“Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam, phải tìm hiểu cộng đồng làng xã, muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam, phải bắt đầu từ việc xây dựng lại cộng đồng làng xã, vì không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam” (1). Quan điểm trên của cố giáo sư Vũ Đình Hòe đã xác nhận một thực tế hiển nhiên là làng Việt Nam từ xưa đến nay luôn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong việc hoạch định các chiến lược cai quản, xây dựng và phát triển của đất nước.
Xây dựng nông thôn mới là một phong trào cách mạng rộng lớn, xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, một trong những mục tiêu hết sức quan trọng là xây dựng nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Để thực hiện được mục tiêu này, yêu cầu đặt ra đối với các làng, xã, quận, huyện xây dựng nông thôn mới phải thực hiện được các tiêu chí về văn hóa, cụ thể là hai tiêu chí 06 và 16. Trong bài viết này, tác giả chỉ khai thác nội dung gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới - một nội dung trong tiêu chí 16.
Theo nghiên cứu của các nhà dân tộc học, làng Việt được hình thành trước khi có nhà nước, ban đầu là nơi tụ cư của những người cùng huyết thống, sau đó là những người cùng nghề. Làng là một tổ chức tự quản quân sự, văn hóa khá hoàn chỉnh. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, làng Việt có những đặc điểm như: làng là nơi có ý thức cộng đồng cao, tính đồng nhất thuần chủng; làng là nơi có ý thức tự trị, tự quản thông qua lệ làng và hương ước; làng là nơi có diện mạo văn hóa riêng được thể hiện qua phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống và cuối cùng, làng là nơi thờ đa thần: vừa thờ thành hoàng, vừa thờ Phật, vừa thờ những người có công với nước. Với người Việt Nam, làng mang nhiều ý nghĩa, là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn mà mỗi khi trở về, ta thấy bình yên.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, mặc dù bị đô hộ bởi những thế lực đến từ nhiều nước khác nhau với thời gian thống trị dài ngắn khác nhau nhưng chúng ta vẫn giữ được những nét văn hóa riêng của người Việt, bởi chúng ta mất nước chứ không mất làng, mất đất chứ không mất lòng dân. Do tính cố kết bền chặt của làng xã Việt Nam nên những kẻ thống trị ngoại bang đã không thể “đồng hóa” người Việt theo chính sách của kẻ nô dịch. Phía sau cổng làng là một xã hội riêng biệt với các mối quan hệ đan xen, ràng buộc mà nhiều khi chính quyền trung ương không thể với đến được nên nhiều nơi “phép vua thua lệ làng”.
Xây dựng văn hóa nông thôn mới là xây dựng các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần mới ở nông thôn trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống làng xã, tiếp thu những giá trị văn hóa mới, tiến bộ, đáp ứng nhu cầu người dân trong thời đại mới, nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học (2).
Kế thừa văn hóa làng xã là kế thừa những giá trị tốt đẹp được biểu hiện thông qua lệ làng, hương ước, phong tục, tập quán, nếp sống, lối sống… được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành bền chặt, ổn định, ăn sâu vào cách nghĩ của người dân, làm nên cốt cách, bản sắc con người Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển dân tộc. Trên tinh thần đó, tại nhiều làng quê của Việt Nam hiện nay vẫn duy trì nhiều phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống tốt đẹp như: coi trọng quan hệ họ tộc, xóm làng, tôn ti trật tự trong làng, coi trọng người cao tuổi, coi trọng học hành, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống… Đặc biệt, những nét văn hóa truyền thống rất nhân văn, nhân ái đã được tổng kết thành ca dao, tục ngữ, thành ngữ, làn điệu dân ca… như: lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng, uống nước nhớ nguồn, bán anh em xa mua láng giềng gần, tôn sư trọng đạo, kính già yêu trẻ, thương nhau cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười, tối lửa tắt đèn có nhau… Đây chính là những yếu tố văn hóa quan trọng, là sức mạnh nội sinh, góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong dựng nước, giữ nước và ngày nay là xây dựng nông thôn mới.
Những năm gần đây, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được gắn kết với phong trào xây dựng văn hóa nông thôn mới. Hưởng ứng cuộc vận động này, người dân ở nhiều làng quê đã bổ sung thêm nhiều quy định nếp sống văn hóa mới trên cơ sở những điểm tích cực của hương ước truyền thống. Nhiều quy định về cưới xin, mừng thọ, ma chay, giỗ chạp, lễ hội… theo nếp sống mới đã được toàn dân hưởng ứng. Nhiều địa phương còn xây dựng các làng văn hóa, các khu dân cư kiểu mới, thống nhất quy định cụ thể về nhà ở, vườn, hàng rào, cây xanh, cảnh quan làng quê sạch sẽ, ngăn nắp, giao tiếp văn minh, giữ vững an ninh trật tự… Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương cố gắng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tạo dựng môi trường văn hóa hài hòa, qua đó thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.
Việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa làng vào xây dựng nông thôn mới ở nước ta là tất yếu. Song để quá trình đó đạt được hiệu quả cao, bền vững, phải xuất phát từ nguyên tắc lựa chọn và duy trì nguyên vẹn những giá trị văn hóa tốt đẹp của làng xã như: tình yêu quê hương, đất nước, sự gắn bó cố kết cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm, kính trên nhường dưới, hiếu học…; loại bỏ những lệ tục, tập quán lạc hậu, phản văn hóa như: ăn uống linh đình trong đám tang, đám cưới, tư tưởng cục bộ địa phương, tư tưởng cào bằng, ích kỷ…; bổ sung, tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ của các nền văn hóa khác như dân chủ, nhân quyền. Đây chính là nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa đáp ứng yêu cầu thời đại mới, đúng với quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa mới: “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
Văn hóa là dòng chảy không ngừng nghỉ. Trên dòng chảy đó, có giá trị luôn luôn được bồi đắp, phát triển để có thể trường tồn cùng thời gian. Lại có giá trị mang ý nghĩa lịch sử, khi điều kiện khai sinh ra các giá trị đó không còn hoặc thay đổi, thì tự thân giá trị sẽ suy giảm ý nghĩa xã hội - văn hóa, rồi dần phai nhạt. Đó là quy luật tất yếu khách quan, chúng ta phải biết chọn lọc những giá trị tốt đẹp của làng quê phù hợp với tính cách, tâm lí con người Việt Nam, không đi ngược lại xu thế của thời đại.
Chúng ta xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự “xâm lăng về văn hóa” ngày càng mạnh mẽ, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngày nay, chúng ta không thể không tiếp nhận văn hóa thế giới bởi “giao lưu” và “tiếp biến” văn hóa là quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam. Bên cạnh mặt tốt bởi ích lợi của quá trình hội nhập mạng lại, nó cũng biểu hiện rất nhiều lo ngại về ảnh hưởng mặt trái của quá trình này.
Cần quan tâm, suy ngẫm một cách cẩn thận, có kế hoạch và giải pháp đồng bộ để những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng quê Việt Nam được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống của con người Việt Nam hôm nay.
Chúng ta đang xây dựng nông thôn mới chứ không phải xây dựng đô thị mới, không để khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì văn hóa, cảnh quan làng quê không ra nông thôn cũng chẳng ra thành thị… Xây dựng nông thôn mới được tiến hành trên cơ sở đã có truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa làng. Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại linh hồn cho làng quê Việt.
Để hồn quê không mất đi trong xây dựng nông thôn mới, công tác tuyên truyền cần được tăng cường hơn nữa để từ mỗi gia đình phải giáo dục con cháu gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của quê hương, tạo dựng cảnh quan đẹp từ khuôn viên của gia đình mình, xóm mình, làng quê mình mang đậm đặc trưng nông thôn Việt; để mỗi người dân thấy rõ trách nhiệm của bản thân, khẳng định mình là chủ thể trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới; để cán bộ cơ sở sáng tạo ra những cách làm linh hoạt sao cho phù hợp với thôn, xóm mình, địa phương mình và có những đề xuất kịp thời đối với cấp trên khi thấy nội dung ban hành chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân địa phương.
Bài học từ các nước đã, đang phát triển cho thấy nếu quá chú trọng vào phát triển kinh tế mà coi nhẹ việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc thì xã hội phát triển thiếu tính bền vững, bởi tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. GDP tăng không có nghĩa khoảng cách giàu nghèo, nông thôn thành thị thu hẹp lại.
Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống làng xã, thực hiện thành công tiêu chí về xây dựng làng văn hóa trong phát triển nông thôn mới, cần thực hiện tốt những yêu cầu sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển văn hóa ở nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa ở cơ sở, xây dựng và hoàn thiện các quy định ứng xử ở làng trong tất cả cả các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân; giữa cá nhân với cộng đồng, xã hội; cá nhân với môi trường, đưa vào quy định, hương ước.
Thứ ba, xây dựng giá trị văn hóa mới ở làng phải tiến bộ, đậm bản sắc dân tộc thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thứ tư, có những quy ước cụ thể chống lối sống thực dụng, băng hoại đạo đức, đảo lộn các thang giá trị xã hội và sự phá hoại thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp làng xã truyền thống.
Thứ năm, đưa nội dung Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư vào hương ước, quy định của làng; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Thứ sáu, có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các thiết chế văn hóa cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực vào gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng.
Đổi mới đất nước là yêu cầu khách quan, tham gia vào toàn cầu hóa là xu thế tất yếu mà các quốc gia trên thế giới đều phải chấp nhận. Để hoàn thành được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh, chúng ta phải nắm vững quan điểm của Đảng về văn hóa là xây dựng và phát huy một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhằm “xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (4).
_______________
1. Phan Đại Doãn, Làng Việt đa nguyên và bền chặt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.
2, 3, 4. Nghị quyết số 33 - NQ/TW ngày 9 - 6 - 2014 tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XI của Đảng.
Tác giả: Trần Thị Bích Thủy
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018