Hồng Thái - Điểm nhấn du lịch Na Hang

Chót vót đường lên với Na Hang, qua những sườn dốc, qua đèo Cổ Yểng, chúng tôi đến xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây mang một vẻ hoàn toàn khác biệt với những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, kỳ vĩ, những áng mây trắng ấp ôm quanh sườn núi và nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân tộc Dao Tiền.

Mùa lúa chín ở Hồng Thái. Nguồn: Internet

 

Nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo

Từ trên sườn núi cao nhìn xuống là dòng sông Gâm như thảm lụa, ngan ngát xanh. Thêm vài vòng cua, xã Hồng Thái hiện ra trước mắt. Vừa đúng độ xuân sang, cây trái bên những nếp nhà giản dị mà ấm áp của đồng bào dân tộc Dao đã mươn mướt một màu. Sức sống mãnh liệt hiển hiện trước mắt chúng tôi.

Là một trong 11 xã thuộc huyện Na Hang, xã Hồng Thái là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao Tiền. Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một điều không thể thiếu trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Dao. Những tháng cuối trong năm là lúc người phụ nữ Dao dành nhiều thời gian bên khung cửi nhất để dệt những bộ quần áo cho một năm mới đang đến gần. Người Dao có quan niệm thổ cẩm có thể tránh, trừ tà ma nên trang phục thổ cẩm còn có thể được coi là sự tượng trưng cho điều may mắn, tốt lành. Ngoài trang phục, còn có những sản phẩm thổ cẩm thêu, dệt thủ công khác được sử dụng trong cuộc sống gia đình thường ngày của dân tộc Dao như: chăn, đệm, địu, màn, tà áo, khăn,…

Độc đáo thổ cẩm của người Dao Tiền

 

Truyền thuyết của người dân tộc Dao trong vùng kể lại rằng xưa kia những thửa ruộng bậc thang ở đây là do người Tày khai phá. Vùng đất này xa xưa đã nổi tiếng về sự trù phú và giàu có. Sau đó, hai dòng họ người Dao là họ Đàng và họ Triệu mua lại ruộng đất và sinh sống đến bây giờ. Vì thế, Hồng Thái là địa danh tiếng Tày, nhưng hơn 90% dân số là người dân tộc Dao.

Na Hang nổi tiếng với những cảnh đẹp huyền diệu như trong miền cổ tích, với sông Gâm, hồ Na Hang, (thác Nặm Me của huyện Lâm Bình), Pắc Ban hay những hang động Phia Vài, Phia Muồn, (Song Long của huyện Lâm Bình), v.v được xếp hạng di tích quốc gia. Tuy nhiên, điều níu giữ trái tim du khách đến đây không chỉ là cảnh sắc mà còn bởi con người. Là nơi sinh sống của 12 dân tộc khác nhau, chủ yếu là Tày, Dao, Mông, Kinh,.. Na Hang hội tụ rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, phong phú. Trong đó, dệt thổ cẩm của người Dao chính là một trong những nét văn hóa truyền thống vô cùng ấn tượng.

Ở mỗi địa phương, mỗi dân tộc sẽ có cách trang trí hoa văn trên vải khác nhau như thêu tay, dùng sáp ong vẽ lên vải rồi sau đó nhuộm màu… Điều khác biệt đáng chú ý nhất để phân biệt thổ cẩm của người dân tộc Dao với các dân tộc khác chính là cách dệt và các hình dáng hoa văn trang trí. Người Dao Tiền ở Hồng Thái thường trang trí trang phục của mình bằng những đồng tiền bạc cùng những mẫu thêu truyền thống rất tinh xảo hình sao tám cánh, hình chữ thập, hoa văn hình con gà, con nai, con chó, chim và hoa lá… Màu sắc hoa văn phổ biến nhất là màu đen và trắng. Thân áo dài, xẻ tà và có nẹp nhỏ thêu hoa văn, khuy áo được làm bằng những đồng bạc chạm trổ khá công phu móc lại với nhau thành hình chéo. Tay áo được khâu theo dạng tay ống và thêu nẹp bằng hoa văn. Người phụ nữ Dao Tiền còn dùng dây lưng được dệt bằng sợi bông quấn sát vòng eo để tạo nên nét mềm mại, duyên dáng. Để hoa văn trên vải có màu xanh, người Dao có riêng một cách làm đặc biệt, đó là in vải bằng sáp ong rồi mới đem nhuộm chàm, đến khi được màu vừa ý thì đem nhúng vào nước nóng cho sáp chảy ra. Trải qua nhiều công đoạn rất công phu và tỉ mỉ là vậy, nên có khi phụ nữ Dao mất cả vài tháng mới hoàn chỉnh được sản phẩm của mình.

