Nguyễn Thái Bạt và chuyện giả đui để giữ đạo nhà

Nguyễn Thái Bạt sinh ngày 10 tháng 1 năm Giáp Tý (tức 26 tháng 1 năm 1504), tại xã Bình Lãng, tổng Ngọc Trục, huyện Cẩm Giàng phủ Thượng Hồng trấn Hải Dương - nay là thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông sinh trưởng trong gia đình nho sĩ lâu đời (thân phụ Nguyễn Văn Hanh, thân mẫu Lê Thị Đạt), từ nhỏ đã tỏ ra thông minh, có tư chất hơn hẳn chúng bạn khi theo học thầy Nguyễn Văn Vận - Tiến sĩ hoàng giáp khoa thi năm Ất Sửu (1505), Đô ngự sử của triều vua Lê Uy Mục.

 

Năm 1516, Nguyễn Thái Bạt thi đỗ Hương cống, đứng thứ 3 kỳ thi Hương ở trấn Hải Dương năm đó. Năm 1520, ở tuổi vị thành niên, Nguyễn Thái Bạt đỗ đại khoa. “Mùa hạ, tháng 4, thi Hội các sĩ nhân trong nước, lấy đỗ bọn Nguyễn Bật 14 người (Bật người Nghệ An, thi Đình đỗ đồng tiến sĩ xuất thân). Khi thi Đình, vua thân ra đầu bài văn sách hỏi về nhân tài, cho Nguyễn Thái Bạt đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Thái Bạt người xã Bình Lãng, huyện Cẩm Giàng, có tiết nghĩa), bọn Đặng Công Toản, Nguyễn Bạt 13 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 810). Sau khi thi đỗ, Nguyễn Thái Bạt làm quan Hiệu lý ở Viện Hàn lâm.

Trong sự biến năm Nhâm Ngọ (1522) khi vua Lê Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung o ép, lấn lướt, đe dọa tính mạng và ngôi báu đến mức phải bỏ chạy về Thanh Hóa, Nguyễn Thái Bạt cùng thầy học của mình là Nguyễn Văn Vận (lúc bấy giờ làm Đô ngự sử) có mặt trong đoàn người phò giá vua về Tây kinh (Thanh Hóa). Tới lúc Mạc Đăng Dung bắt vua từ Thanh Hóa ra (17/2/1526), rồi giết vua tại phường Đông Hà thuộc kinh thành Thăng Long (tháng 12 năm 1526), Nguyễn Thái Bạt từ quan trở về quê nhà. Sau thời khắc chiếm ngôi ngày 15/6/1527, Mạc Đăng Dung biết giành được ngai vàng đã khó, thu phục được nhân tâm còn khó hơn nên ra sức trưng dụng, vỗ về, thậm chí mua chuộc, ép buộc rất nhiều quan lại của nhà Lê tiếp tục làm việc. Dù Nguyễn Thái Bạt đã giả đui (mù lòa) để không phải tham chính, họ Mạc vẫn cho người tìm, vừa mời vừa ép Nguyễn Thái Bạt vào chầu bổ dụng chức quan Đô ngự sử. Không thể thoái thác mãi, ông buộc phải lai kinh. Do mù lòa, ông yêu cầu được ngồi gần Mạc Đăng Dung để bàn việc nước. Khi khoảng cách không thể gần hơn nữa, ông đã mắng Mạc Đăng Dung: "Mày là đồ bất trung, nghịch tặc" và tuyên bố: "Ta thà làm ma nhà Lê chứ không thèm làm quan nhà Ngụy Mạc". Chưa hết, ông còn nhổ nước bọt vào mặt Mạc Đăng Dung, rồi đập đầu vào thềm điện tử tiết. Ông mất lúc mới ngoài 20 tuổi. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục tuy có sự khác biệt về ngày tháng nhưng cũng chép về cái chết của ông: “Bấy giờ hàn lâm hiệu lý Nguyễn Thái Bạt bị Đăng Dung cưỡng ép vời đến, ông giả vờ thanh manh/thong manh, được đến gần, nhân đó ông nhổ vào mặt Đăng Dung và mắng chửi ầm ỹ (…) bị Đăng Dung giết chết” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 94).

Vua Tự Đức thời Nguyễn trong tập Ngự chế Việt sử tổng vịnh từng có thơ ca tụng Nguyễn Thái Bạt là người khí tiết, thà chịu chết chứ không chịu nhục. Thơ rằng: “Thử nhật sơn hà bất nhẫn kham/ Dã cam mông cổ độc tâm quan/ Nhất triều thóa diện kham ô nhĩ/ Phi thị Lâu gia khả tự càn” [tạm dịch: Ngày ấy non sông chẳng nỡ nhìn/ Cam làm mù lóa tấc lòng yên/ Một mai nhổ mặt làm ô kẻ…/ Đâu phải Lâu gia tự giữ gìn (Xin xem Thơ văn Tự Đức, tập 1, Nxb Thuận Hóa - Huế, 1996, tr. 364)].

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

 

;