Nghề làm gốm của người Chăm tại làng Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời. Với cách làm thủ công độc đáo, nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Trong dịp Lễ hội Katê năm 2024 được diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi có dịp đến với làng Gốm Chăm Bàu Trúc nổi tiếng với nghệ thuật làm gốm độc đáo với những sản phẩm thủ công đất nung. Bàu Trúc toạ lạc ngay trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km. Dân số của làng chủ yếu là người Chăm và gắn bó với nghề làm gốm truyền thống của dân tộc.
Đa dạng các sản phẩm gốm tại làng Bàu Trúc
Theo dân gian truyền tụng, ông tổ nghề gốm Bàu Trúc là Po K’long Chank là một người bạn thân, đồng thời cũng là quan cận thần của vua Po K’long Giarai (1151-1205). Tương truyền, gần ngàn năm trước chính Po K’long Chank đã dạy người dân Bàu Trúc cách lấy đất, nặn rồi nung thành những vật gia dụng.
Trước kia, nghề làm gốm Bàu Trúc chủ yếu do phụ nữ thực hiện, và được truyền lại các thế hệ trong gia đình từ bà, mẹ và con gái. Đàn ông phụ trách công việc đào đất, nung gốm và mang đi bán. Đến nay, công việc làm gốm cũng đã có sự góp sức của những người đàn ông trong gia đình.
Sản phẩm gốm nơi đây hoàn toàn được làm thủ công, vì thế mang tính độc bản, dù cùng một loại sản phẩm, nhưng sẽ không giống hệt nhau mà vẫn có sự khác biệt nhất định. Qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị, nhiều sản phẩm gốm là những đồ vật dụng hằng ngày đã ra đời. Các sản phẩm không màu mè, bóng bẩy mà mộc mạc, giản dị, gần gũi với thiên nhiên.
Bà Đàm Thị Chân, 75 tuổi đang làm sản phẩm gốm
Tới làng gốm Bàu Trúc, chúng tôi được trò chuyện và chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm của gia đình bà Đàm Thị Chân, 75 tuổi. Bà cho biết, mẹ của bà truyền lại nghề làm gốm và bà bắt tay vào làm các sản phẩm từ khi 15 tuổi.
“Trước đây, các sản phẩm gốm của gia đình sản xuất được nhiều và bán ở các địa phương khác. Nhưng giờ đây, không còn bán được như trước kia, chỉ làm tại nhà, phục vụ khách du lịch và những người đến đặt sản phẩm nào, tôi sẽ bán cái đó” – Bà Chân cho biết.
Để cho ra đời những sản phẩm gốm, đòi hỏi nhiều công phu, bắt đầu là khâu lựa chọn và nhào trộn đất. Bà Chân chia sẻ, đất sét để làm gốm được lấy từ một con sông, được bồi đắp quanh năm. Mang về lọc hết mẩu sạn, rồi trộn với cát nhiều sa khoáng được lấy từ đầu nguồn con suối… sau đó mới bắt tay vào làm các sản phẩm cần thiết. Với việc trộn cát với đất sét, sẽ làm cho các sản phẩm có độ mịn, dễ làm, độ bền cao.
Với các sản phẩm nồi nhỏ, thì có thể ngồi để làm, nhưng với các bình lớn, người thợ phải để trên một cái kệ, vừa tạo hình vừa xoay quanh chiếc bình đó. Người thợ gốm đi giật lùi, tay “bắt” từng lọn đất, tay trong thì ép, tay ngoài xoa biến những khối đất thành sản phẩm gốm độc đáo, độc bản và mang đậm nét văn hóa Chăm.
Qua bàn tay khéo léo của các bà, các chị, các sản phẩm gốm đã hình thành, chờ phơi khô để mang đi nung
Đến với làng gốm Bàu Trúc, có thể nhận thấy, các sản phẩm nơi đây rất đa dạng, với nhiều kích cỡ, từ tấm phù điêu lớn để trang trí ngoài trời, đến các bình, lọ lớn, cùng các vận dụng nhỏ như nồi, niêu, và cả những vật trang trí, con giống nhỏ tinh xảo, đẹp mắt. Mỗi sản phẩm là dấu ấn của sự tài hoa với sự trang trí tỉ mỉ, những đường nét chạm khắc hoa văn hay những vân đắp nổi của người thợ. Qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị những sản phẩm gốm đặc sắc mang tính nghệ thuật đã được ra đời.
Một trong những nét độc đáo trong nghề làm gốm của người Chăm đó là cách nung các sản phẩm. Khác với các làng nghề gốm khác khi sử dụng công nghệ nung trong lò sử dụng điện, ga… người thợ gốm làng Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm mà cha ông gần ngàn năm nay đã làm đó là nung sản phẩm lộ thiên bằng rơm, trấu và củi. Sau khi nung, các sản phẩm gốm của người Chăm Bàu Trúc có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, xen lẫn những vệt nâu, đen xám. Ngoài ra người thợ gốm vẫn có thể tạo màu cho sản phẩm bằng các loại vỏ cây và tuyệt đối không dùng men màu công nghiệp.
Chia sẻ về nghề gốm của gia đình, chị Kim Nhuệ - con gái út của bà Đàm Thị Chân cho biết: “Trước đây mẹ tôi làm gốm là chính, nhưng nay chị gái và tôi cũng đã làm nghề. Những bình gốm lớn, đòi hỏi độ khó vẫn được mẹ tôi làm và tôi sẽ phụ giúp làm thêm các chi tiết nhỏ với mẹ. Sản phẩm gốm giờ đây ngày càng đa dạng để phù hợp với nhu cầu thực tế, nên gia đình chúng tôi cũng có nhiều sản phẩm mà mọi người thích dùng như bình phong thủy, hình các con giống. Còn các sản phẩm truyền thống trước kia như nồi, niêu vẫn được các cửa hàng ăn hay các resort đặt mua. Đặc biệt, khách du lịch đến với làng nghề rất thích các sản phẩm truyền thống của chúng tôi”.
Sản phẩm gốm Bàu Trúc đa dạng với nhiều kích cỡ
Đến với làng gốm Bàu Trúc - một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á, du khách không chỉ được khám phá nơi lưu giữ cách làm gốm độc đáo của người Chăm, mà còn hiểu hơn về nét đặc sắc của văn hóa của người dân xứ đất này. Thông qua các sản phẩm gốm Bàu Trúc nói riêng, các hoạt động lễ hội, ẩm thực, sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống… nói chung, du khách cũng như người dân sẽ càng hiểu hơn về ý nghĩa, tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam.
AN NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH