Tái hiện Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Bài chòi

Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên đã được các nghệ nhân tái hiện lại một cách sinh động tại quảng trường Đại đoàn kết, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết toàn dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2022.

Lễ hội cầu ngư là một loại hình lễ hội truyền thống dân gian độc đáo của ngư dân các làng chài ven biển ở khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng, là một trong những sinh hoạt văn hóa mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân vùng biển, gắn với các tín ngưỡng thờ cúng cá Ông.

Lễ hội cầu ngư được tổ chức long trọng trang nghiêm vào tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, là dịp người dân tưởng nhớ những vị thần linh đã phù trợ cho họ; cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặn, để ngư dân khi lênh đênh trên biển được bình an trở về với nhiều tôm, cá.

Lễ hội cầu ngư bao gồm 2 phần: Phần lễ được diễn ra một cách trang nghiêm với những nghi thức tế lễ như: Lễ rước Sắc; Lễ rước (thỉnh) Bà Thiên Y A Na, rước Thành Hoàng bổn cảnh, rước âm hồn, cô hồn; Lễ Nghinh Ông Nam Hải; Chèo hầu bả trạo; Lễ thỉnh Sanh; Lễ tế Thần Nam Hải; Lễ khai tiên.

Sau phần lễ là phần hội. Phần hội được diễn ra một cách sinh động qua các loại hình diễn xướng dẫn gian. Tùy vào điều kiện của mỗi địa phương mà có những hình thức tổ chức phần hội riêng và phù hợp, như các trò chơi dân gian vùng biển: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co,... và đặc biệt là các loại hình nghệ thuật được lồng ghép rất đặc sắc: múa siêu, hát Tuồng, Bài chòi và Hát Bả trạo.

Hát bả trạo là một hình thức hát múa đặc trưng của Lễ hội cầu ngư (bả: nắm, trạo: chèo đò). Hát múa bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hoạt động nghệ thuật, thể hiện sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa linh, rước hồn “Đức Ông”; thể hiện tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân.

Nghệ thuật Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc, có từ lâu đời của nhân dân các tỉnh Trung bộ Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng, được thể hiện dưới hình thức hội chơi bài chòi và trình diễn các làn điệu bài chòi. Nghệ thuật Bài chòi hình thành trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, rất gần gũi và gắn bó với cuộc sống đời thường của người dân. Qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, cùng với các loại hình văn hóa dân gian truyền thống khác, Nghệ thuật Bài chòi đã thấm sâu vào trong tâm thức của người dân Phú Yên, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân địa phương, đặc biệt là vào những dịp lễ hội truyền thống hoặc vào dịp Tết Nguyên đán.

Không gian tồn tại của Nghệ thuật Bài chòi trải khắp trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Ngoài những nét tương đồng thì tùy vào địa phương mà có những dị biệt tạo nên điểm nhấn riêng đầy ấn tượng, và Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên là một trong những tinh hoa văn hóa mang đậm tính chất vùng, miền. Những giá trị văn hóa đặc sắc của Nghệ thuật Bài chòi Phú Yên góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của nền văn hóa dân tộc. 

LINH GIANG - Ảnh: TUẤN MINH

 

;