Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đoàn đại biểu Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Chiều ngày 20-11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi gặp mặt đoàn đại biểu Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Cùng tham dự buổi gặp mặt, về phía các cơ quan của Quốc hội: Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Phan Viết Lượng, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy;

Về phía Bộ, ban, ngành Trung ương: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương;

Về phía đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Chủ tịch Hội di sản Việt Nam, PGS, TS Đỗ Văn Trụ cùng các đồng chí lãnh đạo Hội và 96 đại biểu thuộc Hội Di sản Việt Nam.

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Báo cáo tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS, TS Đỗ Văn Trụ cho biết, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và vun đắp nên một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, hết sức phong phú và đa dạng, bao gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể. Kho tàng di sản văn hóa ấy là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Di sản văn hóa Việt Nam là bản sắc của dân tộc, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời là một nguồn lực quan trọng cả về tinh thần và vật chất trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam được thành lập ngày 23-4-2004 theo Quyết định số 28/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, trong bối cảnh Đảng ta đã có Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nhà nước ta đã ban hành Luật Di sản văn hóa năm 2001, trong đó vai trò và tầm quan trọng của di sản văn hóa ngày càng được khẳng định.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp tập hợp những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và những người tâm huyết với di sản văn hóa, nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước, theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự lo về kinh phí và điều kiện hoạt động. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ra đời là một tất yếu khách quan phù hợp xu thế chung của quốc tế và yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong tình hình mới, được sự ủng hộ hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội, được sự tham gia đông đảo của cộng đồng.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ báo cáo tại buổi gặp mặt

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, từ chỗ chưa đầy 300 hội viên và một vài tổ chức ở buổi đầu thành lập, qua 4 nhiệm kỳ, đến nay, Hội Di sản Văn  hóa Việt Nam đã có gần 20.000 hội viên, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học về di sản văn hóa, các doanh nhân, nghệ nhân sinh hoạt trong gần 200 tổ chức từ Trung ương đến địa phương, phong phú và đa dạng về các loại hình: hội cấp tỉnh, liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ, hội viên tập thể, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Cơ quan ngôn luận của Hội - Tạp chí Thế giới Di sản in, điện tử và tiếng Anh.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định, từ khi thành lập đến nay, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, bằng sự cố gắng liên tục, sáng tạo, không ngừng đổi mới đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngay sau khi thành lập, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã phối hợp với cơ quan hữu quan đề xuất xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 23-11 hằng năm là ngày Di sản văn hóa - ngày truyền thống của ngành Di sản văn hóa. Liên tục từ năm 2005 đến nay, hằng năm đến dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đều phối hợp với Bộ VHTTDL và các địa phương tổ chức những sự kiện quảng bá, tôn vinh di sản văn hóa dân tộc.   

Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, trong suốt quá trình hoạt động, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam luôn gắn kết với cộng đồng, hướng tới cộng đồng, lấy cộng đồng là trung tâm, phát huy cao độ vai trò của cộng đồng; Trong hệ thống của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhiều hội viên được vinh dự phong tặng Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú… Bằng kết quả hoạt động của mình trong gần 20 năm qua, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ngày càng tạo được vị thế và uy tín trong xã hội, đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3, Thủ tướng Chính phủ tặng 2 bằng khen và nhiều Bằng khen của Bộ VHTTDL.

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ cũng trân trọng đề nghị Đảng, Nhà nước, sớm cho phép sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước và hội nhập quốc tế; có những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước, làm cho di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế; có những cơ chế, chính sách nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, có những cơ chế, chính sách động viên khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân vào sự nghiệp quan trọng này.

Đồng thời, quan tâm, khích lệ các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa để họ làm tốt hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội; có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích các nghệ nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc; hằng năm vào ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước có các hình thức động viên những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam nhằm góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như đóng góp vào bảo tồn kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đánh giá về hoạt động của Hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, từ khi thành lập đến nay Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện, bền vững, xây dựng được sự đoàn kết, thống nhất từ Trung ương Hội đến các tổ chức cơ sở, luôn năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới tư duy và cách thức tổ chức hoạt động, khơi dậy được sức mạnh của cộng đồng. Từ hiệu quả hoạt động thực tiễn, vị thế, uy tín của Hội Di sản văn hóa Việt Nam trong xã hội ngày càng nâng cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cũng cho biết, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đã có nhiều ý kiến của các đại biểu quan tâm đến đến lĩnh vực Văn hóa trong đó có nội dung về di sản văn hóa.  Đây là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặt đúng tầm, đúng vị trí trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ban hành nhiều chủ trương, chính sách để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Gần đây nhất, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc. Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ và công bằng xã hội. “Đặc biệt, Luật Di sản văn hóa là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”- Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự

Trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội mong muốn, lãnh đạo Hội và các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm đối với văn hóa và di sản văn hóa; bám sát 9 nhiệm vụ quy định trong Điều lệ Hội để thực hiện tốt 10 nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2024, đó cũng là các hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Di sản văn hóa Việt Nam (23/4/2004-23/4/2024) và Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030 của Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành liên quan, quan tâm đến hoạt động của Hội. Đồng thời, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với bối cảnh mới hiện nay; thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, giữa các quốc gia khác trên thế giới.

Trên cơ sở nhiệm vụ của Hội là tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Hội và lĩnh vực Hội hoạt động để tích cực đóng góp thiết thực, hiệu quả vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tới (tháng 5-2024) nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;