Đạo hiếu trong tín ngưỡng thờ thành hoàng làng

Đạo hiếu là giá trị hàng đầu của đạo làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, những biến cố về văn hóa đạo đức, đạo hiếu đã, đang là sợi dây gắn kết quá khứ, hiện tại, tương lai, làm nên nét riêng của nhân cách, đạo đức của người Việt Nam. Đạo hiếu gắn bó chặt chẽ với lòng yêu quê hương, đất nước của người Việt, tạo nên trục nhà - làng - nước trong sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng làng xã, quốc gia, dân tộc. Đạo hiếu thể hiện ở lòng biết ơn, đền đáp công ơn của con người đối với những vị thần có công với làng xã, đó là các thần Thành hoàng làng. Có thể nói, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là sự thể hiện rõ nét đạo hiếu ở cấp độ cộng đồng làng của người Việt.

Quan niệm về đạo hiếu trong tín ngưỡng thờ thành hoàng làng

Nhà - họ - làng - nước là cơ cấu xã hội truyền thống của người Việt trong lịch sử. Làng là một đơn vị kinh tế, xã hội, văn hóa thống nhất chặt chẽ, liên kết giữa các gia đình, dòng họ lại với nhau trong một cộng đồng lãnh thổ chung. Làng Việt Nam từ lâu đã là nơi sinh ra, bảo lưu văn hóa dân tộc. Cho đến nay, văn hóa làng vẫn tồn tại với sự ngưng kết đậm đặc trong lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa dân gian. Làng Việt là nơi lưu truyền các giá trị văn hóa, thu giữ vào nó nhiều loại hình tôn giáo, văn hóa truyền thống, trong đó có tín ngưỡng thờ thành hoàng làng (TNTTHL). TNTTHL đã bám rễ sâu bền, góp phần quan trọng vào việc cố kết cộng đồng, tạo nên bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Thành hoàng là một từ gốc Hán, cũng có gốc ở Kinh Dịch, có nghĩa phái sinh ra thần bảo hộ một thành lũy. Thành hoàng là vị thần bản mệnh của cộng đồng làng. Tác giả Phan Kế Bính cho rằng: “Mỗi làng phụng sự một vị thần hoàng. Thần hoàng có gốc tích ở việc dân làng sao bản sắc vua phong thần ra một tờ giấy vàng, cũng ý bản sắc chính. Hai bản ấy đựng vào một cái mâm, đặt trên hương án. Trên bàn thờ bày đủ đồ tế tự, người chủ đốt hương vào lễ, rồi tuyên đọc một bài văn kể duyên do tổ khảo được phong tặng, được phong chức gì. Đoạn rồi tuyên đọc đến bản sắc. Xong thì đốt bản sao mà để bản nguyên lại thờ, nên gọi là thần hoàng (đốt thờ sắc vàng)” (1).

