Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2023

Ngày 24-2-2023, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ năm 2023 tại Quyết định số 405/QÐ-BVHTTDL.

Theo đó, kế hoạch nhằm tiếp tục thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL, bám sát định hướng chuyển đổi số năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Đồng thời, tập trung thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL, tăng cường sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số, duy trì các hoạt động chuyển đổi số đã có và nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Kế hoạch đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể:

Nhận thức số: Xây dựng và triển khai Kế hoạch của Bộ VHTTDL hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 và tổ chức triển khai rộng khắp tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Tăng cường hoạt động tuyên truyền trên các kênh truyền thông, tổ chức hội nghị - hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch…; Xây dựng và triển khai Kế hoạch của Bộ VHTTDL hưởng ứng và phổ biến Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số bằng Thẻ Việt - thẻ du lịch thông minh tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Thể chế số: Xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai tăng cường hiệu quả hoạt động ứng dụng CNTT, hoạt động xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số gắn liền với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin như: Kế hoạch chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Quy chế/Quy định về an toàn thông tin…; Xây dựng bộ tiêu chí và công cụ hỗ trợ nhằm xác định, phân loại, đánh giá mức độ chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Hạ tầng số: Nâng cấp hạ tầng mạng tại Trụ sở Bộ và tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ  Nâng cao tỷ lệ sử dụng chữ ký số tổ chức và chữ ký số cá nhân tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, trong việc trao đổi gửi, nhận văn bản điện tử (trừ văn bản mật) và tuân thủ quy chế, quy định về an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng; Triển khai chuyển đổi toàn bộ mạng Internet của Bộ sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) theo Kế hoạch được ban hành tại Quyết định số 3001/QĐ-BVHTTDL ngày 22-11-2021 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Trang bị máy tính, các thiết bị số cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định và phục vụ kịp thời hoạt động chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị.

Dữ liệu: Thực hiện rà soát, đánh giá toàn bộ hiện trạng thông tin dữ liệu hiện có trong các cơ sở dữ liệu tại từng đơn vị và hệ thống thông tin, phần mềm tương ứng có sử dụng thông tin, dữ liệu; Rà soát, đánh giá hiện trạng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, phần mềm và cơ sở dữ liệu tại mỗi đơn vị làm cơ sở cho việc quản trị kho dữ liệu dùng chung và thay đổi phương thức quản trị, điều hành dựa trên dữ liệu; Xây dựng và triển khai Kế hoạch hình thành Kho cơ sở dữ liệu điện tử dùng chung ngành VHTTDL theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về việc quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số...

Nền tảng số: Triển khai hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ (trục LGSP của Bộ) nhằm kết nối, chia sẽ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của từng đơn vị với các hệ thống thông tin, phần mềm, kho dữ liệu tập trung của Bộ; Kết nối, chia sẽ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của từng đơn vị với đơn vị khác thuộc Bộ và với cơ quan hành chính nhà nước ngoài Bộ; Tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch triển khai sử dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch cung cấp dịch vụ quản trị, thống kê, báo cáo theo thời gian thực về các sản phẩm và dịch vụ du lịch, du khách, các cơ sở lưu trú; sử dụng trợ lý ảo phục vụ hoạt động du lịch; Xây dựng Kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ để lựa chọn và đưa vào áp dụng thí điểm Nền tảng bảo tàng số; Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, triển khai các nền tảng dùng chung phục vụ Chương trình chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL.

Nhân lực số: Đào tạo, tập huấn kỹ năng sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin, phần mềm dùng chung của Bộ và các kỹ năng về an toàn thông tin; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng số.

An toàn thông tin mạng: Bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; Trang thiết bị, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; Kế hoạch nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin; Triển khai thực hiện các nhiệm vụ an toàn an ninh thông tin trong việc kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm: kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia khác được đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Chính phủ số: Duy trì vận hành thông suốt các hệ thống thông tin dùng chung của Bộ VHTTDL gồm: hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành tác nghiệp (V-office) triển khai tới 102 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; hệ thống thông tin báo cáo của Bộ triển khai đến tất cả Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; hệ thống thư điện tử công vụ; Cổng Thông tin điện tử của Bộ; hệ thống phần mềm đánh giá công chức, viên chức của Bộ; hệ thống phần mềm quản lý giao nhiệm vụ của Lãnh đạo Bộ, Báo Điện tử Tổ quốc và duy trì quản trị tài khoản các hệ thống phần mềm do Văn phòng Chính phủ triển khai đến Bộ và các cơ quan thuộc Bộ.... Đưa vào sử dụng chính thức hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình cung ứng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia hệ thống...

Kinh tế số: Ban hành kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số thuộc phạm vi quản lý của Bộ, bảo đảm phù hợp với nội dung về phát triển kinh tế số nêu tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó kế hoạch cũng đưa ra những giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Nghiên cứu, hợp tác để ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Thu hút nguồn lực CNTT, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn lực CNTT; Thực hiện công tác khen thưởng kịp thời nhằm động viên các tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc, giải pháp hiệu quả trong ứng dụng CNTT.

THANH DANH

;