Những gợi mở cho sáng tác phim truyện điện ảnh

Bài viết dưới đây nêu một số gợi mở, có thể xem như những giải pháp, đối với phim truyện điện ảnh Việt Nam (sau đây gọi là phim truyện) từ khi đất nước thống nhất đến nay, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa về điện ảnh.

Cảnh trong phim Đào, phở và piano

 

1. Một số gợi mở mang tính định hướng chung

*Thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong phim truyện

Vốn là một yếu tố ngoại sinh, ra đời và phát triển trên cơ sở của tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với sự chín muồi của các bộ môn nghệ thuật khác, phim truyện muốn tồn tại và phát huy tác dụng, chỉ có con đường khả dụng nhất là không ngừng bổ sung, hấp thụ và lan tỏa bản sắc dân tộc như nguồn sức mạnh nội sinh vô tận. Trong  phim truyện, bản sắc dân tộc hiện hình trong nội dung, các mảng hiện thực đời sống sôi động của dân tộc, tâm tư, hoài bão, quan niệm, cách suy tư và hành động của nhân vật… và cả trong chủ đề tác phẩm, phương thức và thủ pháp diễn đạt ngôn ngữ loại hình. Nhưng điều quan trọng hơn chính là yêu cầu, tiêu chí khai thác thế mạnh của dân tộc, bởi vì “các nền điện ảnh nước ngoài chỉ đón nhận và đánh giá cao những tác phẩm điện ảnh mà qua đó họ hiểu biết sâu sắc về đất nước ta, nhân dân ta, về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ta”(1) và đó cũng là một gợi mở cho phim truyện hiện nay và sắp tới.

Trong sáng tác phim truyện, các nội dung tiến bộ và nhân đạo của dân tộc tự thân nó có giá trị ổn định bền vững, đồng thời vẫn tiếp tục tiếp nhận những giá trị mới phù hợp. Sự kế thừa, bảo tồn và phát triển truyền thống và hiện đại là những đặc trưng cơ bản bảo đảm cho tính dân tộc, bản sắc dân tộc của phim truyện phát triển; khai thác giá trị tốt đẹp, thú vị của các chất liệu mang yếu tố văn hóa bản địa… cũng là một giải pháp của phim truyện hiện nay và sắp tới...

Tiếp tục tạo được sự khác biệt trong căn cước dân tộc tính của điện ảnh dân tộc (tâm trạng Việt, cốt cách Việt, ứng xử Việt - mẫu số chung khá ổn định về văn hoá và tâm thức), giúp phim truyện đạt được các giá trị trên nền tảng một triết lý và phải phản ánh bản sắc văn hoá dân tộc như một ưu thế và như một giải pháp. Để làm được điều đó, phim truyện phải dung hòa được với thị hiếu của khán giả quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc của quốc gia, dân tộc mình. Những phim truyện mang tính dân tộc không phải là những bộ phim phim chỉ thể hiện đề tài văn hóa truyền thống của dân tộc mà phải thể hiện được tư duy của những người làm phim để tạo ra sự khác biệt cho phim Việt Nam với phim của các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

*Gợi mở trong ổn định, hài hòa các dòng chủ đạo và tạo giá trị căn cốt

Với phim truyện điện ảnh 50 năm qua, sự kết hợp hài hòa của dòng điện ảnh sử thi (được mô phỏng hoành tráng, đi sâu khai thác các vấn đề lớn của đất nước, dân tộc và thời đại…) với dòng điện ảnh thơ  (thấm đẫm cốt cách Việt, mang vẻ đẹp tâm hồn Việt cùng thiên nhiên, đất trời Việt trong cuộc sống vốn không đơn giản) và dòng điện ảnh đấu tranh (phê phán hiện thực tiêu cực, thói hư tật xấu trong đời sống xã hội, với phương pháp vừa phê phán vừa châm biếm hài hước, chóng để xây, đấu tranh để xây dựng…) đã góp phần tạo nên bản sắc của phim truyện, với những dòng chủ đạo và tạo giá trị căn cốt, gợi mở hướng đi cho những năm tới.

Những thập kỷ 2000, 2010, nhất là những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển đa dạng của các dòng phim, sự quay trở lại của khán giả đổi với phim truyện; khi xã hội phát triển, nhu cầu thưởng thức văn hóa và giải trí của con người cũng phong phú và thay đổi liên tục. Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng phim truyện để các dòng phim truyền thống - cách mạng, nghệ thuật và giải trí cùng phát triển hài hòa là nhu cầu cần thiết và tự thân; tạo nên sức mạnh bên trong của tác phẩm gắn liền với quan hệ tích cực và có mục đích nhất định của nghệ sĩ đối với cuộc sống, được miêu tả có tính chất công dân và quan hệ thẩm mỹ.

*Tiếp tục đổi mới, nâng cao tầm tư tưởng trong phản ánh hiện thực

 Do phim truyện là tấm gương phản ánh xã hội và tiến trình tư tưởng của nó, và những tư tưởng mới sẽ có được mảnh đất riêng chỉ khi nó gần gũi với tâm tưởng người dân thường, người lao động, nhà làm phim cần góp phần tạo nên “5 mới” (diện mạo mới, luồng sinh khí mới, sức sống mới, nguồn lực nhân lực - tài chính - sáng tạo mới, chất lượng sáng tạo nghệ thuật mới) cho phim truyện. Để làm được điều đó, cần nỗ lực sáng tạo để tạo hệ giá trị (tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, công nghệ, thương mại, giải trí, thẩm mỹ…) cho phim truyện, cũng như các vấn đề kỹ thuật làm phim chính, phong cách và hình thức phim; ảnh hưởng và góp phần tích cực tạo nên giá trị, bản sắc của điện ảnh quốc gia và dân tộc.

*Gợi mở trong sáng sáng tác tạo cái mới gắn liền với trình độ phát triển tư tưởng

Điện ảnh nhà nước đã có những quá khứ hào hùng khi có những bộ phim ca ngợi cuộc sống nhân dân, những tấm gương anh hùng thật cảm động. Thời cuộc và lịch sử đã đổi khác, những đề tài đó chưa cũ, điện ảnh nước ngoài vẫn làm phim đề tài chiến tranh và vẫn thành công (phim Thế chiến 1917, Anh, 2019), vấn đề là chất lượng phim truyện khi khai thác cùng đề tài. Chọn đề tài gì là cách định hướng sáng tác của mỗi người, rộng hơn là sự gợi ý của các cấp có thẩm quyền - những nhà đầu tư (gồm nhà nước hay tư nhân), nên nhà đầu tư cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt hàng theo đề tài hoặc chọn đề tài.

Trong góc độ sáng tạo và tiếp nhận, ở đây có thể có vấn đề trình độ phát triển điện ảnh thường gắn liền với trình độ phát triển tư tưởng. Với phim truyện, nghệ thuật điện ảnh luôn tự khám phá dần; trong đó, những điều mỹ học mới tạo ra thường đi đôi với kỹ thuật làm phim. Mỗi đạo diễn thường đều có màu sắc, cái tạng và tiếng nói riêng, đều có thể làm giàu có cho kỹ thuật điện ảnh trong khi cũng thể hiện phong cách riêng về cách nhìn nhận cuộc sống, phản ánh hiện thực, bởi phim truyện được hình dung như một thể liên tục (continuously) hàm chứa sự đổi mới không ngừng của các phong cách sáng tạo gắn liền với tư tưởng của nhà làm phim thông qua tầm vóc tác phẩm của họ.

*Tạo môi trường mà ở đó người nghệ sĩ được sáng tạo tối đa

Đó là gợi mở về cơ chế, chính sách cho tài năng trẻ (cơ chế thu hút, phương pháp đào tạo… để người trẻ tham gia sáng tạo nghệ thuật điện ảnh); kết hợp đào tạo của nhà nước với khả năng tự học, tự trau dồi nghề nghiệp của nghệ sĩ; cần có những tài năng được cộng hưởng bởi lòng tự hào dân tộc, tự hào quốc gia và được đầu tư kinh phí thích đáng; nhà làm phim cần mạnh dạn lựa chọn đưa ra những đề tài thể hiện tiếng nói của giới trẻ đương đại.

