Giá trị tư tưởng về đoàn kết của Hồ Chí Minh trong bản Di chúc

  Di chúc - nơi kết tinh, lắng đọng những tinh hoa của tư tưởng, đạo đức, phong cách, tấm gương nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh, là bản tổng kết, chiêm nghiệm, dự báo vô cùng sâu sắc và thấm thía trên mọi phương diện về tương lai của đất nước mà Người gửi gắm. Nhiều nội dung được đề cập đến trong Di chúc, trong đó tư tưởng về đoàn kết chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, Người nói: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

 

  Không chỉ đến bản Di chúc Hồ Chí Minh mới đề cập đến vấn đề đoàn kết, mà tư tưởng đoàn kết đã thấm đẫm, trải dài trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nhờ có đoàn kết mà dân tộc ta đã vượt qua biết bao sóng to, gió cả, giành được những thắng lợi huy hoàng, rực rỡ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Tư tưởng đoàn kết đối với Hồ Chí Minh đã trở thành mạch nguồn bồi đắp cho các phong trào yêu nước, tinh thần đấu tranh ngoan cường của đồng bào và chiến sĩ ta, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ thời lập quốc cho đến hiện đại. Với chiều sâu tư duy nhạy bén và sự trải nghiệm của bản thân, Hồ Chí Minh đã không ngừng nâng tầm của đoàn kết lên thành những triết lý nhân sinh vô cùng thấm thía cả về lý luận, thực tiễn, trở thành phương châm hành động cách mạng cho cả dân tộc, là nguồn gốc, động lực của mọi thắng lợi. Tư tưởng đó không phải được hình thành một cách ngẫu nhiên, mà đó là quá trình lâu dài gắn liền với hoạt động đấu tranh chống thiên nhiên, giặc ngoại xâm của nhân dân ta, những hoạt động đó đã được nâng lên thành hệ thống những tư tưởng về đoàn kết, là mục tiêu, lẽ sống của mỗi con người.

  Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc như những lời nhắc nhở, chỉ bảo cho mỗi người dù ở cương vị, chức trách nào đều phải giữ vững tinh thần đoàn kết. Muốn vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực, quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của người dân.

  Hiện nay, bên cạnh dòng chảy của xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển là chủ đạo, còn tiềm ẩn những nhân tố, những vấn đề mới nảy sinh diễn tiến hết sức thất thường, gây khó khăn cho các quốc gia, dân tộc. Đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với khối đại đoàn kết dân tộc bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Đặc biệt, hiện nay, là sự tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; hoạt động ly khai, can thiệp lật đổ, khủng bố diễn ra quyết liệt ở nhiều nơi trên thế giới, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khu vực, bên cạnh sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự điều chỉnh, chuyển trọng tâm chiến lược của các nước lớn sang châu Á - Thái Bình Dương và sự tăng cường sức mạnh quân sự của nhiều nước trong khu vực. Những động thái trên không những làm cho tình hình biển Đông vốn đã phức tạp sẽ tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường, mà còn phần nào tác động đến tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp dân cư, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tình hình đó, đã đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng kế thừa, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo tư tưởng đoàn kết trong bản Di chúc để có những quyết sách đúng, trúng, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa đất nước phát triển đi lên với đúng thực lực, tiềm năng vốn có.

  Đảng ta đã chủ trương: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (1).

  Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với điều kiện địa hình, thời tiết của từng vùng, chú trọng đến những chương trình, dự án đem lại việc làm cho người lao động phổ thông ở nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, giản dị có năng lực thực tiễn, xử trí tình huống nhạy bén, không để những mâu thuẫn, bất đồng trong đội ngũ cán bộ cơ sở tồn tại ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền lợi cho mọi người dân. Chú trọng đến việc thực hiện có hiệu quả những chính sách của Đảng, Nhà nước cho các đối tượng trong xã hội, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình cách mạng, gia đình chính sách… kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vòi vĩnh nhân dân, dọa nạt, nhũng nhiễu, ăn chặn của dân.

  Củng cố tổ chức cơ sở đảng vững mạnh ở địa phương để tuyên truyền những quan điểm, đường lối của Đảng đến gần với quần chúng nhân dân, tạo dựng uy tín, niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà ảnh hưởng đến kết quả công việc, quá trình làm việc của người dân; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh tố giác với những cán bộ có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương. Bằng nhiều hoạt động thiết thực cụ thể, với nhiều hình thức vận động phong phú, đa dạng thông qua các tổ chức thành viên, Mặt trận Tổ quốc phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, hiểu biết về đường lối phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước, về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng; phát huy vai trò của nhân dân trong việc xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, đưa đất nước phát triển. Đồng thời, không ngừng nâng cao học vấn, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thể chất và đạo đức.

  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền lợi đều vì dân, bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Trong giai đoạn hiện nay, việc mở rộng dân chủ lại càng trở nên cấp thiết và thiết thực hơn bao giờ hết. Thực hiện dân chủ không chỉ là kêu gọi, động viên mà nội dung dân chủ, quyền làm chủ của dân, phải được thể hiện trong chính sách, pháp luật và được bảo đảm bằng chính sách, pháp luật, quy chế. Nội dung dân chủ trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cần được cụ thể hóa, lượng hóa để người dân hiểu và thực hiện.

  Vận dụng tư tưởng đại đoàn kết trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là thực hiện đoàn kết, hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, biết kết hợp một cách biện chứng giữa sức mạnh bên ngoài với sức mạnh bên trong, luôn coi sức mạnh từ bên trong có vai trò quyết định, không ỷ lại bên ngoài, luôn đề cao tinh thần độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính. Sự kết hợp nội sinh - ngoại lực, theo Hồ Chí Minh là một nguyên lý tất yếu của sự phát triển xã hội giống như nguyên lý phát triển của giới tự nhiên. Đây cũng là vấn đề mà thế giới ngày nay rất quan tâm về các lý thuyết và các mô hình phát triển.

_____________

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158 - 159.

 

Tác giả: Nguyễn Hữu Hồi

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 - 2019

 

;