Một số vấn đề về hoạt động xuất bản ở nước ta

 ​​​​​​​Ở Việt Nam, xuất bản được coi là một ngành thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng. Cho đến nay, cùng với báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác, xuất bản là trung tâm của hệ thống giáo dục, tạo lập, phân phối kiến thức, nuôi dưỡng trí tuệ con người. Trong lịch sử văn minh nhân loại, nghề sách xuất hiện từ thời cổ đại, nhưng về mặt thuật ngữ, khái niệm xuất bản phải một thời gian dài sau mới thực sự ra đời.

 

   1. Một vài khái niệm

   Xuất bản, tiếng Pháp là publier (xuất hiện năm 1330), tiếng Anh là publish (xuất hiện năm 1450), đều bắt nguồn từ tiếng Latin là publicare - nghĩa là công bố ra đại chúng. Đại từ điển tiếng Anh Oxford (xuất bản năm 1989) định nghĩa xuất bản là “sách, bản đồ, tranh ảnh, bài hát và các tác phẩm khác được sao chép, in ấn hoặc chế bản bằng các phương pháp khác nhau để phát hành hoặc cung cấp cho công chúng” (1).

   Theo lịch sử văn minh Trung Quốc, nghề in là một trong tứ đại phát minh của người Trung Quốc thời cổ đại. Hoạt động xuất bản thường được gọi là “in khắc gỗ”, “in điêu khắc”… chỉ công việc in ấn, đôi khi bao hàm cả việc phát hành, nhưng hoạt động biên tập thì không được đề cập đến. Năm 1879, từ xuất bản được Hoàng Tuân Hiến, nhà tư tưởng cuối triều Thanh sử dụng khi bút đàm với các học giả Nhật Bản với nghĩa là “hoạt động biên tập, nhân bản tác phẩm và phát hành ra công chúng”. Theo Từ điển xuất bản, “xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng thông qua việc sản xuất, phổ biến xuất bản phẩm đến nhiều người” (2).

   Theo Khoản 1, Điều 4, Luật Xuất bản 2012, “xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử” (3).

   Như vậy, quan niệm về xuất bản cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên, ở Châu Âu, người ta nhấn mạnh đến việc quảng bá, phát hành xuất bản phẩm ra công chúng; còn ở Việt Nam và Trung Quốc lại nhấn mạnh đến tính toàn vẹn trong quy trình xuất bản gồm cả ba khâu: biên tập - in - phát hành.

   Trên cơ sở đó, có thể thấy, nội hàm khái niệm xuất bản gồm ba yếu tố:

   Một là, xuất bản trước hết là hoạt động tổ chức bản thảo, tổ chức biên tập nội dung và hình thức tác phẩm sao cho phù hợp với định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, với tôn chỉ, mục đích nhà xuất bản, cũng như nhu cầu của bạn đọc, nhằm tạo ra những tác phẩm hay về nội dung, đẹp về hình thức. Biên tập không phải là sáng tác. Biên tập viên không thể thay thế tác giả. Tuy nhiên đây lại là hoạt động vô cùng quan trọng khi trực tiếp định hướng tư tưởng, nội dung tác phẩm cũng như điều chỉnh nội dung tác phẩm cho phù hợp với các tiêu chí xuất bản. Ở góc độ này, biên tập viên không chỉ là người hỗ trợ cho tác giả hay là người đồng sáng tạo với tác giả, mà còn là người tư vấn cho tác giả, là người đại diện về mặt pháp lý cho nhà xuất bản.

   Hai là, xuất bản là hoạt động in ấn (nhân bản) hàng loạt bản thảo đã được biên tập và thiết kế hoàn chỉnh dưới một dạng vật liệu nhất định. Với hoạt động xuất bản truyền thống (sản phẩm là sách in), in ấn là một khâu rất quan trọng nhằm tạo ra sản phẩm có hình thức đẹp. Với công nghệ xuất bản hiện đại ngày nay, hoạt động nhân bản tác phẩm có thể được thực hiện trong môi trường kỹ thuật số và truyền qua mạng internet. Đây được gọi là xuất bản trực tuyến. Dù là phương thức xuất bản nào thì vẫn phải trải qua quá trình biên tập và nhân bản, chỉ cách thức nhân bản và phương tiện vật chất chứa thông tin là khác nhau (4).

