Ngành VHTTDL: Tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn

Chiều 14-6, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp Giao ban công tác quản lý nhà nước về VHTTDL 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và trực tuyến với điểm cầu là các đơn vị thuộc Bộ tại Đà Nẵng và TP.HCM. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì cuộc họp.

Cùng chủ trì Hội nghị có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông,  Trịnh Thị Thủy; tham dự họp có Lãnh đạo các: Tổng cục, Cục, Vụ, Văn phòng Bộ,  và các  đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ .

Toàn cảnh Hội nghị 

Phải "Nghĩ thật, nói thật, làm thật" 

Phát biểu chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Ở nhiệm kỳ này, đây là lần đầu tiên, Lãnh đạo Bộ quyết định giao ban 6 tháng đầu năm với thành phần mở rộng. Để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của ngành, của Bộ, nhiệm kỳ này Bộ VHTTDL đã có nhiều  đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, chuyển bằng được tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, nên đã thay đổi cách thức giao ban, bằng việc 1 tháng Bộ trưởng chủ trì phiên họp giao ban khối quản lý nhà nước. Cùng với  đó, các Hội nghị có tính chuyên đề về xây dựng thể chế bằng pháp luật thuộc nhóm ngành của Bộ VHTTDL cũng được quan tâm nhiều hơn, sát hơn, cụ thể hơn với tư cách là cơ quan tham mưu, kiến tạo. Những công việc đó, chúng ta đã tập trung triển khai và bước đầu đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận trong quá trình góp phần hoàn thiện thể chế và đặc biệt là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội trong phiên làm việc với Bộ VHTTDL. Cùng với đó, các sự kiện VHTTDL trên quy mô toàn quốc đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp về văn hóa, tạo các điểm nhấn về du lịch và thể thao. Lãnh đạo Bộ cũng đã phân công các đồng chí Thứ trưởng trực tiếp giao ban trong khối mình phụ trách và bước đầu cũng đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác đôn đốc, tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực như vậy,  để quán triệt một cách đầy đủ, hiểu một cách thấu đáo các công việc, đồng thời chấn chỉnh những tồn tại, vấn đề phát sinh, để tất cả các đơn vị của Bộ  nắm, hiểu rõ và cùng đồng tâm thực hiện thì cần thiết phải tổ chức các hội nghị có tính chuyên đề. Vì vậy, Ban cán sự đảng đã  thống nhất, quyết định tổ chức giao ban 6 tháng với  thành phần là thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ, bao gồm cả quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp để quán triệt,  triển khai, đánh giá lại công việc  đã làm.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

"Hội nghị lần này, chúng ta cùng nhìn lại những kết quả của ngành VHTTDL nói chung, trong đó có công tác của Bộ VHTTDL trong 6 tháng đầu năm, quán triệt một số đầu việc và công việc mang tính chất điểm nhấn của những tháng còn lại. Thông qua việc nghiên cứu báo cáo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận theo hướng: nêu lên những suy nghĩ, trăn trở, cũng như những đóng góp , để tiếp tục hoàn thiện báo cáo  sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 nhìn từ góc độ đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị tổ chức thực hiện..."- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu: cần đi thẳng vào vấn đề, suy nghĩ thấu đáo, để phân tích, làm rõ những hạn chế,  yếu kém, chỉ rõ những nguyên nhân và tồn tại, từ đó để có những giải pháp khắc phục. Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư đã khẳng định, cũng như trong phiên họp Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, ngành VHTTDL đã được đề cao, nhưng chúng ta cũng nên xem xét lại trên tinh thần không chủ quan, tự mãn về những kết quả bước đầu, mà cần thẳng thắng xem xét, phân tích để khắc phục một cách nghiêm túc… Và phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, như vậy, hình ảnh của “cỗ xe tam mã” văn hóa, thể thao và du lịch mới có bước phát triển cao hơn, mặc dù trong nửa đầu nhiệm kỳ, Bộ VHTTDL đã có những kết quả nhất định.

