Luật Thi đua khen thưởng số 06/2022/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 15-6-2022. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024. Theo đó, Điều 11 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định về Quỹ thi đua, khen thưởng và nêu Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng.
Ngày 31-12-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2023/NĐ-CP trong đó có quy định chi tiết việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng. Cụ thể, việc thành lập Quỹ thi đua, khen thưởng được quy định tại Điều 50 của Nghị định này:
Quỹ thi đua, khen thưởng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng và tương đương ở trung ương; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Kiểm toán nhà nước được hình thành: Từ nguồn ngân sách nhà nước với mức tối đa 20% tổng quỹ tiền lương theo ngạch, bậc của cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài; từ nguồn ngân sách nhà nước để chi cho công tác xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước và “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, giao về các bộ, ngành chủ trì công tác tổ chức xét tặng theo các đợt.
Quỹ thi đua, khen thưởng của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể trung ương tự đảm bảo dưới 70% chi thường xuyên được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm với mức tối đa bằng 20% tổng quỹ tiền lương theo ngạch, bậc của viên chức trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài; Quỹ thi đua, khen thưởng của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể trung ương tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Quỹ thi đua, khen thưởng của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm trong tổng chi ngân sách thường xuyên đối với mỗi cấp ngân sách thuộc các tỉnh, thành phố và được phân bổ ngay từ đầu năm theo tỷ lệ sau: Quỹ thi đua, khen thưởng của sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên hoặc đảm bảo một phần chi thường xuyên, được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm với mức tối đa bằng 20% tổng quỹ tiền lương theo ngạch, bậc của cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài. Quỹ thi đua, khen thưởng của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm với mức tối đa bằng 1,0% chi ngân sách thường xuyên đối với mỗi cấp ngân sách thuộc các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc trung ương và mức tối đa bằng 1,5% chi ngân sách thường xuyên đối với mỗi cấp ngân sách thuộc các tỉnh miền núi, trung du, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa, khu vực hải đảo và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài. Đối với đơn vị không còn là cấp ngân sách mà thực hiện nhiệm vụ đơn vị dự toán ngân sách thì do thành phố trực thuộc trung ương phân bổ.
Quỹ thi đua, khen thưởng của tổ chức chính trị, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước (căn cứ tính chất hoạt động của từng tổ chức, Bộ Tài chính thống nhất tỷ lệ cấp hằng năm) và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, ngoài nước.
Quỹ thi đua, khen thưởng của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc đảm bảo chi một phần và chi đầu tư do các tổ chức này tự quyết định từ nguồn khả năng tài chính của mình và từ nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài.
Các doanh nghiệp nhà nước được sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi trích lập theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước để chi cho nội dung thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (trừ các doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 6 Điều này) do doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước.
Quỹ thi đua, khen thưởng của các cơ sở giáo dục tư thục và dân lập được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước...
Quản lý Quỹ thi đua, khen thưởng được thực hiện theo điều 51 của Nghị định 98/2023/NĐ-CP
Quỹ thi đua, khen thưởng của cấp nào do Thủ trưởng cơ quan cấp đó quyết định và giao cho cơ quan quản lý Quỹ thi đua, khen thưởng thực hiện. Đối với cấp tỉnh, nguồn kinh phí chi cho công tác thi đua, khen thưởng do cơ quan được giao tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thưởng cấp tỉnh phối hợp với cơ quan tài chính cấp tỉnh quản lý và sử dụng theo tỷ lệ quy định trên cơ sở dự toán; việc quyết toán căn cứ số chi thực tế theo đúng chế độ, chính sách quy định.
Người ra quyết định khen thưởng theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật Thi đua, khen thưởng chịu trách nhiệm chi tiền thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc biên chế, quỹ lương do cấp mình quản lý và hạch toán chi theo quy định.
Các tập thể, cá nhân thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước quyết định khen thưởng thì bộ, ban, ngành, tỉnh đó có trách nhiệm chi thưởng từ ngân sách nhà nước của cấp mình và hạch toán chi thành mục riêng.
Bộ, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì công tác tổ chức xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước và “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” chịu trách nhiệm chi trả tiền thưởng cho cá nhân được khen thưởng và hạch toán chi thành mục riêng.
Điều 52 của Nghị định 98/2023/NĐ-CP quy định chi tiết việc sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng:
Quỹ thi đua, khen thưởng được dùng để chi tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng: Chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho thành tích đạt được trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (trừ danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng); chi in, làm hiện vật khen thưởng hoặc tặng phẩm lưu niệm cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình. Trích 20% trong tổng quỹ thi đua, khen thưởng của từng cấp để chi tổ chức phát động, chỉ đạo triển khai, chỉ đạo, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua; công tác tuyên truyền, phổ biến nhân điển hình tiên tiến, học tập, trao đổi kinh nghiệm về thi đua, khen thưởng; kiểm tra công tác thi đua, khen thưởng của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng; họp xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng. Mức chi cụ thể thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; Chi tổ chức hoạt động xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước và “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, kinh phí được hạch toán độc lập ở mỗi đợt tổ chức xét tặng cho các hoạt động theo quy định của pháp luật...
THANH DANH