Lan tỏa văn hóa đọc tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

Trong chuyến công tác đến với Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, chúng tôi được hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống, sinh hoạt của quân và dân nơi đây. Cùng với các hoạt động thể thao, văn nghệ, văn hóa đọc cũng ngày càng phát triển và lan tỏa trong cộng đồng người dân tại huyện đảo.

Nằm trong khuôn viên Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao huyện Bạch Long Vĩ, phòng đọc sách của huyện đảo đã trở thành nơi quen thuộc của các em thanh thiếu niên, người dân và các chiến sĩ. Tủ sách với đa dạng, phong phú các thể loại, từ sách cho thanh thiếu nhi đến văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, lịch sử, báo, tạp chí… đã góp phần truyền tải nhiều thông tin, kiến thức cho người dân và các chiến sĩ nơi đây.

Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Bạch Long Vĩ

Ông Phạm Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Bạch Long Vĩ cho biết, phòng đọc sách được mở và đi vào hoạt động ngay từ khi thành lập Trung tâm, năm 2000. Bên cạnh việc cung cấp, mua sách theo quy định của huyện, phòng đọc còn tiếp nhận những tư liệu, sách, báo, tạp chí của các cơ quan trong đất liền ủng hộ. Vì thế, đầu sách tại phòng đọc khá nhiều, phong phú, đáp ứng nhu cầu của quân, dân vùng biển đảo.

Cùng với việc đọc tại chỗ, phần lớn sách được mượn về, không thu phí, và bảo đảm giữ gìn theo quy định để những người sau được đọc. Chính vì thế, phòng đọc của Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao là một trong những nơi duy trì văn hóa đọc của cán bộ, quân và ngư dân bám biển.

“Mặc dù thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, người dân có thể tìm kiếm nhiều thông tin trên mạng internet cũng như báo điện tử, làm giảm số lượng người đến với phòng đọc. Tuy nhiên, huyện vẫn cố gắng tuyên truyền nhằm duy trì văn hóa đọc, nhất là đối với các cháu thanh thiếu niên, để các cháu nhận thức và tìm thấy niềm vui, những câu chuyện bổ ích trong sách. Hiện nay, số lượng người dân, chiến sĩ đến mượn sách vẫn đều đặn, duy trì, qua đó ngày càng lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng huyện đảo” – ông Phạm Văn Toan chia sẻ.

Phòng đọc sách là nơi thân quen của quân và dân huyện đảo 

Hiện nay, tại huyện đảo Bạch Long Vĩ chỉ có trường cấp 1, nên vào dịp hè, cũng là lúc các con, em của cán bộ, ngư dân học tập tại các trường ở đất liền trở về với huyện đảo. Vì thế, đây cũng là dịp phòng đọc trở nên đông vui hơn khi có khá nhiều thanh thiếu niên tìm đến; Cùng với đó, phòng đọc cũng trở thành người bạn thân quen của các chiến sĩ, họ đến để cập nhật thông tin, tìm kiếm tư liệu và niềm vui qua những trang sách sau giờ huấn luyện; và ngư dân cũng là một trong những đối tượng đến với phòng đọc. Huyện đảo là nơi có khá đông người dân ở các tỉnh khác nhau tựu về, chính vì thế, những cuốn sách, báo, tạp chí đã được ngư dân nâng niu, trân trọng, qua đó giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà…

Là người con của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, đến với huyện đảo từ năm 2023, chiến sĩ Lê Thành Đàn, thuộc quân số Đại đội bộ binh phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ đã trở thành gương mặt quen thuộc của phòng đọc. Anh chia sẻ: qua những trang sách tôi tìm được rất nhiều kiến thức hay, những câu chuyện bổ ích. Sách cũng trở thành người bạn, “người thầy” dạy cho tôi nhiều điều mới mẻ. Mỗi lần đọc, tìm hiểu từ sách, báo, tạp chí, là mỗi lần tôi được tiếp xúc với lượng thông tin, kiến thức khổng lồ, lúc đó tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé với kho tàng kiến thức của nhân loại. Những tri thức đó rất thú vị, luôn cuốn hút tôi, chính vì vậy, mỗi khi có thời gian, tôi sẽ đến với phòng đọc để mượn sách về đọc tại đơn vị sau mỗi giờ huấn luyện.

Sách và báo chí mang đến niềm vui cho các chiến sĩ sau thời gian huấn luyện

Ông Phạm Văn Toan cũng cho biết, hiện nay lãnh đạo huyện Bạch Long Vĩ đặc biệt quan tâm tới VHTTDL của huyện đảo, trong đó, văn hóa đọc cũng được chú trọng phát triển. Với sự sát sao đó, văn hóa nói chung, văn hóa đọc nói riêng không chỉ trở thành “món ăn” tinh thần mà còn góp phần rất lớn trong việc nâng cao tri thức cho người dân, chiến sĩ. Trong đó, lứa tuổi thanh thiếu niên được đặc biệt quan tâm, bởi đó cũng chính là thế hệ tương lai, lực lượng sẽ tiếp tục đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng và phát triển huyện đảo.

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

;