Mai Châu (Hòa Bình): Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với tạo việc làm bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã có từ lâu đời, gắn bó với người phụ nữ và là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây. Việc phải làm thế nào để vừa bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào trước những biến động của xã hội, gắn với tạo việc làm bền vững cho người dân nơi đây là một vấn đề vô cùng quan trọng mà các cấp ủy Đảng huyện Mai Châu luôn quan tâm.

Trong những năm qua, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mai Châu đã chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc: Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 19-9-2019 về thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị trang phục dân tộc truyền thống trên địa bàn huyện Mai Châu; Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 10-1-2020 về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 30-7-2020 về bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mai Châu; Kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Mai Châu.

Sau khi những Nghị quyết, Kế hoạch ban hành, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Mai Châu luôn chủ động và tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực trong đó có công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

Gian hàng thổ cẩm của Cơ sở sản xuất dệt thổ cẩm Hoa Ban- Ảnh: Nghiêm Huệ

Với sự tác động của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS đang bị mai một, pha trộn, lai căng, không còn giữ được bản sắc. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS đang là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược được đặt ra đối với huyện Mai Châu, nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng đều và vững chắc cho tỉnh Hòa Bình, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để đạt được mục tiêu kép vừa phát triển được ngành nghề nông thôn giúp phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nơi đây, UBND huyện Mai Châu đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện chiến lược trên, huyện đã tăng cường chỉ đạo và thông tin tuyên truyền, tập trung bảo tồn, khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền, gắn với du lịch, tạo việc làm bền vững cho người dân; xây dựng các kênh phân phối, giới thiệu làng nghề; phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong làng nghề. Và huyện đặc biệt chú trọng hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình/dự án hỗ trợ phát triển làng nghề...

Cùng với đó, huyện tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm tại các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị; gắn kết chương trình phát triển làng nghề với phục vụ du lịch... Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực làm nghề truyền thống.

Cụ thể, những năm gần đây trên địa bàn huyện Mai Châu phát triển rất nhiều Xưởng dệt thổ cẩm. Tiêu biểu là Xưởng dệt thổ cẩm Hoa Ban (thuộc cơ sở Bảo trợ xã hội Thuận Hòa) được thành lập và phát triển từ năm 2008, nằm ngay trong bản Lác, bản du lịch cộng đồng nổi tiếng thuộc xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu, Hòa Bình). Nơi đây được biết đến như một mái ấm thứ hai cưu mang và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ và trẻ em tật nguyền, phụ nữ đơn thân, hoàn cảnh khó khăn của người DTTS trên địa bàn. Tại đây, kinh nghiệm, tri thức được tích lũy bao đời của cha ông với nghề dệt truyền thống đã được chị Vi Thị Thuận, chủ cơ sở Bảo trợ xã hội Thuận Hòa, nghệ nhân dân tộc Thái truyền lại cho các chị em, để những thành viên trong xưởng cùng tạo nên các sản phẩm đậm màu sắc văn hóa Thái.

Hiện nay, xưởng dệt Hoa Ban có 20 lao động chính và nhiều lao động theo mùa vụ, họ đều là người DTTS, mức thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng/ người/ tháng. Những sản phẩm của xưởng dệt thổ cẩm Hoa Ban đã tham gia trình diễn tại nhiều quốc gia như Lào và Thái Lan. Chị Vì Thị Liên, người gắn bó từ những ngày đầu thành lập Xưởng chia sẻ “Tôi bị tai nạn giao thông, bị khuyết một chân, thời điểm đó mọi thứ quanh tôi đều sụp đổ và là gánh nặng cho gia đình, có lúc tôi đã nghĩ đến hay mình chọn cái chết. Nhưng mọi thứ đều đã thay đổi, mang đến cho bản thân tôi và gia đình động lực mới, khi tôi được nhận vào làm tại Xưởng dệt Hoa Ban, ở đây tôi có việc làm, có thu nhập ổn định. Không chỉ tự nuôi bản thân, tôi còn được giao lưu cùng các chị em, giúp cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn”.

