Những kỳ vọng hướng tới Hội thảo Văn hóa 2022

Với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa” , Hội thảo Văn hóa 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL, tỉnh Bắc Ninh tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 17-12, mang lại nhiều kỳ vọng cho những người hoạt động trong ngành Văn hóa . Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trước thềm hội thảo.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam: Để nguồn lực có thể đáp ứng tốt trong hoạt động nghệ thuật thì phải đào tạo và có chế độ chính sách phù hợp

Hội thảo Văn hóa 2022 đề cập đến 3 vấn đề lớn, rất quan trọng và cấp thiết, đang được nhiều người quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Là một người làm việc trong lĩnh vực sân khấu, theo tôi nếu thể chế đáp ứng tốt và bám sát thực tế, sẽ hỗ trợ cho chế độ chính sách được thông suốt, thì nguồn lực sẽ tốt hơn. Trong đó, nguồn lực là yếu tố rất quan trọng, đó là những con người đang giữ lửa, kế tục, phát triển và làm những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Để nguồn lực có thể đáp ứng tốt trong hoạt động nghệ thuật thì phải đào tạo và có chế độ chính sách phù hợp.  

Trong khi hiện nay, tìm nguồn lực cho thế hệ kế cận để phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn. Các bạn trẻ không mặn mà với nghệ thuật, vì mức chi trả lương cho họ còn thấp. Đồng thời nhân tố làm được nghệ thuật phải lựa chọn kỹ, không thể đại chúng. Làm nghệ thuật đã rất vất vả, để tìm người làm được nghệ thuật thì càng khó hơn.

Thời gian qua, nhất là khi bệnh dịch bùng phát, mọi hoạt động bị ngừng trệ một thời gian dài, đã có  nhiều nghệ sĩ bỏ nghề để tìm cách mưu sinh. Vì thế nên vấn đề chế độ chính sách đãi ngộ đối với các nghệ sĩ là rất quan trọng, vì khi có chế độ thích hợp, họ sẽ yên tâm cống hiến, sáng tạo nghệ thuật. Qua đó, lớp trẻ sẽ nhìn nhận, lựa chọn nghệ thuật và họ yên tâm học tập, rèn rũa, tiếp tục giữ gìn, phát huy, gắn bó với nghề.

Vở Rối "Âm vang đồng quê" do Nhà hát Múa rối Việt Nam thực hiện

Đặc biệt, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, giới văn nghệ sĩ cảm thấy rất mừng vì có sự quan tâm sát sao của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, qua đó các nghệ sĩ càng có niềm tin trong hoạt động nghề nghiệp, mà thực tế là thời gian qua  các hoạt động về văn hóa nghệ thuật cũng đã khởi sắc. Nhưng để nuôi đam mê và sức sáng tạo đó cần phải có nhìn nhận, đánh giá thêm nữa về chế độ chính sách cho văn nghệ sĩ.

Qua Hội thảo này, tôi kỳ vọng Quốc hội, Nhà nước sẽ có những biện pháp về chế độ đãi ngộ đối với những người làm công tác nghệ thuật được nâng cao. Qua đó, góp phần giúp đội ngũ văn nghệ sĩ yên tâm cống hiến, bên cạnh sự nỗ lực sáng tạo còn  hoàn thành trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó Viện trưởng điều hành Viện Phim Việt Nam: Cần có cơ chế thu hút trong việc huy động các nguồn nhân lực khu vực ngoài nhà nước

Công tác lưu trữ, lưu chiểu phim điện ảnh là một khâu quan trọng để góp phần thực hiện công tác quản lý nhà nước về điện ảnh, thực hiện chức năng phân loại (đối với công tác lưu chiểu) trước khi cấp phép phát hành, phổ biến phim.  Còn công tác lưu trữ nhằm lưu giữ di sản tư liệu hình ảnh động của quốc gia. Vì thế lưu chiểu, lưu trữ phim có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn di sản tư liệu cũng như bảo vệ những tác phẩm điện ảnh và những sáng tạo về văn học nghệ thuật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, phải có hệ thống các cơ chế, quy định về pháp luật và cần phải đồng bộ.

Đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0 – với việc số hóa, thì cơ chế chính sách phù hợp trong thời điểm hiện nay đối với công tác lưu trữ, lưu chiểu phim là rất quan trọng. Với Viện Phim Việt Nam, nguồn lực con người cho hoạt động lưu trữ, lưu chiểu hiện nay đang rất cần được quan tâm. Vì đội ngũ kỹ thuật viên, những người làm công tác chuyên sâu về bảo quản và phục hồi rất thiếu và khó tuyển dụng.

Vì thế, theo tôi, trong thời gian tới, rất cần có những chính sách ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng, bố trí và sử dụng cán bộ nguồn về kỹ thuật, thông qua việc bồi dưỡng chuyên sâu; có chế độ ưu đãi đối với những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nói chung, công tác lưu trữ, lưu chiểu điện ảnh nói riêng; Nhà nước cần có cơ chế thu hút trong việc huy động các nguồn nhân lực khu vực ngoài Nhà nước để tham gia  vào hoạt động lưu chiểu, lưu trữ phim nói riêng và hoạt động điện ảnh nói chung.

Hy vọng, qua Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ có những điểm mới trong thể chế, chính sách và nguồn nhân lực để văn hóa Việt Nam nói chung, công tác lưu giữ di sản tư liệu hình ảnh động của quốc gia nói riêng, sẽ ngày càng phát triển.

TS Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại VICAS Art Studio (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam): Hy vọng nghệ thuật đương đại sẽ không bị bỏ qua một lần nữa

Mảng nghệ thuật đương đại cho tới bây giờ vẫn có thể coi là một trong những mảng khá yếu thế trong bối cảnh văn hóa nghệ thuật chung của Việt Nam. Nói yếu thế bởi có những lĩnh vực trở thành nòng cốt và luôn được nhắc đến trong nhiều năm nay như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, di sản văn hóa… Còn mảng nghệ thuật đương đại trong những năm gần đây đã có chỗ đứng trong bối cảnh nghệ thuật đương đại của khu vực với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đi theo xu hướng này, rồi nhiều không gian tổ chức nghệ thuật được tổ chức ngoài công lập.  Họ đã nỗ lực rất nhiều để có thể định vị cho nghệ thuật đương đại của Việt Nam trong bản đồ khu vực, đã đạt được những thành tựu nhất định.  

Các tác phẩm nghệ thuật đương đại 

Tuy nhiên, vẫn phải nói rất thẳng thắn rằng các chính sách hiện nay gần như vẫn đang bỏ qua mảng nghệ thuật đương đại.  Bởi có thể là do những xu hướng thực hành hay loại hình được coi là nghệ thuật đương đại vẫn chưa được phổ biến nhiều ở Việt Nam, đấy là lý do mà chúng ta chưa có nhiều chính sách, hay những sáng kiến,  biện pháp can thiệp mang tính Nhà nước sẽ trực tiếp để cập tới mảng đó. Vì do đặc thù của nghệ thuật đương đại nên nó có tính liên ngành, tính mới và tính không phổ biến nhiều, chính những điều đó làm cho gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chính sách.

Bên cạnh đó, nghệ thuật đương đại có vị trí rất là quan trọng không kém gì so với các lĩnh vực khác, thậm chí trong bối cảnh hiện nay nghệ thuật nghệ thuật đương đại là lợi thế cạnh tranh, đó là giúp cho Việt Nam định vị được cái vị trí của mình về mặt nghệ thuật trên thế giới. Cùng với đó, chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ tài năng trẻ,  các bạn đã có những thực hành vượt ra khỏi khuôn khổ, phạm vi của quốc gia, có thể tiếp cận với bối cảnh thế giới. Trình độ của các bạn ngang ngửa với các nghệ sĩ quốc tế, có thể tham gia vào các diễn đàn, dự án, chương trình nghệ thuật đương đại, sự kiện thường niên… trên thế giới.

Bản thân tôi, khi vận hành Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại nhận thấy rằng,  việc xem xét về các biện pháp, các quy định, khuôn khổ về pháp lý, hay chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước gần như là chưa có cho nghệ thuật đương đại. Tôi hy vọng thông qua Hội thảo Văn hóa 2022 với quy mô lớn và quan trọng này, sẽ cẽ giúp định hình sự phát triển của văn hóa nghệ thuật trong 5 năm, 10 năm tới của Việt Nam . Hy vọng, sẽ có những cuộc trao đổi tại Hội thảo này, để các nhà nghiên cứu, những người làm chính sách thẳng thắn và tích cực nhìn nhận lại vị trí, vai trò của nghệ thuật đương đại, đặt nó ngang hàng với các lĩnh vực nghệ thuật khác. Đồng thời, mong rằng sẽ có sự rà soát về thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy nghệ thuật đương đại phát triển, qua đó sẽ có những chính sách, cơ chế chuyên biệt nhằm thúc đẩy những người thực hành tích cực trong nghệ thuật đương đại. 

NGỌC BÍCH thực hiện

 

 

;