Không ngại kịch bản từng được dựng nhiều, chỉ ngại kịch bản không hay

Còn mãi với thời gian kể về số phận con người trong chiến tranh, trong đó chứa đựng một câu chuyện đầy nhân văn về tình yêu của người mẹ

Còn mãi với thời gian là vở cải lương mới ra mắt công chúng của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Từ kịch bản của TS Nguyễn Đăng Chương, đã có khá nhiều bản diễn tốt, có những bản diễn được huy chương Vàng ở Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như Liên hoan sân khấu Chèo, Liên hoan sân khấu Kịch, vậy nhưng lãnh đạo và đạo diễn của Nhà hát đã rất dũng cảm và tự tin khi quyết định dàn dựng lại kịch bản này với phiên bản cải lương mà không “sợ” bị nhàm chán, không sợ trùng lắp với các đơn vị từng dàn dựng, lại đưa ra được một tác phẩm có chất lượng để phục vụ công chúng.

Còn mãi với thời gian kể về số phận con người trong chiến tranh. Dường như không ai có lỗi, chỉ là số phận và hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt đưa đẩy khiến cuộc đời họ trở thành bi kịch. Chỉ có sự nhân ái đến vô bờ, tình yêu và sự bao dung thuần khiết, tinh tế… của người mẹ mới có thể “chữa lành” những vết thương tàn khốc trong tâm hồn, níu lại nét trong sáng, nhân văn cho cuộc đời thời hậu chiến. 

Người xem bất ngờ trước một NSND Thanh Hương hóa thân vào vai mẹ Muộn - khác hẳn với hình ảnh cô đào sắc sảo, thông minh thường ngày

Bân lên đường ra tiền tuyến chỉ sau ngày cưới có dăm hôm, để lại người vợ trẻ mới bén hơi chồng, để lại bao lưu luyến. Thuyến không thể kháng cự nổi với đòi hỏi có tính bản năng để rồi quan hệ ngoài luồng với Bường, một anh bộ đội đi qua làng. Tội lỗi đến là do Bường không biết Thuyến đã có chồng, lại bị sự dẫn dắt của Duyên, người cảm mến Bân. Chính Duyên cũng muốn làm to chuyện để phá vỡ cặp đôi Thuyến - Bân. Nhưng mẹ Muộn, mẹ chồng Thuyến sau giây phút sững sờ đã cứu vớt danh dự của Bường và Thuyến. Bường quỳ gối ăn năn vì sai lầm, vì nhận thức rõ mình đã gây ra hành động tội lỗi tày trời với đồng đội đang ở chiến tuyến. Nhờ sự cứu giúp của mẹ Muộn, anh thoát án và lên đường ra trận. Oái oăm thay, sự vụng trộm của họ để lại hậu quả là cu Được ra đời. Chiến tranh kết thúc, chờ đợi mãi cuối cùng Bân cũng trở về. Dường như anh không thể chấp nhận nổi sự thật mình đã bị phản bội, đay nghiến và không tha thứ được cho vợ, dằn dỗi khi mẹ Muộn bảo vệ vợ cùng cu Được, chuyển ra ngoài trông kho chứ không sống cùng gia đình. Dưới sự kỳ vọng của cu Được với người bố, anh không có cách nào thỏa mãn được nên đã đi cùng Duyên để tìm tung tích Bường. Cơ duyên, họ gặp lại được Bường lúc này là một thương binh bị sang chấn tâm thần vì mảnh bom còn nằm lại trong đầu, lúc nhớ lúc quên nhưng vẫn đau đáu về miền quê mình từng đi qua, nhớ về bà mẹ bao dung vô hạn. Họ cùng nhau trở về làng… để rồi tất cả vỡ òa khi sự thật về Bân được tiết lộ. Anh đã biết rõ mọi chuyện, đã trải qua bao cung đoạn cảm xúc, đã oán hận, nhất là khi biết mình mang trọng bệnh… nhưng rồi vẫn quyết định trở về để thành toàn cho vợ, giúp vợ có được một gia đình hoàn chỉnh. Anh bộc lộ cảm xúc ghen tuông, thể hiện thái độ cực đoan chính là muốn vợ và mẹ buông xuống được sự hối hận, sự thương tâm nếu hay tin mình qua đời. Cảm xúc vỡ òa, đau nhói trái tim người xem khi anh bộ đội lủi thủi một mình trông kho ngoài bìa làng cũng đã an ổn nằm trong vòng tay người mẹ thương yêu để linh hồn bao dung, nhân văn của anh, của mẹ Muộn, của tác phẩm bay lên…