Ở nước ta, TNTTHL đã có từ lâu, do người Trung Quốc truyền sang. Tuy vậy, tín ngưỡng này khi du nhập vào Việt Nam đã có nhiều cải biến cho phù hợp với tâm lý, văn hóa người Việt. Nếu thành hoàng ở Trung Quốc là thần bảo hộ thành trì, thì thành hoàng thờ ở các đình làng Việt Nam chỉ là thần bảo hộ riêng từng làng, mang tính nhân bản, phục vụ cộng đồng. Thành hoàng ở các làng Việt không chỉ được vua phong chức tước do có công lập làng, lập ấp, bảo vệ làng mà có thể đó là người mà người dân sùng kính, thần thánh hóa lên thành vị thần bảo vệ làng, hoặc đó là tổ nghề, người có công tìm ra một nghề, truyền nghề cho dân làng, tìm lấy kế sinh nhai cho cả làng. Vì thế, thành hoàng ở làng Việt Nam không chỉ có một mà nhiều vị cùng được thờ. Tác giả Phan Kế Bính cũng từng nói: “Mỗi làng phụng sự có một vị thành hoàng, có làng thờ hai ba vị, có làng năm, bảy vị, tức gọi là Phúc thần. Phúc thần chia làm 3 hạng: thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần” (2). Thượng đẳng thần là những vị có sự tích linh dị, ẩn hiện khôn lường, thường khi hiển linh để giúp nước, trợ dân; hoặc chống tà thần, ác thần, chống thiên tai (lũ lụt, hạn hán, bão tố, sâu bệnh…), tham gia nhiều nhất vào công cuộc đấu tranh dựng, giữ nước hoặc dự báo trước tai họa của dân chúng như: Tứ bất tử, Đông hải đại vương, Tô Lịch giang thần... Trong lịch sử dựng nước, giữ nước của người Việt, yếu tố cố kết cộng đồng không chỉ dừng ở việc cùng nhau chống chọi với thiên tại, bệnh dịch mà còn cùng nhau chống giặc ngoại xâm. Thực tế lịch sử ấy cũng phản ánh sinh động trong đời sống tín ngưỡng của họ, đặc biệt trong tín ngưỡng thờ thành hoàng, không chỉ có thiên thần mà nhân thần cũng được thờ phụng. Số lượng các thượng đẳng là nhân thần nhiều nhất là những người lúc sinh thời có công lớn trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, khi đã chết vẫn linh thiêng giúp dân, giúp nước trong sản xuất, mở mang bờ cõi, đánh giặc giữ nước, đoàn kết quân dân, nêu cao tấm gương trung liệt như: vua Hùng, Thục Phán, Hai Bà Trưng, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm… Các vị được dân chúng cả nước tôn kính lập đền thờ, được triều đình sắc phong hàm thượng đẳng thần. Nhiều vị trước khi triều đình sắc phong, đã được dân làng lập làm thành hoàng.

Cấp trung đẳng thần, hạ đẳng thần chính là nét khác biệt trong việc thờ thành hoàng của Việt Nam so với Trung Quốc hay các nước khác trong khu vực Đông Nam Á có cùng tín ngưỡng này. Đó là những vị thần được dân thờ từ lâu, có chút linh dị, có thể đến trong giấc mộng của dân làng, có công cứu giúp dân làng hoặc tìm ra nghề cho cư dân trong làng, sau đó vua mới phong tước, chức danh thành hoàng làng. Còn các vị thuộc về hạ đẳng thần, dân làng thờ phụng không biết sự tích ra sao, hay đôi khi là tà thần như thần gắp phân, thần ăn trộm…

Là một tín ngưỡng khá phổ biến của người Việt, TNTTHL có ở nhiều vùng miền, thậm chí tồn tại ở những người đã theo một tôn giáo nào đó. Theo tác giả Nguyễn Đăng Duy: “Người Việt phổ biến nhất, nổi bật nhất là thờ thần ở làng, không làng nào là không có đình, đền, miếu thờ thần” (3). Không những thế, trong tín ngưỡng sùng bái con người, thần linh, TNTTHL nổi trội hơn cả, bởi đây là sự kết hợp đỉnh cao của tín ngưỡng sùng bái con người, thần linh. Người Việt không chỉ thờ cúng tổ tiên mà còn thờ người có công với làng, với nước một cách thành kính, trân trọng. Làng Việt Nam có cơ cấu thiết chế rất chặt chẽ, tuy có quan hệ với nhà nước trung ương, nhưng lại mang tính độc lập tương đối. Tính độc lập tương đối này thể hiện sự khác nhau trong việc thờ thành hoàng làng. Làng nào cũng thờ thành hoàng làng, dù đó là thiên thần hay nhân thần, thậm chí là những tà thần, nhưng tất cả các vị thần đó đều có chung một điểm là có công trạng đối với làng, tất cả người dân trong làng phải thể hiện sự biết ơn bằng việc thờ phụng.

Tôn thờ thành hoàng làng là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được, là phương tiện, động lực ổn định thúc đẩy cuộc sống. Thành hoàng chính là vị chỉ huy tối linh có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt. Cho nên sự thờ phụng thành hoàng, xét cho cùng, là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng. Đạo hiếu trong tục thờ thành hoàng làng đã lưu giữ, lưu truyền, cũng như tạo nên sức sống, sức đoàn kết xã hội của cộng đồng làng xã. Thành hoàng khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hòa đồng, đất lề quê thói được bảo tồn. Các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng thành hoàng để xin phép các chư thần trước. Như vậy, sự ngưỡng mộ thành hoàng của người dân không kém sự ngưỡng mộ đối với tổ tiên.

Đạo hiếu có vai trò trung gian, điều chỉnh sự tồn tại, hoạt động trong sinh hoạt TNTTHL. Đạo hiếu được kết tinh từ văn hóa, trở thành triết lý sống của người Việt, dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên, những người có công với quốc gia, dân tộc. Đạo hiếu trong TNTTHL như một lời nhắc nhở về những giá trị từ quá khứ, là niềm tự hào của dân tộc, hướng đến những giá trị nhân văn cao cả. Trên con đường phát triển đất nước, đạo hiếu trong TNTTHL đang tồn tại, phát triển cùng với lịch sử dân tộc, thấm dần vào các thế hệ người Việt Nam. Trải qua thời gian, triết lý về lòng biết ơn, đền ơn của đạo hiếu không thay đổi, sẽ mãi là giá trị vĩnh hằng, khẳng định sự trường tồn của dân tộc, tạo ra sức mạnh văn hóa trong hội nhập, phát triển.

Mỗi làng Việt đều thờ thành hoàng làng. Nhưng có lẽ, nét khác biệt giữa các làng chính là thờ các vị thần riêng của làng mình, những vị thần đó vừa gần gũi lại vừa thiêng liêng với từng làng. Việc thờ cúng vị thần chung, sự tôn kính của cả làng được sùng bái với nghi thức chặt chẽ, mang tính bắt buộc chung. Bởi lẽ trong tiềm thức của người dân sống trong làng Việt cổ, thành hoàng là một biểu tượng thiêng liêng, là vị thần hộ mệnh phát tín hiệu tập hợp, củng cố, bảo vệ, phát triển cộng đồng. Sự biết ơn, tôn kính thành hoàng được thể hiện ở nơi thờ cúng, nghi thức thờ cúng. Đình là nơi thờ thành hoàng làng, là không gian đặc biệt của người Việt: “Đình làng đã được mọi người nhìn nhận tính chất đặc biệt đa dụng cả về tôn giáo lẫn xã hội, hành pháp, tư pháp, lập pháp, du hý, kinh tế, quan hôn, tang tế... chỉ Việt Nam mới có” (4). Đình thường nằm ở vị trí trung tâm làng theo quan điểm tự trụ, thường được xây theo hướng nam. Hướng nam về mặt lý thuyết theo Kinh Dịch là biểu tượng của quẻ Ly, là lửa, là dương, tượng trưng cho cái tốt lành. Về mặt thực tiễn, hướng nam là hướng gió mát mẻ vào mùa hè, tránh gió rét vào mùa đông. Xung quanh đình làng người dân thường trồng các loại cây có tán rộng như cây đa, cây gạo, cây si.

Như vậy, không gian văn hóa chung của làng là đình, linh hồn chung của làng là thành hoàng làng. Sự biết ơn, lòng thành kính đối với đấng thiêng liêng là thành hoàng được thể hiện ở sụ thờ phụng quanh năm, đặc biệt trong ngày hội làng qua nghi thức tế, lễ. Việc thờ cúng thành hoàng được làng tổ chức vào những ngày nhất định hàng năm mà thần tích đã quy định, qua các cuộc rước, tế. Trước ngày chính hội, làng tổ chức một đoàn người mang long ngai, bát bửu, chiêng chống, cờ quạt… từ đình đến đền để rước thành hoàng. Nếu nhiều làng cùng thờ một thành hoàng thì các làng phụ thuộc (làng em) phải rước long ngai, bát bửu… từ làng mình về làng chính (làng anh) để tế công đồng. Hết hội, dân làng lại rước thành hoàng từ đình về đền. Sở dĩ có hai cuộc rước là vì thành hoàng được thờ chính là ở đền, còn đình chỉ là nơi thờ vọng.

