Chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết đề cập đến những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ phát triển du lịch đường sông tại TP.HCM theo hướng bền vững. Đông thời, nêu ra những trở ngại, điều kiện để phát huy vai trò của chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông, phân tích và đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch đường sông.

1. Đặt vấn đề

TP.HCM với hệ thống sông ngòi phong phú từ lâu đã được xem là một điểm đến lý tưởng cho phát triển du lịch đường sông. Để phát triển loại hình du lịch này một cách bền vững, việc nâng cao chất lượng và kỹ năng của nguồn nhân lực là rất quan trọng. Chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch đường sông tại TP.HCM không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển những sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách.

Quá trình chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực bao gồm việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và công nghệ thực tế ảo (VR) để tạo ra các chương trình đào tạo linh hoạt, hiệu quả và cá nhân hóa. Các khóa học trực tuyến và hybrid, cùng với việc sử dụng phần mềm quản lý học tập (LMS), không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người học và đơn vị tổ chức đào tạo mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao cho mọi người.

Một trong những lợi ích chính của việc chuyển đổi số là khả năng cung cấp dữ liệu chính xác và cập nhật về nhu cầu của thị trường du lịch, từ đó giúp người học và các tổ chức đào tạo điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Điều này đặc biệt quan trọng trong ngành Du lịch, nơi mà xu hướng và sở thích của khách hàng thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, việc chuyển đổi số còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch đường sông thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực có khả năng sử dụng công nghệ mới, từ đó tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và thu hút khách du lịch. Điều này cũng đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành.

Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số được diễn ra suôn sẻ, cần phải có sự đầu tư đúng đắn từ phía các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, đào tạo giáo viên và phát triển nội dung giảng dạy. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các trường đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ giúp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Có thể nói, chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông tại TP.HCM là một hướng nghiên cứu cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ và sự đa dạng của sản phẩm du lịch mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM và cả nước.

2. Kết quả nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu điều tra bảng hỏi và xử lý kết quả bằng phần mềm SPSS nhằm tìm hiểu các mối quan hệ giữa chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực với phát triển bền vững du lịch đường sông; cung cấp cái nhìn toàn diện và sâu sắc về hiện trạng và vai trò của chuyển đổi số đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch đường sông tại TP.HCM nói riêng, đồng thời góp phần vào việc phát triển bền vững của ngành Du lịch thành phố nói chung.

Phân tích mô tả về đối tượng nghiên cứu

Về nghề nghiệp chính của đối tượng nghiên cứu

Trong số 254 người được phỏng vấn có 67 người là khách du lịch (26,4%); 62 người là hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và lưu trú (24,4%); 43 người là cộng đồng địa phương (17,0%); 40 người là cán bộ, nhân viên (15,7%); 21 người là nhân viên công ty du lịch (8,3%); học sinh, sinh viên (3,1%); hướng dẫn viên (5,1%).

Về giới tính của khách du lịch

 Trong số người được phỏng vấn có 142 khách là nam (55,9%), 112 người là nữ (44,1%).

Biết về chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM có môi trường phát triển bền vững

Trong số người được phỏng vấn có 143 người trả lời có biết về chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM (56,4%), 41 người trả lời không biết (16,1%), 70 người trả lời không nắm rõ (27,5%).

Những trở ngại của chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM

Những trở ngại của chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM như: sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng công nghệ (86,5%), ngân sách hạn chế (85,2%), thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng số (75,7%), sự chậm trễ trong việc áp dụng đổi mới công nghệ (75,2%), vấn đề về bảo mật và quyền riêng tư (59,6%), thiếu sự hỗ trợ từ phía chính phủ và các tổ chức liên quan (55,7%), khả năng thích nghi từ phía người lao động (58,3%), vấn đề về tích hợp hệ thống (39,6%), thách thức trong việc duy trì và cập nhật công nghệ (4,8%), lý do khác (3,0%).

Vai trò của chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM

Vai trò của chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM: cải thiện quản lý và vận hành (86,0%), nâng cao trải nghiệm khách hàng (70,8%), phát triển sản phẩm du lịch mới (86,8%), tiếp cận và phân tích dữ liệu (79,1%), tăng cường quảng bá và tiếp thị (63,9%), nâng cao khả năng cạnh tranh (74,9%), hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực (40,8%), vai trò khác (6,4%).

