Ra mắt sách “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” của TS Ngô Phương Lan

Chiều 8-11, tại Hà Nội, Nxb Hội Nhà văn phối hợp với Công ty sách Liên Việt tổ chức lễ ra mắt cuốn sách tiểu luận phê bình điện ảnh “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” của TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam.

Đông đảo các đại biểu dự chương trình

Tham dự sự kiện có: TS Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; PGS TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương;  PGS, TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Cùng dự lễ ra mắt sách còn có đông đảo các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, các NSND, NSƯT, đạo diễn, nhà biên kịch, nghệ sĩ, nhà làm phim nhiều thế hệ.

TS Ngô Phương Lan chia sẻ thêm về cuốn sách mới ra mắt

Tại lễ ra mắt, TS Ngô Phương Lan cho biết, sau khá nhiều năm bận rộn với công việc quản lý ở cơ quan chuyên ngành là Cục Điện ảnh (Cục trưởng Cục Điện ảnh), về gắn bó với Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, đắm mình trong bầu không khí học thuật, “các con chữ vẫy gọi”, bà mới lại có cơ hội quay trở lại với trang viết. Đây cũng là khoảng thời gian bà được làm nghề một cách miệt mài và say mê, dù phải vượt qua không ít khó khăn, thử thách. Được bạn bè, gia đình ủng hộ từng ngày, từng giờ, bà đã tập trung hoàn thiện và xuất bản cuốn sách Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập.

Cuốn sách hệ thống lại một chặng đường dài hơn ba chục năm, cố gắng phác thảo rõ nét về điện ảnh Việt Nam, từ khi bước vào công cuộc đổi mới (1986) đến đầu năm 2023. Trong cuốn sách lần này có những bài phê bình đã viết từ đầu những năm 1990. Khi xuất bản sách, bà biên tập, sửa chữa phù hợp với cách nhìn hôm nay. 

Cuốn sách "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập"

Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập được in ấn đẹp, dày 384 trang, có nhiều hình ảnh phim minh họa sinh động, được chia làm 2 phần.

Phần một: Điện ảnh Việt Nam từ thời đổi mới; gồm 2 chương: Chương I "Diện mạo điện ảnh Việt Nam từ những năm 1990 đến nay", khái quát bối cảnh, những dấu mốc đáng nhớ của điện ảnh Việt Nam chuyển mình từ bao cấp sang cơ chế thị trường với sự ra đời của các dòng phim: phim Nhà nước đặt hàng, phim tư nhân, phim độc lập. Chương II "Phê bình những bộ phim chọn lọc thời đổi mới", tập hợp những bài viết lý luận, phê bình về tác phẩm điện ảnh và phong cách của các đạo diễn đã ghi dấu ấn trong thời kỳ đổi mới. Có những bài phê bình được viết ngay từ khi bộ phim ra đời, từ những năm 1990 đến nay, có thể kể đến; Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi, Thị trấn yên tĩnh, Thằng Bờm, Gánh xiếc rong, Chung cư, Mê Thảo thời vang bóng, Ai xuôi vạn lý, Vào Nam ra Bắc, Chuyện của Pao… Kịch bản và cấu trúc phim, các tình huống trong phim, cách xử lý những cảnh quay, âm nhạc, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật và diễn xuất của các diễn viên… được tác giả phân tích và phê bình bằng chuyên môn hàn lâm, nhưng lại diễn đạt với ngôn ngữ giản dị mà mực thước, nên dễ dàng phù hợp với bất kỳ ai quan tâm và yêu thích các tác phẩm điện ảnh nước nhà.

Phần hai của cuốn sách cũng gồm 2 chương: Chương 1: "Những chặng đường điện ảnh Việt Nam đến với quốc tế", Chương 2: "Trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam", là một số tiểu luận, bài viết về sự phát triển, thăng trầm của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trên con đường xây dựng nền công nghiệp điện ảnh. Trong phần này, tác giả cũng phác thảo "sơ đồ" các liên hoan phim quốc tế, chặng đường đến với quốc tế của điện ảnh Việt Nam, những thách thức và bài học kinh nghiệm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là bà luôn trăn trở với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới bằng điện ảnh.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương nhận định, tác giả đã rất dày công và tinh tế khi viết phê bình hầu hết những bộ phim có dấu ấn từ thời điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập. Điều này rất đáng quý, vì phê bình là một địa hạt khó, luôn có những ý kiến, nhận xét trái chiều. Bên cạnh một nhà phê bình phim uy tín, có thể thấy ở TS Ngô Phương Lan một nhà quản lý có tầm nhìn với những bài viết tâm huyết về việc làm thế nào để xây dựng thành công nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đưa điện ảnh Việt Nam vào vị trí xứng đáng trong bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới.

NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ tại buổi ra mắt sách: ông biết TS Ngô Phương Lan từ khi bà học ở Liên Xô về nước năm 1988, đã đọc những bài báo đầu tiên của bà. Chính ông là người đã gợi ý TS Ngô Phương Lan tập hợp những bài báo có giá trị để in thành sách. Ông đánh giá: TS Ngô Phương Lan là người được đào tạo bài bản về lý luận điện ảnh, có lối viết sắc sảo, đúng mực và là một trong những gương mặt lý luận điện ảnh tên tuổi ở châu Á.

Đánh giá cao cuốn sách của TS Ngô Phương Lan, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tâm sự ông đã đọc nhiều bài báo của TS Ngô Phương Lan, đó chính là cái nhìn toàn cảnh về điện ảnh chứ không phải là phác thảo như tác giả khiêm tốn ghi ở tiêu đề cuốn sách.

Đạo diễn Lê Đức Tiến thì nhận định: TS Ngô Phương Lan là lý luận phê bình luôn trân trọng tài năng điện ảnh, đây là một điều rất quý, và là một trong những nhà lý luận phê bình điện ảnh có nhiều đóng góp.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại lễ ra mắt sách

Nhận xét về cuốn sách, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng nhiều bài viết có thể coi là những công trình nghiên cứu giá trị, được tác giả đúc kết trong hơn 3 thập kỷ lao động, gắn bó và cống hiến cho ngành Điện ảnh. Cuốn sách cũng thể hiện tình yêu chung thủy của tác giả với ngành Đện ảnh, nơi bà đã gắn bó từ thời hoa niên đến tận bây giờ. Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Công ty Sách Liên Việt, nói cuốn sách có thể làm tài liệu khảo cứu cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hoặc sinh viên ngành điện ảnh tham khảo.

TS Ngô Phương Lan sinh năm 1963 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp Khoa Lý luận, phê bình điện ảnh (Điện ảnh học) - Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK) năm 1988. Bà đảm nhận vị trí Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL (2011-2018), Giám đốc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF, 2012 -2018). Bà đang là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khóa I, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương khóa V; Giám đốc Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF); Ủy viên Ban Chấp hành Mạng lưới Xúc tiến điện ảnh châu Á (NETPAC).

Năm 2017, TS Ngô Phương Lan được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

NGÔ HUYỀN - Ảnh: TUẤN MINH

 

;