Chiều ngày 6-2-2025, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06 năm 2024, và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị.
Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương trong cả nước - Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Phiên họp được tổ chức tại Trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến tới các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá tình hình thực hiện năm 2024, đề ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2025.
Cùng tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân, tiết kiệm thời gian công sức, hạn chế tiêu cực, tham nhũng vặt, tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số- Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Những kết quả nổi bật về chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long đã trình bày báo cáo tóm tắt kết quả Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 và Kế hoạch trọng tâm năm 2025. Theo đó, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử cải thiện rõ rệt Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức "Rất cao".
Thể chế đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế. Hạ tầng số được mở rộng, phát triển. Việt Nam đưa vào khai thác 1 tuyến cáp biển mới, tuyến thứ 6 và là tuyến có dung lượng lớn nhất của Việt Nam (20Tbps) được đưa vào khai thác, giúp cải thiện tốc độ Internet và bảo đảm sự bền vững kết nối quốc tế của Việt Nam. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang đạt 82,4%, vượt mục tiêu đến năm 2025 là 80%. Dữ liệu số và nền tảng số tiếp tục được xây dựng, phát triển Xác lập thêm 4 CSDL quốc gia, nâng tổng số lên 10 CSDLQG.
Về Chính phủ số, lần đầu tiên thực hiện giám sát và công bố trực tuyến việc cung cấp và sử dụng DVC trực tuyến. Việc giám sát và công bố trực tuyến bảo đảm kết quả triển khai thực chất, hiệu quả. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023.
Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á. Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch chuyển đổi số doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ, bán buôn, sản xuất chế tạo, du lịch, chăn nuôi, trồng trọt. Thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%...
Kết quả thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số: 9/10 (90%) chỉ tiêu hoàn thành, cơ bản hoàn thành, các nhiệm vụ thường xuyên đều được thực hiện đạt kết quả tốt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu khai trương thí điểm Hệ thống điều phối dữ liệu ngành Y tế - Gimedical- Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện một số bộ, ngành trung ương, địa phương và các doanh nghiệp trình bày tham luận về Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, như: Vai trò của người đứng đầu trong triển khai chuyển đổi số (UBND TP Huế); Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (UBND tỉnh Cà Mau); Hỗ trợ các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số (UBND TP.HCM); Một số giải pháp thực hiện mục tiêu 2025 về phát triển hạ tầng số (Tập đoàn Viettel); Làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo (Tập đoàn VNPT)...
Phải tăng tốc, bứt phá…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo Đề án 06 do lực lượng công an nhân dân làm nòng cốt; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa những kết quả đã làm được và khắc phục những hạn chế chưa làm được.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị- Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Thủ tướng nêu rõ những tồn tại, hạn chế liên quan thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai Đề án 06; một số nhiệm vụ của Đề án 06 và theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia chưa hoàn thành. Kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.
Thủ tướng nhấn mạnh: Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ đã có. Chuyển đổi số phải gắn chặt với cuộc "cách mạng" về cải cách bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở tất cả các ngành, các cấp, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể để thúc đẩy sự phát triển.
Với tinh thần là “tăng tốc, bứt phá”, Thủ tướng nhấn mạnh 5 vấn đề: Thứ nhất là tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới; Thứ 2 là tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân..., nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; Thứ 3 là tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số; Thứ 4 là tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức và kỹ năng cho thế hệ tương lai, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số; thứ 5 là tăng tốc, bứt phá trong phát triển chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL - Ảnh: Thanh Danh
Chuyển trạng thái từ "xin - cho" sang trạng thái "chủ động" phục vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Về nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần vào tăng trưởng GDP đạt 2 con số trong những năm tới đây, đặc biệt tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025.
Bộ Nội vụ nghiên cứu phát động phong trào thi đua toàn quốc về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo phong trào, khí thế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho mọi người dân, mọi doanh nghiệp và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thực hiện công vụ.
Triển khai thực hiện hợp nhất 3 cơ quan: chuyển đổi số quốc gia, cải cách hành chính, Đề án 06 thành Ban Chỉ đạo của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để cụ thể hóa, triển khai các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương vào chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và hoàn thành trước ngày 15-2.
