Ngành VHTTDL: Thực hiện "3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả" để tăng tốc về đích

Sáng 12-7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì và điều hành hội nghị có và các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong.

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Bộ VHTTDL và trực tuyến đến hai điểm cầu TP Đà Nẵng và TP.HCM.

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương, Hồ An Phong chủ trì Hội nghị

Những điểm sáng của ngành VHTTDL trong 6 tháng đầu năm 2024

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, về lĩnh vực văn hóa, trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bộ đã báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16-4-2024 quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 8-5-2024, UNESCO ghi danh "Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến nay, có 571 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo...; tổ chức triển lãm tranh cổ động tấm lớn, hội thi tuyên truyền lưu động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; hội thi tuyên truyền lưu động, triển lãm tranh cổ động tấm lớn kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn...

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy báo cáo tóm tắt sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024

Công tác xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được thực hiện hiệu quả với việc xây dựng các thông tư, phối hợp triển khai các nhiệm vụ thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ: tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số; tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng Sông Cửu Long; tổ chức Đội tuyên truyền văn hóa biểu diễn phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và chiến sĩ các Đồn Biên phòng khu vực biên giới; Kế hoạch tổ chức các Ngày hội văn hóa các dân tộc…

Về công tác thư viện, Bộ đã xây dựng 5 Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thư viện; ban hành kế hoạch tập huấn về chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện; kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông về chuyển đổi số ngành Thư viện năm 2024; tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam...

Trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ đã xây dựng: 7 Thông tư, Đề án "Xây dựng hệ thống số hóa dữ liệu phát hành, phổ biến phim tại Việt Nam"; tổ chức Cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim truyện, phim tài liệu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn…

Về Nghệ thuật biểu diễn, Bộ đã hoàn thiện Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về văn học; Xxây dựng: Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập; 3 thông tư… Tổ chức các chương trình nghệ thuật, các trại sáng tác, các liên hoan sân khấu….

Toàn cảnh Hội nghị

Về lĩnh vực thể dục, thể thao, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ: Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới…

Về thể dục thể thao quần chúng: triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Hướng dẫn địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026…

Về thể thao thành tích cao: tập trung lực lượng vận động viên tập huấn và tham dự vòng loại Olympic 2024, Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á tại Thái Lan và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2024... 6 tháng đầu năm 2024, Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc giành được 103 huy chương vàng, 100 huy chương bạc, 139 huy chương đồng. Tính đến nay, Thể thao Việt Nam đã có 16 suất chính thức tham dự Olympic Paris 2024.

Về lĩnh vực du lịch, tháng 6-2024, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 1.249.237 lượt, giảm 9,7% so với tháng 5-2024, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 14 triệu lượt, trong đó có khoảng 9,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 436,5 nghìn tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, bày tỏ đồng tình, thống nhất với bản báo cáo, đồng thời đóng góp ý kiến về thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Cần chú trọng thực hiện: 3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nhìn lại 6 tháng đầu năm, Bộ VHTTDL cùng toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, sau khi tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về lĩnh vực văn hóa, cùng với thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho lĩnh vực văn hóa. “Cụm từ “văn hóa” được xuất hiện nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, “Thủ tướng Chính phủ cũng đã đánh giá trong 6 tháng qua, văn hóa tiếp tục nhận được sự quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Du lịch trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Những kết quả này được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Nhân dân đánh giá cao và ghi nhận”.

Cũng theo Bộ trưởng, những kết quả đạt được đến từ những nỗ lực của việc chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng có chiều sâu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tổng kết Hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ VHTTDL cùng toàn ngành đã nỗ lực tìm kiếm những nguồn lực, chủ động đề xuất nhiều giải pháp thực thi và được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, lấp những khoảng trống về mặt pháp lý để giúp cho ngành phát triển. Cùng với đó, nhờ sự chủ động phối hợp với cơ quan thẩm tra và các bộ, ngành liên quan, các văn bản pháp luật, chính sách lần lượt được lấy ý kiến, tiếp thu, sửa đổi, hoàn thiện và thông qua.

Bộ trưởng nêu rõ,  các sự kiện văn hóa, nghệ thuật đã được tổ chức thành công với các sự kiện cấp quốc gia, cấp khu vực và song phương với các nước. Công tác tổ chức có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan và địa phương; gắn kết cả 3 lĩnh vực vào các sự kiện. Từ đó, khẳng định vị thế của văn hóa, góp phần tích cực vào xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nhiều sự kiện nổi bật phải kể đến trong 6 tháng đầu năm 2024 gồm chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm Du lịch quốc gia -  Điện Biên 2024, Những Ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga năm 2024…

Bộ trưởng nhấn mạnh, lĩnh vực du lịch đã có sự kết nối với giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp để phấn đấu tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam; giải bài toán coi du lịch nội địa làm bệ đỡ trong bối cảnh Việt Nam từng bước lấy lại đà tăng trưởng thị trường quốc tế.

Thể thao cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật khi mới đây, bên cạnh những kết quả tích cực trong phát triển thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao cũng có nhiều khởi sắc. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu giành vé tham dự Olympic Paris 2024. 

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ VHTTDL có được kết quả trên nhờ rút ra các bài học kinh nghiệm, đó là: Cần phải bám sát chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu để thể chế hóa kịp thời các nội dung liên quan đến lĩnh vực VHTTDL; Giữ vững sự đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, đề cao tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói thẳng, nói thật; Cần phải đổi mới cách tiếp cận tư duy quản lý; giữ mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với các ban, bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách.

Nhấn mạnh về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng yêu cầu cần chú trọng thực hiện: 3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả.

Theo đó, cần quyết tâm tăng tốc về đích, hoàn thành vượt chỉ tiêu  công tác năm 2024 đã đề ra; Xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt phương châm “nỗ lực của mỗi người, tương lai của chúng ta”; Tổ chức thành công, hiệu quả, lan tỏa lớn các sự kiện VHTTDL lớn ở quy mô toàn quốc và khu vực.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải chủ động bổ sung, cập nhật những nhiệm vụ mới được Đảng, Nhà nước giao, xác định các giải pháp có tính khả thi, từ đó xử lý công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt, không được thoái thác, né tránh, đùn đẩy.

"Trong hợp tác, làm việc, trong nội bộ, phải đặt yếu tố đối tác tin cậy lên hàng đầu, chủ động phối hợp, tạo nên sức mạnh tổng hợp; đồng thời, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan của Trung ương và địa phương…. Đặc biệt, phải chủ động phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị, giữ vững đoàn kết nội bộ.

Về tính “hiệu quả” thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm, phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đầu tư công; tăng cường hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ theo hướng có chiều sâu, đối với lãnh đạo các đơn vị, cần nhận thức “xuất sắc là một thói quen”. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng đề nghị  nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vượt qua khó khăn để thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, chú trọng hiệu quả, thực chất trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người, trong đó có vai trò nêu gương, đặc biệt là đối với người đứng đầu; quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Bộ trưởng cũng lưu ý: công tác thi đua, khen thưởng cũng phải đạt hiệu quả,  thực chất, tránh cào bằng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 2 cán bộ Lãnh đạo Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: PGS,TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng và PGS,TS Đặng Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 3 đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023

Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 2 cán bộ lãnh đạo Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: PGS,TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng và PGS,TS Đặng Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng . Bộ trưởng cũng trao cờ thi đua của Chính phủ cho 3 đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023, đó là: Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Phim Việt Nam và Trường Đại học Thể dục, thể thao TP.HCM.

Bài: NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;