Những vở diễn về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ

Sân khấu hiện lên một Điện Biên Phủ nóng như chảo lửa - tính chân thật trong thiết kế mỹ thuật cùng với hiệu quả về âm thanh đã để lại sự xúc động, tự hào dân tộc cho khán giả trong vở Điện Biên vẫy gọi

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là niềm tự hào, là trang sử ghi dấn ấn sâu đậm trong lòng con dân đất Việt. Đây là chiến thắng chấn động địa cầu, ghi danh từ “Điện Biên Phủ” vào trong Từ điển bách khoa quân sự thế giới. Sau chiến thắng này trong tiếng Pháp đã xuất hiện và được đưa vào từ điển một từ mới, biến tấu từ danh từ “Điện Biên Phủ” (Dienbienfou), đã được cấu tạo thành một động từ - Dienbienfouer với nghĩa: Làm (hành động) một điều (việc) có ý nghĩa quyết định. Dấu ấn lịch sử của chiến thắng vĩ đại này được sân khấu cùng các bộ môn văn học, nghệ thuật khác chú trọng để tái hiện, phản ánh lại qua rất nhiều tác phẩm.

Người yêu sân khấu còn nhớ một Bài ca Điện Biên (tác giả Tất Đạt; đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) rất hoành tráng với hơn 300 diễn viên tập hợp từ nhiều đơn vị mà chủ chốt là Nhà hát Kịch Việt Nam, ghi dấu ấn trong lịch sử như một sự kiện xã hội vào năm 1984. Rồi các vở kịch nói như Thông điệp từ Điện Biên năm 2004 (tác giả: Nguyễn Khắc Phục, tổng đạo diễn: NSƯT Lê Hùng, cố vấn nghệ thuật: NSND - Tiến sĩ Đình Quang; Nhà hát Kịch nói Quân đội); Nhiệm vụ hoàn thành (tác giả Xuân Đức; đạo diễn NSND Lê Hùng; Nhà hát Kịch nói Quân đội năm 2014)… cùng các vở diễn ở những thể loại sân khấu khác như Mệnh lệnh thần kỳ (tác giả: Trần Đình Ngôn, đạo diễn: NSND Bùi Đắc Sừ; Nhà hát Chèo Việt Nam); Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân, (tác giả kịch bản: Vũ Hải, kịch bản dân ca: An Ninh, đạo diễn: NSND Lê Hùng và NSND Hồng Lựu; Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ), Bản giao hưởng Điện Biên (kịch bản: nhà văn Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang; Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn Thanh Hóa). Những liệt kê trên đây còn chưa nhắc tới những chương trình nghệ thuật, những vở diễn thực cảnh… kể về sự kiện chiến thắng Điện Biên, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Ngay trong năm nay, Nhà hát Kịch Quân đội vừa hoàn thành vở diễn Điện Biên vẫy gọi (tác giả Tất Thắng, đạo diễn NSND Lê Hùng) và Sân khấu Lệ Ngọc đang gấp rút dàn dựng Mệnh lệnh từ trái tim (kịch bản Nguyễn Thanh Bình; đạo diễn: NSND Hoàng Lâm Tùng); Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng có chương trình xiếc với chủ đề Sống mãi với Điện Biên; hay chương trình nghệ thuật Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử mong muốn tái tạo toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, mang đến không khí linh thiêng ngay chính tại chiến trường ác liệt năm xưa, diễn ra ngày 6/5/2024 tại Quảng trường 7/5, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên… 

Cảnh trong vở Điện Biên vẫy gọi

Hai vở diễn lớn của Nhà hát kịch Quân đội và Sân khấu Lệ Ngọc đưa lên sàn diễn có gì mới khi xuất phát từ những tư liệu không mới, những con người, những sự kiện từng được đưa lên sân khấu nhiều năm nay? Điểm chung có thể thấy là, cả hai đều không cố gắng đưa lên những đại cảnh, những sự kiện quá lớn mà đi vào những lát cắt mang tính cá nhân rồi từ đó khái quát tầm vóc vĩ đại của sự kiện này.

