Quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch

Ngày 6-12-2021, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BVHTTDL về việc quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập).

Theo đó việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm duy trì chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

Tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập

Tiêu chí phân loại theo chức năng, nhiệm vụ có: Đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước có chức năng nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ phục vụ ít nhất một trong các nhiệm vụ như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật trong phạm vi quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ sự nghiệp công có chức năng, nhiệm vụ cung cấp ít nhất một trong các dịch vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiêu chí phân loại theo mức độ tự chủ tài chính: Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Điều kiện thành lập

Các đơn vị sự nghiệp công lập ngoài việc đáp ứng các điều kiện thành lập theo quy định tại các điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP còn phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định của của pháp luật chuyên ngành về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch (nếu có).

Điều kiện sáp nhập

Đơn vị sự nghiệp công lập nhận sáp nhập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Đáp ứng điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 5 Thông tư này; Có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc đã được điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng quy định về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được sáp nhập hoặc có lĩnh vực hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch tương đồng với đơn vị được sáp nhập; Có năng lực tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần nhân lực, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của đơn vị được sáp nhập. Có phương án tiếp tục hoạt động với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp, kiện toàn đơn vị bảo đảm chất lượng, hiệu quả được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập: Trường hợp sáp nhập các đơn vị có cùng mức độ tự chủ tài chính thì đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị nhận sáp nhập tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động sáp nhập; Trường hợp sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính ở các mức độ khác nhau thì mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sáp nhập được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều kiện hợp nhất

Đơn vị sự nghiệp công lập hợp nhất khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: Không đáp ứng đủ các điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 5 Thông tư này; Có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc trùng lắp, chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau quá trình hợp nhất phải đáp ứng các điều kiện: thành lập đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Điều 5 Thông tư này; Có phương án tiếp tục hoạt động với chức năng, nhiệm vụ sau khi sắp xếp, kiện toàn đơn vị bảo đảm chất lượng, hiệu quả được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đáp ứng mức độ tự chủ về tài chính như sau: Trường hợp hợp nhất các đơn vị có cùng mức độ tự chủ tài chính: Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau hợp nhất phải bảo đảm mức độ tự chủ về tài chính không thấp hơn mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị hợp nhất tại thời điểm bắt đầu tiến hành hoạt động hợp nhất; Trường hợp hợp nhất các đơn vị ở các mức độ tự chủ tài chính khác nhau: Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau hợp nhất có mức độ tự chủ về tài chính được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều này, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều kiện giải thể

Việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau: Đơn vị sự nghiệp công lập không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; Không đáp ứng đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; Đơn vị sự nghiệp công lập ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền; Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài, ngoài việc đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư nhằm áp dụng đối với các đơn vị: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ (gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ và đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục thuộc bộ; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng thuộc bộ); Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài); Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Du lịch thuộc UBND cấp tỉnh; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh); Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại khoản 1 Điều này và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ quy định của Thông tư này, các quy định của Đảng và của pháp luật có liên quan để áp dụng cho phù hợp.

Thông tư này không áp dụng đối với: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lực lượng vũ trang; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-02-2022. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.

THANH DANH

;