Mang một sức sống bền bỉ với thời gian, nghề dệt thổ cẩm của người Dao Tiền là một minh chứng cho sự phong phú đa dạng trong bản sắc dân tộc Việt Nam; minh chứng cho những nỗ lực không ngừng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Thật may mắn khi ngoài nhóm người Dao Tiền ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang, những nhóm người Dao khác ở Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu... đều đang ngày ngày đóng góp vào việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa độc đáo dệt thổ cẩm này.

 

Na Hang hay còn gọi là Nà Hang, trong ngôn ngữ của người Tày ở Tuyên Quang có nghĩa là “ruộng cuối”. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích trên 21.000ha, với sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên, phong phú về động-thực vật, trong đó bao gồm 8000ha diện tích mặt Hồ Na Hang rộng lớn.
Na Hang có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng thôn Nà Khá, xã Năng Khả; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thông minh thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái; chợ đêm Na Hang; du thuyền trên long hồ thủy điện Tuyên Quang; tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm đường rừng, tổ chức cắm trại và các hoạt động trải nghiệm ngoài trời tại Khu lâm viên Phiêng Bung; Khu Di tích quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; liên kết phát triển sản phẩm du lịch Tuyên Quang - Hà Giang “Huyền thoại Sông Gâm”…

 

Đêm hội ở Hồng Thái

 

Hồng Thái - “Sa Pa của Tuyên Quang”

Xã Hồng Thái còn được ví như “Sa Pa của Tuyên Quang” vì cảnh sắc và khí hậu đặc biệt nơi đây. Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Sở hữu không gian bát ngát của mây trời, sự hùng vĩ của núi non. Hồng Thái chinh phục du khách yêu thiên nhiên vào bất cứ thời điểm nào trong năm…

Còn gì thú vị hơn khi đón một ngày mới trong lành ở Hồng Thái bằng bữa sáng của người Dao và ngắm mây trắng thơ mộng bồng bềnh trôi bên hiên nhà.

Vào thời điểm cuối năm, Hồng Thái huyền ảo hơn bởi bao quanh là những áng mây uốn lượn, sà xuống từng nóc nhà, vạt rừng. Không giống như những nơi khác, ở đây, mây có ở mọi nơi, trên các đỉnh núi và ở các thung lũng nơi có bản người Dao, người Mông sinh sống.

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng vẻ đẹp nguyên sơ nhưng đầy sức cuốn hút, Hồng Thái đem lại cho mỗi du khách đặt chân đến đây những cảm giác rất riêng cùng những trải nghiệm vô cùng thú vị, khó quên. Đến với Na Hang xuân này, ngoài việc đắm mình trong không gian của mây trời, của núi non, sông nước điệp trùng, mênh mông, ta còn có thể ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang chín vàng ngút tầm mắt. Do khí hậu ở Hồng Thái lạnh hơn nhiều so với các địa phương vùng xuôi nên mùa lúa ở đây cũng chín muộn hơn so với nhiều nơi khác.

Không chỉ có vậy, Hồng Thái còn được coi là xứ sở của đặc sản khi những sản vật nổi tiếng trong vùng đều có nguồn gốc ở đây như lê, mận, chè…

Hồng Thái đang thật sự là một điểm nhấn của du lịch Na Hang, Tuyên Quang. Đến với Na Hang, Tuyên Quang, đến với Hồng Thái, mỗi mùa đều có những nét thi vị, dấu ấn riêng không thể quên. Ở đây, mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa hoa lê, mận, đào nở bung khoe sắc. Mùa hè có lòng hồ mênh mang mát dịu, có thể cắm trại trong các khu rừng nguyên sinh với không khí trong lành, mát mẻ; mùa thu với những dải sóng vàng ruộng bậc thang kỳ vỹ, rừng cây nguyên sinh chuyển sắc và mùa đông là những ngọn núi, bản làng e ấp trong mây. Tất cả đang mời gọi, chào đón khách muôn phương!

 

Mùa hoa lê nở

Đến nay, toàn huyện Na Hang có 15 hộ gia đình làm homestay. Kết thúc năm 2022 huyện Na Hang đón 229.000 lượt khách du lịch, đạt 144% kế hoạch và tăng 154,8% so với cùng kỳ; doanh thu xã hội về du lịch đạt 202 tỷ đồng, đạt 135,7% kế hoạch và tăng 181,1% so với cùng kỳ năm 2021.

 

PHƯƠNG HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;