Du lịch Việt Nam năm 2023: Dấu ấn “tăng tốc và về đích”

 Khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh: Hà Hùng
 

Năm 2023 ghi nhận những dấu ấn nổi bật, thể hiện rõ nét sự phục hồi mạnh mẽ của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Bộ VHTTDL, sự đồng hành của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (DLQGVN) đã tích cực, chủ động tìm các giải pháp, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ quan trọng với phương châm xuyên suốt: “Tăng tốc và về đích”. Khép lại năm 2023, Du lịch được coi là điểm sáng trong tổng thể bức tranh kinh tế, xã hội đất nước.

Ngay từ những ngày đầu năm 2023, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương, tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch nay là Cục DLQGVN đã tham mưu Bộ VHTTDL tham gia ý kiến  với cơ quan chủ trì báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi và ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam số 23/2023/QH15 ngày 25-6-2023; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 127/NQ-CP áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; Nghị quyết số 128/NQ-CP sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP về việc miễn thị thực cho công dân các nước nhằm tạo điều kiện cho khách quốc tế đến Việt Nam. Việc sửa đổi và ban hành các quy định tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho khách quốc tế đã tháo gỡ rào cản trong nhiều năm qua của Ngành, đồng thời thể hiện sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò, vị trí, đóng góp của ngành Du lịch. Đây có thể coi là một dấu ấn quan trọng nhất của Du lịch Việt Nam trong năm 2023 và sẽ có tác động dài lâu trong quá trình đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

Một điểm nhấn quan trọng khác là trong cùng năm 2023, Cục DLQGVN, Bộ VHTTDL đã tham mưu, đề xuất Chính phủ tổ chức 2 Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch. Sau tròn 1 năm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” vào ngày 15-3-2023. Sau Hội nghị, Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững ra đời ngày 18-5-2023. Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP, Cục DLQGVN đã tham mưu Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch hành động Nghị quyết số 82/NQ-CP. Chính quyền nhiều địa phương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết với những giải pháp nhằm khai thác phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mình. Tiếp đó đến ngày 15-11-2023, Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trên cả nước. Căn cứ vào những kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị nhằm tạo một sức mạnh tổng thể đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời giai đoạn tới. Việc Thủ tướng chủ trì cả hai Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch chỉ trong vòng 8 tháng (từ tháng 3 đến tháng 11-2023) thể hiện sự quyết tâm rất cao của người đứng đầu Chính phủ nhằm phát triển đột phá ngành Du lịch.

Năm 2023 khép lại với các chỉ tiêu phát triển du lịch “về đích” và vượt kế hoạch: đón 12,5 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 108 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 5,8% so với kế hoạch năm 2023; tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD), tăng 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Số lượng khách quốc tế là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất, là thước đo đánh giá hiệu quả của Ngành và hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Cục DLQGVN đã đề xuất Bộ VHTTDL báo cáo Chính phủ điều chỉnh tăng tới 62,5% số lượng khách quốc tế đến (từ 8 triệu lên 12,5-13 triệu lượt). Có lẽ, hiếm có một ngành kinh tế nào tự tin đề xuất điều chỉnh tăng trên 50% chỉ tiêu thực hiện trong năm và đã thực hiện thành công. Qua đó thể hiện sự thích ứng nhanh nhạy và quyết tâm “tăng tốc và về đích”. Kết quả đạt được trong năm 2023 đã chứng tỏ hướng đi đúng trong việc cơ cấu lại thị trường, là thành quả của quá trình nghiên cứu, sáng tạo, làm mới sản phẩm và hiệu quả từ cách tiếp cận trúng nhu cầu của thị trường cho đến công tác quảng bá, xúc tiến với nhiều cách thức đa dạng của doanh nghiệp du lịch, các điểm đến và cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương.

Với vai trò cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương, Cục DLQGVN đã chủ động nghiên cứu, tham mưu đúng, trúng và kịp thời cho Bộ VHTTDL trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, qua đó đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thường xuyên cũng như đột xuất theo sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ VHTTDL. Cục DLQGVN đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Riêng trong năm 2023, Cục DLQGVN cũng đã tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và kiểm tra đảm bảo chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, Cục DLQGVN đã trình Bộ VHTTDL ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP… Đây là những cơ sở, định hướng chiến lược với những nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đã và sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

Một số điểm nhấn đáng chú ý khác là số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế tăng đột biến. Chỉ riêng trong năm 2023, số lượng doanh nghiệp được cấp phép mới hoạt động đã tăng hơn 1.000 doanh nghiệp, tương đương khoảng 1/3 tổng số hiện có, đưa số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đạt gần 4.000 doanh nghiệp trên toàn quốc. Số cơ sở lưu trú du lịch hạng 4-5 sao được công nhận thêm 54 cơ sở; tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đạt khoảng 38.000 cơ sở, với hơn 780.000 buồng. Công tác làm mới và sáng tạo sản phẩm du lịch đã được các doanh nghiệp, địa phương chú trọng với việc ra đời thêm nhiều sản phấm đặc sắc: Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học” (Hà Nội); Dịch vụ nghe nhạc trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Chương trình “Hành trình đến các di tích lịch sử văn hóa”, “Ngắm thành phố từ trên cao”, “Du thuyền trên sông Sài Gòn” (TP.HCM); Không gian văn hóa Tây Bắc và đường dạo ngắm hoa đỗ quyên của Sapa (Lào Cai); Tour du lịch khám phá khoa học (Bình Định); Tour phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình)… Bên cạnh đó, trên bản đồ du lịch thế giới, Du lịch Việt Nam và Cục DLQGVN nói riêng tiếp tục được các tổ chức du lịch uy tín vinh danh bằng nhiều giải thưởng danh giá. Cục DLQGVN tiếp tục nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023”; Việt Nam tiếp tục được vinh danh “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” năm 2023 của Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (WTA). Hàng loạt địa phương, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được trao tặng các giải thưởng danh giá khác của WTA. Ngoài ra, làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) vinh dự nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng.

Kết quả đạt được của năm 2023 sẽ là nền tảng để năm 2024 Du lịch Việt Nam “tăng tốc” với mục tiêu: đón 17-18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Với phương châm “quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, Cục DLQGVN sẽ thực hiện các nhóm nhiệm vụ: Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 82/NQ-CP; Tiếp tục rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý, văn bản quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch; Tăng cường định hướng, thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt các mô hình liên kết phát triển du lịch toàn diện, hiệu quả; Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại các hội chợ, sự kiện du lịch trong nước, quốc tế và trên các nền tảng không gian mạng; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; Thúc đẩy công tác chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh…

Có thể khẳng định, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL; sự vào cuộc có trách nhiệm của các địa phương; sự đồng hành, sát cánh của cộng đồng doanh nghiệp và sự chủ động trong triển khai công tác quản lý nhà nước, công tác định hướng tổ chức các hoạt động trong cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm, liên kết phát triển và quảng bá, xúc tiến du lịch cả ở trong và ngoài nước… đã cùng cộng hưởng, làm nên một năm thành công của Du lịch Việt Nam. Ngành Du lịch, Cục DLQGVN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “tăng tốc và về đích” như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL từ đầu năm 2023.

 

TS. NGUYỄN TRÙNG KHÁNH

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

;