Tác động của chính sách hướng biển đối với văn hóa xã hội Đàng Trong thế kỷ XVI – XVIII

Trong thời kỳ đầy biến động của lịch sử Việt Nam, TK XVI - XVIII, chính quyền vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong có chính sách rất khác nhau đối với biển và hoạt động ngoại thương. Nếu như Đàng Ngoài có cái nhìn khắt khe, có phần hạn chế với biển thì Đàng Trong lại có cái nhìn cởi mở, hướng mạnh hơn về phía biển. Với những chính sách hướng biển mạnh mẽ ấy, chúa Nguyễn đã tạo nên những tác động sâu rộng đến tình hình văn hóa xã hội Đàng Trong TK XVI - XVIII.

      Tác động văn hóa

      Chính sách hướng biển, hướng ngoại của chúa Nguyễn tạo nên sự hiện diện và hoạt động của người phương Tây trong một thời kỳ rất sôi động. Điều này không chỉ tác động lớn tới tình hình chính trị, bang giao, kinh tế, xã hội và quân sự mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… ở Đàng Trong. Chuyển biến văn hóa tín ngưỡng sâu đậm, nhất là sự thâm nhập của đạo Thiên chúa và sự ra đời của quốc ngữ.

      Cùng với những thương thuyền của thương nhân tới Đàng Trong để thâm nhập trao đổi, buôn bán thương mại là dấu chân của những giáo sĩ Thiên chúa giáo thuộc nhiều dòng tu khác nhau như: Hội truyền giáo Dòng tên, Hội truyền giáo hải ngoại Paris mà chủ yếu là các giáo sĩ người Bồ Đào Nha và người Pháp. Đầu năm 1615, Tổng giám mục các giáo đoàn Bồ Đào Nha ở Viễn Đông đóng trụ sở ở Ma Cao cử phái đoàn Dòng Tên đến Hội An để lập ra giáo đoàn Đàng Trong.

      Những chính sách khá khắt khe với tôn giáo của một số quốc gia trong khu vực như Nhật Bản tác động lớn đến định hướng truyền đạo của các giáo sĩ Phương Tây. Nhật Bản ra luật cấm đạo đã khiến cho nhiều giáo sĩ tòa giám mục Ma Cao phải đổi hướng đi truyền đạo và địa điểm mà họ tìm đến thiên về phía Nam, trong đó, Đàng Trong của chúa Nguyễn là một mảnh đất mà họ hướng đến trong lộ trình của mình. Những lý do chính trị ấy cũng là một cơ duyên để năm 1624, giáo sĩ người Pháp Alechxdre de Rhodes sau một năm chờ đợi và học tiếng Nhật ở Macao, cuối cùng được phái vào Đàng Trong. Ông là người có vai trò rất quan trọng trong quá trình truyền bá đạo Thiên chúa vào Việt Nam.

      Mặt khác, đầu TK XVII, hệ tư tưởng Nho giáo vốn đã ngự trị trong tâm thức người Việt từ lâu nay, dần bị suy thoái. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, vì chiến tranh, đói kém, quan lại nhũng nhiễu. Trong lúc ấy, một dòng tư tưởng mới về Chúa cứu thế, về tình thương, sự an ủi, sự bình đẳng của mọi người trước Chúa và tìm cách giúp đỡ những người nghèo khổ lại thu hút được một lực lượng giáo dân khá lớn. Chính vì vậy, lực lượng tín đồ Thiên chúa giáo ở Đàng Trong, trước tác động của bối cảnh chính trị khu vực và Đàng Trong, đã tăng lên đáng kể. Sự du nhập của đạo Thiên chúa vào Đàng Trong đã đem lại một sự thay đổi lớn trong đời sống văn hóa - tôn giáo của cư dân bản địa. Nếp sống tinh thần của cư dân đã thay đổi, thay vì truyền thống Nho giáo cũ là những sinh hoạt tinh thần theo Tây phương.

      Bên cạnh việc giao giảng giáo lý Thiên chúa, các giáo sĩ cũng bắt đầu mở lớp dạy kiến thức về khoa học tự nhiên. Vì vậy, một bộ phận người dân Đàng Trong đã sớm tiếp thu với trình độ mới của nền văn minh phương Tây, học hỏi được những tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại. Từ đó, ra đời và hình thành nên một số nghề thủ công mới như nghề đóng tàu hàng hải, nghề làm đồng hồ… và các kỹ thuật mới cũng được áp dụng trong kinh tế. Đời sống vật chất cũng dần có sự thay đổi.

