Sơn La: Nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số

Theo thông tin từ Sở VHTTDL Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2024, với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Sở, ngành đã chủ động, kịp thời tham mưu, trình Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, kế hoạch quan trọng; cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Sở VHTTDL đã lập Báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo bản thảo 2 cuốn sách Nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La; Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế; Báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023;… và đề nghị Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo KT- KT dự án: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử Lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm, huyện Mường La.

Đồng thời, tích cực chủ động tham mưu, ban hành nhiều kế hoạch cụ thể, thiết thực như: Sưu tầm hiện vật; Chuyển đổi số di sản văn hóa; Bảo quản hiện vật tại các kho và phòng trưng bày chuyên đề; Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La; Lập hồ sơ di sản văn hóa Lễ Xên Lẩu Nó của người Thái đen, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Số hóa phim, ảnh; Bảo vệ và phát huy giá trị sưu tập cổ vật trống đồng tỉnh Sơn La (Giai đoạn 2024 - 2026); Kiểm kê hiện vật tại kho Bảo tàng; tư liệu hóa, số hóa hiện vật năm 2024; Lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; xử lý hiện vật thuộc di chỉ khảo cổ Hang Tắng, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên khai quật được năm 2023...

Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát giá trị di tích và sưu tầm, nghiên cứu tư liệu có liên quan đến di tích, phỏng vấn nhân chứng lịch sử phục vụ công tác biên soạn lý lịch di tích xây dựng bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa Miếu Lắc Mẳn, xã Sốp Cộp, huyện Sốp cộp trình xếp hạng di tích cấp tỉnh...

Đến nay, toàn ngành đã tiến hành: phục vụ 206.000 lượt khách tại các điểm di tích, công trình văn hóa - tâm linh do Bảo tàng tỉnh quản lý; Bảo quản 6.0363 hiện vật tại kho Bảo tàng, Nhà trưng bày và nhà kho Di sản văn hóa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La; Kiểm kê, rà soát, đối chiếu lý lịch 316 hiện vật dân tộc Lào, Khơ Mú, Mường, Mông và kiểm kê lập danh mục 285 phim về chủ đề dân tộc, kháng chiến Pháp, chống Mỹ; Scan 212 tư liệu, ảnh về tù nhân chính trị và hồ sơ di tích; Sưu tầm hiện vật mới: 76 hiện vật; Sưu tầm 44 hiện vật; Kiểm kê 529; xử lý 205 hiện vật đá, 745 mảnh tước, 200 mảnh gốm, cùng nhiều vỏ ốc, xương; Scan 24 bản dập hoa văn thuộc di chỉ khảo cổ Hang Tắng khai quật năm 2023...

Với sự nỗ lực và quyết tâm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, phấn đầu hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, Sở VHTTDL Sơn La sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ: Sưu tầm; kiểm kê; bảo quản hiện vật; lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích; trưng bày triển lãm; số hoá tư liệu, hiện vật; giáo dục trải nghiệm; giáo dục truyền thống; đón tiếp khách tham quan; bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... năm 2024;  xuất bản 2 cuốn sách Nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La; Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế.

MINH HẰNG

;