Sáng ngày 28-12-2024, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa tổ chức sự kiện công bố bộ nhận diện thương hiệu, bộ tiêu chuẩn và danh mục di sản ẩm thực quận Hoàn Kiếm, đánh dấu thành quả đầu tiên của Đề án “Phát triển và quảng bá di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch, đến năm 2025, định hướng 2030”.
Bộ nhận diện thương hiệu được thiết kế nhận diện lấy cảm hứng từ logo chính thức của quận Hoàn Kiếm, truyền đạt thông điệp hội tụ và lan tỏa, phát triển trên nền tảng các giá trị di sản, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Với slogan “Hương vị từ ký ức”, vừa là nhịp cầu để trở về với kỷ niệm và cảm xúc, với gia đình và nguồn cội, vừa để kết nối trái tim du khách đến với Hoàn Kiếm - Hà Nội…
Chia sẻ bên lề về ý nghĩa, nội dung của slogan “Hương vị từ ký ức”, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Nếu nói về hương vị, hiện nay, sản phẩm về ẩm thực của Việt Nam cũng đang lên ngôi so với ẩm thực ở các nước. Đồ ăn của Việt Nam được các tổ chức y tế đánh giá rất cao về khả năng cân bằng khẩu vị trong các món ăn, cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng và đặc biệt là ít dầu mỡ, chúng ta cũng sẽ không lo các bệnh liên quan đến ẩm thực. Và với những nguyên tắc cơ bản như vậy thì việc giữ được hương vị truyền thống sẽ giúp giữ các bản sắc ẩm thực của Việt Nam. Chính vì vậy chúng tôi lại đổi chọn chủ đề như vậy để tập trung cho tôn vinh ẩm thực của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu tham dự lễ công bố
Bộ tiêu chuẩn di sản ẩm thực phục vụ du lịch quận Hoàn Kiếm được xây dựng căn cứ trên tình hình thực tế về điều kiện, khả năng phục vụ du lịch của các điểm di sản ẩm thực trên địa bàn quận. Quận Hoàn Kiếm sẽ từng bước đánh giá, có lộ trình để lựa chọn, xác nhận và tôn vinh điểm di sản ẩm thực, đồng thời đặt ra mục tiêu hỗ trợ các cơ sở di sản ẩm thực phấn đấu đạt tiêu chuẩn để hướng đến sự phát triển bền vững của du lịch ẩm thực địa phương. Đồng thời, Bộ tiêu chuẩn sẽ giúp thúc đẩy truyền thông quảng bá cho du lịch di sản ẩm thực của quận Hoàn Kiếm như một dấu ấn riêng có của Thủ đô Hà Nội.
Bộ tiêu chuẩn gồm 3 nhóm tiêu chuẩn, với tổng cộng 21 tiêu chí đánh giá: Nhóm 1- Tính hấp dẫn của điểm di sản ẩm thực; Nhóm 2- Khả năng cung ứng dịch vụ du lịch của điểm di sản ẩm thực; Nhóm 3- Khả năng phát triển bền vững của điểm di sản ẩm thực. Sau khi Bộ tiêu chuẩn được UBND quận phê duyệt, UBND quận thành lập Ban đánh giá để thực hiện đánh giá và chấm điểm cho các cơ sở di sản ẩm thực đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch. Căn cứ vào số điểm các cơ sở đạt được, UBND quận sẽ tiến hành gắn sao tương ứng cho các điểm di sản ẩm thực đó.
Trong khuôn khổ Đề án quảng bá và phát triển di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng 2030 do UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt năm 2023, căn cứ định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể tại Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, theo đó, các tiêu chí để nhận diện các cơ sở di sản văn hóa ẩm thực Hoàn Kiếm như: Thể hiện bản sắc văn hóa Hà Nội; Chứa đựng những tri thức, bí quyết, kinh nghiệm, kỹ năng nổi bật; Có giá trị lịch sử, có yếu tố chuyển giao, kế thừa và tái sáng tạo; Đang được thực hành, có sức sống và có tiềm năng phát triển du lịch bền vững; Được chủ thể đồng thuận tham gia Đề án; Phù hợp với các yêu cầu về đa dạng văn hóa, quyền con người, sự tôn trọng giữa các cộng đồng, nhóm người và cá nhân và phát triển bền vững.