Phân tích, đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập

Tại buổi họp, các ý kiến phát biểu của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ VHTTDL đã tập trung phân tích làm rõ những điểm nghẽn, bất cập cần giải quyết.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái phát biểu tại Hội nghị

Về công tác hoàn thiện thể chế, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phạm Cao Thái đánh giá: Các công việc  của Bộ đã được Bộ trưởng, các Thứ trưởng thường xuyên quan tâm chỉ đạo, sát sao. Qua 6 tháng đầu năm, công tác xây dựng pháp luật đã được chủ động, từ đầu năm đến nay, Bộ đã tham mưu Chính phủ, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sửa đổi 2 luật:  Luật Di sản văn hóa và Luật Quảng cáo. Về công tác xây dựng Nghị định, với nhóm 12 nghị định đang được tiến hành trong năm nay, đến tháng 6 đã trình Chính phủ 3 nghị định theo đúng tiến độ được giao. Công tác xây dựng Thông tư cũng được quan tâm tập trung vào nhóm thông tư ban hành định mức kỹ thuật của ngành trong tất cả các lĩnh vực. Ông Thái cũng đề nghị các cơ quan thuộc Bộ tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, quan tâm tới đề xuất của một số địa phương về hướng dẫn thực hiện cũng như khắc phục những bất cập của Nghị định 144/2020/NĐ-CP.

Đại diện khối nhà hát, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc nêu lên những khó khăn mà các nhà hát đang gặp phải hiện nay đó là vấn đề về biên chế trong các đoàn diễn, ngân sách cho việc phục vụ  lưu diễn và cơ sở vật chất. Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, hằng năm các đơn vị vẫn có tiền ngân sách để dựng vở đặt hàng, những tác phẩm đó là những vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao và được các đơn vị nghệ thuật chăm chút, tâm huyết với trách nhiệm cao. Cần hiểu rõ giữa việc xây dựng các chương trình phục vụ du lịch và các chương trình nghệ thuật do Bộ đặt hàng. Các chương trình đang được các nhà hát xây dựng hiện nay là chương trình phục vụ người dân, đó là xây dựng con người văn hóa, xây dựng nền tảng văn hóa, và tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Vì vậy, các nhà hát rất cần Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp để các giá trị nghệ thuật được đến nhiều hơn với công chúng.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly  cho rằng chính sách đối thu hút tài năng tại các nhà hát gặp nhiều khó khăn

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lập hồ sơ xây dựng Nghị định văn học. Nghị định này cũng đã được xây dựng cách đây 10 năm nhưng cũng gặp phải nhiều khó khăn do gặp phải những ý kiến khác biệt nhau về quản lý, sáng tạo nghệ thuật và văn học. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã làm việc nhiều lần với Hội nhà văn Việt Nam, đồng thời đang xin ý kiến của Bộ Tư pháp và đang trong tiến trình triển khai. Cục cũng đang xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập. Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly nêu ví dụ bất cập cần quan tâm như chính sách đối với các em học sinh sau khi ra trường nghệ thuật hệ trung cấp, đi làm được hưởng lương cơ bản với hệ số 1,86. Với đồng lương thấp như vậy, nên các bạn trẻ không muốn làm việc tại các cơ quan nhà nước và có lựa chọn khác. Vì thế các đoàn nghệ thuật không thu hút được người tài, không có người làm việc, không giữ chân được các nghệ sĩ bởi không có cơ chế đặc thù…

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh cần đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến, quảng bá du lịch

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, đối với ngành Du lịch luôn có sự quan tâm đặc biệt, quyết liệt của lãnh đạo Bộ nên từ đầu năm triển khai đến nay đã có được những kết quả khả quan. Trong đó lãnh đạo Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng chủ trì Hội nghị về Du lịch toàn quốc lần thứ ba, cũng như việc thúc đẩy du lịch quốc tế. Trong thời gian tới, để đảm bảo tốc độ phục hồi theo Nghị quyết 82-NQ/CP của Chính phủ, cũng như đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành Du lịch cũng sẽ tham mưu quản lỹ Quỹ Du lịch. Thời gian tới, Quỹ phải tổ chức thực hiện để các đơn vị sự nghiệp của Bộ, của ngành chủ động hơn nữa trong việc tổ chức triển khai thực hiện, đồng loạt xúc tiến quảng bá, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt đã cảm ơn Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng đã quan tâm, chỉ đạo sát sao đến thể thao đỉnh cao, cụ thể Thể thao Việt Nam đã đạt được thành tích tốt tại SEA Games 31 và 32.  Cùng với đó mô hình phát triển thể thao với những chân rết tại các địa phương, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia nằm ở tất cả các vùng miền ngày càng phát huy. Với sự đầu tư trọng điểm cho các vận động viên tham dự các kỳ đại hội SEA Games, ASIAD, Tổng cục trưởng mong muốn Lãnh đạo Bộ quan tâm tiếp tục đầu tư để thành tích ngày càng tốt hơn trong các kỳ thi đấu sắp tới. Trong thời gian tới, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản trình Chính phủ đã hoàn thành theo dự kiến, đạt được tiến độ theo yêu cầu. Các lĩnh vực công tác của Bộ trong 6 tháng đầu năm, đã có những chuyển biến tích cực, trong đó lĩnh vực truyền thông đã được chú trọng, tạo dấu ấn. 

