Nhìn lại điêu khắc 2021 từ Hà Nội

Hai năm dịch COVID-19 xuất hiện, hầu hết mọi lĩnh vực đời sống của các quốc gia trên thế giới đều gặp khó khăn, nhưng có một sức mạnh nào đó khiến cho sáng tạo nghệ thuật vẫn có những bước phát triển theo cách riêng của nó. Chúng tôi lựa chọn lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc trong năm 2021, thông qua một số sự kiện triển lãm ở Hà Nội, để tập trung tìm hiểu và phần nào kiến giải về sức sáng tạo của nghệ sĩ giữa những biến động to lớn của xã hội.

1. Điêu khắc đương đại: ý niệm nghệ thuật và trò chơi ngôn ngữ

Đầu tiên, phải nhắc đến triển lãm Thinh của nhà điêu khắc Đào Châu Hải (sinh năm 1956), diễn ra vào ngày 17-1-2021 tại không gian nghệ thuật Manzi, Hà Nội. Đây là một thể nghiệm trưng bày điêu khắc địa hình được giới thiệu dưới hình thức sự kiện “đột xuất” trong một ngày chủ nhật. Theo tác giả, Thinh xuất phát từ “thinh không” - từ chỉ trạng thái trống rỗng, mơ hồ, không tiếng động. “Thinh” trong tiếng Việt được phát âm gần với từ “thing” trong tiếng Anh, có nghĩa chỉ một đồ vật/ sự vật. Từ suy tư về tồn tại của những thân phận đơn độc trong các luân chuyển của đời sống, nghệ sĩ Đào Châu Hải tiếp cận chủ đề với một chuỗi điêu khắc nhằm thể hiện các trạng thái tồn tại trong sự trống rỗng. Có lẽ gợi ý này ít nhiều chịu ảnh hưởng từ tinh thần Phật giáo phương Đông, “vạn vật giai không”, khi nhìn nhận mọi thứ vật chất đều xuất phát từ hư không và sẽ trở về hư không.

Không gian triển lãm Loong Koong - Ảnh: Mai Loan

Đào Châu Hải biến những mảng kim loại phẳng đơn tuyến thành một tổ hợp hình khối sắp đặt có khả năng ứng biến với nhiều kích thước và hình thái không gian. Ông trình bày một ngôn ngữ điêu khắc vừa quen thuộc, vừa xa lạ với những người đã từng theo dõi nghệ thuật của ông trong nhiều năm qua. Không còn là những hình khối đóng kín, cô độc nhiều nội lực và áp chế thị giác, trưng bày này của nghệ sĩ mở ra sự đối thoại giữa nội hàm đặc - rỗng bên trong cơ thể điêu khắc, tháo dỡ khối và chia tách chúng thành nhiều phân mảnh (module) với các kích thước to nhỏ khác nhau mà vẫn đại diện cho ý tưởng của toàn bộ không gian triển lãm và tác phẩm. Triển lãm lần này của Đào Châu Hải không chỉ cho thấy bước đi mới nhất trong tư duy nghệ thuật của ông, mà còn tạo ra những sự ám ảnh trong người xem về kim loại và thẩm mỹ công nghiệp, kỹ nghệ và không gian, ánh sáng và màu sắc, âm hưởng từ kiến trúc hiện đại lấp đầy trong các suy tư, mâu thuẫn hồ nghi hay bất lực giữa khát vọng theo đuổi nghệ thuật lý tưởng với những giới hạn thực tại.

Bước vào Thinh, một quần thể điêu khắc/ sắp đặt đã thật sự làm người viết choáng ngợp. Đầu tiên là cảm giác bước vào trong bóng tối bao trùm. Sau đó, bạn sẽ được thấy ngọn hải đăng ánh sáng chiếu từ trần xuống đồng thời hắt từ nền lên. Dần dần, mới nhận ra có những cái đập vào mắt và có những cái thấp thoáng; có những cái sắc bén và có những cái mềm mại; có những cái trụ trên mặt đất và có những cái lủng lẳng trên không. Đào Châu Hải khai thác triệt để các thuộc tính của vật liệu, ông chọn hợp kim nhôm, nhẹ, mềm và dễ cắt hơn sắt. Nó cũng dễ tương tác với chất oxy trong không khí để tạo ra một lớp mỏng ngoài có khả năng chống rỉ. Bề mặt bóng, có khả năng phản chiếu ánh sáng. Một mặt, tác giả ghép các miếng nhôm mỏng vào nhau để gợi cảm tưởng như tác phẩm đang chuyển động. Hoặc ông dùng chúng để tạo ra chiều sâu nhân tạo như trong phương pháp lập thể. Mặt khác, tác giả dùng tính phản chiếu của gương đặt trong bể nước, hoặc của chính chất nhôm để tạo ra những không gian ảo, đánh lừa thị giác người xem. Cộng vào đó là việc ông dùng bóng tối như một chất liệu liên kết tất cả các cấu trúc trên, như một chất keo vô hình hòa quyện không gian, tạo ra một thế giới song song hấp dẫn.