   Ba là, xuất bản là hoạt động quảng bá sản phẩm sau khi nhân bản ra toàn xã hội. Từ hoạt động marketing đến truyền thông, đến tổ chức tiêu thụ xuất bản phẩm sau nhân bản được gọi chung là phát hành. Nói đến xuất bản là nói đến việc xã hội hóa tác phẩm của cá nhân tác giả đến với công chúng. Đây cũng chính là mục tiêu, là đích đến của bất kỳ một hoạt động xuất bản nào. Phát hành chính là hoạt động tuyên truyền tư tưởng - văn hóa; đồng thời là hoạt động thương mại, hoạt động kinh tế. Thông qua hoạt động phát hành, người làm xuất bản sẽ nhận được phản hồi từ độc giả, từ thị trường để tiếp tục có những ý tưởng mới, kế hoạch xuất bản mới, đồng thời có những điều chỉnh ở các sản phẩm tiếp theo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc, trên cơ sở phù hợp với luật pháp và tôn chỉ, mục đích của đơn vị xuất bản.

   Như vậy, xuất bản là một chuỗi các hoạt động từ tổ chức nội dung, biên tập đến tổ chức sản xuất, nhân bản và thương mại tác phẩm. Trong thực tiễn, xuất bản hiểu theo nghĩa rộng là cả một quy trình đồng bộ gồm ba khâu: biên tập - in - phát hành. Theo nghĩa hẹp, xuất bản được coi là hoạt động biên tập. Tuy nhiên cũng có cách hiểu sai khi nghĩ xuất bản là in ấn, hay đánh đồng nhà in chính là nhà xuất bản.

   2. Đặc điểm của hoạt động xuất bản

   Hoạt động xuất bản mang đặc điểm truyền thông

   Xuất bản phẩm, trong đó có sách, là sản phẩm văn hóa tinh thần, là phương tiện lưu giữ, tích lũy, truyền bá tri thức của loài người. Trong lịch sử, sự ra đời của sách là một thành tựu kỳ diệu trong sự phát triển của nhân loại. Sách ghi lại sự trưởng thành về nhận thức và tư duy, về cải tạo và xây dựng xã hội của loài người, đồng thời nó trao truyền các giá trị di sản văn hóa tinh thần và các thành tựu của văn hóa vật chất mà loài người đã đạt được. Cho đến nay, cùng với báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng khác, xuất bản là trung tâm của hệ thống giáo dục, tạo lập, phân phối kiến thức và nuôi dưỡng trí tuệ con người. Nếu không có sách và các xuất bản phẩm khác, văn hóa, giáo dục sẽ bị tổn hại và không thể trao truyền kiến thức, kinh nghiệm từ thế hệ này qua thế hệ khác. Do đó, xuất bản mang đặc điểm truyền thông và thuộc trung tâm của mạng lưới truyền thông rộng lớn.

   Hoạt động xuất bản mang đặc điểm văn hóa tinh thần

   Xuất bản, trong đó xuất bản sách là chủ yếu, là một quá trình gồm nhiều khâu nối tiếp nhau như đề tài, cộng tác viên, biên tập bản thảo, thiết kế và chế bản, in, tuyên truyền và phát hành, trong đó có ba khâu cơ bản là: biên tập, in và phát hành. Mục đích cao nhất của hoạt động xuất bản là đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, còn việc tổ chức sản xuất, lưu thông, phát hành là phương thức của hoạt động này. Trong thời kỳ bao cấp, các nhà xuất bản ở nước ta đều hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, thực hiện việc cấp phát, giao nộp theo chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh, phần lớn xuất bản phẩm được phân phối, lưu thông trên thị trường theo địa chỉ đã định. Về giá cả mua bán là do Nhà nước ấn định. Mọi yếu tố sản xuất của quy trình xuất bản đều do Nhà nước chỉ đạo. Do đó, việc tổ chức sản xuất và quản lý các hoạt động xuất bản được thực hiện theo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước. Bởi thế, nó không hoạt động theo các quy luật kinh tế, mà thuần túy là các cơ quan, đơn vị sự nghiệp làm công tác văn hóa, tư tưởng. Bước sang cơ chế thị trường, hoạt động xuất bản dù phải hạch toán kinh doanh lỗ lãi, nhưng bản chất của xuất bản vẫn là hoạt động truyền bá văn hóa, sản phẩm sách thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần. Trong đời sống xã hội, xuất bản là một thiết chế văn hóa, nó phục vụ cho việc phát triển các giá trị chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học. Trong đời sống văn hóa tinh thần, xuất bản không đơn thuần là hoạt động sáng tác, nghiên cứu, mà nó còn thúc đẩy sự sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng các giá trị chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của xã hội. Mặc dù không trực tiếp nghiên cứu, sáng tác, song hoạt động xuất bản là bộ phận thiết yếu của đời sống văn hóa tinh thần, là khâu tiếp nối và nâng cao các hoạt động sáng tạo văn hóa, khoa học, là cầu nối giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc.

