho rằng, nếu không có công nghệ phù hợp thì không thể chuyển đổi số hiệu quả. Trong đó thách thức quan trọng nhất là con người, đội ngũ. “Khi Tuổi trẻ muốn chuyển đổi số mà năng lực đội ngũ, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể chuyển đổi số được thì dù có được đầu tư công nghệ phù hợp thì chưa chắc đã thực hiện được”.

Vì vậy, nhà báo Lê Xuân Trung cũng đã đưa ra được 3 phương án để giải quyết về thách thức con người đáp ứng với chuyển đổi số. Thứ nhất là tuyển người, thứ hai là thuê ngoài, thuê công ty công nghệ, thứ 3 là dung hòa hai phương án trên.

“Đa số nhà báo của chúng ta chưa được phổ cập và đào tạo kỹ năng công nghệ để có thể làm báo theo xu hướng mới” - ông Trung cho biết.

Nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng, phương án dung hòa là phương án tốt nhất hiện nay, đó là tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ và thuê ngoài những việc cần thiết để đảm bảo hiệu quả quản lý lẫn vốn đầu tư. Lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi số và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, hiện nay vốn cũng là một bài toán khó. Để đầu tư về công nghệ (phần cứng và phần mềm), đầu tư một tòa soạn điện tử, hệ thống quản lý bạn đọc và khách hàng, lưu trữ dữ liệu, hệ thống quản trị toàn bộ quy trình vận hành cơ quan báo chí, mua hay thuê hệ thống server thì cũng cần phải đầu tư chi phí rất lớn. Ông Trung cho rằng các cơ quan báo chí cũng nên đầu tư dần dần, xác định thứ tự ưu tiên để đầu tư. Đồng thời cần phải có hệ thống bài bản ngay từ đầu, đồng bộ, tránh đầu tư chắp vá.

Bên cạnh đó, theo Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ, làm sao để bạn đọc trả tiền cho báo điện tử giống như trả tiền mua báo giấy. Bởi thu phí bạn đọc báo online không chỉ tăng nguồn thu bền vững mà còn phải tăng chất lượng nội dung, hạn chế chạy theo view, chạy theo số lượng tin, bài.

Cuối cùng là cần đào tạo để các nhà báo có thêm cơ hội học tập, tập huấn những kỹ năng cơ bản trong chuyển đổi số. Nhà báo phải hiểu được yêu cầu của bạn đọc, đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, như vậy quá trình chuyển đổi số mới có thể thành công.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng, quá trình chuyển đổi số của báo chí đang chậm hơn xu thế chung. Tuy nhiên, đi chậm trong chuyển đổi số không có nghĩa sẽ thất bại, các cơ quan đi sau cần tranh thủ kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đi trước để thực hiện hiệu quả hơn. Hiện nay, quá trình chuyển đổi số báo chí còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những lãnh đạo cơ quan báo chí có kiến thức, hiểu biết về công nghệ, dễ dàng chuyển đổi số, thì nhiều cơ quan báo chí từ lãnh đạo đến phóng viên đều thiếu kiến thức về công nghệ, không biết nên làm từ đâu, định hướng thế nào.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các cơ quan báo chí muốn chuyển đổi số phải thay đổi từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người, hiện nay nhiều nhân lực báo chí còn ngại thay đổi trong xu hướng chuyển đổi số.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chuyển đổi số phải bắt đầu từ con người, trong đó trước hết phải nói đến vai trò của người đứng đầu. Khi loay hoay rằng bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, như thế nào thì người đứng đầu cần kiên quyết, cần thay đổi. Khi chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì chắc chắn việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên cũng cần thay đổi nhận thức về công nghệ số. Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến trong năm 2022 sẽ đào tạo khoảng 10.000 công chức, viên chức số cho đất nước, trong đó báo chí có từ 3.000-5.000 người. Việc đào tạo bồi dưỡng sẽ được thực hiện cả trực tiếp và trực tuyến”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung, xác định về khoảng giá, tránh tình trạng cùng một nền tảng nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị. Với các cơ quan báo chí chủ lực, mỗi cơ quan sẽ xây dụng một nền tảng dùng chung, các cơ quan khác có thể cùng sử dụng và trả phí. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các báo, đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư xây dựng, phát triển những nền tảng riêng. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan báo chí, đảm bảo dù chậm nhưng vẫn hiệu quả, từng bước cải tiến để đứng vững trên môi trường chuyển đổi số.

Tin, ảnh: NGÔ HUYỀN

 

;