      Một biến đổi rất lớn trong văn hóa xã hội thời kỳ này mà cho đến hôm nay, chúng ta vẫn được sử dụng và thụ hưởng là việc hình thành chữ quốc ngữ. Mặc dù mục đích sâu xa của các giáo sĩ không hẳn là mang đến hệ ngôn ngữ Latin cho người Việt dễ sử dụng mà chủ yếu là để phục vụ cho công cuộc giảng kinh và truyền bá kiến thức nhưng vai trò của việc dùng chữ cái Latin để ghi lại các từ tiếng Việt là vô cùng quan trọng. Cuốn từ điển 3 thứ tiếng Việt - Latin - Bồ Đào Nha và cuốn Latin - Việt do ông xuất bản ở Rome năm 1651 đã đánh dấu sự xuất hiện thật sự, hiển nhiên của một thứ văn tự mới, dùng mẫu tự Latin để ghi âm tiếng Việt. Dần dần, do ưu thế có thể phiên âm tương đối chính xác tiếng Việt, hệ thống chữ Latin ghi tiếng Việt được gọi là “quốc ngữ” (1). Khi đó, vai trò của giáo sĩ Alechxdre de Rhodes được đánh giá rất cao. Nhà nghiên cứu người Pháp Georges Taboubet cho rằng: “Công việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái Latin, điểm thêm các dấu quy ước là một sáng tạo tập thể mà đóng góp chủ yếu là các linh mục Di Pina, Borri, Gaspar de Amaral, Antonio, Barbosa nhưng linh mục De Rhodes đã có công hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến văn tự mới này” (2). Chữ quốc ngữ ra đời đã tạo ra một sự chuyển biến rất lớn trong ngôn ngữ và chữ viết của nhân dân hay ít nhất là trong bộ phận giáo dân. Họ không học chữ nho mà vẫn có thể học được chữ quốc ngữ. Sự chuyển biến này không chỉ tác động đến xã hội Đàng Trong mà còn có vai trò lớn trong sự phát triển của văn hóa Việt Nam mãi về sau này.

      Chính sách hướng biển của chúa Nguyễn đã thúc đẩy sự hưng khởi của các đô thị như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn… Năm 1618, giáo sĩ Borri đã nhận xét: “Hải cảng đẹp nhất Đàng Trong, nơi mà thương nhân ngoại quốc thường lui tới buôn bán là hải cảng thuộc tỉnh Cacciam (tức Quảng Nam)… thành phố đó (Hội An) lớn lắm, đến nỗi người ta có thể nói có hai thị trấn: một của người Trung Quốc, một của người Nhật Bản” (3). Ngoài ra, có sự phát triển mạnh mẽ của một số thị tứ như: Tam Kỳ, Nước Mặn, Kim Sơn, An Thái… Các thương cảng, đô thị và thị tứ không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn trở thành trung tâm trao đổi văn hóa và tiếp thu những giá trị văn minh phương Tây. Một phong cách văn minh đô thị hình thành, vừa làm phong phú đời sống chính trị - văn hóa vừa làm giàu và làm đẹp qua sự phát triển kinh tế và giao lưu buôn bán ở trong và ngoài nước” (4). Chính những trung tâm này trở thành điểm giao lưu kết nối văn hóa của Đàng Trong và thế giới bên ngoài hiện đại. Đây cũng chính là cơ sở để tạo nên sự giao lưu văn minh Đông - Tây diễn ra mạnh mẽ ở thời cận đại sơ kỳ.

      Khi các thương nhân nước ngoài đến Đàng Trong, nhà Nguyễn áp dụng chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho người ngoại quốc cư trú, buôn bán, thậm chí lấy vợ là người Việt để trở thành trung gian kết nối hàng hóa với những đoàn thuyền buôn cập bến vào gió mùa. “Phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại” (5). Chính sự phát triển mạnh mẽ của hải thương đã lôi cuốn nhiều thành phần cư dân vào hoạt động thương mại. Sự hòa nhập ấy tạo nên sự chuyển biến trong nếp sinh hoạt, trong văn hóa của cộng đồng dân cư. Chính thành phần gia đình không hoàn toàn thuần Việt như trước, lại có những thế hệ sau mang một nửa dòng máu ngoại quốc nên các gia đình đó thể hiện một cách rõ nét sự giao lưu về mặt văn hóa. Văn hóa Việt cũng từ đó mà tiếp thu và hội nhập thêm yếu tố mới, trở nên phong phú đa dạng hơn.

      Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế ngoại thương và sự ra đời của các thành thị phồn thịnh đã tác động đến nếp sống và nếp sinh hoạt của Đàng Trong. Nếp sống phố thị và hệ giá trị khác được hình thành dần ở một số thị tứ, thương cảng và đô thị Đàng Trong. Thói quen sử dụng hàng hóa từ phương Tây và hàng xa xỉ phẩm chiếm một số lượng lớn hương, vòng, kim xuyến, ngân tuyến, y phục, giày, kính, quạt giấy, bút mực, các thứ đồ đồng, đèn lồng… (6). Những người thành thị cũng dần thay đổi thói quen sinh hoạt. “Họ ưa thích các đồ vật kỳ lạ của xứ khác, kết quả là họ đánh giá và mua đắt nhiều đồ vật mà với người khác là ít giá trị, thí dụ như: lược và kim may, vòng đeo tay, hoa tai và các đồ trang sức của phụ nữ” (7). Hơn nữa, đối với tầng lớp quan lại và giới chức bên trên, từ nhà cửa, trang phục đều có sự hướng ngoại và dùng hàng xa xỉ hoặc là những đồ lạ từ Tây phương. “Họ sẵn sàng trả mức giá cao hơn bình thường để có được các sản phẩm đó. Quan viên lớn nhỏ không ai là không nhà cửa chạm gọt, tường vách, gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn, gỗ trắc, chén mâm đồ sứ, đồ hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, phú quý phong lưu, đua nhau khoe đẹp. Những sắc mục ở dân gian cũng mặc áo đoạn hoa bát ty và áo sa, lương, địa làm đồ mặc ra vào thường, lấy áo vải, áo mộc làm hổ thẹn. Binh sĩ đều ngồi chiếu mây, dựa quả tựa hoa, ôm lò hương cổ, hãm chè hảo hạng, uống chén sứ bịt bạc và nhổ ống, nhổ thau, đĩa bát ăn uống thì không có gì không phải hàng bắc, một bữa cơm ba bát lớn. Đàn bà con gái thì đều mặc áo the và hàng hóa, thêu hoa ở cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xỉ rất mực” (8).

Cảng biển thông thương ở Đàng Trong 
dưới triều vua Gia Long. Ảnh tư liệu

      Đàng Trong, trong quá trình hình thành và phát triển, vẫn mang những đặc trưng của xã hội Đông Nam Á truyền thống với những ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng với những tác động ảnh hưởng từ bên ngoài, nhất là sự dự nhập của thương nhân nước ngoài như Trung Hoa, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan…, văn hóa Đàng Trong đã tiếp nhận được những giá trị mới. Chính những giá trị mới ấy cũng góp phần làm cho chính quyền và cư dân Đàng Trong có cái nhìn cởi mở, linh hoạt và năng động hơn.

      Xã hội

      Nguồn lợi kinh tế mà Đàng Trong thu được do chính sách hướng biển và hướng ngoại mang lại không nhỏ, tạo ra sự chuyển biến trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Mức sống của người dân Đàng Trong ngày càng được nâng cao, sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ tiền tệ thể hiện chính quyền phong kiến còn thay thế một phần hay toàn bộ thuế ruộng, thuế dung, thuế điệu bằng tiền. Mặt khác, ngoại thương phát triển còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của giai cấp phong kiến, các mặt hàng xa xỉ đáp ứng nhu cầu của vua chúa, không chỉ dừng lại ở các sản vật tự nhiên lụa là, gấm vóc, mà còn có các mặt hàng công nghệ cao của Tây phương. Gương, đồng hồ, các mặt đá trang sức, gấm vóc, đo đạc lạ kỳ bằng pha lê, một số đồ vật về quang học như đèn áo đăng, ống xem hoa, lăng trụ, ống nhòm hoặc những máy móc, thảm dệt. Đó là chưa kể những thứ xa xỉ khác như đồ chạm trổ bằng vàng bạc, những đồ sứ quý giá, gạch hoa, đá hoa để xây dựng cung điện (9). Dẫn theo lời kể của thương nhân họ Trần ở Quảng Đông, Lê Quý Đôn cho biết: “Ở Đàng Trong, hàng hóa bán đi chạy lắm, hàng hóa nhiều, lớn, không có ế đọng… kẻ có người không cùng nhau đổi chác, không ai là không thỏa được sở thích” (10).