Cảnh trong vở Điện Biên vẫy gọi

Điện Biên vẫy gọi được chính tác giả PGS Tất Thắng chuyển thể từ bút ký về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng và Nhà hát Kịch nói Quân đội đặt hàng đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng. Bối cảnh đầu vở kịch mở ra không gian của ngôi làng đã bị quân Pháp chiếm đóng và kiểm soát, khi có các đoàn bộ đội và dân công hướng lên Điện Biên đi qua đã được người dân và đặc biệt là các thanh niên như Vĩnh, Long và Lan dẫn đường, tránh sự truy đuổi của địch. Trốn khỏi làng tề, Long đi theo cách mạng, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cùng lời hẹn ước với Lan sẽ gặp và cưới nhau trên mảnh đất Điện Biên sau ngày thắng trận. Và sau đó là hành trình của Lan đi tham gia chiến dịch đồng thời tìm người yêu. Dọc dài quãng đường theo hướng Điện Biên vẫy gọi, Lan đã gặp, chứng kiến những con người đang ngày đêm góp sức lực, niềm tin của mình cho cuộc kháng chiến cứu nước tới ngày thắng lợi. Đó là cô gái trẻ người Thái dẫn đường cho dân công chở lương thực lên Điện Biên đã hy sinh như một anh hùng vô danh, là anh lái đò chở bộ đội qua sông đã mất ngay trên con thuyền vì bom Pháp, là Liên - cô gái trẻ sức yếu nhưng vẫn muốn góp sức chở gạo lên Điện Biên, vì yếu quá mà đi lạc đoàn… Và nhân vật chính của chúng ta cũng không thể vượt qua được bom đạn chiến trường, Lan đã hy sinh trên tay người yêu bên đồi A1 với lá cờ đỏ sao vàng. Tuy nhiên, chiến dịch vẫn tiếp tục được lớp lớp người Việt tiến lên tiếp nhận. Suốt con đường đi, người ta vẫn nghe thấy tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười của quân dân đẹp đến nao lòng. Đằng sau những khốc liệt của đạn pháo, sau những giai điệu hào hùng là những giọt mồ hôi, là máu và nước mắt. Đằng sau những đại cảnh sân khấu tràn ngập người và xe thồ, là những khoảng lặng, diễn viên diễn trong im lặng mà gây xúc động lòng người. Sân khấu hiện lên một Điện Biên Phủ nóng như chảo lửa ở những thời khắc cuối của cuộc giao tranh, tính chân thật trong thiết kế mỹ thuật cùng với sự đầu tư công phu và hiệu quả về âm thanh như tiếng súng, tiếng pháo rền vang... đã gợi được cảm xúc gai người vì xúc động, tự hào dân tộc cho khán giả. NSND Lê Hùng luôn xử lý rất tốt những đại cảnh nên khi xem, cảnh rất nhiều đoàn dân quân, thanh niên đẩy xe thồ chở thóc gạo, đạn dược… chi viện cho chiến trường Điện Biên khiến người xem kinh ngạc, thán phục. Từ hành lang Nhà hát Lớn, các toán diễn viên trong trang phục dân công, nông dân, đồng bào các dân tộc ít người Tây Bắc… đẩy những chiếc xe thồ vượt lên những bậc thang, tiến về trung tâm sàn diễn cũng được mô tả thật gập ghềnh lên xuống như địa hình miền núi đã gây niềm hứng khởi cho người xem. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên theo nhịp điệu hào hùng, dòng người xuôi ngược thật đông vui… Tuy vậy, vẫn còn những nuối tiếc khi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (NSƯT Đới Anh Quân) được mô tả trong mối quan hệ với đồng bào, dân công vẫn chưa thật đúng với tầm vóc của ông. Thêm nữa, cái kết như để cố gắng có hậu khi em gái Lan cuối vở xuất hiện, thay chị hoàn thành ước mơ kết hôn với người thương binh Điện Biên năm nào cũng có phần gượng ép. 

 Cảnh trong vở Mệnh lệnh trái tim - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Bên cạnh một đơn vị nghệ thuật quân đội luôn lấy tiêu chí dàn dựng các vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng thì sự lựa chọn dựng kịch bản mang đậm tính tuyên truyền, có giá trị về mặt lịch sử… là một sự táo bạo, đầy quyết tâm và xuất phát từ trách nhiệm công dân của lãnh đạo đơn vị sân khấu xã hội hóa. Tập thể Sân khấu Lệ Ngọc mà người đứng đầu là NSND Lệ Ngọc, NSƯT Văn Hải vừa dũng cảm, vừa đầy tinh thần tự hào dân tộc khi khởi công vở Mệnh lệnh từ trái tim. 