Những điều kiện phát triển bền vững chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM

Những điều kiện phát triển bền vững chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM cần phải có: cơ sở hạ tầng công nghệ đầu tư vững chắc (84,7%), ưu tiên ngân sách đầu tư dành cho chuyển đổi số (74,8%), đào tạo nguồn nhân lực có năng lực và kỹ năng số (67,5%), phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến và hybrid (70,5%), ưu tiên chính sách hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi số (67,9%), hợp tác với các đối tác công nghệ (54,6%), văn hóa đổi mới và sẵn sàng chấp nhận thay đổi (12%), phải có điều kiện bền vững khác (5,2%).

Phân tích, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông TP.HCM theo thang đo Likert

Để hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông tại TP.HCM, nghiên cứu đã được tiến hành dựa trên thang đo Likert. Nghiên cứu này đã xây dựng 20 tiêu chí được phân thành 5 nhóm yếu tố, với mỗi tiêu chí được đánh giá theo mức độ quan trọng từ 1 đến 5. Kết quả cụ thể như sau:

Về cơ sở hạ tầng và công nghệ

 Phân tích chỉ số Cronbach’s Alpha cho thấy mức độ tin cậy là 0,830, phản ánh mối liên kết chặt chẽ giữa các biến và khả năng phản ánh chính xác về cơ sở hạ tầng và công nghệ. Tiêu chí đánh giá cao nhất là kết nối internet ổn định và khả năng truy cập rộng rãi với điểm trung bình 4,18; trong khi tiêu chí bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân và dữ liệu đào tạo nhận được điểm thấp nhất là 3,90. Điều này cho thấy sự chú trọng vào việc cải thiện và bảo mật cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là rất quan trọng.

Về nội dung đào tạo

 Với chỉ số Cronbach’s Alpha đạt 0,823, nhóm tiêu chí này cũng cho thấy mức độ liên kết cao. Tiêu chí tính cập nhật độ mới và sự phù hợp của nội dung với xu hướng du lịch hiện đại được đánh giá cao nhất với điểm trung bình là 3,82. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật nội dung đào tạo để phù hợp với các xu hướng và thách thức mới trong ngành Du lịch.

Về phương pháp đào tạo

Chỉ số Cronbach’s Alpha ở nhóm này là 0,882, cao nhất trong các nhóm tiêu chí, cho thấy mức độ phản ánh chính xác cao về phương pháp đào tạo. Tiêu chí mức độ tương tác giữa giảng viên và học viên có điểm trung bình là 3,93, phản ánh nhu cầu về một môi trường đào tạo tương tác, nơi giảng viên và học viên có thể giao tiếp và học hỏi lẫn nhau một cách hiệu quả.

Về kết quả và đánh giá khóa học

Với chỉ số Cronbach’s Alpha là 0,853, nhóm tiêu chí này cho thấy độ tin cậy khá cao trong việc đánh giá kết quả đào tạo. Mức độ hài lòng của học viên về khóa học được đánh giá cao với điểm trung bình là 4,03, điều này cho thấy sự quan tâm đến việc đảm bảo rằng, các khóa học đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của học viên.

Về liên kết và hợp tác khu vực và quốc tế

 Chỉ số Cronbach’s Alpha cho nhóm này là 0,858, thể hiện mức độ liên kết tốt giữa các biến. Tiêu chí khả năng cập nhật và tích hợp xu hướng mới vào chương trình đào tạo có điểm trung bình là 4,02, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới và tích hợp các xu hướng toàn cầu vào chương trình giảng dạy.

Từ kết quả phân tích, có thể thấy việc đánh giá và phân tích các yếu tố này đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức mà chuyển đổi số có thể được tận dụng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch đường sông tại TP.HCM. Các tiêu chí được xây dựng và đánh giá dựa trên thang đo Likert không chỉ giúp xác định các yếu tố quan trọng mà còn góp phần vào việc hoạch định chiến lược phát triển ngành Du lịch bền vững hơn.

3. Giải pháp trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông tại TP.HCM

Có thể nói, vấn đề ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch đường sông ở TP.HCM là một chủ đề quan trọng, nhất là khi ngành Du lịch đang phải đối mặt với những thách thức và cơ hội do sự phát triển của công nghệ số. Trong bài viết, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững du lịch:

Nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ: Để chuyển đổi số thành công trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, việc đầu tiên cần làm là nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ. Điều này bao gồm việc đảm bảo kết nối internet ổn định và phủ sóng rộng khắp, cung cấp thiết bị công nghệ hiện đại cho cả giảng viên và học viên. Việc trang bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật sẽ giúp việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới như thực tế ảo (VR) hay thực tế tăng cường (AR) trở nên dễ dàng hơn.

Phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến: Thiết lập và phát triển các nền tảng E-learning với giao diện thân thiện và khả năng tương tác cao là một bước tiến quan trọng. Các khóa học trực tuyến không chỉ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian mà còn tạo điều kiện cho việc tiếp cận giáo dục rộng rãi hơn. Nền tảng này cần có khả năng tích hợp các công cụ đánh giá và bảo mật thông tin để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.

Đào tạo và phát triển kỹ năng số cho giáo viên và học viên: Việc chuyển đổi số yêu cầu giáo viên và học viên phải có những kỹ năng số nhất định. Các khóa đào tạo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy và học tập cần được tổ chức thường xuyên. Việc này không chỉ giúp cải thiện chất lượng giảng dạy mà còn khuyến khích sự sáng tạo và thích ứng với các xu hướng công nghệ mới.

Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực: Hợp tác với các tổ chức giáo dục và du lịch quốc tế có thể mang lại nhiều lợi ích, từ việc trao đổi giáo viên, học viên cho đến việc chia sẻ tài nguyên học tập và kinh nghiệm quản lý. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn mở rộng cơ hội phát triển du lịch đường sông thông qua các mối quan hệ quốc tế.

Phải có chính sách hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi số: Chính phủ và các cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách và khuôn khổ pháp lý rõ ràng để hỗ trợ và khuyến khích chuyển đổi số. Các chính sách ưu đãi thuế, tài trợ cho các dự án nghiên cứu và phát triển, cũng như việc tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các trường đào tạo và doanh nghiệp có thể tạo động lực cho việc áp dụng công nghệ mới.

Thông qua các giải pháp này, việc chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch đường sông tại TP.HCM không chỉ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành Du lịch, mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của lĩnh vực này trong tương lai.

4. Kết luận

Quá trình chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch đường sông tại TP.HCM đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Du lịch.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc áp dụng công nghệ số không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn là yếu tố then chốt để tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm du lịch mới và cải thiện trải nghiệm của khách du lịch. Để thúc đẩy chuyển đổi số một cách hiệu quả, các cơ sở đào tạo cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, phát triển nền tảng giáo dục trực tuyến và tăng cường năng lực số cho cả giảng viên lẫn học viên.

Các trở ngại như thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ và ngân sách hạn chế cần được giải quyết thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đào tạo, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức liên quan thông qua chính sách và khung pháp lý rõ ràng sẽ là động lực để thúc đẩy sự chấp nhận và ứng dụng rộng rãi các giải pháp số trong đào tạo nguồn nhân lực.

Nhìn chung, chuyển đổi số đã và đang mở ra những cơ hội mới cho ngành Du lịch đường sông ở TP.HCM, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế. Việc liên tục cập nhật, đào tạo và phát triển theo xu hướng công nghệ mới sẽ giúp thành phố không chỉ duy trì mà còn mở rộng vị thế là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đồng thời, thúc đẩy ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Đăng Bộ, Nguyễn Thị Hay, Bùi Đức Thịnh, Luận giải về sự cần thiết phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học và Phát triển, 2024, tr.32-40.

2. Lê Trung Cang, Trần Bá Thọ, Chuyển đổi số đối với sự phát triển ngành Du lịch Việt Nam: Vai trò và giải pháp chính sách, tapchicongthuong.vn, 1-9-2021.

3. Ngô Thị Thu Dung, Cơ sở lý luận về chuyển đổi số trong dạy học đại học, daihochoabinh.edu.vn, 29-9-2021.

4. Hadi, S., Mutiani, M., Abbas, E. W., Jumriani, J., & Ilhami, M. R, Quản lý nhân sự xanh cho sự bền vững du lịch, Tạp chí Nghiên cứu Quản lý Ba Lan, 28(1), 2023, tr.139-156.

5. Lê Thị Hải Đường, Phan Lê Ngọc Châu, Thúc đẩy chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, tachikhoahochongbang.vn, 24-9-2023.

6. Schönherr, S., Eller, R., Kallmuenzer, A., & Peters, M., Học tập tổ chức và du lịch bền vững: vai trò thúc đẩy của chuyển đổi số, Tạp chí Quản lý Kiến thức, 2023, tr.82-100.

TS NGUYỄN PHƯỚC HIỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024

;