Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023

Chiều ngày 11-5, tại Nhà hát Lam Sơn, số 22, Phan Chu Trinh, Phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023. Cuộc thi do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa thực hiện.

Đến dự Lễ Bế mạc và trao giải, về phía Trung ương có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL,Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi, PGS, TS Tạ Quang Đông; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo, NSND Trịnh Thúy Mùi; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thành viên Ban Chỉ đạo, NSƯT Trần Ly Ly; Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Trần Hướng Dương;

Về phía tỉnh Thanh Hóa có: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên; Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, đồng Trưởng ban Tổ chức Phạm Nguyên Hồng; Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, Phó Trưởng ban Tổ chức Đỗ Quang Trọng.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 có 38 nghệ sĩ của 9 đơn vị Nghệ thuật Tuồng và Dân ca trên cả nước về tham dự.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, NSND Lê Tiến Thọ phát biểu đánh giá Cuộc thi

Phát biểu tổng kết, đánh giá về chuyên môn nghệ thuật, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, NSND Lê Tiến Thọ cho biết: Đối với nghệ thuật Tuồng, với các trích đoạn bao gồm truyền thống và hiện đại. Các Nhà hát, các đơn vị nghệ thuật đã đầu tư khá kỹ về chất lượng nghệ thuật. Dự thi năm nay, bên cạnh các trích đoạn truyền thống như Kim Lân qua đèo, Nữ tướng Đào Tam Xuân, Chung vô diệm, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo; Lan Anh lạc đẻ; Phương Cơ qua ải; Nhị khí Chu Du; Hoàng Phi Hổ quy châu; Phàn Đình Công đề cờ; Mộc Quế Anh dâng cây; Trịnh Ân ra pháp trường; Bách đao Diệm Thiên Hùng; Mạnh Lương bắt ngựa… còn có 2 trích đoạn Tuồng hiện đại: Bà Tư lànhĐông Nhật trong vở Người cáo.

Các trích đoạn tham gia Cuộc thi lần này được khai thác dựa trên các yếu tố tự sự, kịch tính, tự tình để làm cơ sở cho nghệ sĩ biểu diễn, phát huy được những yếu tố cơ bản (Thanh - Sắc - Thục - Tinh - Khí - Thần). Các trích đoạn được các NSND, NSƯT những người có tay nghề cao truyền dạy nên nhiều nghệ sĩ đã thể hiện hết mình để phô diễn tài năng. Cuộc thi lần này không có giới hạn độ tuổi, phần lớn các nghệ sĩ đã có nhiều năm trải nghiệm trong nghề lại được học tập, rèn luyện kỹ càng, có nhiều kinh nghiệm biểu diễn, nên các phần trình diễn đạt chất lượng cao kể cả ở những trích đoạn về Tuồng hiện đại, vốn không phải là thế mạnh của nghệ thuật Tuồng. Về Dân ca kịch là một loại hình nghệ thuật sân khấu hình thành và phát triển trên những bài hát dân ca. Cuộc thi tài năng sân khấu lần này có 2 loại hình Dân ca kịch tham gia đó là Dân ca kịch Bài Chòi, Dân ca kịch Huế. Với số lượng áp đảo, Dân ca kịch Bài Chòi chiếm 90% số lượng đăng ký dự thi.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Trần Hướng Dương và Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa trao chứng nhận và tặng hoa Hội đồng Giám khảo

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cũng cho biết, bên cạnh những trích đoạn mẫu mực mang đến Cuộc thi, Hội đồng Giám khảo vẫn nhận thấy có một số điểm cần trao đổi với các đơn vị và các nghệ sĩ như sau: Về lựa chọn trích đoạn, có nhiều đơn vị chưa đầu tư để nâng cao chất lượng nghệ thuật, chưa mời các đạo diễn, tác giả bố cục lại, làm mới trích đoạn tham gia Cuộc thi, mà chỉ trích một số đoạn gán gép lại với nhau. Về đầu tư cho dàn dựng, trong Cuộc thi, Hội đồng Giám khảo còn thấy nhiều nghệ sĩ biểu diễn chỉ quan tâm tới kỹ thuật hát múa, mà quên mất tình huống hoàn cảnh nhân vật đang diễn ra. Về phối hợp biểu diễn, có một số trích đoạn xử lý không gian, thời gian để ánh sáng tối chưa hợp lý; chưa phối hợp kỹ lưỡng với hệ thống âm thanh.

Tại Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi, thay mặt Hội đồng Giám khảo, NSND Lê Tiến Thọ đã đề xuất: Cục Nghệ thuật biểu diễn cần có hướng dẫn, đề nghị các Nhà hát, các đơn vị nghệ thuật không đăng ký 1 tiết mục mà có 2 diễn viên trong cùng một đơn vị tham gia một cuộc thi ở các cuộc thi lần sau. Các nhà hát cần mời các thầy dạy vai, truyền vai và phải đầu tư hơn nữa về trình độ chuyên môn. Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tổ chức nhiều cuộc tập huấn để nâng cao tay nghề đào tạo cho các chỉ đạo nghệ thuật và diễn viên để không ngừng nuôi dưỡng tài năng.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi trao giải Xuất sắc cho người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao và người hướng dẫn ca diễn

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên và NSND Lê Tiến Thọ trao giải Nhất cho các nghệ sĩ

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly và Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa Phạm Nguyên Hồng trao giải Nhì cho các nghệ sĩ

NSND Hồng Lựu và NSƯT Đỗ Kỷ trao giải của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho các nghệ sĩ, diễn viên

Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 8 Giải Nhất cho các nghệ sĩ: Nguyễn Thái Phiên (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định); Nguyễn Thị Thanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam); Huỳnh Thị Anh Thi (Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Cộng Hòa (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); Huỳnh Thị Thúy Thỏa (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa); Nguyễn Thị Hồng Nhung (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế); Dương Thị Mến (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa) và Bùi Thị Thu Hương (Đoàn Ca kịch Quảng Nam). Đồng thời cũng trao 9 Giải Nhì, và trao 2 Giải Xuất sắc cho người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao và người hướng dẫn ca diễn. Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng trao 7 giải thưởng cho các nghệ sĩ, diễn viên đã có sự cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt phần dự thi trong Cuộc thi lần này.

Cuộc thi Tài năng sân khấu Tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2023 là hoạt động có ý nghĩa để các nghệ sĩ rèn luyện, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ Nhân dân, góp phần đưa nghệ thuật sân khấu truyền thống ngày càng phát triển.

NGỌC BÍCH

 

;