*Tái đầu tư cho phim truyện, phù hợp với cơ chế thị trường, công nghiệp điện ảnh và tìm kiếm các dự án được đầu tư

Bên cạnh việc tìm kiếm các dự án được đầu tư đối với các nhà làm phim, lợi nhuận đặc biệt lớn từ các phim thương mại có thể được trích lại để tái đầu tư cho các dự án phim truyện vốn không hướng tới mục đích bán vé trước tiên. Đây là một mô hình đã được áp dụng tại nhiều quốc gia châu Âu và cần sớm được áp dụng tại môi trường điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới, kèm theo các chế tài và luật định từ chính sách cụ thể của nhà nước, để phát triển hài hoà các dòng phim khác nhau; đồng thời hiện thực hóa việc ra đời và tác dụng tích cực đối với phim truyện của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

2. Một số gợi mở về sáng tác

*Gợi mở qua tham khảo kinh nghiệm sáng tạo

Nhằm tạo dấu ấn sáng tạo có thể tham khảo kinh nghiệm việc phản ánh hiện thực, khai thác đề tài, áp dụng thể loại qua các giai đoạn; gắn tính dân tộc với tính quốc tế; kết hợp các yếu tố của phim nghệ thuật và giải trí; pha trộn, hài hòa các phong cách… như những gợi mở hữu ích. Chẳng hạn, các phim của nhiều nhà làm phim tiền bối, gạo cội gợi mở về phản ánh chân thực những vấn đề, tư tưởng chủ đạo của con người, đất nước Việt Nam hay các vấn đề mang tính nhân loại. Hai Phượng gợi mở rằng phấn đấu để phim truyện cũng có những bộ phim hành động, bom tấn ít nhiều đuổi kịp với phim Hollywood là một cái đích khả thi có thể hướng tới trong những năm tới đây. Mắt biếc gợi mở về việc tự làm mới khi kể câu chuyện ngôn tình của lớp trẻ người Việt, cho thấy phim truyện có thể chứng tỏ được giá trị của mình với dòng phim nghệ thuật chứ không chỉ thiên về giải trí. Ròm gợi mở về sự mới mẻ của những nhà làm phim trẻ trong tư duy sáng tạo, việc nỗ lực thử nghiệm hướng đi mới cùng với sự cố gắng tạo đột phá trong thủ pháp làm phim, trong dàn dựng của đạo diễn, trong dựng phim… Tro tàn rực rỡ gợi mở về hướng đi, tìm tòi mới trong chuyển thể và phim nghệ thuật. Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… gợi mở việc sáng tạo đạt hiệu ứng tốt về doanh thu và chất lượng nghệ thuật. Trúng số, Bố già, Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt… gợi mở về một cách làm phim có nhiều tìm tòi trong nghệ thuật, thủ pháp làm phim và hướng đến khán giả qua sự am hiểu thị hiếu, sự chịu khó làm sản phẩm kết nối tốt với khán giả; thể hiện các nhân vật ít nhiều phù hợp với cách nghĩ, cách cảm, cách ứng xử của người Việt. Đào, phở và piano qua đề tài lịch sử gợi mở việc thể hiện cách làm mới về đề tài truyền thống. Mỹ vị nhân gian, Bên trong vỏ kén vàng, Cu li không bao giờ khóc… gợi mở về các thủ pháp của điện ảnh chậm, về việc tạo động lực, truyền cảm hứng cho các nhà làm phim trẻ. MaiHai Muối cùng tranh giải Cánh Diều Vàng 2024 gợi mở về một tín hiệu tốt trong kết hợp, thay đổi đề tài và nhiều yếu tố giúp thành công của phim truyện…

