“Hồng Hà nữ sĩ” - một bộ phim lịch sử công phu

Sau 4 năm ấp ủ và chuẩn bị, gần 3 tháng ghi hình và 6 tháng hậu kỳ kỹ lưỡng, bộ phim truyện điện ảnh “Hồng Hà nữ sĩ” đã chính thức ra mắt báo chí và khán giả vào tối ngày 14-10-2023 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Hà Nội.

Đoàn làm phim "Hồng Hà nữ sĩ" ra mắt khán giả

Buổi công chiếu đầu tiên của Hồng Hà nữ sĩ thu hút rất đông khán giả tới dự bởi sức hút từ một bộ phim đề tài lịch sử, lần đầu đưa lên màn ảnh chuyện đời của nữ sĩ nổi tiếng ở thế kỷ XVIII Đoàn Thị Điểm. Dù đã mở tới hai phòng chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia với gần 1.000 chỗ ngồi, cả hai phòng chiếu đều kín chỗ, thậm chí nhiều khán giả sẵn sàng ngồi ghế phụ dọc lối đi để theo dõi bộ phim. Với thời lượng hơn 100 phút, bộ phim thu hút khán giả bởi sự chỉn chu, công phu cùng diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên. Tín hiệu đáng mừng đầu tiên này khiến ê-kíp làm phim vô cùng cảm động.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Giám đốc Hongngat film chia sẻ trong buổi ra mắt phim, đây là dự án phim được Nhà nước đặt hàng. Việc thực hiện một bộ phim điện ảnh thuộc đề tài lịch sử về một nhân vật có thật sống cách đây 300 năm là thách thức lớn với ê-kíp sản xuất trong điều kiện kinh phí hạn hẹp. Việc đầu tư về trang phục và bối cảnh lại rất lớn và vô cùng khó khăn, trong tình hình xã hội hôm nay đâu đâu cũng thấy nhà cao tầng và cột điện cao thế. Tuy nhiên, ê-kíp đã vượt qua tất cả đề hoàn thành bộ phim Hồng Hà nữ sĩ một cách trọn vẹn.

Phim xoay quanh cuộc đời thăng trầm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - bà là tác giả tập Truyền kỳ tân phả (chữ Hán), truyện thơ Chinh phụ ngâm (bản chữ Nôm) - được bà dịch từ nguyên bản Chinh phụ ngâm khúc (viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn). Bà còn viết tập Nữ trung tùng phận gồm 1401 câu thơ và bài Bộ bộ thiềm - Thu từ (tức Bộ bộ thiềm- Bài hát mùa thu). Ngoài ra còn có một số bài thơ văn khác của bà (gồm chữ Hán, chữ Nôm) được chép trong tập Hồng Hà phu nhân di văn của tiến sĩ Nguyễn Kiều mới được phát hiện gần đây. Đoàn Thị Điểm được đánh giá là một nữ sĩ vừa xinh đẹp, đoan trang, vừa tài giỏi: làm thơ, dịch thơ, viết sách.

Diễn viên Vĩnh Xương trong vai TS nguyễn Kiều và Anh Đào trong vai Đoàn Thị Điểm

Là con gái một gia đình có truyền thống nho học, Đoàn Thị Điểm cũng là người rất giỏi chữ Hán, chữ Nôm, được học hành từ nhỏ và được quan Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi. Câu chuyện bắt đầu từ khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, gặp gỡ Đặng Trần Côn cho đến khi gia đình cha mẹ ruột gặp biến cố lớn, bà phải trở về quê chịu tang cha, anh rồi tới mẹ… Bà ở lại quê dạy học, viết văn, bốc thuốc, nuôi nấng các cháu và chăm sóc những người thân trong gia đình. Sau đó, bà làm vợ lẽ của Tiến sĩ Nguyễn Kiều và tuy không có con nhưng bà coi hai đứa con riêng của chồng như con đẻ, thay chồng nuôi dạy con, chờ đợi ông đi sứ trở về. Người phụ nữ tài sắc ấy mất ở tuổi 43 khi trên đường theo chồng vào làm Tổng trấn Nghệ An. Tuy mất sớm nhưng bà đã kịp để lại cho hậu thế nhiều di sản văn chương quý báu.

Hai vai chính trong phim, quan trọng nhất Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn được trao cho hai diễn viên 9X là Anh Đào và Quốc Toàn. Tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, hiện làm việc tại Sân khấu Lệ Ngọc, đây là lần đầu tiên Anh Đào đóng phim điện ảnh, lại đảm nhiệm vai chính nặng ký nên cô đã phải cố gắng rất nhiều. Ngay sau khi nhận được vai, Anh Đào đã đi học viết chữ Nôm, học cách đi đứng nói năng cho phù hợp để vào vai một nữ sĩ tài sắc vẹn toàn trong một bộ phim lịch sử. Anh Đào đã chinh phục vai diễn khó này một cách ấn tượng, lưu lại hình ảnh đẹp và chân thực về một nữ sĩ tài sắc mà đa đoan, vừa thông minh sắc sảo vừa hiền thục đoan trang. Với một vai diễn xuyên suốt phim, trải qua nhiều biến cố thăng trầm với những diễn biến tâm lý phức tạp, Anh Đào đã thực sự tỏa sáng, để lại ấn tượng đẹp trên màn ảnh với ngoại hình sáng và diễn xuất tự nhiên.