Trong các tác phẩm trước đây của Đào Châu Hải, khuynh hướng tối giản khá mạnh vì hoàn toàn không có bóng dáng của vật thể nào có trong hiện thực. Nhưng trong loạt tác phẩm lần này, các hình thể, tuy rất tinh giản, nhưng vẫn chưa đủ “tối giản”. Đứng trước các khối hình đa số là với kích thước đồ sộ, nghệ sĩ khuyến khích cảm xúc trầm ngâm, tĩnh lặng, mời người xem thâm nhập vào sự hiện diện của vật thể. Rõ ràng là Đào Châu Hải gần với chủ nghĩa tối giản hơn trừu tượng biểu hiện. Bắt đầu từ một hình tượng cánh chim được tối giản hóa, nghệ sĩ đặt lên bề mặt kim loại phẳng và đục rỗng bằng kỹ thuật cắt laser, rồi nhân bản chúng trên tấm kim loại theo các chiều dọc và ngang. Chia tách bề mặt phẳng đó ra thành các hình chữ nhật chạy dọc và ghép chúng lại với nhau theo mặt bằng vuông, lồng lớp nhỏ vào trong lớp to, ông dựng thành các hình trụ đứng nhiều lớp, rỗng và đặc xen kẽ. Những mảnh rời được cắt ra từ mặt kim loại phẳng cũng được sử dụng, ghép lớp xuyên tâm và xếp chồng lên nhau để tạo thành một khối trụ tháp đặc, khối dương của các hình trụ rỗng đã tạo ra sự đa hướng trong tiếp nhận thị giác, các cơ hội đi vào nhiều cấu trúc không gian và kết hợp đa dạng với kiến trúc. Những thử nghiệm trước đây, như sắp đặt trong triển lãm Không vô can và Ballad biển Đông tại Viet Art Center, Hà Nội, cuối năm 2010 (triển lãm đôi, cùng họa sĩ Lý Trực Sơn) hẳn đã như bước khởi đầu cho dự án lần này, sau 10 năm.

Sự thay đổi về ngôn ngữ điêu khắc cho thấy tiến trình tư duy và năng lực thể nghiệm của nghệ sĩ, đồng thời làm sáng tỏ dần triết lý nghệ thuật của ông. Là người theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng, Đào Châu Hải không ngừng tìm kiếm và xây dựng không gian tinh thần thuần khiết cho riêng ông trong nghệ thuật, đồng thời cũng là thế giới mơ ước của nhiều người yêu nghệ thuật khác.

2. Điêu khắc đương đại và chất liệu truyền thống

Không thể không nhắc đến một dự án nghệ thuật lưu trú kết hợp giữa Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA, Hà Nội) với Lương Art Space (Ninh Bình): triển lãm điêu khắc đá Biến chuyển, trưng bày từ ngày 10-10-2021 đến 2-1-2022 tại VCCA, giới thiệu 35 tác phẩm là thành quả từ trại điêu khắc lưu trú trong mùa hè 2021 ở Lương Art Space của 9 nghệ sĩ điêu khắc thuộc ba thế hệ: Đào Châu Hải, Lê Thị Hiền, Khổng Đỗ Tuyền, Lê Lạng Lương, Lương Văn Việt, Trần An, Thái Nhật Minh, Lương Trịnh, Đào Tân. Họ là những cái tên quen thuộc trong giới điêu khắc Hà Nội trong những năm gần đây.

