Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Sáng 17-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Với 429/434 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,75% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Trước khi tiến hành biểu quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về việc làm rõ đối tượng điều chỉnh để bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tương thích với điều ước quốc tế, để đảm bảo phù hợp với Điều 51 của Hiến pháp 2013 về không phân biệt các thành phần kinh tế, bảo đảm tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên; tránh vi phạm nguyên tắc về “đối xử quốc gia”, tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết đã quy định đối tượng áp dụng là đối với mọi loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Một số đối tượng cụ thể như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… có chính sách đặc thù riêng đã được quy định cụ thể tại các điều khoản của Nghị quyết.

Về những nội dung của Nghị quyết 68-NQ/CP được thể chế hóa tại dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, nghiên cứu các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đồng thời rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan, cũng như các luật đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và xác định một số cơ chế, chính sách có nội hàm đã rõ, đủ cụ thể, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, có tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân để thể chế ngay tại Nghị quyết này. Các nhiệm vụ, giải pháp còn lại của Nghị quyết số 68-NQ/CP sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu để thể chế hóa tối đa tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và các kỳ họp tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Về bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Nghị quyết đã quy định nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động cân đối nguồn lực, tự quyết định định mức, tiêu chí hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Đối với việc triển khai các Chương trình được nêu tại Nghị quyết, Chính phủ sẽ đánh giá, bố trí nguồn lực tài chính trong quá trình xây dựng, triển khai bảo đảm đúng quy định, khả thi, hiệu quả. Các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, phí... quy định tại Nghị quyết được thiết kế trên cơ sở “nuôi dưỡng nguồn thu” giúp doanh nghiệp có cơ hội, điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW, qua đó đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và sự phát triển của kinh tế-xã hội.

Về chính sách bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách này, Nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1-1-2026, thay vì ngày 1-7-2026 như Dự thảo trước đây. Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, Nghị quyết đã quy định Nhà nước bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.

Về tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 16-5-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1620/TB-VPQH ngày 16-5-2025 của Văn phòng Quốc hội, Chính phủ xin giữ nguyên quy định về miễn thuế doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khoản 4 Điều 10 dự thảo Nghị quyết; bổ sung nguyên tắc xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đã được quy định tại Nghị quyết số 164/2024/QH15 vào khoản 9 Điều 5 Nghị quyết để áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp.

Nghị quyết nêu rõ, về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều này phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại…

Doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ…

Về hỗ trợ thuế, lệ phí: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Cũng theo Nghị quyết, việc thu, nộp lệ phí môn bài sẽ chấm dứt từ ngày 1-1-2026.

Về hỗ trợ tài chính, tín dụng, Nghị quyết nêu rõ doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG)...

Nghị quyết gồm 7 Chương, 17 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng TTĐTQH

;