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi những nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và lĩnh vực truyền thông

Trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị các đơn vị tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả hơn, đó là: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là hệ thống các văn bản về Nghị định hướng dẫn luật, trong đó có các văn bản về thi đua khen thưởng; hệ thống Thông tư, như hệ thống thông tư định mức kinh tế kỹ thuật. Từ nay đến cuối năm, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc để tham gia các nội dung liên quan đến các phiên chất vấn, giải trình của đại biểu Quốc hội. Vì thế, Bộ sẽ cần nhiều số liệu từ các đơn vị cũng như địa phương báo cáo về những nhiệm vụ mà Bộ chủ trì, vì thế lãnh đạo các đơn vị cũng cần hết sức lưu ý và nghiêm túc thực hiện.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, hiện nay khi làm việc với khối nhà trường và các nhà hát cũng gặp phải nhiều vấn đề khó khăn. Trong đó, đối với các trường đề cập nhiều lần về vấn đề đổi mới giáo dục căn bản trong đó giáo trình, giáo án, giờ học, giờ lên lớp… Qua đó, cần phải xem lại chiến lược phát triển của các trường để phù hợp với giai đoạn mới, các trường cần phải quan tâm hơn thì công tác tuyển sinh  và đào tạo mới hiệu quả, có ích cho xã hội.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn về biên chế ở khối nhà trường và nhà hát

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, đối với các nhà hát hiện nay, 90% kinh phí được cấp cho các nhà hát được chi cho lương, bảo hiểm… số tiền ngân sách còn lại không nhiều nên khó khăn trong việc triển khai những công tác khác như chi cho: trang trí sân khấu, trang phục, làm nhạc… mà hiện nay, sân khấu lại áp dụng các công nghệ mới, nên càng khó khăn hơn về cơ sở, vật chất kỹ thuật… Vì vậy, phải có những giải pháp tháo gỡ khăn về chỉ tiêu biên chế đối với khối nhà trường và nhà hát… 

Tập trung cho công tác thể chế

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: với tinh thần, trách nhiệm cao, đổi mới trong công tác chỉ đạo, năm 2023, Bộ VHTTDL đã tập trung thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời rút kinh nghiệm, phổ biến những cách làm hay, lắng nghe những chia sẻ về khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo của Bộ, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, đặc biệt nhận được sự quan tâm rất lớn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy địa phương, vì vậy khi bước vào nhiệm vụ năm 2023, năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ VHTTDL đã đạt được những kết quả phấn khởi.

Công tác quản lý nhà nước đã bám sát vào định hướng: thể chế, thể chế và thể chế - đây là một trong ba khâu đột phá. Trong đó , Bộ đang thực hiện và đề xuất để sớm hoàn thiện các bộ luật có liên quan để hoàn thiện công tác quản lý, trong đó đề xuất xem xét sửa đổi Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hóa. Hiện nay, theo lộ trình Bộ VHTTDL đang gấp rút phối hợp với các Bộ khác hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các nghị định liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật thi đua khen thưởng.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề nghị toàn ngành tập trung sớm hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa

Đi kèm với đó, trong thẩm quyền của Bộ VHTTDL, đã ban hành Thông tư, đây là khối lượng mà Bộ làm nhiều nhất trong việc kiến tạo chính sách, để có được nhũng định mức về kinh tế kỹ thuật, có những quy định rõ ràng hơn giúp cho các đơn vị thực hiện. Quan trọng hơn nữa là thể chế chính sách không chỉ bằng luật,  mà còn đề xuất để được Đảng và Nhà nước cho phép ban hành những  chính sách đặc thù cho ngành, trong đó Chính phủ đồng ý giao cho Bộ VHTTDL sớm hoàn thiện, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, đây là điều mơ ước của các thế hệ làm văn hóa.

Bộ cũng đang nỗ lực hoàn thiện chiến lược thể thao, và đang tính toán  về một ngành đang non trẻ nhưng có sức vươn đó là công nghiệp văn hóa, sắp tới là đề án về  kinh tế thể thao. Những bước chuyển trong nhận thức, có công việc cụ thể, đi một bước căn bản, từ tư duy làm văn hóa đến quản lý nhà nước và kiến tạo chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát.

