Quản lý thị trường âm nhạc nhìn từ lý thuyết vốn văn hóa.

Khái niệm vốn văn hóa hiện nay được sử dụng khá phổ biến, nó tập trung vào chủ thể văn hóa, vào năng lực luân chuyển, trao đổi các yếu tố văn hóa tạo nên giá trị cho chủ thể (1). Quá trình nhập, xuất trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng của thị trường âm nhạc hiện nay chính là biểu hiện của vốn văn hóa. Để điều tiết thị trường âm nhạc, các nhà quản lý phải có những giải pháp thiết thực dựa trên lý thuyết về nguồn vốn này.

     Lý thuyết vốn văn hóa trong hoạt động của thị trường âm nhạc

     Từ những năm cuối TK XX đến nay, vốn văn hóa đã được quan tâm từ nhiều góc cạnh, các công trình nghiên cứu dần dần làm lộ diện và định lượng được văn hóa như một loại vốn có thể đong đếm, tích lũy, sinh lợi hoặc chuyển dịch thành các nguồn vốn khác. Ở đây, tác giả quan tâm đến hướng tiếp cận vốn văn hóa của Pierre Bourdieu.

     Qua những nghiên cứu tập trung vào sở thích nghệ thuật của con người, Bourdieu đã đóng góp vào quan điểm lý thuyết về giải trí. Theo đó, ông cho rằng, sự nuôi dạy của gia đình và giai cấp ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn thời gian rảnh rỗi. Ông giải thích, sở thích, nhận thức, khuynh hướng các hoạt động giải trí của mỗi người được học và phát triển từ nhỏ trong môi trường gia đình và dưới tác động của xã hội xung quanh. Từ kinh nghiệm tuổi thơ phát triển thành thói quen và thói quen hình thành cách phân biệt giữa hoạt động thích hợp và không thích hợp, đó là cơ sở của sự lựa chọn. Điều đó giúp họ tiếp cận và thực hiện các hoạt động giải trí.

     Nói chung, vốn văn hóa của con người phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận và chuyển hóa văn hóa bên ngoài xã hội thành văn hóa của riêng mình. Đồng thời, cá nhân cũng khách thể hóa vốn văn hóa của mình ra ngoài thông qua sở thích, thị hiếu, phong cách... Như vậy, vốn văn hóa được thể hiện qua hai con đường: sự xuất ra (lối nói năng, ăn mặc, kiểu tóc, giao tiếp, sở thích...) và sự nhập vào (thị hiếu nghe nhạc, đọc báo, xem phim...). Vốn văn hóa, vốn xã hội, vốn kinh tế có thể chuyển đổi được cho nhau, tuy nhiên không phải theo một chiều, mà càng nhiều vốn văn hóa thì càng nhiều vốn kinh tế, vốn xã hội hay ngược lại.

     Từ quan điểm về vốn văn hóa nói trên, ta thử soi chiếu lên các thành tố của thị trường âm nhạc như: công chúng, nghệ sĩ, nhà sản xuất và tổ chức biểu diễn, sản phẩm... Khi tham gia vào thị trường âm nhạc, sự lựa chọn của công chúng/ khán giả đối với các chương trình biểu diễn chủ yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí của họ. Mỗi cá nhân hay nhóm công chúng có sự lựa chọn khác nhau là do vốn văn hóa của họ khác nhau. Chính sự tiếp nhận từ môi trường văn hóa xã hội bên ngoài (nguồn cung) góp phần tạo nên vốn văn hóa cho họ và cũng chính quá trình “xuất ngoại” vốn văn hóa cá nhân (nguồn cầu) thông qua việc thể hiện sở thích, mong muốn. Từ đó tạo nên tính đa dạng cung - cầu, chi phối sự phát triển của thị trường âm nhạc. Sở thích của công chúng được các nhà nghiên cứu giải thích “là sự chán ghét những cái khác, đánh dấu sự khác biệt, và theo đuổi sự khác biệt” và “sở thích là động cơ cho các hoạt động giải trí và các phong cách”.

     Ngoài ra, ta còn thấy rõ ảnh hưởng của vốn văn hóa đến khía cạnh sáng tác, biểu diễn tác phẩm âm nhạc. Ví như, việc một nhạc sĩ hay ca sĩ sáng tác và biểu diễn tác phẩm của mình như thế nào (về chất lượng, phong cách) chính là sự thể hiện vốn văn hóa của họ bằng con đường xuất ra. Nghĩa là vốn văn hóa càng phong phú, càng dễ tạo ra những tác phẩm hay. Nói cách khác, chất lượng của sản phẩm trên thị trường âm nhạc phụ thuộc không ít vào chất lượng vốn văn hóa của người sáng tạo và biểu diễn nó.