Nếu như trước đại dịch COVID-19, hằng năm, một tác giả điêu khắc có tên tuổi thường tham gia từ 3 đến 4 trại sáng tác điêu khắc cả ở Việt Nam và nước ngoài thì nay, hầu như chỉ nín thở chờ dịch. Như vậy để thấy, tổ chức được một trại sáng tác kéo dài cả tháng trời ngay trong mùa hè 2021, khi dịch bệnh tạm lắng ở miền Bắc, là cả một sự nỗ lực rất lớn của nhà tổ chức, đối tác phối hợp và nhất là các nghệ sĩ tham gia.

Các nghệ sĩ đã sử dụng thuần túy chất liệu đá để từ đó biến hóa những mảng miếng, màu sắc, hình khối, sáng tạo tác phẩm theo cá tính nghệ thuật khác nhau, tạo nên sân chơi đa dạng hóa ý tưởng và thể hiện được tính đương đại trên đá - chất liệu truyền thống. “Sự tiếp biến nghệ thuật trong Biến chuyển mang tâm tư của nhóm các nghệ sĩ điêu khắc - luôn hướng về quê hương, cội nguồn - nơi biết bao thế hệ nghệ nhân tinh hoa đã tạo ra nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật được lưu giữ trên khắp mọi miền đất nước” - nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền chia sẻ. Về triển lãm này, ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá: “Điêu khắc đương đại Việt Nam sẽ tiếp tục khác, càng khác lại càng hay, và bản thân mỗi tác giả cũng đang đặt ra những thách thức cho chính mình. Khi tôi cảm nhận những tiếng nói mới của các bạn qua những tác phẩm lần này, thì chính các bạn đang tạo nên nguồn năng lượng miên viễn nuôi dưỡng niềm hy vọng về toàn cảnh của điêu khắc đương đại Việt Nam”.

Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương (sinh năm 1974) đẩy mạnh hơn tính “ý niệm hóa” điêu khắc bằng sự kết hợp giữa hình khối thực và bóng của chính nó phản chiếu lên. Sự kết hợp với việc sắp đặt, yếu tố không gian tự thân và không gian xung quanh cho thấy việc suy nghĩ xa hơn của nghệ sĩ trong nghiên cứu thể nghiệm điêu khắc, đòi hỏi sự đa chiều hơn về nhận thức, cũng như gợi ý cho người xem những giả định hay lựa chọn trong cách thưởng thức tác phẩm: quan sát bên ngoài, hoặc đi vào bên trong tác phẩm, đứng giữa tác phẩm thực và hình bóng của nó trên tường, như ranh giới giữa thực tế và ý niệm trong đời sống. Các sáng tác của anh ở Biến chuyển đã có cái gì huyền hoặc với tín hiệu nội tâm nào đó. Nỗi trăn trở của Lê Lạng Lương về những người nông dân và đời sống nông thôn chới với trong cuộc sống hiện đại ngày càng rõ nét.

