Nhạc khí Việt Nam trong giáo dục nghệ thuật phổ thông dân tộc nội trú vùng Tây Bắc

1. Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) - mô hình giáo dục chuyên biệt vùng Tây Bắc

Ngay khi hòa bình lập lại (1954), Đảng và Nhà nước ta xây dựng chiến lược giáo dục phổ cập toàn dân, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt cho con em đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc, trong đó vùng Tây Bắc là địa bàn trọng điểm. Mục tiêu thời kỳ này tập trung mở mang dân trí, bồi dưỡng tri thức, tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Suốt giai đoạn nửa sau TK XX, bằng con đường giáo dục phổ cập, các trường phổ thông liên tục xây dựng, trẻ em các tộc người được cắp sách đến trường, đời sống xã hội Tây Bắc biến đổi nhanh chóng. Nhận thức tầm quan trọng hệ thống giáo dục phổ thông, động lực chủ đạo phát triển con người, Luật giáo dục sửa đổi, ban hành theo Quyết định số 38/2005/QH11, tập trung giáo dục toàn diện: đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ, nghề nghiệp; ghi rõ quyền, nghĩa vụ học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình thuộc vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (1).

Đến năm 2009, trong kỳ họp 12, Quốc hội tiến hành sửa đổi, điều chỉnh một số điều của Luật giáo dục sửa đổi, ban hành theo Quyết định số 44/2009/QH12, nhấn mạnh quyền học tập, đặc biệt đối với trẻ em dân tộc ít người, bổ sung nội dung: Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc, sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt. Việc đưa ra sách giáo khoa bằng tiếng dân tộc dành cho đồng bào thiểu số ở Việt Nam, tạo đà phát triển, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước nhanh chóng tới vùng sâu, vùng xa, thống nhất chương trình giáo dục chung cho mọi người, không phân biệt đối tượng, thành phần tộc người.

Những vấn đề về giáo dục cho đồng bào dân tộc nơi vùng sâu, vùng xa ngay từ những năm 50, 60 của TK XX được cố thủ tướng Phạm Văn Đồng (2) khẳng định giáo dục đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, là nhiệm vụ đầu tiên, trước mắt cũng như lâu dài tạo nên cuộc cách mạng nhân lực trình độ cao, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo Luật giáo dục số 38/2005/QH11, giáo dục bậc phổ thông gồm: giáo dục mầm non: nhà trẻ và mẫu giáo; giáo dục phổ thông: tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT); là giai đoạn học tập dài nhất (12 năm). Đồng thời giáo dục phổ thông là hệ thống phổ cập trên đất nước Việt Nam, là cơ sở tạo nên đội ngũ nhân tài, nhân lực đóng góp nguồn lao động trình độ, tiếp cận kỹ thuật, khoa học tiên tiến các nước trên thế giới. Do đó, giáo dục phổ thông nhận được quan tâm, chú ý toàn xã hội.

Hiện nay các trường PTDTNT liên cấp giữa THCS và THPT vùng Tây Bắc đang ngày càng phổ biến. Đây là mô hình giáo dục đặc biệt dành cho trẻ em tộc người thiểu số có xu hướng lồng ghép, tích hợp, đáp ứng tiêu chuẩn: trí, đức, thể, mỹ. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, rất cần làm sáng tỏ quan điểm lý luận: giáo dục nghệ thuật đã và đang ảnh hưởng, tác động như thế nào với học sinh tại các trường PTDTNT trong chiến lược phát triển toàn diện con người Việt Nam. Và, nhạc khí dân tộc Việt Nam, với nhiều dòng, họ, chi phong phú, đa dạng, cần sử dụng như một phương thức trao truyền cho thế hệ trẻ những di sản văn hóa, nghệ thuật quý báu, đem lại những hiệu quả to lớn về nhận thức, tư tưởng, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.

2. Ảnh hưởng, tác động của nghệ thuật trong giáo dục phổ thông

Đến giai đoạn hiện nay, giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm, chú ý trong hệ thống giáo dục các cấp từ TH đến THPT. Đây là thực trạng xuất phát từ nhận thức các cấp quản lý giáo dục, trong mỗi gia đình. Học sinh khi đến trường tập trung vào học môn chính khóa, còn ngoại khóa là hình thức sinh hoạt chuyên đề như: giáo dục sinh sản, hiểu biết pháp luật, bảo vệ an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo. Giáo dục nghệ thuật, một nội dung cần thiết chỉ giới hạn trong chương trình sinh hoạt Đoàn, Đội, hoạt động phong trào thanh thiếu niên. Thông thường, cán bộ Đoàn, Đội kết hợp với giáo viên dạy môn âm nhạc phát hiện những học sinh có khả năng hát, múa, vẽ, đánh đàn tập hợp vào đội văn nghệ trường, sử dụng vào dịp kỷ niệm, ngày lễ, khai giảng, bế giảng, sinh hoạt ngoại khóa, hội thi, hội diễn. Đây là tình trạng chung về cách hiểu giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông và PTDTNT hiện nay.

