“Gặp gỡ Hà Nội 2022”

Từ 8-14/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), diễn ra triển lãm Mỹ thuật “Gặp gỡ Hà Nội 2022” của nhóm họa sĩ trẻ quê hương Thanh Hóa.

Tới dự khai mạc triển lãm có: PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy Viên thường trực Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội; ông Ngô Tuấn Phong, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Bộ VHTTDL; TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Các đại biểu tham quan triển lãm

Gặp gỡ Hà Nội là một triển lãm nghệ thuật với mục đích kết nối, chia sẻ và giới thiệu tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ xứ Thanh hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tác của các nghệ sĩ cùng quê, cũng như mong muốn bày tỏ một tình cảm tri ân đặc biệt đến những miền đất thân thương, nơi các nghệ sĩ đã sinh ra, học tập, lớn lên và trưởng thành.

Triển lãm Gặp gỡ Hà Nội quy tụ 12 nghệ sĩ đã và đang thực hành nghệ thuật một cách tích cực và có nhiều đóng góp cho Mỹ thuật đương đại Việt Nam hiện nay: Phạm Hùng Anh, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Tuấn Dũng, Khúc Đình Dương, Vũ Xuân Đông, Nguyễn Trường Giang, Đỗ Quyên Hoa, Nguyễn Đức Hùng, Trịnh Liên, Vũ Mười, Phạm Nghĩa và Lê Thanh.

Triển lãm trưng bày 23 tác phẩm mới nhất với 3 thể loại: hội họa; đồ họa và điêu khắc. Các tác phẩm được thể hiện với đa dạng chất liệu như: sơn dầu, sơn mài, in khắc cao su, in độc bản, bút sắt, bột màu, hộp đồng tương tác, inox gương. Chủ đề các tác phẩm trong triển lãm bao gồm thiên nhiên, con người, môi trường và những triết lý nhân sinh; với sự định hình phong cách riêng trong ngôn ngữ tạo hình được thể hiện ở nhiều bút pháp, thể loại nghệ thuật khác nhau như: popart, hiện thực, siêu thực và trừu tượng...

Phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: đây là Triển lãm mang nét rất riêng của những người con đất Lam Kinh - đất thiêng đã tạo nên những người nghệ sĩ tài năng; và trong xu thế đang thay đổi rất nhanh của nền Mỹ thuật Việt Nam đó, những người nghệ sĩ đã tạo nên nét duyên, hiện đại mà rất đa dạng, phong phú, sinh động. Trong sự âm thầm và lặng lẽ, các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ tài năng của quê hương xứ Thanh đã sáng tạo và tạo nên bức tranh toàn cảnh của nền Mỹ thuật hiện đại.

Đại diện lớp họa sĩ đi trước, họa sĩ Lê Anh Vân đánh giá: "Các họa sĩ, nhà điêu khắc đã làm việc và bộc lộ nhiều khả năng qua các tác phẩm; tại triển lãm có 12 họa sĩ, nhưng còn rất nhiều họa sĩ khác nữa, kết lại cùng nhau giới thiệu về những tác phẩm của mình". Và ông đã rất bất ngờ về các tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm hôm nay: "Có những tác phẩm đã đoạt nhiều giải, tôi rất ấn tượng về cách thể hiện và sức sáng tạo của các họa sĩ, nhà điêu khắc, rất phong phú và đã đưa đến cho người xem nhưng cái rất riêng biệt, cá tính. Các tác phẩm rất phong phú và đa dạng, hình thành nhiều khuôn mặt, càng ngày càng phát triển.