Triển lãm Thinh của Đào Châu Hải - Ảnh: Mai Loan

Lâu nay, nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền (sinh năm 1974) mạnh dạn với một thứ điêu khắc khỏe, thô. Những khối sắt đồ sộ, gò, đóng đinh, đục thủng, xếp chồng, lượn sóng cần một sức mạnh và công nghệ gò, rèn khéo léo, nhưng đã có một tiếng nói rất riêng, không còn liên quan đến ngôn ngữ điêu khắc truyền thống. Lần này, ở Biến chuyển, các tác phẩm bằng chất liệu đá của anh nhấn mạnh vào yếu tố không gian của tác phẩm và tạo đối thoại với không gian thực tế, có tính đời sống và tương đối khác lạ với không gian nghệ thuật thuần túy. Với Khổng Đỗ Tuyền, tác phẩm điêu khắc có lẽ là một mối quan hệ ràng buộc như cha - con trong gia đình. Từ những tác phẩm đầu tiên, dù ở chất liệu nào, nhỏ hay to, dạng khối hay sắp đặt không gian, sắt hàn, đúc hay đá đều gây ấn tượng bởi ngôn ngữ điêu khắc kiệm lời, tối giản, đầy nội lực giống như vẻ ngoài của con người tác giả. Qua gần 20 năm sáng tác miệt mài, Khổng Đỗ Tuyền luôn mong muốn người xem nhìn thấy sự vận động, thay đổi bên trong dòng chảy của mỗi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, cuộc sống và con người. Có những ý tưởng tác phẩm theo anh trong suốt chặng đường dài đó. Có những tác phẩm như là biểu hiện chính con người cá nhân của anh. Những vết cắt, xẻ, tạo khối hình lõm, lồi, dấu tích mài có chủ định mà tưởng như ngẫu nhiên đã mang tới sự hoàn chỉnh trong tác phẩm, thuyết phục người xem.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhà điêu khắc Lê Thị Hiền (sinh năm 1952) được biết đến với các sáng tác điêu khắc bắt nguồn từ hình tam giác hay hình kỷ hà với những màu sắc có tính chất tương phản rực rỡ: cam, hồng, đen, tím, sắp xếp thành những khối hình gợi mở không gian. Những hình tam giác thép nhưng vẫn mềm mại và biến điệu trong không gian; sự nối tiếp liền mạch của những tổ hợp tam giác tạo nên chuyển động lạ kỳ. Người ta cũng nhận ra sự gai góc đa chiều, như tâm tính của người đàn bà, lúc hiền lành, nhu mì nhưng khi lại sắc sảo, trong những hình tam giác của Lê Thị Hiền. Lần này, vẫn là khối tạo hình từ mảnh tam giác, bà quay trở lại với đá. Đây là một thử thách về kỹ thuật tạo hình trên một khối đặc, cứng rắn mà vẫn có thể gợi cảm giác về nhiều khối xếp chồng lên nhau, đan cài vào nhau mềm mại, hòa quyện.

Các nghệ sĩ khác tham gia Biến chuyển, như Lương Trịnh, Lương Văn Việt, Trần Văn An, Đào Tân… đều có những tác phẩm khá đồng đều về chất lượng tạo hình và kỹ thuật thể hiện. Đá là chất liệu truyền thống trong điêu khắc Việt Nam và đá có thể cùng nghệ sĩ kể những câu chuyện nhân gian, từ trong truyền thống đến hiện tại.

Cùng tại không gian VCCA với Biến chuyểnLoong Koong - một triển lãm sắp đặt gốm đương đại, diễn ra từ ngày 8-12-2021 đến ngày 15-2-2022, giới thiệu gần 50 tác phẩm của hai nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu và Bùi Quốc Khánh, với chủ đề xuyên suốt từ hình ảnh truyền thống tới đương đại.

Trịnh Vũ Hiếu (sinh năm 1977) say mê và mong muốn truyền tải những câu chuyện lịch sử thuần Việt lên gốm. Anh tỏ ra thấm nhuần giữa chất liệu dân gian từ chính dòng tranh Hàng Trống và phương thức tạo tác gốm thủ công ở đồng bằng Bắc Bộ để tạo nên chuỗi tác phẩm lần này, kỳ công và tỉ mỉ. Trong khi đó, lấy cảm hứng trên chất liệu trò chơi dân gian nặn tò he, Bùi Quốc Khánh (sinh năm 1983) cũng đã tạo dựng nhiều nhân vật đương đại từ chính loại hình gốm vốn được coi là cấu trúc có giới hạn và dễ vỡ, để từ đó thổi hồn vào tác phẩm tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ nhất.

Bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian luôn là mong muốn của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Một trong những giá trị ấy là dòng tranh dân gian Hàng Trống, một dòng tranh đã phát triển thịnh hành trong giai đoạn cuối TK XIX đầu TK XX, và nay, đang dần mai một. Trịnh Vũ Hiếu đã đưa những hình nét tranh dân gian Hàng Trống hòa với gốm (đặc biệt là gốm men nâu) để tạo ra các sản phẩm gốm có tính ứng dụng cao giữa nhịp sống hiện đại. Gốm và tranh đều là những sản phẩm thân thuộc và gắn bó với đời sống người dân Việt Nam. Nếu như gốm là sự bền vững trường tồn, là những khối ba chiều không gian hiện hữu, không gian mở với bản tính nghệ thuật đa dạng, nhiều sắc màu, tràn ngập những ứng dụng đời sống từ trong quá khứ đến hiện tại thì những bức tranh Hàng Trống lại mỏng manh, huyền hoặc với những thông tin tín ngưỡng, thờ cúng, lễ hội, sinh hoạt dân dã, được lưu truyền và khắc họa trên mặt phẳng, với những sắc màu cơ bản. Điều độc đáo mà Trịnh Vũ Hiếu đã làm được là đưa hai chất liệu gốm và tranh Hàng Trống hòa vào làm một, vũ điệu của gốm và tranh cho chúng ta thấy được những giá trị văn hóa lịch sử được gửi vào đương đại và đi vào cuộc sống của nhân dân một cách dung dị mà trang trọng. Về điều này, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định: “Trịnh Vũ Hiếu đã phải trả giá rất đắt trong nhiều năm và hao tổn biết bao tâm huyết để đưa được yếu tố mỹ thuật vào gốm công năng truyền thống. Từ khi khởi nguồn ý tưởng đến khi tạo ra sản phẩm đầu tiên, nghệ sĩ đã phải mày mò, trăn trở, đánh đổi rất nhiều những giá trị cả về tinh thần, vật chất và phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có được tác phẩm thành vóc thành hình như hiện tại. Bên cạnh tay nghề kỹ thuật, tôi đánh giá rất cao chất men mờ được anh Hiếu phủ lên nét vẽ trên các tác phẩm gốm, đây là một bước tiến khá lớn so với các chất men truyền thống, tạo được sự tinh nhã nhất định. Có thể nói đây là một nền tảng mới mà vẫn gắn bó được với truyền thống, đóng góp cho nền nghệ thuật đương đại. Tôi mong nghệ sĩ Trịnh Vũ Hiếu sẽ có những bước tiến xa hơn nữa với lĩnh vực mình đã chọn”. Trong triển lãm, người xem có thể thấy tính độc lập, tách ra khỏi công năng sử dụng thông thường của một bình, hũ gốm là để đựng, của các tác phẩm; chúng có một sự điều hòa cân bằng rất xinh xắn và đầy tính thẩm mỹ giữa cái cũ và cái mới. Nếu chúng ta lắng nghe bản hòa tấu tinh tế giữa chất men mới, nét khắc trên gốm và những lời thì thầm của lịch sử về văn hóa dân gian, chúng ta có thể thấy đây là một cuộc đối thoại của truyền thống và hiện đại, là câu chuyện đẹp để chúng ta cùng thưởng thức.

Tác phẩm của Trịnh Vũ Hiếu như gợi lại thời hoàng kim của gốm hoa nâu với lối thể hiện mới lạ, đậm dấu ấn đương đại. Bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực chế tác gốm từ năm 2013, thật khó để hình dung từ một họa sĩ với các tác phẩm sáng tác mang phong cách trừu tượng lại có thể hòa vào gốm như Trịnh Vũ Hiếu. Nói thế là bởi trong lĩnh vực nghệ thuật điêu khắc với gốm, thật là điều không dễ khi phải lệ thuộc quá nhiều vào các yếu tố nguyên liệu, tạo hình, phong cách, men, trang trí trên cốt gốm, kỹ thuật lò nung… Tính rủi ro cao cùng yếu tố tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc khiến không ít người sáng tác gốm bỏ cuộc, không đủ kiên nhẫn để theo đuổi con đường sáng tác gốm nghệ thuật. Xem triển lãm, thấy sức sáng tạo và kiên trì của anh thật thỏa đam mê nghệ thuật. Trịnh Vũ Hiếu tâm sự: “Khi tìm hiểu gốm Việt Nam, tôi ấn tượng với gốm hoa nâu. Nhìn trên gốm này, có thể đoán biết ngay tinh thần và lối sinh hoạt của người xưa: từ sự thanh bình, phấn chấn của một xã hội ổn định thời Lý sau ngàn năm Bắc thuộc, với các tác phẩm gốm mang hoa văn lạc quan, đường nét tinh tế, bay bổng, khoáng đạt, đến những đanh chắc, rắn rỏi, cùng đề tài mạnh mẽ như đấu vật, săn bắn của xã hội đang trong giai đoạn chiến tranh ở thời Trần. Tôi mượn tinh thần đó để sáng tác gốm hoa nâu mang phong cách riêng, thể hiện thủ pháp, tư tưởng, với trang trí theo bố cục duy mỹ của bản thân trong từng giai đoạn, từng hiện vật. Ngay cả chất liệu sáng tác cũng 100% xuất xứ Việt Nam, từ cốt đất (Bát Tràng) đến các loại men thuốc nguyên liệu tự nhiên”.

