Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật

Sáng 10-5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Quy định gọn nhẹ, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện

 Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 3 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 5 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.

“Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, các cơ quan đã tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng, chỉnh lý các điều luật không trùng lặp với nội dung đã được quy định trong các luật khác, đơn giản, gọn nhẹ nội dung của luật, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện” – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội nhấn mạnh.

Về giải thích từ ngữ, có ý kiến cho rằng, thuật ngữ “người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đang coi hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo bao gồm các mối quan hệ bằng hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo là chưa bao gồm hoạt động tài trợ, hoặc chi trả một lợi ích vật chất khác (sử dụng sản phẩm có giá trị lớn miễn phí, voucher mua sắm…) thông qua người có tầm ảnh hưởng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, UBTVQH cho rằng, việc xác định một chủ thể là người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải dựa trên bản chất của hoạt động và mối quan hệ pháp lý phát sinh, mà hợp đồng quảng cáo là một dấu hiệu rõ ràng và trực tiếp của hoạt động kinh doanh này. Đối với hoạt động tài trợ, trong một số trường hợp, hoạt động tài trợ đơn lẻ không hoàn toàn biến doanh nghiệp tài trợ thành người kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

Về ý kiến đề nghị làm rõ yếu tố “phương tiện quảng cáo”, “phương tiện quảng cáo khác” trong quy định giải thích từ ngữ “người phát hành quảng cáo”; bổ sung “cổng thông tin điện tử” vào danh sách người phát hành quảng cáo. UBTVQH nhận thấy, khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 2 như sau: Người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân sử dụng người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo (sau đây gọi là người, phương tiện quảng cáo) thuộc trách nhiệm quản lý của mình giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang thông tin điện tử, người tổ chức chương trình văn hóa, thể thao và tổ chức, cá nhân sử dụng người, phương tiện quảng cáo khác. Như vậy, phương tiện quảng cáo mà người phát hành quảng cáo sử dụng bao gồm: cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang thông tin điện tử. Ngoài ra, trang thông tin điện tử đã bao gồm cổng thông tin điện tử như đại biểu đề cập (theo khoản 19 Điều 3 nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 9-11-2024 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng)…

Quản lý nhà nước về quảng cáo: Chính phủ sẽ phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan

Về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, một số ý kiến cho rằng đang có sự chồng lấn trách nhiệm của một số bộ; một số ý kiến khác cho rằng cách quy định cụ thể này không bao quát được hết nhiệm vụ của các bộ, ngành; và có một số ý kiến góp ý cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động quảng cáo của các bộ…

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, để phù hợp tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật, UBTVQH đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ghép Điều 4 và Điều 5 thành 1 điều quy định chung về Quản lý nhà nước về quảng cáo, theo đó, các nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo sẽ được quy định cụ thể (khoản 1); Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quảng cáo và phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan (khoản 2). Về trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, trách nhiệm của địa phương được tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị định đi kèm hồ sơ dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh  báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Về ý kiến cho rằng, hiện nay dự thảo Luật không xác định một bộ, ngành cụ thể chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước mà quy định “Chính phủ phân công bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo”.

UBTVQH nhận thấy hoạt động quảng cáo liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ, ngành. Việc giao Chính phủ phân công giúp xác định rõ vai trò chủ trì và phối hợp của các bộ liên quan, đảm bảo hiệu quả thực thi luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc lược bỏ quy định về nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo vì nội dung này đã được thể hiện trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật này và Luật Quảng cáo năm 2012. Riêng nội dung về “phê duyệt bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo” có thể nghiên cứu đưa vào điều thích hợp trong dự thảo Luật.

UBTVQH cho rằng, những nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo là nội dung quan trọng, bảo đảm cho pháp luật được thực thi hiệu quả, minh bạch. Do vậy, cần thiết quy định khái quát chung tại điều về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo vì đây là cơ sở xác định phạm vi quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Những nội dung cụ thể được thể hiện ở các điều, khoản khác trong dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa phạm vi và giới hạn quyền của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, để phù hợp với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng, ghép Điều 4 và Điều 5 thành 1 điều quy định chung về Quản lý nhà nước về quảng cáo, theo đó, các nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo sẽ được quy định cụ thể (khoản 1); Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quảng cáo và phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan (khoản 2). Các ý kiến góp ý của ĐBQH về trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, trách nhiệm của địa phương được tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị định đi kèm hồ sơ dự án Luật.

Nội dung về “phê duyệt bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo” cần được quy định tại điều về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo nhằm mục đích gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo với việc ban hành và kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử của các chủ thể liên quan đến chuỗi hoạt động quảng cáo. Do vậy, UBTVQH xin được giữ quy định như dự thảo Luật.

Làm rõ quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo

Về quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 14) có ý kiến đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 14 như sau: “Thực hiện hợp đồng quảng cáo đã ký kết và chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo thực hiện trên người, phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình”. Ý kiến khác đề nghị bổ sung trách nhiệm của người phát hành quảng cáo trong việc kiểm duyệt nội dung quảng cáo, trong việc lựa chọn thời gian, không gian quảng cáo tránh gây phản cảm, phù hợp với đối tượng xem quảng cáo.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung khoản 7 Điều 2, người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân sử dụng người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo (sau đây gọi là người, phương tiện quảng cáo) thuộc trách nhiệm quản lý của mình giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến người tiếp nhận quảng cáo, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang thông tin điện tử, người tổ chức chương trình văn hóa, thể thao và tổ chức, cá nhân sử dụng người, phương tiện quảng cáo khác. Như vậy, người phát hành quảng cáo chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên người, phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình, đồng nghĩa với việc kiểm duyệt nội dung của các sản phẩm quảng cáo. Sản phẩm quảng cáo ở đây được hiểu theo khoản 3 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012, không phải là sản phẩm, hàng hóa dịch vụ quảng cáo, theo đó, sản phẩm quảng cáo bao gồm nội dung và hình thức quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự.