"Bộ VHTTDL đã chọn những thời thích hợp để tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân, trong các tổ chức Đảng, trong hệ thống chính trị, để hiểu về  văn hóa hơn, ủng hộ văn hóa nhiều hơn, gạt bỏ quan điểm là chỉ biết  “cờ, đèn, kèn, trống”.  Chúng ta đã thành công khi tổ chức hội thảo, chuỗi hoạt động kỷ niệm: 80 năm Đề cương về văn hóa của Đảng với ba nội hàm: Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa. Chưa bao giờ Bộ VHTTDL nhận được sự quan tâm nhiều như thời điểm này, đó là một sự nỗ lực từ việc hoạch định đến khâu tổ chức, đến khâu chỉ đạo điều hành. Qua đó thử thách được đội ngũ cán bộ bản lĩnh, tự tin để có thể làm được những điều lớn khác" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh còn những điểm nhấn khác của ngành Văn hóa trong 6 tháng đầu năm 2023, đó là đã bám sát các sự kiện chính trị của quê hương, đất nước, để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia, cấp tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, góp phần phục vụ cho kinh tế - xã hội. Các hoạt động này là do các địa phương thực hiện là chính, nhưng Bộ chỉ đạo, hướng dẫn. Một điểm nhấn nữa là tăng cường vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực lễ hội, với những kết quả khích lệ.  

Trong lĩnh vực du lịch: nỗ lực tham mưu, tháo gỡ những điểm nghẽn, với sự tham mưu đúng, trúng của ngành đã được Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trình Quốc hội tháo gỡ điểm nghẽn về visa và chờ Quốc hội thông qua. Công tác xúc tiến  du lịch được đẩy mạnh, các địa phương đã  tiến hành tổ chức, quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch, hướng đến sản phẩm đặc sắc, dịch vụ du lịch có tính cạnh tranh về giá cả để thu khách. 6 tháng nhìn lại, khách quốc tế đã đạt được hơn 60%, khách nội địa vẫn là bệ đỡ trong mùa du lịch.

Về Thể thao, đã tạo ra được dấu ấn mới, đây là lần đầu tiên thể thao thành tích cao đi thi đấu quốc tế đứng nhất toàn đoàn. Thể thao quần chúng cũng được phát triển khá rộng khắp, có một sự chuyển dịch bắt đầu từ quản lý  nhà nước sang làm thể thao của các liên đoàn, hiệp hội, đó cũng là điểm sáng của toàn ngành.

Đánh giá công tác truyền thông đã được chú trọng nhiều hơn, nhất là truyền thông chính sách, trong việc đưa ra các nội dung được lan tỏa, trở thành các hiệu ứng, Bộ trưởng ghi nhận, biểu dương các cơ quan truyền thông của Bộ đã nỗ lực, chủ động cung cấp và định hướng tốt thông tin về ngành. 

Về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu: Tiếp tục kiên trì, kiên quyết tổ chức thực hiện Nghị quyết 09 của Ban cán sự đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó sẽ chú ý nhiều hơn trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều chuyển, kiện toàn lãnh đạo các đơn vị…; làm đúng quy trình, quy định nhưng phải chọn được người xứng đáng.

Bộ trưởng cũng yêu cầu  các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành  có chất lượng các dự án luật,  nghị định, thông tư theo kế hoạch; tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, để sớm trình Quốc hội; các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện tốt về công tác tổ chức, bộ máy, quản lý cơ sở vật chất.

Về văn hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, ngoài các hoạt động thường xuyên, sẽ tổ chức  hoạt động quy mô toàn ngành nhân kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Văn hóa. Trong đó, tổng kết, sơ kết mô hình về xây dựng mô hình văn hóa, biểu dương điển hình về văn hóa trong ngành, gắn với đó, từ thực tiễn, đề xuất để tiến hành thí điểm một số loại hình nghệ thuật.

Đối với lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các chiến lược, đề án trình Chính phủ ban hành, trong đó có đề án về thể thao thành tích cao, đề án kinh tế thể thao; tiếp tục chuẩn bị tham gia các giải quốc tế .

Về du lịch, Bộ trưởng chỉ đạo tập trung tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và quản lý nhà nước, đôn đốc tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp; sớm trình Bộ trưởng về kế hoạch xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm và tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản, châu Âu và một số thị trường khác, gắn với  quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam; đồng đời kiểm tra các điểm đến, đảm bảo an toàn,  thân thiện, dịch vụ chuyên nghiệp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao Cờ thi đua của Chính phủ năm 2022 cho 10 tập thể thuộc Bộ VHTTDL

Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ năm 2022 cho 10 tập thể thuộc Bộ VHTTDL.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;