     Bên cạnh đó, vốn văn hóa còn chi phối khía cạnh sản xuất và tổ chức biểu diễn các tác phẩm âm nhạc. Nhà sản xuất và tổ chức biểu diễn không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, tuy nhiên, sự tồn tại của tác phẩm trên thị trường lại bị chi phối không nhỏ bởi vai trò của họ. Để giải thích điều này, ta tiếp tục sử dụng hướng tiếp cận vốn văn hóa của Bourdieu. Ông chia ra 3 loại vốn: vốn tồn tại dưới hình thức vật chất (vốn kinh tế); vốn tồn tại dưới hình thức phi vật chất (các mối quan hệ, mạng lưới)…; vốn dưới dạng kiến thức, tri thức, kỹ năng, trình độ học vấn giáo dục... (2). Theo đó, quy mô của vốn văn hóa sẽ tạo nên quy mô mạng lưới quan hệ xã hội và vị thế xã hội cho nhà sản xuất, nhà tổ chức từ đó giúp họ thuận lợi hơn trong việc điều tiết, trao đổi tác phẩm trên thị trường.

     Một số đề xuất với công tác quản lý thị trường âm nhạc hiện nay

     Trên cơ sở lý thuyết vốn văn hóa được trình bày ở trên, tôi đề xuất một vài ý kiến đối với công tác quản lý thị trường âm nhạc hiện nay như sau:

     Một là, đổi mới hình thức và nội dung hoạt động giáo dục, đào tạo âm nhạc. Hiện nay, việc dạy âm nhạc tại các trường từ mẫu giáo đến trung học đều rất sơ sài nếu không nói là không được quan tâm đúng mức. Thời lượng dạy học (từ lớp 1 đến lớp 9) của chương trình Âm nhạc hiện hành là 35 tiết/năm. Đây chỉ là môn học lựa chọn, do vậy, đội ngũ giáo viên chủ yếu là cộng tác. Số liệu từ Bộ GD&ĐT cho biết, trong tổng số hơn 16.000 giáo viên âm nhạc chỉ có 613 giáo viên trình độ đại học, chiếm 3,9%, có 86% giáo viên trình độ cao đẳng và trung cấp, có gần 7% giáo viên dạy kiêm nhiệm. Có trường ở vùng sâu, vùng xa gần như bỏ trống môn học này vì không có người dạy. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng trong sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc.

     Do vậy, cần phải đổi mới, mở rộng, nâng cấp chương trình giáo dục âm nhạc trong các cấp học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông ngang tầm với việc giảng dạy bộ môn khác. Các giáo trình giảng dạy âm nhạc cần có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia âm nhạc tại các Học viện, Nhạc viện, các Viện Nghiên cứu Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc và các Hội chuyên ngành khác.

     Giảng dạy âm nhạc có tầm quan trọng nhằm tạo lối tư duy sáng tạo, hướng đến cái đẹp, góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất và giáo dục toàn diện cho con người. Ngoài các yếu tố như chương trình, mục tiêu đào tạo... thì việc tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc, hoạt động ngoại khóa... là những giải pháp thiết thực nhằm xây dựng môi trường để học âm nhạc.

     Hai là, nâng cao trình độ thẩm mỹ của đội ngũ làm công tác thẩm định âm nhạc. Chúng ta cần xác định rõ rằng, các cơ quan quản lý và đơn vị xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình là công cụ thẩm định chất lượng sản phẩm âm nhạc trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, công tác xét duyệt, thẩm định tác phẩm cần phải được nâng cao. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định: “Việc cấp phép bây giờ, theo tôi hiểu, chỉ đơn thuần là trên giấy, đôi khi họ cũng không sâu sát lắm. Khâu then chốt là thẩm định, không chỉ là cấp phép mà khẳng định là đủ điều kiện để biểu diễn được thì không chỉ là chuyên môn mà còn phải bao gồm nhiều lĩnh vực khác” (3).

      Ba là, giáo dục thẩm mỹ cho công chúng. Giáo dục thẩm mỹ, về thực chất là đào tạo năng lực thẩm mỹ cho công chúng cảm thụ nghệ thuật. Trong giáo dục thẩm mỹ, cần tập trung giáo dục về: tình cảm, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ. Có thể giáo dục bằng lao động, bằng gương người tốt, việc tốt... Ví dụ như xây dựng các mô hình trải nghiệm nghệ thuật âm nhạc với nội dung và phương thức hoạt động sinh động, lồng ghép các sinh hoạt chuyên đề giữa công chúng với nghệ sĩ điển hình của từng thể loại, dòng nhạc. Phương thức giáo dục này chính là giáo dục bằng mô hình người tốt, việc tốt; lấy những cá nhân gương mẫu, tiên tiến, điển hình để người khác noi theo, làm theo.

____________

1. Bùi Minh Hào, Khái niệm “Vốn văn hóa” của Pierre Bourdien, vanhoanghean.com.vn.

2. Bourdieu, The forms of capital (1986), Cultural Theory An Anthology, Wiley Blackwell Publisher, 2010, p.81-93.

3. Mai An, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói gì về “thảm họa” từ lễ hội âm nhạc, sggp.org.vn.

Tác giả: Phạm Phương Thùy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

;