Kịch nói Việt Nam 100 năm tuổi

Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức (từ ngày 21 đến 27/10) đã khép lại với những dư âm tốt đẹp trong lòng anh chị em làm nghề và sự kiện cũng đã được các cấp lãnh đạo quan tâm.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa cho các nghệ sĩ

tại Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam

Các hoạt động sôi nổi trong tuần lễ kỷ niệm đã để lại những cảm xúc ấm áp và những ấn tượng khó quên đối với công chúng nói chung và những người làm nghệ thuật nói riêng. Lễ Khai mạc với đông đảo anh chị em nghệ sĩ kịch nói “tay bắt mặt mừng” vì sau nhiều thời gian không thể được gặp nhau do dịch bệnh COVID, mọi người đều rất hân hoan với không khí nghệ thuật tưng bừng. Sau đó là những vở diễn được các đơn vị kịch nói công lập, xã hội hóa trên địa bàn Thủ đô biểu diễn tại sàn diễn được đánh giá là sang trọng nhất hiện nay: Nhà hát Lớn thành phố. 

Hoạt động mở đầu, đúng vào ngày 21/10/2021 nghĩa là đúng 100 năm sau đêm diễn đầu tiên của vở Chén thuốc độc cũng tại địa điểm này, sự kiện được ghi nhận là đánh dấu mốc ra đời của kịch nói Việt Nam. Kịch bản này có phiên bản mới, hiện đại hơn, dễ tiếp nhận với công chúng hiện nay hơn. Vở diễn Chén thuốc độc (tác giả, học giả Vũ Đình Long; đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai, Trung tâm phát triển sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) đã gây ra những tranh luận về một số sửa đổi cho phù hợp hơn với thẩm mỹ của người đương đại. Tuy nhiên, ai cũng phải thừa nhận đây là một bản diễn dễ tiếp nhận, có mảng miếng của đạo diễn, nghệ sĩ vào vai cũng rất tốt. Tiếp đó là các vở xứng đáng đại diện cho sáng tạo của các tập thể nghệ sĩ, nằm trong kịch mục của các đơn vị như Nhà hát Kịch Việt Nam với vở Người tốt nhà số 5 (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn NSƯT Tạ Minh Tuấn); Nhà hát Tuổi trẻ với vở Ai là thủ phạm (tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: NSƯT Chí Trung); Sân khấu Lucteam với vở Bạch đàn liễu (tác giả: Xuân Trình, đạo diễn: NSƯT Trần Lực); Nhà hát Kịch Hà Nội với vở Phải có ba đồng (tác giả: Bùi Vũ Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng); Sân khấu Lệ Ngọc trình diễn vở Chí Phèo - Thị Nở (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Lê Hùng). Các vở diễn luôn đủ số lượng người được phép đến trong điều kiện hạn chế hiện nay và khán giả đúng là những công chúng thưởng thức lý tưởng khi luôn đẩy được không khí giao lưu rất tốt trong khán phòng. Những tiếng cười, khóc, những tràng pháo tay… thực sự là không khí ấm nồng trong ngày hội mừng kịch nói Việt Nam tròn một thế kỷ hình thành và phát triển. 

Vở Phải có 3 đồng của Nhà hát Kịch Hà nội biểu diễn tại Tuần lễ Kỷ niệm 100 năm kịch nói Việt Nam

Đặc biệt Gala Tinh hoa hội tụ 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam vào tối 27/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ của ba nhà hát kịch: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội với các trích đoạn tiêu biểu trong các vở kịch nổi tiếng như: Hồn Trương Ba, da Hàng thịt, Lời thề thứ 9 (tác giả Lưu Quang Vũ), Cát bụi (tác giả Triệu Huấn)... Chương trình cũng tri ân các thế hệ nghệ sĩ, nhà nghiên cứu có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kịch nói Việt Nam và nhiều nghệ sĩ nổi danh đã chia sẻ những kỷ niệm vui, buồn trong cuộc đời gắn bó với nghệ thuật của mình.

Trong khuôn khổ Tuần lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển. Tại Hội thảo, bên cạnh những ý kiến có tính học thuật của các nhà lý luận, những bài tham luận, những phát biểu của các lãnh đạo những đơn vị kịch nói cũng rất được chú ý vì tính thiết thực, đúng thực trạng của sân khấu kịch nói hiện thời. Như ý kiến của NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam về tình hình diễn kịch chính luận. Theo anh, từng có thời gian, người ta đổ xô đi mua vé để xem hài kịch đơn giản hoặc những chương trình giải trí dễ dãi vào cuối tuần, kịch chính luận lúc đó bị coi là “món ăn khó” với công chúng khiến mảng kịch này gần như bị lãng quên. Nhưng giờ đây, tình thế đã có sự đổi chiều khi kịch giải trí đơn thuần không còn được công chúng mặn mà, trong khi các vở diễn chính kịch mang đậm giá trị nghệ thuật lại xuất hiện nhiều hơn. Đó thực sự là tín hiệu đáng mừng. 

NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ khẳng định, đơn vị mình đang rất nỗ lực để bảo tồn và duy trì sân khấu kịch kinh điển, đồng thời tiếp nhận, phối hợp và quy nạp những phương pháp và thủ pháp hiện đại. Để thích hợp với thẩm mỹ của công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi, sân khấu kịch nói đã có sự tham gia của điện ảnh, mỹ thuật biểu diễn, mỹ thuật sắp đặt, những trò chơi dân gian, ca vũ dân gian… những yếu tố của tạp kỹ, của nghệ thuật video. 

Vở Chén thuốc độc (Nhà hát Kịch Việt Nam)

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết định hướng lâu dài của Nhà hát là trở thành một Nhà hát đa năng, lấy kịch nói làm trung tâm. Không chỉ kiên định với chủ trương xây dựng, biểu diễn các vở chính kịch, đơn vị mở rộng và phát triển những chủ đề mới, thể loại mới để tiếp cận khán giả nhanh hơn, phù hợp hơn, cũng như không ngừng nâng cao kiến thức xã hội, kiến thức nghề nghiệp cho diễn viên. 

Cùng hòa với không khí chào mừng sự kiện 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, sân khấu kịch TP HCM cũng tổ chức tọa đàm trực tuyến ôn lại chặng đường hình thành và phát triển của kịch nói phía Nam, đồng thời tìm giải pháp “Làm gì để “giữ lửa” khi sống chung với COVID?”. Cuộc tọa đàm trực tuyến được ghi hình ngày 20-10, sau đó phát sóng trên nền tảng mạng xã hội vào đêm 26-10 với sự tham gia của NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Thành Hội, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Mỹ Uyên, tác giả Trần Văn Hưng, tác giả Nguyễn Anh Kiệt, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn... Không có những tham luận dài dòng, khô khan, các ý kiến trao đổi đều rất thiết thực, tự nhiên, xuất phát từ chính vị trí hoạt động của các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu. Phát biểu đề dẫn, NSND Kim Cương cho rằng khi cuộc chiến chống COVID-19 được xác định còn kéo dài thì biểu diễn nghệ thuật cũng phải tìm cách thích ứng an toàn với đại dịch. Sân khấu kịch có thể dựa vào hào quang cũ để khơi gợi sáng tạo, cần sự chung sức khi phản ánh đời sống thực tế, phải làm sao để mỗi sân khấu là một thương hiệu, một phong cách, đưa đến khán giả những tác phẩm mang tính đối thoại, phản biện nhưng vẫn đầy chất phóng khoáng của người Sài Gòn - TP. HCM.

NSƯT Thành Lộc nhận định, ba mũi nhọn cần tập trung là kịch bản, công tác đạo diễn và tiếp cận khán giả. Điều công chúng mong mỏi nhất lúc này là sân khấu có thể mang đến điều gì cho người xem từ góc nhìn đầy tinh thần trách nhiệm của các nghệ sĩ.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn lại có ý kiến khá “giật mình” rằng kịch nói Việt Nam dù đã tròn 100 năm song hiện vẫn tồn tại lỗ hổng: Chưa có trường lớp nào đào tạo nhà quản lý, nhà sản xuất cho sân khấu. Anh phát biểu, chưa ở đâu làm kịch dễ như ở Việt Nam, chỉ cần có chút vốn là mở ngay sân khấu tư nhân nhưng nhà đầu tư không biết gì về phân khúc thị trường, công tác quan hệ công chúng, chiến lược dàn dựng và xây dựng thương hiệu. Vì vậy, kịch TP HCM như lửa rơm, có lúc bừng sáng, có lúc tắt ngúm. 

Những cuộc trao đổi, các ý kiến rất ý nghĩa về nghề nghiệp, về trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ trong bối cảnh hiện nay là những gợi ý đáng quý cho các nhà quản lý, các đơn vị đề ra phương hướng phát triển cho sân khấu. Rất cần những tham góp để sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu kịch nói nói riêng có được sự phát triển bền vững, dài hơi, tránh được tình trạng ăn đong, ăn theo những sự kiện thời sự mà thiếu đi cái nhìn sâu sắc, có ý tưởng gợi mở đối với xã hội, có tầm triết học của các tác phẩm lớn.

NGỌC DIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

 

;