Ngày 23-1-2025, tại Hồ Văn, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng Xuân. Hội chữ Xuân 2025 diễn ra đến hết ngày 9-2-2025 (Tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Các đại biểu tham quan không gian triển lãm
Phát biểu khai mạc, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Tiếp nối thành công của những năm trước, Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra tại không gian hồ Văn đã được cải tạo, chỉnh trang toàn diện mang đến không gian thoáng đãng, an toàn, góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách trong hành trình khám phá văn hóa nhân dịp đầu xuân năm mới. 47 nhà hoạt động thư pháp ở hai loại hình Hán Nôm và Quốc Ngữ tại Hà Nội và một số địa phương của cả 3 miền Bắc Trung Nam, được chọn lựa kỹ thông qua khảo tuyển khách quan, công bằng sẽ phục vụ công chúng những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành trong mùa xuân mới.
Cùng với hoạt động viết thư pháp, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để phục vụ khách du xuân như: không gian trải nghiệm di sản, không gian văn hóa đọc; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa lân sư rồng… ở cả không gian nội tự và hồ Văn, sẽ tạo cho Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 một không khí vui tươi, đậm chất văn hóa truyền thống.
Các nhà hoạt động thư pháp trình diễn tại Lễ khai mạc
Bên cạnh Hội chữ Xuân, năm nay tại không gian hồ Văn còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc biệt phục vụ du khách tham quan, trong đó có 3 triển lãm: Triển lãm thư pháp “Thực học” trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ. Nội dung các tác phẩm giới thiệu những áng văn thơ về Thăng Long - Hà Nội và tinh hoa tri thức cổ nhân. Nguồn cảm hứng đến từ di sản của các danh nhân như Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, trọng thầy, trọng chữ của dân tộc Việt Nam, khích lệ tinh thần hiếu học, cống hiến của thế hệ trẻ cho quê hương, đất nước.
Triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ “Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam - Việt Nam Heritage Photo Awards 2012-1018”. Các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng về di sản văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam.
Triển lãm “Vẽ con rắn” mang đến góc nhìn đa dạng về rắn - Linh vật của năm mới Ất Tỵ - trong truyền thống và hiện đại. Triển lãm giới thiệu 77 tác phẩm tranh minh họa của 75 họa sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới, mang đến những câu truyện thú vị và tích cực về con giáp này.
Hội chữ Xuân hấp dẫn du khách với hoạt động xin chữ đầu năm
Đồng thời, trong khu nội tự còn diễn ra các triển lãm nhằm làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Bên cạnh hai khu trưng bày “Trường Quốc học đầu tiên” và “Khơi nguồn đạo học”, khách tham quan được thưởng thức triển lãm “Dấu xưa Văn hiến 3: Thiên Quang” tại Tiền Đường nhà Thái học, thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long xưa, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời của dân tộc. Triển lãm “Bia đá kể chuyện 2” khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ, mang đến góc nhìn mới về bia Tiến sĩ và giáo dục khoa cử nước nhà tại chính không gian nhà bia tiến sĩ.
Ngoài ra, Hội chữ Xuân còn hấp dẫn du khách với hoạt động xin chữ đầu năm tại 47 gian lều của các nhà hoạt động thư pháp, cùng nhiều chương trình văn hóa đặc sắc như: giáo dục di sản, không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, các trò chơi dân gian, chơi cờ, múa lân; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (quan họ, ca trù, chèo...) tại khu nội tự, vườn Giám và hồ Văn.
THANH DANH - Ảnh: THÚY NGA