Nghi lễ tế thành hoàng làng của người Việt được quy định rất chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ việc chọn người chủ tế, bồi tế, các người xướng, cũng như y phục, các động tác cũng được quy định rõ ràng trong điển lễ của làng, người thực hiện lễ tế phải thực hiện các động tác đúng như quy định. Làng cũng quy định trong cuộc tế, bắt đầu từ tiết mục khởi chinh cổ cho đến tế tất có bao nhiêu động tác, vị đông xướng xướng câu gì, vị chủ tế xướng câu gì, mỗi chức danh trong cuộc tế đứng ở đâu... Tất cả các điều này đều được ghi chép tỉ mỉ trong điền lễ của làng. Đồng thời với tế, lễ, người dân còn tổ chức rước thành hoàng, với ý muốn đưa thần đi thăm thú làng quê, khoe với thần những công việc tốt dân trong làng làm được, đồng thời trong buổi rước, người dân còn diễn lại những công trạng của thành hoàng làng đã làm đối với làng. Đó chính là sự biết ơn sâu sắc, thể hiện lòng tôn kính người có công với làng, với nước.

Cũng giống như thờ cúng tổ tiên, việc thờ cúng thành hoàng làng của người Việt Nam vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lý sống của hậu thế đối với bậc tiền bối có công với làng xã, đất nước. Nếu việc thờ cúng tổ tiên là một đạo lý thể hiện ý thức hướng về cội nguồn của gia đình, dòng họ thì việc thờ cúng thành hoàng làng cũng là sự tôn vinh các bậc tiền bối, luôn gắn kết, che chở cho dân làng, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai. Có thể nhận thấy rằng, TNTTHL là chỗ dựa tinh thần, nơi quy tụ cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết trong làng, giáo dục truyền thống đạo hiếu cho mỗi thành viên trong làng thông qua truyền thống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nghi lễ thờ cúng.

Như vậy, đạo hiếu của người Việt không chỉ là một trạng thái tâm lý, mà trở thành một nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước. Người dân Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Sau mỗi cuộc chiến, tâm thức khát khao hòa bình, cuộc sống bình an, tâm lý được che chở, muốn được bày tỏ sự biết ơn với đấng thiêng đã ban phước lành cho mình đã ra đời một cách tự nhiên, bình dị. TNTTHL của người Việt biểu hiện đạo hiếu, sự biết ơn, mong muốn được đền đáp công ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, sự đền đáp đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác, củng cố, duy trì bền vững.

Phát huy những giá trị của đạo hiếu trong TNTTHL

Xu hướng biển đổi của đạo hiếu trong TNTTHL

Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc với đa dạng các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Trong những năm đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện, những nét đẹp truyền thống, những giá trị đạo đức được phát huy. Tuy nhiên, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa về mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có văn hóa, đạo đức, TNTTHL, những giá trị của nó theo đó cũng có những xu hướng biến đổi.

Một là, trong những năm gần đây, TNTTHL trên cả nước đang có xu hướng phát triển trở lại. Các di tích, hoạt động tín ngưỡng thành hoàng làng từng bị gián đoạn trong một thời gian dài do chiến tranh. Không ít những đình làng, miếu thờ có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật đã bị phá hủy, hàng loạt các thần tích, sắc phong bị thất lạc, các hoạt động tín ngưỡng thành hoàng bị lãng quên. Thời gian gần đây, hàng loạt các ngôi đình được xây dựng lại, được Nhà nước công nhận, xếp hạng. Các lễ hội được mở lại. Việc tái tạo hoạt động tín ngưỡng thành hoàng ngày nay trở nên phổ biến ở khắp các làng quê, thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là thế hệ trẻ. Có thể nói, thờ cúng thành hoàng không thuần túy là vấn đề tín ngưỡng, mà thực chất, người Việt đã thông qua hình thức tín ngưỡng này để biểu lộ đạo hiếu trước các bậc tiên tổ ở cấp độ làng xã. Thờ cúng thành hoàng đã thực sự trở thành một loại hình sinh hoạt tinh thần có ý nghĩa tâm linh, văn hóa lớn, quan trọng hơn, thông qua việc thờ cúng, thờ phụng này, mọi người trong làng xã nhắc nhở lẫn nhau sẽ sống tốt đẹp hơn, góp phần gìn giữ truyền thống của làng xã.

