Monkey Man - Sự kết hợp ấn tượng của Dev Patel và Jordan Peele

Monkey Man (Monkey Man báo thù) là tác phẩm hành động xoay quanh hành trình trả thù của một kẻ vô danh thách thức xã hội thần quyền của Ấn Độ. Là dự án tâm huyết của Dev Patel khi lần đầu tiên đảm nhận vai trò đạo diễn, anh đã có một hành trình ngoạn mục tỏa sáng cùng nhà sản xuất Jordan Peele. Ngập tràn năng lượng với các cảnh chiến đấu mãn nhãn, Monkey Man báo thù là sự kết hợp hành động đỉnh cao trong một câu chuyện thấm đẫm sắc màu huyền hoặc của văn hóa Ấn Độ.

Hai tài năng Patel và Peele dường như bổ sung cho nhau thế mạnh của họ

Ngôi sao giữa hai thế giới

Sinh năm 1990 và lớn lên ở Harrow, London, với cha mẹ là người Ấn Độ, Patel lớn lên trong môi trường pha trộn giữa tính hiện đại của Anh và truyền thống Ấn Độ. Sự giáo dục độc đáo này đã đặt nền móng cho sự nghiệp đặc sắc của anh. Dev Patel ngay lập tức gây chú ý khi anh có vai diễn đầu tay trong phim truyền hình Skins năm 2007. Sau đó một năm, tên tuổi của Patel được toàn thế giới biết đến khi Triệu phú ổ chuột trở thành biểu tượng văn hóa và gây chấn động toàn cầu, giành được 8 giải Oscar. Trong vai Jamal Malik, Patel đã mang đến một màn trình diễn chân thành và sâu sắc, thể hiện khát vọng muốn dứt khỏi số phận của một chàng trai nghèo từ khu ổ chuột ở Mumbai. Vai diễn này là minh chứng cho khả năng của Patel trong việc kết nối giữa nguồn gốc Ấn Độ với kỹ năng diễn xuất được đào tạo bài bản tại khóa học GCSE Drama Anh quốc. 

Trong một ngành công nghiệp mang tính thải loại nặng nề như diễn xuất, các diễn viên nhập cư thường không có nhiều lựa chọn. Đôi khi họ phải chấp nhận các vai diễn mang tính đóng khung trong một hình tượng nhất định. Với Dev Patel, thành công của Triệu phú ổ chuột mở ra một loạt cơ hội và anh bắt lấy thời cơ với sự năng nổ vốn đã trở thành thương hiệu cá nhân.  

Được biết đến với sự nghiệp diễn xuất lôi cuốn, đa dạng, Dev Patel có một bước nhảy vọt đáng kể trong sự nghiệp với Monkey Man báo thù - tác phẩm do anh đóng vai chính, viết kịch bản, sản xuất và đánh dấu màn ra mắt trong cương vị đạo diễn. Đi sâu vào câu chuyện ly kỳ đen tối, pha trộn các chủ đề về sự trả thù, đạo đức và tinh thần con người trong bối cảnh Ấn Độ đương đại, Monkey Man báo thù bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp của Dev Patel. Dev Patel vào vai Kid - một thanh niên bị chà đạp bởi xã hội phân hóa giàu nghèo ở Ấn Độ - quyết tìm lại công lý bằng bạo lực. Bên dưới vẻ ngoài bầm dập của một “bao cát người” là cơn thịnh nộ chống lại những kẻ tham nhũng đã áp bức anh và mẹ anh. Kid đi qua những thử thách tăng dần, giống như những gì Hanuman trải qua trên hành trình phụng sự Rama. Câu chuyện trả thù của Kid không chỉ là cơn thịnh nộ của người yếu thế, đó là một hành trình tâm linh phảng phất sự giác ngộ. Bộ phim vượt qua những khuôn mẫu phim hành động truyền thống bằng cách đưa câu chuyện cùng sự phát triển nhân vật vào một bối cảnh văn hóa rộng lớn. 

Đồng hành với anh ở vai trò sản xuất là Jordan Peele - người rất thành công khi chuyển từ sự nghiệp diễn xuất sang đạo diễn và nhà sản xuất. Hai tài năng Patel và Peele dường như bổ sung cho nhau thế mạnh của họ: tầm nhìn của Patel và cam kết đối với một thể loại điện ảnh hành động mới, cũng như sở trường của Peele về chiều sâu tường thuật và sự cộng hưởng cảm xúc. Họ đã mang tới một Monkey Man báo thù ấn tượng về mặt hình ảnh, đồng thời là một bài bình luận xã hội nhức nhối về trả thù, công lý và kiến trúc thượng tầng bất ổn.

Có thể nói, Monkey Man báo thù là tập hợp của những giá trị làm nên sự nghiệp độc đáo của Dev Patel: mối liên hệ sâu sắc với cội nguồn, trải nghiệm của người nhập cư và cam kết phá bỏ các khuôn mẫu. Bộ phim này không chỉ là minh chứng cho tài năng của Patel với tư cách là một diễn viên và đạo diễn mà còn phản ánh hành trình của anh, từ một diễn viên trẻ gốc Ấn tìm chỗ đứng trong ngành giải trí Anh đến một nghệ sĩ toàn cầu. 

