“Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I - góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển

Ngày 7-10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), “Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia” lần thứ I đã được tổ chức. Chương trình do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và các sở, ban, ngành trong nước và quốc tế thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.

Chương trình tổ chức nhân ngày Du lịch Thế giới (27-9) và chào mừng ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển xã hội hóa du lịch. Ngày Du lịch Thế giới năm 2023: Hướng tới du lịch và đầu tư xanh. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng “Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Các đại biểu tham dự Đại hội công nghiệp Du lịch quốc gia lần thứ I

Phát biểu khai mạc Đại hội công nghiệp Du lịch quốc gia lần thứ I, TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đánh giá: ngành Du lịch đã có những bước phát triển quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - đóng góp tới gần 10% trong GDP và có tác động liên ngành to lớn, góp phần tạo ra tới 5 triệu việc làm trong nền kinh tế. Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội...

Phát triển du lịch cần nhấn mạnh tới hệ sinh thái và chuỗi giá trị du lịch. Cần có hệ thống thể chế, chính sách tốt, cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực có kỹ năng. Hệ sinh thái phát triển du lịch cần có những doanh nghiệp đầu đàn gắn kết với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh trong các chuỗi cung ứng. Cần phải đưa được câu chuyện văn hóa, câu chuyện nhân văn, thổi hồn vào các tour và các điểm đến du lịch.

“Và chúng ta nhớ rằng trong phát triển du lịch, thì việc đối xử với ngành Du lịch như một ngành kinh tế tổng hợp, kết hợp xúc tiến văn hóa, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch là hết sức quan trọng. Chúng ta biết rằng, các đối tác đầu tư, các bạn hàng thương mại đến Việt Nam ở giai đoạn khởi đầu hầu hết đều qua những tour du lịch kết hợp tìm hiểu thị trường, gặp gỡ đối tác kinh doanh. Muốn phát triển du lịch thì cần phải phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, tạo nên nội hàm mở của ngành Du lịch. Du lịch homestay gắn liền với những hộ kinh doanh nhỏ, trải nghiệm văn hóa bản địa gắn với cuộc sống gia đình, cộng đồng bản địa cũng là một xu hướng chúng ta cần quan tâm thúc đẩy” – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phát biểu khai mạc Đại hội

Theo TS Vũ Tiến Lộc, bên cạnh sự chuyên nghiệp, những xu hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường và kinh tế số cũng cần được ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực du lịch. Trong đó khuyến khích những mô hình kinh doanh mới, những mô hình bất động sản mới dành cho du lịch… Để tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch, nước ta vừa có bước tiến đột phá trong việc Quốc hội đã sửa đổi luật xuất nhập cảnh để đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, kéo dài thời hạn visa, rồi miễn visa theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác là một nỗ lực rất được hoan nghênh…

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Vấn đề quan trọng là phải làm tốt hơn công tác quảng bá xúc tiến quốc gia về du lịch. Sự chuyên nghiệp trước hết phải bắt đầu trong lĩnh vực này, đặc biệt là quảng bá và khai thác tốt hơn các giá trị văn hóa lịch sử, chúng ta phải kể cho thế giới câu chuyện của Việt Nam để làm nên hồn cốt cho nền du lịch mới. Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cũng rất cần thiết trong lĩnh vực này. Du lịch là không gian mênh mông cho những ý tưởng sáng tạo”…

Phát biểu tại Đại hội, ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho rằng: “Tiềm năng đối với ngành Du lịch Việt Nam là không giới hạn. Việt Nam có sự thu hút tuyệt vời mang đẳng cấp thế giới. Tôi ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam và những nơi tôi đã ghé thăm. Nếu so sánh, Việt Nam không hề thua kém các nước. Tôi nghĩ du lịch Việt Nam nên có tham vọng hơn trong việc làm thế nào để hướng tới thu hút nhóm du khách cao cấp”.  Đại hội liên ngành Công nghiệp Du lịch Quốc gia - “National Tourism Industry Summit” sẽ là dấu ấn đưa nền công nghiệp du lịch Việt Nam thêm một bước tiến mới…

Ngài Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam cho rằng: Tiềm năng đối với ngành du lịch Việt Nam là không giới hạn

Tại Đại hội, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, TS Nguyễn Thanh Hồng đã phát biểu tham luận “Quảng Nam - vùng đất có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn và là địa danh giàu tiềm năng, nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư”. TS Nguyễn Thanh Hồng cho biết: Trong hơn một thập niên qua, du lịch Quảng Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, Quảng Nam đã đón được 7,8 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 14.570 tỷ đồng. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 6,5 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt khách, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có gần 850 cơ sở lưu trú với hơn 17.000 phòng; gần 100 đơn vị kinh doanh lữ hành. Du lịch Quảng Nam đã nhận được hàng trăm giải thưởng do các tổ chức, tạp chí uy tín trên thế giới bình chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua hoạt động du lịch Quảng Nam còn có một số hạn chế, thách thức như: phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng nguồn tài nguyên, một số nơi phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển; du lịch nông nghiệp, nông thôn vướng nhiều về công tác quy hoạch, thủ tục đất đai, liên quan nhiều ngành; các chính sách ưu tiên đầu tư cho du lịch chưa mạnh; liên kết chưa thật sự hiệu quả, trùng lắp sản phẩm...