Không gian trưng bày triển lãm

Trong các tác phẩm mới của nhóm Gặp gỡ Hà Nội 2022 lần thứ nhất, các nghệ sĩ đã thể hiện những tình cảm thật lòng và riêng biệt - những tình cảm của con người xứ Thanh: Khúc Đình Dương nhẹ nhàng hồi sinh với nụ hôn tình yêu giữa chàng siêu nhân đỏ với người đẹp, bằng lối vẽ POP mềm dịu, các vấn đề trong xã hội được anh hòa hợp trong bút pháp có cá tính riêng. Nguyễn Đức Hùng lại dẫn lối người ta vào chốn Thiền mênh mang, ấm áp tình người, sự kiên trì chấm, vạch bằng chất liệu bút sắt độc nhất vô nhị, thủ pháp giản đơn nhưng đem lại cả một vũ trụ mênh mang. Nguyễn Tuấn Dũng - một nghệ sĩ trẻ đem những ẩn chứa khi con người bị cách ly bởi dịch COVID-19 lên tác phẩm, với tinh thần khiêm tốn nhưng tay nghề già dặn vô cùng, anh nổi tiếng với loạt tranh acrylic trên nền báo cũ. Trịnh Liên - một giảng viên trẻ nhưng lại là một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật lâu năm, chuyện riêng của anh không ai dễ làm được, lại là một phiến đá nở hoa, một hồ Gươm lãng mạn bên ô cửa phai màu, phong cách nhẹ dịu hiếm thấy trong tuổi trẻ hừng hực thanh xuân. Nhắc đến tranh sơn mài khổ lớn người ta phải nhớ tới Phạm Nghĩa, chàng trai hào hoa lịch lãm trong những lớp lang “sơn son thếp vàng” anh chơi đùa với sơn ta mặc dù nàng ấy rất đỏng đảnh và khó lường. Với Vũ Mười - một nghệ sĩ ít nói hơn người thường, nhưng câu chuyện của anh thật khiến cho mọi người suy tưởng và bàn luận xôn xao, với phong cách siêu thực, cẩn trọng nhưng không xa xôi lạc lối và ấm áp tình người, anh luôn cho thấy một không gian sâu đậm về nhân sinh. Nguyễn Thế Dung được biết đến với sự lãng mạn và siêu thực, ở một khía cạnh khác ít người chưa biết tới cách anh thực hành rất tỉ mỉ và công phu không chỉ trong việc sáng tác mà cả trong việc chọn cọ vẽ, sợi toan, sơn vẽ và cả đến việc anh tự tay chế tạo giá vẽ cho riêng mình, cũng đủ để thấy anh tôn trọng công việc và tác phẩm đến nhường nào. Phạm Hùng Anh cũng là một chàng trai hào hoa và kiệm lời cả trong cuộc sống và cả trong sáng tác, anh luôn tự nhận mình là kẻ ngoài cuộc, nhưng nghệ thuật lại cuốn anh vào thành trung tâm của các cuộc chơi. Ở một khía cạnh khác, Vũ Xuân Đông áp dụng module hộp gò đồng xoay trục trong câu chuyện về sông Tô Lịch như muốn nhắc nhở về vấn đề môi trường. Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Trường Giang thể hiện sự ưu tư với những khối lập thể có nhiều ánh xạ, lóng lánh, con người anh luôn là cuộc đối thoại giữa thô ráp và trơn bóng nhưng rất nên thơ.

Với triển lãm Mỹ thuật “Gặp gỡ Hà Nội”, nhóm nghệ sĩ hứa hẹn sẽ đưa tới công chúng một hơi thở mới trong những sáng tác mang màu sắc xứ Thanh và một tinh thần làm việc với nhiều cống hiến tại thủ đô Hà Nội.

Tác phẩm: "Ngàn năm soi sáng chốn linh thiêng" của Nguyễn Đức Hùng, bút mực trên giấy, kích thước 120x84cm

Tác phẩm: "Sông Tô, số 18" của Vũ Xuân Đông, hộp gò đồng có trục xoay tương tác, kích thước 210x76cm

Tác phẩm: "Màu thời gian" của Nguyễn Thế Dung, sơn dầu, kích thước 114x162cm

Tin, ảnh: UÔNG MAI HƯƠNG

;