Việc lựa chọn thời gian và không gian quảng cáo cần tuân thủ quy định về những nguyên tắc chung và những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.  

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 8 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), có ý kiến đề nghị bỏ quy định về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” tại các khoản 1, 2, 3, 4, thay vào đó, bổ sung quy định về người thực hiện hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội phân thành 2 nhóm là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội và là người quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình tự sản xuất.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo điều chỉnh người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng hoặc trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ. Như vậy, mục đích của dự thảo luật điều chỉnh người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trên mạng nói chung, bao gồm các nền tảng, dạng thức truyền thông đang có ở hiện tại và có thể phát sinh trong tương lai, không chỉ ở trên mạng xã hội và bao gồm cả các trường hợp quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình tự sản xuất (vừa là người quảng cáo, vừa là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo).

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cho người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, không nên quy định đối với người có ảnh hưởng riêng. Đề nghị có chế tài nghiêm đối với người có ảnh hưởng hoặc giao Chính phủ quy định xử phạt nghiêm khắc.

UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, theo đó, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù, cụ thể là: Xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo; nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ; Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.

Việc dự thảo Luật có những quy định riêng cho người có ảnh hưởng nhằm nhấn mạnh đến trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong xã hội khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, khắc phục thực tế hiện nay, nhiều người có ảnh hưởng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Về chế tài xử lý đối với người có ảnh hưởng, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các quy định khác theo góp ý của đại biểu…

Về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, có ý kiến đề nghị rà soát các yêu cầu đối với nội dung quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, cần bảo đảm tính chính xác để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, UBTVQH nhận thấy quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người cần phải có các quy định cụ thể để bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, do vậy, dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc chung, đồng thời, bổ sung khoản 4 Điều 19 theo hướng giao Chính phủ quy định danh mục, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có những quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, để các quy định linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển của các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần quảng cáo…

Về quảng cáo trên báo in (khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21), có một số ý kiến đồng ý với tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí và đề nghị giữ nguyên như quy định Luật hiện hành.

Đề xuất tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay, trước sự phát triển của quảng cáo trên mạng, doanh thu quảng cáo báo chí nói chung và doanh thu quảng cáo của báo in nói riêng đã giảm mạnh. Do vậy, UBTVQH nhất trí với quan điểm tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí cải thiện nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, có thêm nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nội dung tin, bài.

Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng đến uy tín cũng như kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan báo chí, tính thẩm mỹ của ấn phẩm báo chí, việc giới hạn tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo in là cần thiết. Mặt khác, sự suy giảm của thị phần quảng cáo trên báo in còn đến từ nhiều nguyên nhân khách quan (sự hấp dẫn, tính linh hoạt, khả năng tiếp cận người tiêu dùng và sức lan tỏa của báo in so với các hình thức quảng cáo trên mạng). Vì vậy, UBTVQH cho rằng, việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 21 theo hướng tăng gấp đôi tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo in, tạp chí in so với quy định hiện hành (diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí) là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tăng nguồn thu quảng cáo qua báo in, tạp chí in (nhất là các ấn phẩm vào những ngày lễ, kỷ niệm đặc biệt, ngày tết…), UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào khoản 1 Điều 21 quy định giới hạn diện tích quảng cáo trên báo in sẽ không áp dụng với “phụ trương quảng cáo”; bảo đảm việc phát hành phụ trương quảng cáo được thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo…

Đối với quảng cáo xuyên biên giới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật...

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình (khoản 14 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22), về ý kiến đề nghị đánh giá tác động chính sách, trong đó nêu rõ các căn cứ cho việc tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%; một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền như Luật hiện hành là 5%.  

UBTVQH giữ quy định về thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền là 5% như Luật Quảng cáo năm 2012 do nguồn thu chính của các kênh chương trình cung cấp theo phương thức trả tiền là tiền thuê bao. Ngoài ra, việc nâng giới hạn thời lượng quảng cáo từ 5% lên 10% như trong dự thảo Luật có thể gây ảnh hưởng đến trải nghiệm nghe, xem của người sử dụng thuê bao dịch vụ, trong khi họ đã trả tiền thuê bao để sử dụng dịch vụ này. Vì vậy, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định riêng: (i) đối với kênh chương trình cung cấp theo phương thức quảng bá, thời lượng quảng cáo không được vượt quá 10% tổng thời lượng phát sóng một ngày của các kênh chương trình; (ii) đối với kênh chương trình cung cấp theo phương thức trả tiền, thời lượng quảng cáo không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của các kênh chương trình.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các đài truyền hình có thêm nguồn thu quảng cáo, dự thảo Luật giữ nguyên quy định không giới hạn thời lượng quảng cáo với kênh chương trình chuyên quảng cáo và sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 22, hoàn thiện các quy định về cấp giấy phép sản xuất kênh chương trình chuyên quảng cáo theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, quy trình, thủ tục cấp phép, bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong dự thảo Luật…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, sau quá trình nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan. Chính phủ đã có văn bản số 215/CP-KGVX ngày 16-4-2025 nhất trí với dự thảo Luật. 

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng TTĐTQH

;