Để đánh giá vai trò giáo dục nghệ thuật học đường, cần nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó âm nhạc ở nội dung: ảnh hưởng tích cực của giáo dục nghệ thuật và hạn chế, tác động tiêu cực khi thiếu vắng phương pháp giáo dục nghệ thuật trong môi trường phổ thông.

Trước hết, khi nhìn ra các nước phát triển, giáo dục nghệ thuật luôn giữ vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục học đường. Tại nước Anh (3), giáo dục nghệ thuật là nhân tố quyết định thúc đẩy khả năng sáng tạo con người, đồng thời giáo dục nghệ thuật là động lực xây dựng xã hội tiến bộ về nhận thức, hạn chế tệ nạn, vi phạm pháp luật, đề cao quyền sống bình đẳng. Như vậy, giáo dục nghệ thuật đem lại phương pháp tư duy thông minh, một phẩm chất quan trọng, cơ sở hình thành nên tiến bộ, văn minh loài người. Tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong trường phổ thông được chính phủ Anh khẳng định rõ ràng: tương lai nền kinh tế sáng tạo phụ thuộc vào những cơ hội được tham gia hoạt động nghệ thuật và sáng tạo mà chúng ta đem đến cho trẻ em và người trẻ tuổi ngày hôm nay.

Các nhà nghiên cứu ảnh hưởng giáo dục nghệ thuật trên thế giới đã đưa ra học thuyết về trí thông minh đa dạng (4) với quan điểm chủ đạo: con người sinh ra luôn có thiên hướng thông minh trong một lĩnh vực nào đó. Những hiệu quả đạt được từ trí thông minh có thể tác động tích cực vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ: người có trí thông minh toán học sẽ liên hệ, ảnh hưởng tích cực đến môn học khác như vật lý, hình học không gian, đồng thời với thơ, văn, hội họa, âm nhạc. Hiện tượng này gọi là đa tài, xuất hiện nhiều trên thế giới.

Những tham chiếu nêu trên về tầm quan trọng của nghệ thuật tại các nước phát triển cho thấy vai trò, vị trí giáo dục nghệ thuật trong các trường phổ thông, đặc biệt với trường PTDTNT cần đánh giá, định dạng lại theo yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn xã hội Việt Nam. Khi mục đích giáo dục phổ thông chỉ tập trung vào một số môn học thi hết cấp sẽ gây ra những lệch lạc trong tư duy, cơ sở phát sinh bệnh thành tích, còn giáo dục toàn diện có sự tham gia của giáo dục nghệ thuật chỉ tồn tại trên lý thuyết, khẩu hiệu hô hào chung chung. Trẻ em không trải qua giáo dục nghệ thuật, quá trình học tập thường chịu ảnh hưởng chủ nghĩa rập khuôn, máy móc, suy giảm sức sáng tạo, thiếu ý tưởng độc đáo. Những hạn chế nêu trên được các nước trên thế giới phát hiện sớm, đồng thời đề ra biện pháp giải quyết triệt để. Đây là bài học sâu sắc cho giáo dục phổ thông Việt Nam, không chỉ là bài học rút kinh nghiệm mà cần xây dựng giải pháp định hướng chiến lược giáo dục để thế hệ trẻ phát triển đầy đủ trí thông minh, khả năng tư duy sáng tạo, phát triển đất nước hiện đại, giàu mạnh.

Với nhận thức thay đổi để phát triển, thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã công bố, lấy ý kiến, góp ý tất cả mọi thành phần xã hội trước khi ban hành chính thức. Trong đó, các môn nghệ thuật bình đẳng, song hành với môn học khác từ TH đến THPT, là cơ sở để trường PTDTNT xây dựng, tổ chức chương trình giáo dục nghệ thuật phù hợp tình hình, đặc điểm địa phương, điều kiện tiên quyết giúp trẻ em tộc người tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhanh chóng phát triển toàn diện. Toàn bộ vùng Tây Bắc với hệ thống trường PTDTNT đang chuyển biến mạnh mẽ, tiếp cận nhanh nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, trong đó giáo dục nghệ thuật đã manh nha, xuất hiện trong một số hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, các trường PTDTNT bắt đầu tổ chức CLB âm nhạc dân tộc, tạo điều kiện để học sinh làm quen, học nhạc khí Tây Bắc.