Xưởng dệt Hoa Ban không chỉ giúp người dân tộc Thái bảo tồn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà giờ đây chị Vi Thị Thuận còn kết hợp phát triển nghề truyền thống và du lịch cộng đồng, du khách đến Xưởng Hoa Ban cũng có thể tham gia vào làm cùng bà con, từ các khâu dệt trên khung cửi và kéo sợi bông truyền thống, học cách nhuộm vải bằng thuốc nhuộm tự nhiên hay nghe giới thiệu về các hoa văn truyền thống để bắt tay vào thêu thùa, bện vòng tay… Nghệ nhân Vi Thị Thuận chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi gặp phải những khó khăn trong việc thiết kế các mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, đặc biệt là đối tượng người trẻ tuổi. Sau này, chúng tôi mạnh dạn tham gia vào một số dự án, từ dự án đó đã giúp chúng tôi nâng cao năng lực trong việc sản xuất và phát triển đầu ra của sản phẩm, tạo được việc làm bền vững cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn”.

Chị Lò Thị Chanh đang thoăn thoắt bên khung cửi tại HTX Chiềng Châu- Ảnh: Nghiêm Huệ

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu được thành lập từ năm 2013, đến nay, có 21 thành viên và nhiều lao động ngoài HTX thực hiện theo hợp đồng thời vụ. Thời gian đầu mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn, từ vốn đến thay đổi hình thức mẫu mã sản phẩm, đến nay với tâm huyết và sự quyết tâm, HTX đã phát triển vững mạnh, khẳng định được vị thế trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ người dân tộc Thái trên địa bàn xã. Sản phẩm thổ cẩm của HTX được làm ra từ những bàn tay khéo léo của các chị đã đến được với khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế.

Chị Lò Thị Chanh ở xóm Chiềng Châu chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở vùng cao Mai Châu nên nghề dệt thổ cẩm ngấm vào chị từ khi còn trong bụng mẹ, đến năm 13 tuổi, chị đã thành thạo và thoăn thoắt bên khung cửi. Khi lớn lên lập gia đình, những lúc nông nhàn chị vẫn tranh thủ dệt hàng ở nhà bán cho các tư thương. Khi HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu thành lập, chị là thành viên đầu tiên tham gia. Tại đây, chị không chỉ có được việc làm và thu nhập ổn định, chị còn được học hỏi thêm nhiều kỹ năng từ các chị em trong HTX. Từ sản phẩm có thương hiệu, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng, ngày càng nhiều khách hàng biết đến. Có nhiều đơn hàng xuất đi các nước nên thu nhập của thành viên trong HTX được cải thiện, mức thu nhập của các thành viên trong HTX ổn định từ 5 triệu đồng trở lên mỗi tháng.

Chị Chanh cũng cho biết thêm: “Trước đây, sản phẩm thổ cẩm phần lớn để gia đình sử dụng. Giờ đây sản phẩm của chúng tôi có mặt ở nhiều nơi, được nhiều người tin dùng. Người nước ngoài rất thích những sản phẩm dệt thủ công. Không chỉ giữ gìn nghề truyền thống mà còn tạo việc làm cho bà con DTTS nơi đây. Có được thành quả này là nhờ HTX năng động tìm những thị trường mới, ký kết được nhiều đơn hàng”.

Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm hiện có, chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu cho biết: “HTX luôn tìm hướng đi mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng vẫn giữ nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái. Để sản phẩm thổ cẩm đến tay khách hàng được thẩm mỹ nhất, HTX đã đầu tư máy móc, kỹ thuật và lao động giỏi để phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động”. Đến nay, HTX có nhà xưởng rộng trên 300m2, 14 máy khâu, gần 50 khung dệt.

Trong những năm gần đây, huyện Mai Châu luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch bản địa, đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đây là một trong những chủ trương chiến lược nhằm thúc đẩy kinh tế của người DTTS huyện Mai Châu. Đó cũng chính là cách để làng nghề sống và nhập cuộc với đời sống đương đại, để mỗi người lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống của dân tộc đến với mọi người và quảng bá các sản phẩm truyền thống ra khắp thế giới nhờ trợ lực của công nghệ.

NGHIÊM HUỆ - HÙNG MẠNH

;