Anh Đào và Quốc Toàn trong vai Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn

Nếu Anh Đào đã trở nên quen thuộc với khán giả truyền hình qua các phim Lối về miền hoa, Đấu trí thì Quốc Toàn là một gương mặt khá mới mẻ của màn ảnh. Đây là phim điện ảnh thứ 2 của Quốc Toàn sau vai diễn Tảo trong phim Thành phố ngủ gật. Sau 10 lần kiên trì tham dự casting trong suốt 2 năm, Quốc Toàn mới được nhận vai Đặng Trần Côn. Gương mặt thư sinh cùng sự uyển chuyển trong diễn xuất đã giúp diễn viên trẻ này chinh phục được một vai diễn cổ trang về một nhân vật lịch sử còn khá ít thông tin. Chỉ biết rằng Đặng Trần Côn quê ở làng Nhân Mục (còn gọi làng Mọc), huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ Hương cống, nhưng thi Hội thì hỏng, sau đó làm huấn đạo trường phủ, rồi tri huyện Thanh Oai, sau thăng chức Ngự sử đài chiếu khám. Cuối đời, ông nghỉ hưu về dạy học. Bộ phim khắc họa hình ảnh Đặng Trần Côn vừa nho nhã vừa thư sinh lại có tài văn thơ. Phim dựa theo giai thoại, tương truyền lúc ấy chúa Trịnh Giang cấm nhân dân Thăng Long ban đêm không được đốt lửa, để đèn sáng, Đặng Trần Côn phải đào hầm dưới đất, thắp đèn mà học. Giai thoại kể rằng khi mới làm thơ, Đặng Trần Côn có đem đến cho bà Đoàn Thị Điểm xem, Đoàn Thị Điểm cười nói: "Nên học thêm sẽ làm thơ". Bộ phim chọn một góc nhìn mới mẻ, đó là khai thác tình cảm đơn phương mà Đặng Trần Côn dành cho Đoàn Thị Điểm. Sự tinh tế, ý nhị trong câu chuyện giữa hai nhân vật nổi tiếng trong văn học Việt Nam cùng diễn xuất ăn ý của Anh Đào và Quốc Toàn đã mang đến những cảm xúc mới lạ cho khán giả.

Tuy nhiên, ấn tượng nhất có lẽ là sự kết hợp của Anh Đào và Vĩnh Xương. Vỗn đã quen mặt trong các vai phản diện trên sóng truyền hình, đặc biệt là vai Đinh Hoàng Đức trong Đấu trí và ông trùm Phi trong Biệt dược đen, lần này Vĩnh Xương đã có một màn lột xác thú vị khi vào vai TS Nguyễn Kiều - chồng của Đoàn Thị Điểm. Vừa đoạt giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất ở giải Cánh diều vàng 2023 cho vai Đinh Hoàng Đức trong phim Đấu trí, lần này Vĩnh Xương cho thấy diễn xuất đa dạng đầy biến hóa và có chiều sâu trong hình ảnh TS Nguyễn Kiều. Dù thời lượng xuất hiện không nhiều nhưng nhờ kinh nghiệm diễn xuất ấn tượng cùng sự kết hợp ăn ý với bạn diễn Anh Đào kém anh tới 22 tuổi đã tạo nên những cảnh quay ấn tượng như những điểm nhấn cho Hồng Hà nữ sĩ. Ánh mắt yêu thương và cái ôm ấm áp TS Nguyễn Kiều dành cho Đoàn Thị Điểm khiến khán giả tin vào tình yêu mãnh liệt ông dành cho người vợ tài sắc, mà sử kể lại rằng, sau khi bà mất ông đã dành nhiều thời gian để thu thập trước tác của bà thành cuốn sách Hồng Hà phu nhân di văn.

NSND Trung Anh và NSND Lê Khanh trong vai vợ chồng quan Thượng thư Lê Anh Tuấn

Đảm nhiệm vai phụ nhưng không kém phần quan trọng của phim là vợ chồng quan Thượng thư Lê Anh Tuấn do NSND Trung Anh và NSND Lê Khanh đảm nhiệm. Dù chỉ là vai phụ, nhưng khả năng diễn xuất của hai diễn viên kỳ cựu này đã tạo cho phim sức nặng đáng kể. Nếu NSND Trung Anh từng thu hút khán giả qua loạt vai diễn đa dạng trong Người phán xử, Về nhà đi con, Đấu trí… thì NSND Lê Khanh cũng thành công không kém với vai diễn Lý Lệ Hà trong phim điện ảnh Gái già lắm chiêu V từng mang lại cho chị giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ 22. Lần này, khán giả hẳn sẽ bất ngờ và thích thú khi gặp lại hai diễn viên kỳ cựu trong những vai diễn cổ trang ấn tượng.

Chia sẻ tại buổi ra mắt phim, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng ngát còn xúc động cho biết, ê-kíp làm phim gồm toàn bộ các thành phần chính (tác giả kịch bản, đạo diễn, phó đạo diễn, DOP, quay phim, dựng phim, phục trang…) đều là các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam. Hongngat Film đã mời họ trở lại với dự án phim Hồng Hà nữ sĩ để cùng nhau làm nghề, cùng nhau sống lại những năm tháng cũ say mê trên trường quay.

Bộ phim Hồng Hà nữ sĩ (tác giả kịch bản kiêm giám đốc sản xuất: Nguyễn Thị Hồng Ngát; đạo diễn: Nguyễn Đức Việt) dự kiến sẽ tham dự Liên hoan phim Việt Nam 2023 tại Đà Lạt vào tháng 11 tới và công chiếu rộng rãi vào cuối năm.

NGÔ HỒNG VÂN

;