      Khi đời sống vật chất của người dân Đàng Trong được nâng cao, họ có điều kiện để quan tâm nhiều hơn đến đời sống tâm linh. Điều đó thể hiện khá rõ khi tác giả Vũ Minh Giang so sánh các vật cúng được ghi nhận tại hai ngôi chùa Phật giáo vào giữa TK XVII, một ở gần Hội An và một ở gần Phố Hiến, trung tâm thương mại chính của Đàng Ngoài. Các tính toán của tác giả cho thấy rằng các đóng góp cho ngôi chùa ở phía Nam trung bình cao hơn gấp 8 lần các đóng góp cho ngôi chùa ở phía bắc và rằng, đóng góp ở phía Bắc chủ yếu gồm thóc gạo, trong khi ở phía Nam những đóng góp này thường là bằng tiền (11).

      Tác động của chính sách kinh tế tạo nên sự phồn thịnh của đời sống cư dân và kéo theo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cấu trúc xã hội Đàng Trong. Những cư dân bản địa thay đổi thích ứng hơn với thương mại, ngoại thương, đặc biệt là hải thương. Trong xã hội, xuất hiện tầng lớp thương nhân, thợ thủ công chuyên nghiệp, những người khai thác mỏ, lâm sản cùng những đội thu lâm sản vật trên các đảo đã mang đến một hình thái mới và làm thay đổi thành phần, cấu trúc xã hội Đàng Trong. Đặc biệt, sự hiện diện của các thương nhân phương Tây, các nhà truyền giáo đến Đàng Trong không chỉ làm cho nền kinh tế Đàng Trong phát triển mạnh mẽ mà còn tác động đến bộ máy chính quyền lãnh đạo của chúa Đàng Trong. Tầng lớp quý tộc và tầng lớp lãnh đạo chính quyền Đàng Trong, ngoài việc trọng dụng những người bản địa là căn cốt, đã tiếp nhận thêm yếu tố mới về khoa học và kỹ thuật từ phương Tây bằng cách dung nạp trong bộ máy của mình những người giúp việc đến từ châu Âu. Năm 1686, chúa Hiền đã lấy quyền của mình bắt Bartholemêo da Costa, bác sĩ của chúa đang chuẩn bị về lại châu Âu, phải từ Ma Cao trở lại Đàng Trong để tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho chúa. Nguyễn Phúc Chu đã dùng Antonio de Arnedo năm 1704 và De Lima năm 1724 để dạy ông về toán và thiên văn học. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738- 1765) cũng đã dùng Newgebawer và Siebert. Khi những người này qua đời năm 1745, ông đã dùng Slamenski và Koffler thế chỗ cho họ. Năm 1752, chúa sử dụng thừa sai dòng tên Xavier de Moteiro, nhà hình học và Jean de Loureira, bác sĩ (12). Qua đây, trong bộ máy lãnh đạo và giúp việc Đàng Trong, chúng ta thấy sự xuất hiện của nhân tố người phương Tây. Đây là một đặc điểm mới và hiếm thấy trong tiền lệ của lịch sử Việt Nam. Chúa Nguyễn có một cách nhìn nhận cởi mở và tiến bộ trong việc tiếp nhận các nhân tố mới để góp sức cho sự phát triển của chính quyền mới.

     Kết luận

     Chính sách hướng mạnh về phía biển và phát triển hoạt động ngoại thương đã tạo nên sự thay đổi diện mạo của xứ Đàng Trong. Một xã hội cũ đã dần chuyển biến, đan xen vào đó là yếu tố văn hóa mới của xã hội văn minh và một cấu trúc xã hội mới đã hình thành. Thế kỷ XVI – XVIII ở Đàng Trong đã diễn ra một cuộc giao lưu tiếp xúc văn hóa mạnh mẽ giữa một phương Đông truyền thống với một phương Tây hiện đại văn minh với những cách thức sản xuất tiên tiến. Trong quá trình tiếp thu có chọn lọc, những trung tâm kinh tế, văn hóa sầm uất ở Đàng Trong đã tiếp thu những yếu tố văn minh mới, đồng thời bảo tồn giá trị của nền văn hóa cổ truyền và tạo nên dáng vẻ vừa hiện đại vừa cổ kính như ngày nay.

_______________

1. Jacques Roland, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến 1650), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.39.

2. Đô thị cổ Hội An, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr.281.

3, 7. Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb TP.HCM, 1998, tr.91, 90.

4. Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI- XVII, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007, tr.565.

5. Thích Đại Sán, Hải ngoại ký sự, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1999, tr.154.

6, 8, 10. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, quyển IV, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.257, 227.

9. Nguyễn Văn Kim, Các nguồn hàng và thương phẩm của Đàng Trong, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 4 (420) - 2011, tr.15.

11, 12. Litana, Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1999, tr.135, 122.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

;