3. Trình diễn nhạc khí vùng Tây Bắc - phương pháp giáo dục nghệ thuật

Hiện nay, âm nhạc, mỹ thuật là 2 môn học chính thức từ TH đến THCS, còn chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mở rộng 3 cấp. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy: múa, kịch đang phát triển nhanh trong các trường PTDTNT vùng Tây Bắc. Những thể nghiệm đưa nhạc khí Tây Bắc vào chương trình giáo dục PTDTNT thông qua sinh hoạt văn hóa nghệ thuật kết hợp giữa múa, kịch với diễn tấu nhạc khí Tây Bắc (sáo Mông, kèn lá, kèn môi). Mô hình chung giữa nhạc khí Tây Bắc và loại hình nghệ thuật dân gian khác được trường PTDTNT vùng Tây Bắc khuyến khích học sinh sử dụng.

Các hình thức trình diễn nhạc khí Tây Bắc qua một số hoạt động sau:

Sinh hoạt ngoại khóa: tất cả trường PTDTNT ở Tây Bắc tổ chức nhiều đợt sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề. Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, ban tổ chức tập trung các em có khả năng hát, múa, nhạc khí biểu diễn tiết mục mở màn, đem lại hiệu quả: thu hút sự chú ý của học sinh hướng lên sân khấu, giảm bớt nói chuyện ồn ào khi tập trung sinh hoạt.

Tổ chức phong trào: hàng năm các trường PTDTNT vùng Tây Bắc có nhiều phong trào như: trồng cây, ngày quốc phòng toàn dân, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy học đường, tìm hiểu pháp luật. Trong hoạt động xây dựng phong trào luôn có văn nghệ: trình diễn nhạc khí, hát, múa tham gia. Ví dụ: trường PTDTNT huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng ngày 26-3, trường PTDTNT tỉnh Sơn La liên tục sử dụng hoạt động nghệ thuật, trình diễn các tiết mục vào các dịp: tết dân tộc, kỷ niệm ngày 3-2, 26-3. Nhà trường khuyến khích biểu diễn nghệ thuật vào ngày giới thiệu sách, xếp sách nghệ thuật, ngày hội đọc sách toàn trường. Những trải nghiệm biểu diễn giúp học sinh tích lũy kinh nghiệm, bản lĩnh hơn khi trình bày tiết mục.

Hội diễn, hội thi có trình diễn nhạc khí Tây Bắc: trong các hội thi, hội diễn học sinh sinh viên tỉnh hoặc văn nghệ không chuyên, các trường PTDTNT vùng Tây Bắc thường xuyên cử học sinh có năng khiếu nghệ thuật tham gia và đạt các giải cao. Trường PTDTNT tỉnh Sơn La luôn chủ động đưa học sinh dự hội diễn văn nghệ do nhà trường ý thức duy trì hoạt động nghệ thuật: học nhạc khí, hát, múa, hình thành tiết mục nghệ thuật, tạo điều kiện học sinh phát huy khả năng biểu diễn trong hội thi, hội diễn.

CLB Âm nhạc dân tộc: đây là đặc điểm mới tại các trường PTDTNT vùng Tây Bắc, đem lại những giá trị, hiệu quả nghệ thuật với học sinh tộc người thiểu số. Ví dụ: khi trường PTDTNT tỉnh Sơn La mở CLB sáo Mông, số lượng học sinh học hàng năm duy trì hơn 40 em; tại trường PTDTNT huyện Thuận Châu với mô hình CLB âm nhạc dân tộc được học sinh hào hứng tham gia học nhạc khí Tây Bắc như: sáo Mông, kèn lá, kèn môi. Ở trường PTDTNT tỉnh Hòa Bình, học sinh tự tổ chức CLB guitar. Để góp phần ổn định ý thức học tập của các em, học nhạc khí Tây Bắc là phương pháp giáo dục nghệ thuật đem lại hiệu quả tích cực qua những nội dung:

Hình thành tính chủ động trong học tập: khi học một nhạc khí nói chung, nhạc khí Tây Bắc nói riêng, yêu cầu ý thức luyện tập là điều kiện tiên quyết, bắt buộc. Quá trình tự tập nhạc khí đòi hỏi tập trung trí, lực tạo sắc thái tinh tế, người học nhạc khí mất nhiều thời gian hoàn thiện kỹ thuật, xử lý giai điệu, câu nhạc như ý muốn. Rèn luyện khả năng luyện tập là cơ sở hình thành kỹ năng làm chủ nhạc khí, yếu tố quan trọng tạo nên tính chủ động trong học tập. Tại các trường PTDTNT vùng Tây Bắc, nói chung những học sinh đang học nhạc khí có ý thức tự giác, biết phân bổ thời gian học theo kế hoạch, không bị chi phối, tác động ngoại cảnh. Như vậy, hiệu quả giáo dục trong học và trình diễn nhạc khí Tây Bắc phát huy năng lực cá nhân, trong đó rèn luyện tính chủ động, tự lập là yếu tố quan trọng để tiếp nhận kiến thức, biết phấn đấu, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Khi độc lập, chủ động học nhạc khí Tây Bắc thành thạo, học sinh sẽ bộc lộ khả năng sáng tạo, phát triển trí tuệ nhanh chóng.

Phát triển khả năng sáng tạo, trí thông minh: mục đích cốt lõi của giáo dục là phát triển khả năng sáng tạo, trí thông minh con người. Tại nhiều nước phát triển, các nhà giáo dục học, tâm lý học luôn đưa ra những lý thuyết về giáo dục, mỗi luận điểm luôn tập trung vào hệ thống phương pháp, mục đích hướng đến khơi dậy, phát huy hết tiềm năng sáng tạo, trí tuệ ở mức cao nhất. Nguyễn Thạc đã tổng hợp một số lý thuyết (5) như: lý thuyết trưởng thành, lý thuyết giới tính; lý thuyết tâm lý xã hội, lý thuyết văn hóa… xác định rõ hiệu quả giáo dục nghệ thuật sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình hình thành khả năng sáng tạo.

Đưa nhạc khí Tây Bắc vào chương trình giáo dục phổ thông trong trường PTDTNT, tiêu biểu là mô hình CLB Âm nhạc dân tộc, cho thấy học sinh học và trình diễn nhạc khí bộc lộ khả năng sáng tạo như sau:

Học nhạc khí Tây Bắc là quá trình trải nghiệm bản thân trong 2 dạng kiến thức: thứ nhất là hệ thống thu nhận kiến thức giáo dục từ các môn học được thày cô dạy bảo trên lớp, sau đó về nhà làm bài tập, ghi nhớ môn học; thứ hai là tự phát triển tư duy trong quá trình luyện tập câu, đoạn, làn điệu, bài nhạc theo phương pháp hoàn thiện kỹ năng, kỹ thuật sử dụng nhạc khí theo hướng dẫn người dạy. Hoạt động trải nghiệm đòi hỏi người học tự khám phá, nhận thức bản thân, trong đó phát triển khả năng sáng tạo trình diễn nhạc khí luôn yêu cầu đạt trạng thái ở mức cao nhất. Khi trải nghiệm nhạc khí, học sinh được thúc đẩy tư duy cá nhân liên tục như lý thuyết trưởng thành nêu trên.

Với học sinh tộc người thiểu số trong độ tuổi thành niên (13 - 18 tuổi), khi học tập trung tại trường PTDTNT, ngoài học theo chương trình phổ thông, học nhạc khí Tây Bắc góp phần nâng cao nhận thức, động lực sinh học lúc này được định hướng có chủ đích, giải phóng năng lượng trong thời kỳ phát triển thể chất, tính dục vào luyện tập nhạc khí. Động cơ lành mạnh, môi trường văn hóa tác động rất lớn đến tư tưởng, hành vi trong độ tuổi trưởng thành. Có thể khẳng định, học nhạc khí Tây Bắc từ 13 - 18 tuổi đem lại ý nghĩa về đạo đức, nhân văn trong lối sống của học sinh. Động lực sinh học được điều phối vào mục đích hoạt động có ích cho bản thân, con người trưởng thành theo hướng văn minh, tự chủ, độc lập, khả năng sáng tạo cao hơn, giải quyết công việc bằng nhận thức thấu đáo, chủ động.

Đối chiếu với lý thuyết tâm lý xã hội, học nhạc khí Tây Bắc là phương pháp giáo dục nghệ thuật phát triển cảm xúc rõ ràng, chân thực. CLB Âm nhạc dân tộc là ngôi nhà thứ hai hình thành nên nhóm bạn cùng sở thích. Dưới góc độ âm nhạc, học nhạc khí Tây Bắc hình thành quá trình điểu chỉnh cá nhân, đòi hỏi cố gắng, nỗ lực liên tục trong thời gian dài. Đây là môi trường tương tác giữa người học với nhóm bạn cùng sở thích trong CLB, tạo nên một tiểu xã hội theo hướng bắt buộc cùng hợp tác, xây dựng tiết mục biểu diễn nghệ thuật. Chính quá trình tương tác góp phần củng cố tính thích nghi, khả năng hòa hợp, ứng biến thông minh, điều kiện phát triển tích cực khả năng sáng tạo cá nhân.