Được lựa chọn từ rất nhiều những kịch bản khác, Mệnh lệnh từ trái tim không đi vào mô tả, kể lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mà đi sâu vào chi tiết từng được nhắc tới ở các kịch bản khác nhưng chưa lật sâu phía sau quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Để có được quyết định khó khăn này, quyết định khiến những cố gắng từ rất nhiều sức người, mồ hôi thậm chí là máu của hàng ngàn chiến sĩ trước đó khi quyết tâm kéo pháo lên đồi, nay lại phải kéo ra, tướng Giáp trong Mệnh lệnh từ trái tim đã phải trải qua 11 ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và 1 đêm thức trắng. Để rồi trên cơ sở những “cuộc sát hạch”, phân tích, đánh giá tình hình, lập luận một cách khoa học, đủ sức thuyết phục Đoàn cố vấn, tập thể Đảng ủy và Ban Chỉ huy Mặt trận, cuối cùng cũng nhận được sự đồng thuận. Đây được coi là một quyết định lịch sử, một quyết định đúng đắn và làm quân Pháp gặp bất ngờ lớn. 

 Cảnh trong vở Mệnh lệnh trái tim - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hai nghệ sĩ đứng đầu của Sân khấu Lệ Ngọc cũng là những người từng tham gia vở Bài ca Điện Biên 30 năm trước nên đầy hứng khởi với vở diễn về Điện Biên Phủ lần này. Sảnh Nhà hát lớn tràn ngập không khí tưng bừng của múa sạp, của những chiếc xe thồ, những chiến sĩ Điện Biên, mô hình căn hầm của tướng Pháp…Khán giả hòa cùng diễn viên, tưng bừng tham gia các hoạt động trong tiếng nhạc rộn ràng, khơi gợi không khí chiến thắng Điện Biên. Khán phòng chật ních nhưng chuyên chú theo dõi từng diễn biến sự kiện trên sân khấu. Hàng trăm diễn viên được tập hợp, mô tả sự khốc liệt của chiến trường nhưng vẫn không át được âm hưởng lạc quan của quân và dân ta trên suốt chặng đường tải lương, đắp đường, đào chiến hào. Những người nông dân như ông bà Mùi, bác Trưởng thôn… đã làm nên nét đẹp dung dị và vui tươi cho khung cảnh ác liệt của chiến tranh. Dàn diễn viên đã tỏa sáng như Trần Quang Khải trong vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp; NSƯT Chí Kiên và NSND Lệ Ngọc sắm đôi vợ chồng nông dân thật duyên; Huy Hoàng cũng vượt qua chính mình để góp mặt trong vai hoạt náo; NSƯT Văn Hải vẫn giữ vai Bác Hồ khá thuyết phục về ngoại hình, NSND Lê Chức trong vai tướng Pháp… Tất cả hợp lực để vở diễn có được sự thành công, đem lại niềm hứng khởi cho người xem. Dù đã cố gắng hết sức, song vì thời gian quá gấp rút nên vẫn còn đây đó những cảnh diễn chưa thật ăn ý, những lời thoại còn chưa được mượt mà, hay phân cảnh kéo pháo rất sáng tạo mà lại khiến người xem hơi khó mường tượng nếu tất cả bỏ tay khỏi dây thì pháo phải xử lý ra sao. NSND Hoàng Lâm Tùng cũng cần mạnh dạn gọt bớt những lần tiến quân bị lặp lại hơi nhiều… 

Hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên tham gia vở Mệnh lệnh trái tim - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mang tinh thần, trách nhiệm của người nghệ sĩ, người công dân với lịch sử dân tộc, đúng như tên vở diễn Mệnh lệnh trái tim- các nghệ sĩ đã thể hiện vở diễn xuất phát từ trái tim tự hào dân tộc, tưởng nhớ và biết ơn với những người đã hy sinh xương máu để làm nên một chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu 70 năm trước. 

Những vở diễn về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là mục tiêu hướng tới của nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu ngày nay và tương lai bởi sự kiện mang tính lịch sử lớn lao, còn rất nhiều góc nhìn, khía cạnh đang “khơi gợi” tinh thần sáng tạo của người nghệ sĩ. Hướng tới và tuyên truyền, thuyết phục khán giả thêm hứng thú với lịch sử dân tộc, đem tới các bài học nhân văn, lòng tự hào dân tộc là nhiệm vụ của mọi công dân trong đó có các nghệ sĩ đối với Tổ quốc, với nhân dân.

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;