Hậu trường công phu của siêu phẩm hành động

Để đưa được câu chuyện này lên màn ảnh rộng, Patel đã cộng tác với những nhà làm phim giàu sức sáng tạo, luôn ủng hộ hết mình cho dòng phim độc lập. Trong khi kinh nghiệm làm việc với các dự án phim Ấn Độ và bối cảnh Ấn Độ của Jomon Thomas đảm bảo tính chân thực, thì những hiểu biết của Basil Iwanyk, Erica Lee làm nên thành công cho loạt John Wick giúp Monkey Man báo thù trở thành một cái tên đáng gờm trong thể loại hành động. 

Quy trình làm phim gặp vô vàn trở ngại. Dev Patel cùng đội ngũ đã chèo chống đi qua sóng gió, bao gồm những vấn đề liên quan đến sự gián đoạn do COVID-19, khó khăn tài chính, hỏng hóc thiết bị và cả tai nạn của chính anh. Dev Patel đã bị “bầm dập” theo đúng nghĩa đen trong quá trình quay phim, bao gồm gãy tay, gãy hai ngón chân, rách vai và nhiễm trùng mắt trong quá trình quay phim. Anh thậm chí phải mời đội ngũ ánh sáng… đóng phim vì thiếu diễn viên, hay quay nhiều cảnh cùng với một người. Patel so sánh một cách hài hước trải nghiệm của mình với khoảnh khắc trong phim Pretty Woman, tượng trưng cho sự trở lại đầy thắng lợi trước những lời từ chối trước đó, giờ đây được hỗ trợ bởi sự tín nhiệm của Jordan Peele và Universal Pictures. Khoảnh khắc này đã gói gọn hành trình của Patel từ đối mặt với bờ vực thất bại của dự án cho đến màn ra mắt huy hoàng của Monkey Man báo thù

Dev Patel trên trường quay

Điều có lẽ khiến một nhà sản xuất nổi tiếng như Jordan Peele và công ty Monkeypaw Productions lựa chọn Dev Patel và Monkey Man báo thù có lẽ ở một thông điệp sâu xa hơn là câu chuyện hành động.  Dev Patel cùng lúc làm xuất sắc ở cả hai việc: thực hiện các phân cảnh hành động quyết liệt và khắc họa chiều sâu cảm xúc cho nhân vật. Điểm nghỉ giữa các cảnh hành động, máy quay quét nhanh qua gương mặt tổn thương của nhân vật chính: ở đó ta thấy được cam kết báo thù lẫn sang chấn của quá khứ, hằn lên trong đôi mắt to lấp lánh. Cảnh phim nhân vật chính cầm khẩu súng run rẩy chĩa vào kẻ đã giết mẹ mình có thể thấy cái tầm của diễn xuất phi ngôn ngữ ở Dev Patel.  

Trên trang Rotten Tomatoes, bộ phim được chấm 87% “tươi” từ cả giới phê bình lẫn khán giả. Hơn 3000 người dùng của IMDb chấm phim 7.4/10, với hàng loạt lời khen ngợi dành cho phong cách hành động và diễn xuất của nam chính. 

Để có được những thước phim chiến đấu đẹp mắt và thực tế trên màn ảnh, đoàn làm phim đã có sự chuẩn bị công phu cả về bối cảnh, biên đạo hành động, phục trang. Do ảnh hưởng của COVID-19, đoàn làm phim đã thực hiện đại đa số các cảnh quay tại Batam (Indonesia). Patel đã cộng tác với Quay phim Sharone Meir để ghi lại vẻ đẹp kỳ thú của Indonesia đồng thời có những lựa chọn tỉ mỉ để khắc họa nên một Ấn Độ giàu cảm xúc trên màn ảnh rộng. Patel và Meir đã bàn bạc với nhau kỹ lưỡng để dàn dựng nên những phân cảnh rượt đuổi, các màn đối đầu cùng những pha hành động mãn nhãn. Trong đó đáng chú ý nhất phải kể tới pha rượt đuổi bằng ô tô căng thẳng tới nghẹt thở trên các tuyến phố của Yatana, trong đó một trong số những chiếc xe được sử dụng là chiếc tuk-tuk.  

Màn giao tranh cuối cùng tại King’s Club cũng vô cùng ấn tượng. Nó mang lại cho người xem cảm giác như đó là một cảnh quay one-shot (quay phim bằng một cú bấm máy duy nhất, không có sự cắt ghép hay chuyển cảnh). Nhóm diễn viên đóng thế đã thực hiện một số cảnh quay thử trước (preview) để mô phỏng các pha đối đầu này, và những thước phim preview này đã giúp ích rất nhiều trong quá trình dàn dựng phân cảnh trận chiến cuối cùng.

Thiết kế sản xuất chi tiết và các phân cảnh hành động được dàn dựng tỉ mỉ của bộ phim phù hợp với tầm nhìn mà Peele luôn ủng hộ: điện ảnh phải như một phương tiện vượt qua giải trí để khơi gợi suy nghĩ, gợi lên cảm xúc và đưa ra những tuyên bố táo bạo. Thông qua Monkey Man báo thù, Jordan Peele mong muốn tác phẩm gây được tiếng vang với những khán giả đang tìm kiếm chiều sâu và sự đổi mới trong điện ảnh. Ảnh hưởng của Peele vượt ra ngoài giá trị của một diễn viên hay đạo diễn, thể hiện tầm nhìn xa của một nhà đổi mới.

THỦY ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 580, tháng 8-2024

;