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, TS Nguyễn Thanh Hồng phát biểu tham luận tại Đại hội

TS Nguyễn Thanh Hồng cũng đưa ra giải pháp mà tỉnh Quảng Nam đã, đang và sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhằm xây dựng tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước. Theo đó, xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế; bảo tồn và phát huy hiệu quả tài nguyên, lợi thế phát triển dịch vụ du lịch; chú trọng phát triển du lịch hướng mở về khu vực nông thôn, miền núi trong thời gian tới. Phát triển du lịch kết hợp phía Bắc, phía Nam, phía Tây của tỉnh, liên kết phát triển du lịch với Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch và hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch đẳng cấp...

Với tham luận “Đề xuất phát triển liên kết vùng đóng góp vào sự phát triển công nghiệp du lịch Quốc gia”, bà Nguyễn Thị Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn NovaGroup cho rằng, qua nghiên cứu thực tiễn, trong đó với những đúc kết từ thành công của nền công nghiệp Thái Lan, chiến lược liên kết vùng du lịch sẽ là bước đột phá, tạo nên sự đa dạng, thuận tiện về quy mô, hấp dẫn và quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cấp đồng bộ.

Toàn cảnh Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia lần thứ I

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương, trong chiến lược này, mỗi tỉnh thành cần xác định một sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, MICE, wellness…) phù hợp với thế mạnh của địa phương. Ví dụ như Tây Ninh có nhiều đền chùa, phù hợp để phát triển du lịch tâm linh, hay Khánh Hòa phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch MICE, Bà Rịa Vũng Tàu phát triển du lịch sức khỏe, Đà Lạt, Lâm Đồng phát triển du lịch khám phá mạo hiểm... Mỗi địa phương chọn loại hình du lịch đặc thù tương ứng với thế mạnh của mình.

Đề xuất các bước thực hiện, bà Nguyễn Thị Thùy Dương cho rằng cần thành lập Ủy ban Liên kết vùng. Mỗi tỉnh, thành cử lãnh đạo tham gia vào Ủy ban; xác định mục tiêu chọn mô hình du lịch cho từng địa phương, mỗi nơi tối đa đảm bảo chọn 3 mô hình phù hợp và đảm bảo phải có thế mạnh, tiện ích khả thi đi kèm; xác định nguồn lực thực hiện, xây dựng chính sách, chiến lược, phương thức kế hoạch thực hiện và phân công cụ thể để triển khai. Cần chú ý tham khảo các đặc điểm thành công của Thái Lan: nối kết hạ tầng, các tiện ích lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, văn hóa lễ hội; quảng bá truyền thông giáo dục cộng đồng thực hiện du lịch theo phương cách “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Tạo Ứng dụng (app) kết nối du lịch một cửa; điều phối, cân bằng hợp lý quyền lợi của các bên tham gia...

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai Lại Vũ Hiệp phát biểu tham luận: “Cơ hội, thách thức, tầm nhìn và định hướng phát triển du lịch Lào Cai trong tình hình mới”. Ông Lại Vũ Hiệp cho biết: Lào Cai hiện có 36 khu, điểm du lịch trong đó: 1 khu du lịch Quốc gia Sa Pa, 2 khu du lịch cấp tỉnh, 33 điểm du lịch, với những lợi thế lớn từ vị trí địa lý, nguồn tài nguyên tự nhiên “Sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”, đến tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, Lào Cai có rất nhiều cơ hội và lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn... Trong những năm qua du lịch Lào Cai đã có nhiều bước tiến mang tính quyết định đột phá, trở thành tỉnh đứng đầu trong khu vực Tây Bắc về thu hút đầu tư và tăng trưởng lượng du khách nội địa và quốc tế... 9 tháng đầu năm 2023, Lào Cai đón được 6,2 triệu lượt khách (trong đó gần 400.000 khách quốc tế), phấn đấu hết năm 2023 đón được trên 7 triệu lượt khách; tổng thu từ các hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 19.250 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai Lại Vũ Hiệp trình bày tham luận tại Đại hội

Đối với nguồn nhân lực du lịch, trước khi xảy ra dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng về phát triển nguồn nhân lực du lịch của Lào Cai giai đoạn 2016 - 2019 đạt tới 42,2%/năm. Năm 2019, tổng số lao động trong ngành Du lịch tỉnh là 32.000, chiếm tới 6,9% số lao động trong độ tuổi của toàn tỉnh với 14.500 lao động trực tiếp, 17.500 lao động gián tiếp. Mục tiêu của ngành du lịch Lào Cai đặt ra là đến năm 2025 tạo ra 44.000 việc làm (22.000 lao động trực tiếp và 22.000 lao động gián tiếp) cho người lao động.

Bên cạnh những khó khăn, hạn chế, thách thức, ông Lại Vũ Hiệp cũng nhấn mạnh về mục tiêu đến năm 2030 của du lịch Lào Cai: du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống; Lào Cai thực sự trở thành Trung tâm du lịch quốc gia ở vùng núi phía Bắc, là điểm đến du lịch đẳng cấp, hấp dẫn có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.

Theo ông Lại Vũ Hiệp, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, ngành du lịch Lào Cai xác định 8 nhóm chiến lược phát triển để đạt được mục tiêu đã đề ra, theo đó, phát triển du lịch phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với các định hướng lãnh thổ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...

Cùng trong chương trình của Đại hội công nghiệp Du lịch Quốc gia, còn có nhiều diễn đàn chuyên môn nhằm phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch quốc gia, như: Diễn đàn xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp của tương lai; Marketing và mở rộng thị trường cho du lịch trong thời đại số; Du lịch - xuất nhập khẩu và kết nối thương mại; Mạng xã hội và truyền thông số phát triển thương hiệu du lịch quốc gia...

NGỌC BÍCH - Ảnh: NGUYỄN TRUNG

;