Hai là, tuy các lễ hội truyền thống liên quan đến tín ngưỡng thờ thành hoàng làng đã được khôi phục lại, nhưng rất nhiều lễ tục, trò chơi truyền thống đã bị mai một như đánh đu, vật... Một phần do những lễ tục, trò chơi này không còn phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay, phần khác do sự xâm nhập của các luồng văn hóa nước ngoài trong xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều nơi còn quá câu nệ, bảo thủ trong việc tuân thủ các quy định trong lễ tục thờ cúng thành hoàng, phần lễ rình rang, phô diễn nghi thức, trong khi phần hội sơ sài, nhàm chán. Mỗi dịp lễ hội lại bị giới trẻ đón nhận với sự biến dạng dưới các hình thức tụ tập ăn chơi, qua đó, những giá trị văn hóa truyền thống đang bị mất, nét đạo hiếu thể hiện lòng biết ơn đối với những thành hoàng có công với làng xã đã không được biểu hiện cụ thể, không được bảo toàn, chuyển giao cho các thế hệ nối tiếp.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là đạo hiếu trong TNTTHL cho các tầng lớp nhân dân. Cần chú trọng, từng bước nâng cao nhận thức cho nhân dân về những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đạo hiếu thông qua các lễ hội trong TNTTHL ở các địa phương, qua đó, mỗi người dân biết trân trọng, gìn giữ, chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng.

Thứ hai, các cấp chính quyền cần có biện pháp cụ thể đối với các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội đang sống ký sinh trong lễ hội thành hoàng làng. Xây dựng các quy tắc về tổ chức, tham gia lễ hội theo đặc điểm của từng vùng, từng địa phương. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, Mặt trận tổ quốc... trong việc tổ chức lễ hội. Nêu gương người tốt, việc tốt trong việc tham gia tổ chức, quản lý lễ hội, góp phần làm cho mỗi người dân đặc biệt, thể hệ trẻ ý thức về quyền, nghĩa vụ của mình đối với việc bảo tồn lễ hội, giữ gìn các giá trị đạo đức truyền thống, đặc biệt là đạo hiếu, lòng biết ơn đối với những người có công với làng xã.

Thứ ba, các phương tiện thông tin đại chúng cần truyên truyền, giới thiệu nghi lễ văn hóa TNTTHL ở các địa phương. Qua phương tiện truyền thông, thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về đạo lý uống nước nhớ nguồn, đạo hiếu thông qua các nghi lễ trong TNTTHL. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng góp phần định hướng dư luận, phê phán những quan niệm, nghi lễ tín ngưỡng lạc hậu, tốn kém, mê tín dị đoan cần xóa bỏ.

Có thể nói, TNTTHL ở Việt Nam hiện nay được tái tạo rộng khắp, mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Thông qua TNTTHL, truyền thống uống nước nhớ nguồn, đạo hiếu được phát huy sâu rộng. Dù mỗi người dân Việt Nam có đi đâu, ở đâu, làm gì đều hướng về làng xã trong các ngày lễ hội, dịp tế lễ thành hoàng làng. Cũng từ đó, nhằm giúp con người nhất là thế hệ thanh niên không bị hòa tan với nhịp sống, văn hóa hiện đại. TNTTHL đang được lưu giữ, tiếp tục duy trì, mặc dù kết cấu làng xã hiện nay không còn chặt chẽ như xưa, nhưng với người Việt, tín ngưỡng này như một nét văn hóa, đạo đức độc đáo cần được bảo tồn. Điều này không chỉ giúp thế hệ sau phải nhớ đến công lao của những người đi trước trong công cuộc dựng nước, giữ nước, trong việc phát triển kinh tế làng xã, mà qua đó, đạo hiếu, lòng biết ơn được bồi đắp, cộng đồng làng xã càng được cố kết, cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống, tận hưởng những giá trị văn hóa cốt lõi làm nên cốt cách của con người, của dân tộc Việt Nam

________________

1, 2. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb TP. HCM, 1995, tr.24, 59.

3. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội, 1988, tr.86.

4. Lê Văn Siêu, Việt Nam văn minh sử, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Phương Hà

Nguồn : Tạp chí VHNT số 411, tháng 9 - 2018

 

;