Thứ hai, thống nhất nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của người lãnh đạo trong chuyển đổi số. Yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có quyết tâm cao, nêu gương đi đầu, tiên phong trong thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, hành động trong chuyển đổi số.
Đến tháng 6-2025, yêu cầu tất cả các lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến cuối tháng 9-2025, tất cả cán bộ, công chức cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đi đầu, tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong thu thuế, nhất là các cửa hàng bán lẻ và kinh doanh ăn uống, áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025.
Bộ Y tế hoàn thành triển khai bệnh án điện tử trong 6 tháng đầu năm 2025; triển khai Bệnh án điện tử tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc trong tháng 9/2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dữ liệu học sinh từ lớp 1-12, hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025. Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trước khi chuyển cho Bộ Công an. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ số hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tham dự, điều hành Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL- Ảnh: Thanh Danh
Thứ ba, đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng cơ chế, chính sách; đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số. Các bộ ngành hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ, Luật quy định về điện hạt nhân, xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, lấy ý kiến và báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. Xây dựng và trình Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về cơ chế đặc thù đầu tư, đầu tư công, mua sắm công các sản phẩm, dịch vụ số.
Khẩn trương trình Chính phủ ban hành 2 nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, 3 nghị định hướng dẫn Luật Dữ liệu và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển chính phủ số và Chương trình phát triển kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2026-2030 trong quý III-2025.
Bộ Tài chính đảm bảo nguồn ngân sách chi thường xuyên để triển khai các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06.
Thứ tư, về phát triển kinh tế số, hạ tầng số và nền tảng số quốc gia, xây dựng Đề án ứng dụng internet vạn vật trong một số ngành, lĩnh vực, như sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh…
Xây dựng Đề án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai thu thuế hộ gia đình bằng phương thức điện tử. Đưa Trung tâm Dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm 2025; bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh cắt giảm và xóa bỏ thủ tục hành chính không cần thiết; chuyển trạng thái từ "xin - cho" sang trạng thái "chủ động" phục vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2025, 100% các sân bay, bến cảng, cửa khẩu ứng dụng công nghệ sinh trắc, nền tảng VNeID.
Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới cung cấp dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Áp dụng chính sách thu phí 0 đồng để thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục đã được số hóa. Hoàn thành trong tháng 6/2025 việc số hóa dữ liệu hộ tịch, đất đai trong toàn quốc, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc này.
Phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
Cắt giảm thủ tục hành chính, thời gian cấp visa và triển khai theo phương thức trực tuyến; tổ chức triển khai cấp căn cước cho người Việt Nam tại nước ngoài và cấp khai sinh cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài theo phương thức trực tuyến.
Thứ sáu, về an ninh, an toàn thông tin, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT thường xuyên đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Thứ bảy, về phát triển nhân lực chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm cả việc đào tạo chung mang tính phổ cập và cả đào tạo chuyên gia, thu hút nhân tài, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; trong đó đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Thứ tám, về triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh triển khai 39 nhiệm vụ chậm tiến độ; tích hợp dữ liệu tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành về cơ sở dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia cùng với sơ sở dữ liệu của các bộ, ngành; đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; hoàn thành trong quý IV-2025.
Giao Bộ Công an xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thông qua VNeID trong quý I-2025. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an xây dựng bộ chỉ số đánh giá "sức khỏe" doanh nghiệp, hoàn thành trong tháng 6-2025.
Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phối hợp lên phương án triển khai Hệ thống thông tin phục vụ giám sát dự án đầu tư công và Hệ thống liên thông đăng ký, quản lý đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, hoàn thành trong tháng 6-2025.
Cuối cùng Thủ tướng nhấn mạnh thêm, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 xong trước ngày 15-2. Tất cả các bộ, ngành, địa phương hoàn thành trung tâm điều hành thông minh, kết nối với trung tâm của Chính phủ. Các nhà mạng phủ sóng 5G trên toàn quốc và đi sớm hơn một bước về internet vệ tinh.
THANH DANH