Căn cứ các tiêu chí nhận diện này, Đề án hiện đã nhận diện được 46 cơ sở di sản văn hóa ẩm thực hiện có trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trong đó phải kể đến những thương hiệu nổi tiếng trên địa bàn quận như: Chả cá Lã Vọng (phường Hàng Bồ), Phở Thìn bờ hồ, Cà phê Giảng (Lý Thái Tổ), Miến lươn Chân Cầm (Hàng Trống), Ô mai Tiến Thịnh (Hàng Đào), Bánh Gia Trịnh (Hàng Mã), Kem Tràng Tiền…
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu khai mạc buổi lễ
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, nói đến ẩm thực của Hà Nội thì chắc chắn là không thể bỏ qua ẩm thực của Hoàn Kiếm. Với đặc điểm, Hoàn Kiếm là nơi có nhiều nhà hàng truyền thống từ lâu đời hàng chục năm và vẫn giữ được những hương vị, cách chế biến rất là đặc trưng. Chính vì vậy, việc tổ chức buổi lễ ra mắt ngày hôm nay ngoài những việc quảng bá, phục vụ cho du lịch, phục vu cho hoạt động thương mại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, cũng như dịch vụ ăn uống. Chúng tôi cũng rất cảm ơn và trân trọng các nghệ nhân, các đầu bếp, đặc biệt là các nghệ nhân cao niên như nghệ nhân Ánh Tuyết ở 25 phố Mã Mây đã rất nhiều năm duy trì những công thức gia truyền. Bên cạnh đó hiện nay có rất nhiều bạn trẻ tham gia vào lĩnh vực này. Và những đóng góp của họ chính là sản phẩm của những đổi mới sáng tạo. Chúng ta cũng thấy rằng, nguyên liệu rất là phong phú, nhưng bằng những kỹ thuật và khả năng chế biến tốt hơn, chúng ta đã được tiếp cận với rất nhiều những món ăn ngon, rất nhiều những đồ uống tốt.
Chủ tịch quận Hoàn Kiếm tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự ủng hộ của các chủ nhà hàng, doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các phường của quận Hoàn Kiếm - những người nắm trong tay và có cơ sở kinh doanh ẩm thực trên địa bàn, chúng ta sẽ phát huy tốt hơn những di sản này.
Bà Trịnh Hồng Giang - Giám đốc Công ty cổ phẩn Gia Trịnh Bakery, thế hệ kế thừa thứ 3 của Bánh Gia Trịnh phát biểu tại buổi lễ
Đại diện các cơ sở ẩm thực được lựa chọn là một trong các di sản văn hóa ẩm thực của quận Hoàn Kiếm trong đề án lần này, bà Trịnh Hồng Giang - Giám đốc Công ty cổ phẩn Gia Trịnh Bakery, thế hệ kế thừa thứ 3 của Bánh Gia Trịnh chia sẻ vui mừng, hạnh phúc khi có cơ hội được gặp mặt, giao lưu, học hỏi và trao đổi các kinh nghiệm nhằm lưu truyền các di sản ẩm thực từ bao đời nay, lưu giữ các giá trị vô hình và hữu hình để những điều này không bị lãng quên trong dòng chảy cuộc sống.
Bà Trịnh Hồng Giang cũng hy vọng rằng, từ một đề án rất hay, rất nhân văn và ý nghĩa đã qua các bước xây dựng, hoàn thiện công phu sẽ tiếp tục được triển khai thành công và nhân rộng trên toàn quận, cũng như là một điểm sáng, hình mẫu du lịch, văn hóa, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người để các quận, huyện, tỉnh, thành phố khác học hỏi.
Phát biểu tại lễ công bố, TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá cao tâm huyết và tầm nhìn của quận Hoàn Kiếm trong xây dựng và triển khai Đề án quảng bá và phát triển di sản văn hóa ẩm thực quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng 2030
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Đức Tăng trình bày, giới thiệu về đề án và bộ nhận diện thương hiệu, bộ tiêu chuẩn và danh mục di sản ẩm thực quận Hoàn Kiếm
Nhấn mạnh về định hướng trong thời gian tới của quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long khẳng định: “Thực tế là trong thời gian vừa qua thì chúng tôi cũng đã mất một thời gian tương đối dài để tiến hành khảo sát, đánh giá, nghiên cứu, nhận diện và lựa chọn những địa điểm phù hợp. Và trong thời gian tới, quận sẽ tiếp tục căn cứ vào giai đoạn này để xem việc duy trì mức độ phục vụ của các nhà hàng. Sau đó thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng số lượng các cơ sở kinh doanh được đưa lên hệ thống trong hệ thống đánh giá, nhận diện, tiêu chuẩn, các nhà hàng đạt được chất lượng cũng như là dịch vụ phục vụ đối với khách hàng”.
Đại diện Phở Thìn bờ hồ, anh Bùi Chí Thành (cháu đích tôn của ông Bùi Chí Thìn tiếp quản quản lý từ năm 2018 đến nay) chia sẻ tại tọa đàm
Cũng tại buổi công bố còn diễn ra tọa đàm về truyền thông cộng đồng, là diễn đàn để cộng đồng chủ thể di sản ẩm thực cùng với chuyên gia chia sẻ cách thức, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và truyền thông thương hiệu; những khó khăn, thách thức mà cộng đồng gặp phải; đồng thời đưa ra những giải pháp thực tế góp phần nâng cao hiệu quả trong việc giữ gìn và phát triển bền vững di sản ẩm thực Hoàn Kiếm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các cơ sở di sản ẩm thực quận Hoàn Kiếm
Bài, ảnh: THANH DANH