Nhiều giới hạn của kỹ thuật tạo hình gốm hoa nâu xưa được Hiếu phá vỡ, những chiếc bình miệng loe hết cỡ, lại mang tiết diện phẳng để có thể thể hiện khá trọn vẹn một bức tranh Hàng Trống, đến những lọ độc bình vuốt tay mang đường nét gãy gọn, khúc chiết, độ khó ngày càng cao… Bên cạnh kỹ thuật tạo hình, điểm khác biệt với gốm hoa nâu xưa trong gốm hoa nâu nay của Trịnh Vũ Hiếu là: “Gốm hoa nâu dân gian khi chế tác, không có khái niệm tác giả cụ thể. Tôi muốn biến khái niệm không tác giả ấy thành cái có tác giả bằng chính gốm hoa nâu đương đại của mình, là sự kết hợp giữa kỹ thuật chế tác gốm và kỹ thuật hội họa giá vẽ trong từng tác phẩm và tôi luôn tự tin vào những sáng tác ấy”.

Bùi Quốc Khánh tận dụng hơn 3 tháng giãn cách vì đại dịch COVID-19 ở Hà Nội nửa cuối năm 2021 để hoàn thiện series sáng tác là kết hợp của nghề gốm, kỹ thuật nặn tò he cổ truyền, và màu sắc hiện đại theo phong cách Pop-Art (nghệ thuật đại chúng) để kể nhiều câu chuyện xưa và nay, giàu ẩn ý, đầy suy ngẫm.

Không gian triển lãm Biến chuyển - Ảnh: Mai Loan

Ngôn ngữ tạo hình của Bùi Quốc Khánh mang màu sắc bắt mắt, kết hợp lối vẽ trang trí với chi tiết phong phú, dày đặc, được xếp đặt tỉ mỉ và đầy dụng ý, thể hiện cái nhìn hài hước và châm biếm của nghệ sĩ về nhiều câu chuyện xã hội đương thời. Là lần đầu tiên sáng tác với gốm nhưng thật bất ngờ, Bùi Quốc Khánh tạo ra một ngôn ngữ gốm hội tụ nhiều phong cách, ý nghĩa, lối tạo hình, nét trang trí táo bạo và dị biệt, mang đường nét của cả điêu khắc và hội họa với hiệu ứng thị giác đậm phong cách Nghệ thuật đại chúng, chi tiết thể hiện trên gốm là những ẩn ý của chất đời, chất người được nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm. Bùi Quốc Khánh chia sẻ: “Dựa vào ý tưởng: đồ chơi cho trẻ con mang tính dân gian, như tò he, ngày càng mai một vì bị đồ chơi hiện đại thay thế, tôi tạo nên tác phẩm gốm dùng tối đa kỹ thuật bóp - nặn như cách làm tò he để dựng hình theo cách tự do, không gượng ép. Mục đích nữa ở loạt gốm này là tôi muốn thông qua đó, tôn vinh giá trị nghề thủ công Việt Nam”. Điểm ấn tượng trong những tác phẩm gốm của Bùi Quốc Khánh ở Loong Koong là sự kỳ công, tỉ mỉ, trau chuốt với nhiều chi tiết phân thành tầng lớp, nối tiếp nhau. Cũng là một hình tượng liên quan đến linh vật trâu, với cặp sừng nhọn, nhưng từng con trâu lại chuyển tải yếu tố về hình khối, màu sắc, chi tiết hoàn toàn khác biệt. Tác phẩm cũng tồn tại nhiều chi tiết mang yếu tố dân gian như chiếc thuyền rồng, hình ảnh cặp đôi rồng - phượng, người chèo thuyền… khi bằng tạo hình, khi bằng kỹ thuật hội họa. Có lẽ Khánh muốn lồng ghép, đưa hình ảnh hoặc những chi tiết mang yếu tố văn hóa dân gian Việt vào tác phẩm. Trong các tác phẩm gốm đầu tay của Khánh, thấy ở đó nét quen thuộc, đặc biệt là lối thể hiện màu sắc mang hiệu ứng thị giác mạnh, ấn tượng, quyến rũ người xem, gần với những sáng tác hội họa của anh. Nhưng chất “họa” ở gốm chỉ là một phần nhỏ khi từng hiện vật toát lên phong cách nghệ thuật tạo hình khác lạ, vượt khỏi kỹ thuật và phương pháp chế tác gốm thông thường: anh vê, vuốt, nặn, khắc, bóp, xoay, tỉa, cắt, dán… đầy tinh tế và khéo léo với gốm.