Vận dụng lý thuyết văn hóa vào nghiên cứu nhạc khí Tây Bắc trong chương trình giáo dục PTDTNT cần lưu ý đến đặc điểm phong tục tập quán từng tộc người thiểu số ở vùng Tây Bắc, chính phong tục tập quán ảnh hưởng, tác động lớn đến tâm sinh lý học sinh. Điển hình như trình diễn nhạc khí trên sân khấu, học sinh luôn mặc trang phục tộc người, một cách biểu đạt văn hóa rõ ràng nhất. Trong sinh hoạt, học sinh tìm người đồng tộc kết bạn do cùng ngôn ngữ, dễ trao đổi, nói chuyện. Như vậy, văn hóa là định thức chỉ dấu sắc thái tộc người thiểu số trong cộng đồng học sinh PTDTNT.

Để giáo dục phổ thông hướng đến mục đích phát triển toàn diện con người, giáo dục nghệ thuật là phương tiện tạo nên lộ trình thúc đẩy nhanh hơn khả năng sáng tạo, phát triển trí tuệ. Khi học nhạc khí Tây Bắc, học sinh sẽ tiếp xúc, làm quen hình thái văn hóa riêng mà nhạc khí từng tộc người đó đem lại. Ví dụ: học sinh Mông học khèn Thái sẽ hiểu lối diễn tấu, đặc điểm dị biệt giữa khèn Thái với khèn Mông (vị trí lỗ bấm, vòi bầu, số lượng ống, cách tạo âm thanh). Còn học sinh Thái tiếp nhận những biểu đạt khác nhau cơ bản giữa hơi thổi, cấu tạo lưỡi gà, cách tạo giai điệu khi học sáo Mông và pipặp Thái. Những tác động qua lại giữa văn hóa Thái và Mông cùng cộng hưởng tích cực ở 2 nội dung: học sinh Thái cảm nhận văn hóa Mông, ngược lại học sinh Mông hiểu văn hóa Thái. Mối tương tác văn hóa Thái - Mông thúc đẩy khả năng sáng tạo, trí thông minh của học sinh tộc người thiểu số. Đây là điểm cốt lõi do nhạc khí tộc người tạo nên hiệu quả mới trong tổ chức sinh hoạt nghệ thuật tại trường PTDTNT vùng Tây Bắc.

Tóm lại, hệ thống lý thuyết giáo dục chứng minh hiệu quả nhạc khí dân gian trong hoạt động giáo dục nghệ thuật tại các trường PTDTNT vùng Tây Bắc. Nhạc khí, phương tiện diễn tả âm nhạc luôn thúc đẩy khả năng sáng tạo học sinh, một chỉ số quan trọng hình thành con người tri thức, đạo đức, nhân văn. Đồng thời, nhạc khí tộc người Tây Bắc góp phần phát triển trí thông minh học sinh tộc người thiểu số, một vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam. Trình diễn nhạc khí Tây Bắc là phương pháp giáo dục nghệ thuật cần thiết, góp phần hình thành tư duy học tập chủ động, tích cực, đồng thời phát triển khả năng sáng tạo, trí thông minh, củng cố niềm tin vào bản thân, tập trung sức lực, trí tuệ giải quyết, hoàn thành nhiệm vụ. Tự giáo dục là quá trình lâu dài, khó khăn, cần sự quyết tâm, bền bỉ, thái độ, ý thức rèn luyện. Học và trình diễn nhạc khí Tây Bắc giúp học sinh tộc người thiểu số tăng cường bản lĩnh, biết vượt qua khó khăn, trở ngại, điều kiện hình thành phẩm chất, năng lực con người Việt Nam mới đầu TK XXI.

________________

1. Luật giáo dục số 38/2005/QH11 ban hành ngày     14-5-2005.

2. Phạm Văn Đồng, Giáo dục đào tạo - quốc sách hàng đầu tương lai của dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.

3. Ý của tác giả Đỗ Lan Phương trong bài Vai trò của tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ trong giáo dục nghệ thuật nước Anh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 386, tháng 8-2016.

4. Ý của tác giả Phan Thị Bích Huyền trong bài Giáo dục nghệ thuật và đơn vị biểu diễn, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 3-2013.

5. Nguyễn Thạc, Lý thuyết và phương pháp nghiên cứu sự phát triển của trẻ em, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2003, tr.3.

 

Tác giả: Trần Hoàng Tiến

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;