Một kịch bản chặt chẽ, một người chuyển thể cải lương tuyệt vời (NSƯT Ngọc Chi), một câu chuyện đầy nhân văn về tình yêu của người mẹ… đã giúp đạo diễn (NSƯT Hoàng Viện) tìm được cách thể hiện thật bình dị mà đầy thuyết phục. Không dựa vào nhiều mảng miếng, chỉ đưa những cảnh trí có tính gợi ý về không gian, cũng không mang nhiều công nghệ với ánh sáng màu sắc chói ngắt… chỉ dựa vào sức thuyết phục của câu chuyện, sự kết nối, ra vào hợp lý, sự thể hiện rất đồng đều của dàn diễn viên cứng, tay nghề ca diễn tuyệt vời để thuyết phục khán giả. Ê kip cũng khắc phục triệt để việc làm trùng tiết tấu khi trong ca từ nhắc lại những ý của thoại đã có trước đó. Cách ca diễn này rất hợp với tâm lý thưởng thức của người xem hiện đại. Tâm sự về vở diễn, đạo diễn thể hiện quyết tâm dựng lại kịch bản rất giàu tính nhân văn, nhiều tình tiết phù hợp với cải lương vốn có tính mê lô cao, đồng thời cũng rất mong muốn, cải lương có được sức mạnh nội tại của bản thân sự ca diễn, sự nhuần nhuyễn ăn ý trong biểu diễn cùng tiết tấu phù hợp với mạch truyện. Anh không mong những công nghệ hiện đại can thiệp quá nhiều vào đêm diễn, những chớp sáng màu mè làm nhòe đi chất lượng ca diễn của nghệ sĩ. Với anh, diễn viên nhất định phải là trung tâm, là ông hoàng bà chúa của sàn diễn, đúng như cách hiểu lâu đời về nghệ thuật sân khấu.

Ủng hộ chí hướng của đạo diễn Hoàng Viện, dàn diễn viên kỳ cựu của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã dốc sức luyện tập, ca diễn thật nhuần nhuyễn. Người xem bất ngờ trước một NSND Thanh Hương hóa thân vai mẹ Muộn rất khác với hình ảnh cô đào sắc sảo, thông minh thường ngày, một NSƯT Hồng Nhung rất xinh đẹp vào vai Thuyến ảm đạm, áp lực lớn vì sức nặng của tội ngoại tình, rồi những kép đẹp của đơn vị như Nhật Linh, Quang Tuấn… đều diễn trọn vai. Khá lâu rồi, Nhà hát chưa có nhân tố mới về ca diễn, cũng gây lo ngại nhất định cho lãnh đạo, nhưng sự ổn định, ca diễn đều tay của dàn diễn viên có thâm niên nghề này đã đem lại một đêm diễn rất có sức hấp dẫn, một bữa tiệc ca cải lương mượt mà. Người yêu cải lương mê đắm giọng ca như ánh bạc của Thanh Hương, mượt dịu của Hồng Nhung, ổn trọng, đằm thắm của Nhật Linh, trầm ấm của Quang Tuấn… và các bạn diễn khác. Tiếng khóc, những giọt nước mắt lặng thầm rơi trên gương mặt khán giả, những phản ứng rất phù hợp của người xem đã tương tác, gây được sự hứng khởi, cảm xúc thăng hoa cho Còn mãi với thời gian.

Dù còn đôi điều chưa được hoàn chỉnh vì là những đêm diễn đầu tiên, nhưng những nét chính, cấu trúc tác phẩm của vở hợp lý, tất cả giúp cho người yêu cải lương tin tưởng, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có thêm một vở diễn hay vào kịch mục của đơn vị. Điều đó cho thấy, kịch bản hấp dẫn, chặt chẽ… nên dù có được dựng đi dựng lại thì vẫn giàu tính cuốn hút đối với người xem. Không ngại cốt truyện cũ mới, quan trọng là hay, là nhân văn thì những ê kíp sáng tạo sân khấu hoàn toàn vẫn có thể bộc lộ hết bản lĩnh của mình để tạo dựng những tác phẩm sân khấu mới mẻ.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;