Loong Koong - âm thanh của những mảng miếng gốm khi va chạm vào nhau, là cuộc gặp gỡ thú vị của hai nghệ sĩ đầy phá cách, như một phản chiếu về chính bối cảnh văn hóa và xã hội đương đại Việt Nam, nơi mà những xung động, giằng xé giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giữa những giá trị cũ và mới đang len lỏi và tồn tại song song. Không gian triển lãm có ánh sáng chỉ tập trung vào gốm, tựa như một sắp đặt gốm và ánh sáng. Người xem đủ thời gian và không gian để nghiền ngẫm hoặc đơn giản là thư giãn với từng tác phẩm, thưởng thức từng chi tiết trên những chiếc bình gốm hoa nâu đương đại của Hiếu hay những tác phẩm giàu màu sắc, chi tiết ý vị của Khánh.

3. Thay lời kết

Khoảng 20 năm trở lại đây, nghệ thuật điêu khắc ở Việt Nam ngày càng phát triển hơn do những tác giả trẻ đã tích cực tham gia hoạt động nghề nghiệp, từ triển lãm nhóm, cá nhân, trại sáng tác đến các kỳ Triển lãm mỹ thuật Việt Nam (định kỳ 5 năm), Festival Mỹ thuật trẻ (định kỳ 3 năm) do Bộ VHTTDL chủ trì. Đặc biệt, trong các đợt triển lãm mang tầm quốc gia, ngày càng có nhiều sáng tác điêu khắc đoạt giải thưởng cao, được công chúng biết đến nhiều hơn.

Hiện nay, việc sáng tác điêu khắc đương đại đòi hỏi cả yếu tố kỹ thuật/ công nghệ tiên tiến để xử lý chất liệu bên cạnh yêu cầu muôn thuở về chất lượng của chất liệu. Đá, gỗ, đất làm gốm, men gốm, lò nung, kim loại, kỹ thuật xử lý gò, hàn đúc,... tất cả phải được chọn lọc, giải quyết như thế nào để làm gia tăng vẻ đẹp của tác phẩm, đồng thời thể hiện được ý tưởng sáng tác của mình là câu hỏi lớn dành cho các tác giả muốn đi lâu dài trên hành trình nghệ thuật điêu khắc đương đại. Họ đã vượt một chặng đường dài đầy rẫy những thói quen thẩm mỹ, hay chính xác hơn là những rào cản thẩm mỹ, để đến với một ngôn ngữ tạo hình đương đại: không mô tả hình khối, không khuôn phép về không gian, vượt qua ý nghĩa một pho tượng để trở thành những cấu trúc điêu khắc mở. Nhờ vậy, thế giới hình khối và không gian của họ cũng động đậy, rộng mở hơn, khả năng chuyển đổi hình khối, không gian và chất liệu cũng thoải mái hơn, như bản chất của nghệ thuật là tự do.

Một sáng tác của Bùi Quốc Khánh, tại triển lãm Loong Koong - Ảnh: Mai Loan

Trong nghệ thuật tạo hình nói chung, điêu khắc có lẽ là một lĩnh vực nặng nhọc, tốn kém, nguy hiểm hơn cả và quá ít người theo đuổi. Có những mùa tuyển sinh ở khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chỉ có một đến hai sinh viên đăng ký dự thi. Nhưng những người đã chọn nghề này thì họ luôn âm thầm nỗ lực trên con đường đi của riêng mình. Người buông lơi mọi chi tiết, lược bỏ hết mọi rườm rà chỉ để khoe chút duyên ngầm của khối. Người chỉ đơn giản thể hiện cuộc sống thực vốn có. Người duy trì chất liệu truyền thống với đá, gốm. Người thể nghiệm với đa chất liệu trên cùng một sáng tác: thủy tinh, nhựa, tre, nứa, ánh sáng… Tất cả đang cố gắng tạo nên một cái nhìn đa chiều, nhiều thể nghiệm về điêu khắc đương đại ở Việt Nam từ tình yêu nghề thuần nhất.

Ths MAI LOAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022

;