Hà Nam chú trọng văn hóa ứng xử nơi công cộng

Văn hóa ứng xử nơi công cộng là thước đo chuẩn mực đạo đức của mỗi cá nhân, có tác động không nhỏ tới sự phát triển của xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam văn minh, hiện đại, là động lực cho sự phát triển toàn diện của xã hội về an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao... trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

 

Văn hóa ứng xử nơi công cộng được hiểu là hệ thống nguyên tắc bao gồm hành vi, thái độ, lời nói chuẩn mực với đạo đức của mỗi cá nhân khi giao tiếp chốn đông người, như: biết cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác, biết xin lỗi khi gây ra lỗi lầm, biết giữ gìn trật tự, vệ sinh chung, có thái độ hòa nhã, tôn trọng những người xung quanh…

Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hà Nam luôn quan tâm tới phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nam thanh lịch, văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Bởi vậy, nhiều phong trào được phát động, tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Nữ đoàn viên công đoàn tài năng, duyên dáng”, “Thanh niên thanh lịch”, “Nét đẹp công chức”… Từ những phong trào này đã xuất hiện những tấm gương bình dị, cao quý, đã lan tỏa những việc làm tử tế, những hành động đẹp, nghĩa tình, xây dựng cho con người ý thức trách nhiệm với cộng đồng, hành động phù hợp với truyền thống, nề nếp văn hóa tốt đẹp của dân tộc và xu thế phát triển của xã hội.

Nhằm xây dựng những chuẩn mực văn hóa của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Hà Nam và đất nước, năm 2023, Tỉnh ủy Hà Nam tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển bền vững”. Qua đó, đã khơi dậy mạnh mẽ trong nhân dân khát vọng phát triển dựa trên những giá trị bền vững. Ðó là tinh thần đoàn kết, thống nhất, là niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương, là bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách con người Hà Nam.

Sở dĩ Hà Nam được vinh danh “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” không chỉ bởi là tỉnh sở hữu nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh, làng nghề nổi tiếng, giàu tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, điển hình như: Khu du lịch Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai Tự, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm nhà văn - liệt sĩ Nam Cao… mà còn bởi những trải nghiệm tuyệt vời du khách nhận được từ sự nhiệt tình, thân thiện, niềm nở của người Hà Nam. Đó chính là nét văn hóa ứng xử rất đỗi văn minh, cao đẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đó vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận, tại nơi công cộng vẫn tồn tại một số hành vi chưa chuẩn mực như: nói tục, chửi bậy, hút thuốc lá, gây ồn ào, xả rác, phóng uế bừa bãi, đánh chửi nhau… Cách hành xử phản cảm, thiếu văn minh ấy chỉ rơi vào một số người nhưng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cộng đồng. Đặc biệt, tại một số điểm du lịch văn hóa tâm linh, vẫn có hiện tượng ngồi, nằm, giẫm lên cây, vẽ bậy lên tường, ăn mặc hở hang, đốt nhiều vàng mã… để lại ấn tượng không tốt trong mắt mọi người, nhất là du khách nước ngoài. Những biểu hiện “lệch chuẩn” đó luôn bị lên án và loại trừ, thậm chí bị xử lý kịp thời theo quy định.

Trong các đợt tập huấn hằng năm, bên cạnh việc truyền đạt các kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong hoạt động du lịch; kỹ năng giải quyết tình huống về an ninh, an toàn, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường du lịch; kỹ năng hướng dẫn du lịch tại điểm, thực tế và thực hành bài giới thiệu về điểm du lịch…, Sở VHTTDL còn tập huấn về văn hóa ứng xử nơi công cộng, ý thức bảo vệ môi trường. Trên trang thông tin Du lịch Hà Nam đăng tải Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VHTTDL ban hành (năm 2017), gồm những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Sở cũng yêu cầu các khu du lịch, điểm vui chơi công cộng làm biển chỉ dẫn, hướng dẫn người dân xếp hàng, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung. Tại các đình, đền, chùa đều có bảng nội quy yêu cầu du khách ăn mặc lịch sự, nghiêm túc, hành lễ sao cho đúng, nếu không chấp hành sẽ bị mời ra ngoài. Bên cạnh đó, Sở còn thường xuyên tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh để nhân dân và du khách nắm được nội quy, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, người lao động, người dân tham gia, phục vụ trực tiếp tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, du khách thập phương, đưa hệ thống quy tắc ứng xử lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng; khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa ứng xử thanh lịch, văn minh, ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.

Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sức lan tỏa sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử nơi công cộng, bởi lẽ môi trường công cộng chỉ thực sự trong sạch, lành mạnh với những giá trị nhân văn, tiến bộ khi có sự chung tay của mỗi người với tinh thần, ý thức, trách nhiệm. Chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ về lối sống văn minh, trang bị những kiến thức và kỹ năng sống đẹp để cư xử với người khác qua những buổi dã ngoại, những giờ học ngoại khóa. Bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng; có chế tài xử lý nghiêm  những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa giáo dục, vừa răn đe, giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để sống và làm việc tốt hơn.

Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay, việc ứng xử văn hóa nơi công cộng, cũng là sự chung sức của người dân để đất nước vững bước đi trên con đường hội nhập và phát triển, cũng như quảng bá hình ảnh đẹp của xã hội, con người Hà Nam cũng như dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Khu du lịch Tam Chúc - đòn bẩy nâng cao vị thế du lịch Hà Nam
Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn

 

 

LÊ ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 573, tháng 6-2024

;