Phim “Nhà gia tiên”: Khai thác nét đẹp truyền thống

Nối tiếp trào lưu đưa nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc vào điện ảnh, bộ phim “Nhà gia tiên” (dự kiến ra mắt ngày 21-2) đã đưa nghề đổ bánh xèo, nghệ thuật tranh kiếng, tục lệ làm đám giỗ lồng ghép khéo léo vào câu chuyện phim. Những yếu tố truyền thống này nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ đến khán giả trẻ.

Tranh kiếng trở thành biểu tượng trong phim "Nhà gia tiên"

Tái hiện lại nghệ thuật tranh kiếng đang dần mai một

Ngay từ first-look poster giới thiệu đến khán giả dự án phim Nhà gia tiên, đạo diễn kiêm biên kịch Huỳnh Lập đã gây ấn tượng bởi màn tái hiện bức Cửu huyền thất tổ làm bằng tranh kiếng (hay còn gọi là tranh kính) - dòng tranh nổi tiếng tại vùng đất Nam Bộ. Sau đó, hầu hết hình ảnh quảng bá cho bộ phim đều lấy cảm hứng từ các họa tiết đặc trưng và lối vẽ ngược độc đáo của tranh kiếng. Huỳnh Lập quyết định đưa tranh kiếng trở thành biểu tượng trong bộ phim của mình sau thời gian đi tìm bối cảnh và nhận ra tất cả các căn nhà cổ ở miền Tây đều treo tranh kiếng.

Anh chia sẻ, tranh kiếng từng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, chia thành nhiều đề tài khác nhau như thờ cúng, trang trí, tôn giáo. Trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, các làng nghề tranh kiếng nổi tiếng hoạt động nhộn nhịp, nhưng hiện tại, tranh kiếng thủ công đang dần mai một trước các dòng tranh trang trí khác và công nghệ in ấn hiện đại. Để tái hiện chính xác nhất những bức tranh kiếng được vẽ tay hoàn toàn theo phong cách Nam Bộ thời xưa sẽ xuất hiện trong phim, ê-kíp Nhà gia tiên đã tìm về làng tranh kiếng Bà Vệ và thu gom, phục chế từng bức tranh đang mục nát, sắp bị đem bỏ. Đồng thời, một số bức tranh kiếng còn được nghệ nhân vẽ theo ý tưởng của đạo diễn Huỳnh Lập để sử dụng xuyên suốt quá trình quay phim. Đây hứa hẹn là một biểu tượng văn hóa vừa gần gũi với người dân Nam Bộ nói riêng, vừa là điểm mới mẻ thu hút khán giả trẻ tiếp tục tìm hiểu sau khi xem bộ phim này.

Phiên chợ miền Tây được tái hiện trong phim

Huỳnh Lập và ca sĩ Phương Mỹ Chi làm bánh xèo truyền thống

Ngày 13-2, tập phim hậu trường chính thức giới thiệu về các nét đẹp văn hóa truyền thống trong phim Nhà gia tiên đã chính thức ra mắt khán giả. Đạo diễn Huỳnh Lập bày tỏ tâm huyết ở dự án điện ảnh thứ 2: “Lập có quen một vài bạn trẻ thuộc Gen Z hoặc nhỏ hơn nữa, không biết tranh kiếng là gì, hay luôn thắc mắc về việc ăn đám giỗ, tại sao phải tổ chức đám giỗ, việc thắp nhang cho ông bà có ý nghĩa gì... Bởi vậy, bộ phim Nhà gia tiên sẽ góp phần lan tỏa một góc nhỏ những hiểu biết của người làm phim về văn hóa tâm linh, tục thờ cúng tổ tiên của người Việt đến với khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ”.