*Quan tâm đúng mức tới các chức năng của phim truyện, trong đó có giải trí

Bởi vì, nếu xét các tiêu chí tính giải trí của một phim truyện (thành công trong việc giữ chân khán giả; dẫn dắt và khơi gợi được cảm xúc của họ; khiến khán giả phấn khích; đem đến cho họ sự trải nghiệm thú vị ở các giác quan và kích thích hệ thần kinh của họ; có tác dụng gây được hứng thú hoặc cảm xúc tốt đẹp, dễ chịu,…) thì chủ trương của nhiều đạo diễn phim trong nhiều phim vừa qua đã ít nhiều gợi mở về một giải pháp cần được hiện thực hóa. Giải trí cùng các chức năng, giá trị khác không chỉ dừng ở sự hợp nhất giữa các phần với nhau mà chính các  chức năng, giá trị đó đã phối hợp để tạo nên một thực thể mới mẻ có giá trị lớn hơn phép cộng cơ học các phần cấu thành nên tổng thể phim truyện.

*Làm phong phú các phong cách tác giả

Với phong cách đạo diễn ngày càng đa dạng, tạo dấu ấn, rõ nét, phim truyện cũng vì thế đang đặt ra cho mình những kiến giải riêng về lịch sử, về xã hội, về con người qua biểu hiện đặc trưng, sự khác biệt trong tính tư tưởng tác phẩm, trong áp dụng các thủ pháp nghệ thuật, trong sự thống nhất về đề tài và cách kể chuyện, trong những lựa chọn mang tính cá nhân hay cá tính sáng tạo. Để phim truyện hội nhập với điện ảnh thế giới, cần vừa được xây dựng vừa từng bước được chuẩn hóa với quy mô quốc tế, với một hướng đi được xác định là những bộ phim pha trộn giữa phong cách Hollywood với chất liệu Việt Nam gợi ý cho sáng tạo những năm tới sẽ tạo nên sức hút riêng, lôi kéo khán giản đến gần hơn với văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam.

*Tham khảo phương pháp làm phim tiên tiến, hiện đại, nhất là phim truyện Mỹ

Tham khảo 3 tiêu chuẩn được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ đưa ra để khẳng định một nền điện ảnh chuyên nghiệp (có biên kịch giỏi, lành nghề; có kinh phí sản xuất và quảng bá hợp lý; có công chúng khán giả nồng nhiệt) để Việt hóa phương pháp làm phim của nhiều nước có phim truyện phát triển, nhất là Mỹ; đồng thời nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu những nội dung tốt trong một số trào lưu lý luận, thực tiễn nước ngoài về phim truyện. Tiếp cận sâu sắc với phương pháp làm phim của phim truyện Mỹ hiện nay (nền điện ảnh có ảnh hưởng toàn cầu về thẩm mỹ, cách tổ chức, doanh thu, phương tiện kỹ thuật, phương pháp phân tích rèn luyện sâu sắc, đa dạng, hiệu quả), qua các khâu viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, quay phim, thiết kế, âm thanh… rất đa dạng, có chiều sâu, đã được phát triển ở trình độ nghề nghiệp, thẩm mỹ cao… là giải pháp khả thi.

*Thay đổi tư duy sáng tác

Từ những động thái khơi thông dòng chảy cho những sáng tác mới là cần thiết, có thể nêu hy vọng của một nghệ sĩ sáng tác, nhà quản lý “có thể hy vọng từ nay “sự tiến bộ về nội dung” là một phẩm chất quan trọng luôn cần được đề cao của điện ảnh Việt Nam sẽ có điều kiện thay đổi ngay trong cảm quan và tư duy của người sáng tác.

Với tư duy thay đổi như thế, chúng tôi tin rồi đây sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những bộ phim mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, truyền cảm được những tư tưởng lớn hơn về bản chất cuộc sống và vượt xa những diễn biến tưởng như đơn giản của cái vỏ câu chuyện…” (2) như một gợi mở, giải pháp cho vấn đề.

                                        

1. Nhiều tác giả, Điện ảnh và bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1994, tr. 352.

2. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Thị hiếu khán giả và thị trường điện ảnh hôm nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Phim Việt Nam - thực trạng và giải pháp”, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM (Ban Tuyên giáo Thành ủy), Hội Điện ảnh TP.HCM, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, ngày 29/3/2019, tr. 71.

 

 

PGS.TS VŨ NGỌC THANH

 

 

;