   Hoạt động xuất bản mang đặc điểm sản xuất hàng hóa

   Hoạt động theo cơ chế thị trường, các nhà xuất bản tự bươn trải, tự đổi mới hoạt động cho phù hợp với cơ chế mới để tồn tại và phát triển, nên thị trường xuất bản có điều kiện phát triển. Các nhà xuất bản phải tự hạch toán, chịu cạnh tranh và chịu mọi sự điều tiết về chính sách thuế, về giá trên thị trường. Sản phẩm của hoạt động xuất bản thực hiện trên thị trường dưới hình thức hàng hóa; nghĩa là, sản phẩm của hoạt động xuất bản được sản xuất ra với tư cách là hàng hóa. Quá trình tổ chức sản xuất, lưu thông phải được thực hiện theo quy luật của sản xuất hàng hóa, theo quy luật của kinh tế thị trường. Xuất bản là hoạt động vật chất hóa, xã hội hóa các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần. Để làm được điều đó, hoạt động xuất bản đòi hỏi những chi phí vật chất và tinh thần không nhỏ. Để tồn tại và phát triển, hoạt động xuất bản phải được hạch toán chi tiết từ đầu vào đến đầu ra. Do đó, trong cơ chế thị trường, hoạt động xuất bản tất yếu mang tính chất sản xuất hàng hóa, phải được thực hiện giá trị hàng hóa thông qua trao đổi trên thị trường và trở thành đối tượng của kinh doanh hàng hóa. Sự ra đời của công nghệ điện tử nhân bản, hoạt động xuất bản được máy tính trợ giúp và gần đây là internet, tất cả đã tác động sâu sắc đến hoạt động xuất bản, làm cho nó trở thành ngành công nghiệp hiện đại, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Như vậy, trong cơ chế thị trường, xuất bản phẩm luôn mang thuộc tính hàng hóa, hoạt động xuất bản là hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa đặc thù.

   Hoạt động xuất bản chịu tác động mặt trái của cơ chế thị trường

   Tình hình quốc tế hiện nay biến chuyển nhanh chóng và phức tạp, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến sự phát triển của nhiều nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật... Nó có ảnh hưởng và tác động mạnh đến hoạt động xuất bản ở nước ta cả mặt tích cực và tiêu cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, các cơ chế, chính sách đang được thể chế hóa. Tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách còn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đòi hỏi từ thực tế của hoạt động xuất bản.

   Điều đó cũng tác động mạnh đến hoạt động xuất bản. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hoạt động xuất bản đang bị mặt trái của cơ chế này tác động, nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực như: khuynh hướng thương mại hóa, lai căng, chạy theo thị hiếu tầm thường, chụp giật bản thảo, “nạn dịch” sách kém chất lượng, hiện tượng gian lận trong kinh doanh, trốn thuế, bán giấy phép thu phí quản lý mà không quan tâm đến nội dung, đặc biệt là tình trạng in lậu sách có chiều hướng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về xuất bản, nhất là khâu hậu kiểm cần phải được hoàn thiện, tăng cường để đáp ứng với yêu cầu, tình hình mới.

_______________

   1. Phạm Thị Thu, Lý luận nghiệp vụ xuất bản, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2013, tr.6.

   2. Giang Thiệu Thanh, Từ điển xuất bản, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007.

   3. Quốc hội, Luật Xuất bản, 2012.

   4. Nguyễn Anh Tú, Quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, tr.18.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

;