Trong bộ phim, tiệm bánh xèo Hai Thế chính là nghề gia truyền của gia đình Gia Minh và Mỹ Tiên. Huỳnh Lập chia sẻ, anh chọn bánh xèo mà không phải một món ăn đặc sản nào khác ở miền Tây, bởi bên cạnh biểu tượng cho sự tròn đầy, sum họp gia đình, thì đây còn là nghề giúp bà ngoại của anh nuôi lớn 9 người con. Đặc biệt, ở các phân đoạn đổ bánh xèo cần diễn viên quần chúng trong phim, Huỳnh Lập còn mời những người bà con, họ hàng của mình cùng tham gia và làm bánh xèo theo công thức do bà ngoại để lại. Bộ phim có một cảnh quay đặc sắc mô tả cận cảnh các bước đổ bánh xèo truyền thống do Huỳnh Lập và Phương Mỹ Chi - trong vai hai anh em Gia Minh và Mỹ Tiên thể hiện, qua đó giới thiệu một cách chi tiết và hấp dẫn về món ăn này cho người xem.  

Trong văn hóa người Việt, giỗ là một buổi lễ nhằm tưởng nhớ đến những người đã khuất, đồng thời nhắc nhở con cháu đời sau về người đi trước và hơn hết, còn là dịp gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình. Giữa guồng quay bận rộn của đời sống hiện đại, đôi khi, dịp tụ họp với người thân lại vô tình trở thành áp lực, hay các lễ nghi truyền thống trong gia đình dễ bị coi nhẹ. Trong phim, nhân vật Mỹ Tiên từ một cô gái Gen Z không mấy “mặn mà” với chuyện thờ cúng tổ tiên dần thay đổi sau khi nhận ra ý nghĩa to lớn của việc làm đám giỗ hứa hẹn sẽ mang đến cảm xúc cho nhiều bạn trẻ.

Bối cảnh chính của phim là nhà cổ Trần Bá Thế

Nhà cổ Trần Bá Thế trăm năm tuổi lên phim

Nhà gia tiên kể câu chuyện về giá trị, ý nghĩa của tình thân và nét đẹp văn hóa cội nguồn dân tộc qua góc nhìn của một người trẻ trở về quê hương. Phim được ghi hình phần lớn chỉ trong một bối cảnh chính là nhà cổ Trần Bá Thế tại cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ. Đây là căn nhà hàng trăm năm tuổi có kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa của vùng đất Tây Nam Bộ. Huỳnh Lập và ê-kíp đã thuyết phục chủ nhà cho phép quay phim tại đây, đồng thời làm việc kỹ lưỡng trong mọi khâu sản xuất nhằm bảo tồn di tích nổi tiếng cũng như khai thác trọn vẹn vẻ đẹp cổ kính, giá trị tinh thần và bầu không khí trang nghiêm của nhà cổ.

Đạo diễn hình ảnh Lê Hữu Hoàng Nam chia sẻ: “Ê-kíp tìm được một cái nhà đủ rộng cả về bên trong và bên ngoài, nên về vấn đề sắp xếp, di chuyển thiết bị không gặp khó khăn. Trước khi phim bấm máy, cả ê-kíp phải ngồi họp với nhau rất kỹ về màu sắc, tinh thần hình ảnh của cả bộ phim. Với dạng phim một bối cảnh chính như Nhà gia tiên, khó khăn nhất cũng sẽ chính là lợi thế nhất. Tôi không ngại những bộ phim chỉ một bối cảnh, không sợ khán giả chán nếu chúng ta kể một câu chuyện hay trong ngôi nhà này”.

Nhà gia tiên xoay quanh Mỹ Tiên - một nhà sáng tạo nội dung Gen Z, quyết định về lại căn nhà thờ tổ tiên mà cả gia đình mình đang sinh sống, để cùng người bạn thân Phát Phì tạo nên những clip “triệu views” trên mạng xã hội. Mất kết nối với gia đình, vốn không tin vào chuyện tâm linh, chịu đựng sự “trọng nam khinh nữ” từ nhỏ, nhưng Mỹ Tiên đã bắt đầu thay đổi kể từ khi bất ngờ nhìn thấy Gia Minh - người anh trai đã chết từ 10 năm trước vẫn còn tồn tại như một hồn ma trong căn nhà gia tiên. Những sự việc bí ẩn và kịch tính, vừa hài hước và cảm động liên tục diễn ra khi Mỹ Tiên và Gia Minh kết hợp cùng nhau nhằm giữ lấy căn nhà gia tiên trước tình thế giằng co phức tạp, phân chia tài sản của các thành viên trong gia đình.

NGÔ HỒNG VÂN

;